Cải cách lương, cải cách bộ máy

Ngày 17/10 vừa qua, Chính phủ đã có cuộc khảo sát đầu tiên về chính sách tiền lương- cuộc khảo sát được xem như sự khởi động đề án cải cách tiền lương của công chức- vấn đề sẽ được bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 7 vào giữa năm 2018. Nói như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - người dẫn đầu đoàn khảo sát của Chính phủ trong cuộc làm việc với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thì cải cách tiền lương không chỉ là điều chỉnh tiền lương cơ bản, tiền lương tối thiểu mà còn rất nhiều vấn đề khác liên quan đến chính sách tiền lương...

Đây không phải lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề cải cách tiền lương mà thực ra, vấn đề tiền lương đã được Đảng, Nhà nước đặt ra từ rất lâu. Năm 1960, với sự trợ giúp của chuyên gia nước ngoài, Việt Nam đã thực hiện cải cách tiền lương áp dụng với người làm việc trong khu vực nhà nước, công nhân viên chức, sĩ quan. Hệ thống lương quy định cụ thể theo công việc chức vụ, nhiệm vụ gắn với trình độ chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo. Tuy nhiên, thời kỳ này ngoài lương thì Nhà nước bao cấp mạnh theo tem phiếu thậm chí cán bộ công chức có nhà ở phân phối, tổng người hưởng lương nhà nước thời điểm này khoảng 1 triệu người.

Năm 1985, Việt Nam cải cách tiền lương lần thứ 2 và tới năm 1993 là lần cải cách tiền lương lớn nhất từ trước tới nay. Lần này, cải cách đã mở rộng quan hệ tiền lương, cùng hệ thống thang, bảng lương.

Nhưng, nói như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương thì, không phải không có những bất cập trong chính sách tiền lương dù ta đã vài lần cải cách. Bất cập ấy theo như Phó Thủ tướng là: Chưa làm người lao động gắn bó với công việc, mức lương tối thiểu chưa bảo đảm mức sống tối thiểu, quan hệ tiền lương mang tính bình quân, thấp hơn nhiều quan hệ tiền lương trên thị trường lao động, hệ thống thang bảng lương phức tạp và lạc hậu, mở rộng đối tượng và các loại phụ cấp tạo bất cập cho các cơ quan, có rất nhiều các loại phụ cấp, cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập còn nhiều bất cập (lương gồm lương cơ bản, thưởng, phụ cấp và khoản ngoài lương mà khoản ngoài lương lớn hơn lương), tiền lương của lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quá cao so với hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp rồi sau này điều chỉnh lại thì bất cập mới là tiền lương lãnh đạo DNNN lại bị đóng khung.

Nguyên nhân của thực trạng này có nhiều; trong đó có chuyện đối tượng hưởng lương tăng nhanh mà ngân sách không đáp ứng kịp (tính tới nay là hơn 8 triệu người hưởng lương từ ngân sách), nguồn lực ngân sách hạn chế; chậm cụ thể hoá quan điểm chi tiền lương là chi đầu tư phát triển để nâng cao chất lượng công chức; chưa tạo đột phá về quản lý ngân sách; chưa quản lý tốt tiền lương; chưa khắc phục bất cập quản lý DNNN, đơn vị sự nghiệp công.

Nhớ lại, trong một phiên thảo luận của Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 3 liên quan đến tình hình ngân sách, chính Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã phải thốt lên: “Nói về ngân sách nhưng thực ra là đồng bộ và liên quan đến các ngành, liên quan đến các lĩnh vực. Bây giờ có cắt cái gì thì vẫn cắt nhưng biên chế, tổ chức cứ phình ra thì không thể nào cơ cấu lại được ngân sách, không thể nào giảm chi thường xuyên được”.

Điều mà Bộ trưởng Tài chính nói là không hề sai vì, chả nói đâu xa, trong quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015, con số quyết toán chi ngân sách nhà nước vượt 7,52%, 88.525 tỷ đồng; trong đó chi thường xuyên vượt dự toán 1,5% tức 11.500 tỷ đồng.

Gánh nặng biên chế đang góp phần làm cho chúng ta có tỷ lệ chi thường xuyên quá cao. Và số người hưởng lương ngân sách càng cao thì kéo theo nguồn cho cải cách lương bổng càng hạn hẹp. Mà lương thấp thì cán bộ khó tận tâm, tận lực với công việc; rồi sinh ra nhũng nhiễu và rất có thể từ đó sinh ra tham nhũng: Từ tham nhũng vặt đến tham nhũng lớn. Một vòng luẩn quẩn khiến cho cải cách hành chính của chúng ta mãi vẫn chỉ cải mà không cách cho nổi.

Ban Chấp hành Trung ương trong Hội nghị Trung ương 6 vừa qua đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề này và yêu cầu trong thời gian tới, toàn hệ thống chính trị phải chủ động, tích cực vào cuộc, coi đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một nhiệm vụ cơ bản và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, được đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Trong đó, chú ý bảo đảm tính đổi mới, tổng thể, hệ thống, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; đổi mới tích cực, mạnh mẽ, nhưng không nôn nóng từ cực này nhảy sang cực kia; gắn đổi mới bộ máy tổ chức với đổi mới phương thức lãnh đạo, với tinh giản biên chế và cải cách tiền lương; xử lý hài hoà mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội không để các thế lực thù địch, các phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc, chống phá, chia rẽ nội bộ.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khi đề cập đến việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong của các tổ chức thuộc hệ thống chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Việc tinh gọn ấy phải gắn việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm tỉ lệ người phục vụ, nhất là khối văn phòng. Thực hiện giao và quản lý chặt chẽ biên chế trên cơ sở phân loại tổ chức, xác định rõ vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức. Tiến hành tổng kết việc thi tuyển, bổ nhiệm, sử dụng, đánh giá và thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ để đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…

Như thế để thấy, thực ra, cải cách tiền lương cũng chính là vấn đề mà Trung ương đã bàn bạc nhiều. Và lần nào, Trung ương cũng nhận thấy, phải cải cách tiền lương gắn với sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế.

Vấn đề là phải có sự quyết liệt từ Trung ương tới địa phương trong quá trình sắp xếp và tinh giản bộ máy; nếu không mọi thứ cũng chỉ là hô khẩu hiệu trên giấy mà thôi. Và, cơ cấu chi thường xuyên thì vẫn lớn (tới 61.15% trong dự toán ngân sách năm 2016) nhưng lương công chức vẫn èo uột, không đủ sống được bằng lương. Một kết quả rất dễ nhìn thấy nhưng không phải dễ thực hiện, bởi vì, ngành nào cấp nào đó chưa thực sự quyết tâm.

Gánh nặng biên chế đang góp phần làm cho chúng ta có tỷ lệ chi thường xuyên quá cao. Và số người hưởng lương ngân sách càng cao thì kéo theo nguồn cho cải cách lương bổng càng hạn hẹp. Mà lương thấp thì cán bộ khó tận tâm, tận lực với công việc; rồi sinh ra nhũng nhiễu và rất có thể từ đó sinh ra tham nhũng: Từ tham nhũng vặt đến tham nhũng lớn. Một vòng luẩn quẩn khiến cho cải cách hành chính của chúng ta mãi vẫn chỉ cải mà không cách cho nổi.

Khảo sát tiền lương tại ngành Toà án

Ngày 18.10, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công do ...

Trung ương bắt đầu khảo sát về chính sách tiền lương

Sáng 17.10, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công do Uỷ viên Bộ ...

Vụ án Giám đốc viện Nhi bày mưu giết vợ từng chấn động Hà Nội: Khai quật tử thi thành công nhờ kế hoạch điệu hổ ly sơn (Kỳ 4)

Chỉ có duy nhất một biện pháp đó chính là khai thuật tử thi, xét nghiệm thì mới có thể có đáp án cho những ...

http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/cai-cach-luong-cai-cach-bo-may-383082

/ Hoàng Mai/daidoanket.vn