"Không đúng thì mình làm lại". Câu nói ngỡ như đùa nhưng lại là thật của một chức sắc ở tỉnh Gia Lai sau khi tỉnh này tuyển dụng 13 công chức không đúng quy định và 6 người trong đó là người thân của quan chức địa phương.
Trước đó, Thanh tra Bộ Nội vụ cũng phát hiện 13 thạc sĩ được UBND tỉnh Tiền Giang tuyển thẳng về công tác tại địa phương từ năm 2014-2016 không đúng với quy định, trong đó cũng có người là người thân của quan chức tỉnh này.
Lâu nay, được vào làm việc trong các cơ quan nhà nước là mơ ước của nhiều người trẻ. Họ đi làm, trước hết là để kiếm sống nếu là con của thường dân, cán bộ bình thường; còn với con quan chức, dù có nhà cao cửa rộng, tiền bạc dồi dào thì đi làm cũng là một nguyện vọng, một nhu cầu chính đáng. Hơn nữa, vào làm việc cơ quan nhà nước cũng hàm nghĩa đóng góp công sức xây dựng cơ quan, đơn vị. Với một số trường hợp, cũng có thể nói rằng họ đã góp phần cống hiến vào sự phát triển của địa phương, của đất nước, góp phần phục vụ nhân dân.
Tuy nhiên, nếu tuyển dụng minh bạch và sòng phẳng thì "con quan" hay "con dân" đều tâm phục khẩu phục, miễn là người đó có năng lực thực sự. Nhưng riêng với "con quan", đó không chỉ là đầu vào thuận lợi đầu tiên mà trong quá trình công tác, chắc chắn "con quan" được nâng đỡ trên các bậc thang danh vọng hơn là "con dân", đó là thực tế không thể chối cãi.
Tuyển dụng không minh bạch đã tạo ra bất công với người dự tuyển từ "đầu vào" và cả "đầu ra" khi tài năng, đức độ của mỗi người đều xếp sau và phụ thuộc vào xuất thân của họ. Khi trao cơ hội tốt đẹp cho người này bằng cách thức không minh bạch có nghĩa là đã tước đi cơ hội tốt đẹp của người khác có thực tài, có tâm nguyện cống hiến phục vụ nhân dân, đất nước.
Xin đừng xem đây là chuyện nhỏ mà phải nhìn rõ là chuyện hệ trọng, quyết định tương lai cả một đời người. Nó không như chuyện trẻ con chơi trò ô ăn quan, chơi không vừa ý thì xóa đi, chơi lại. Trong chừng mực nào đó, dư luận có quyền chất vấn phải chăng đây là "trò chơi" mà luật chơi trong tay một số người. Khi trò chơi kết thúc vì bị phát hiện thì làm lại, có gì mà phải nghiêm trọng hóa sự việc (!?). Câu chuyện này cũng chứng tỏ một thực trạng đã nói lâu nay về tuyển dụng, bổ nhiệm và đem khái niệm "quy trình", "hoàn cảnh địa phương" ra biện bạch khi dư luận lên tiếng phản đối.
Ai cũng mong một bức tranh sáng tươi hơn khi người chủ trì tuyển dụng hành xử minh bạch. Nếu ngược lại, thật buồn cho người xứng đáng lại lệ thuộc cả tương lai, hy vọng vào tay người khác. Khi hiền tài phải lách qua khe cửa hẹp hoặc cánh cửa đã đóng chặt, ai có lỗi đã làm lãng phí nguyên khí quốc gia?
Cải cách lương, cải cách bộ máy
Ngày 17/10 vừa qua, Chính phủ đã có cuộc khảo sát đầu tiên về chính sách tiền lương- cuộc khảo sát được xem như sự ... |
Gánh nặng chi thường xuyên của bộ máy và biên chế
Việt Nam có gần 3 triệu công chức, viên chức, tương đương tỷ lệ 30,5 người ăn lương ngân sách trên một nghìn dân. |
http://nld.com.vn/thoi-su/cua-hep-voi-nguoi-tai-20171021223528415.htm