Người dân không đồng tình, cho rằng có hiện tượng "né trách nhiệm" trong xử lý vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Sáng 14/10, tại phiên họp Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết vừa qua người dân quan tâm nhiều đến vụ gian lận thi cử ở Hà Giang, nhất là sau khi có kết quả kiểm điểm.
"Người dân cho biết không đồng tình vì Hà Giang xử lý chưa đúng đối tượng, có hiện tượng né trách nhiệm tương đối rõ", ông Phúc nói và đề nghị tỉnh này phải xử lý làm sao để dân "tâm phục khẩu phục".
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Đọc báo cáo trước đó, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết cử tri của 8 địa phương tại kỳ họp thứ 6 và 20 địa phương tại kỳ họp thứ 7 kiến nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xảy ra gian lận thi cử tại kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Trả lời cử tri, Bộ Giáo dục và Đào tạo nói Bộ chịu trách nhiệm về quy trình kỹ thuật gồm phần mềm chấm thi, công tác quán triệt quy chế thi, công tác thanh tra. Bộ đã tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và đề ra giải pháp khắc phục. "Tuy nhiên, trả lời không nêu rõ cá nhân, đơn vị nào vi phạm, mức độ vi phạm và xử lý thế nào", bà Hải nói và cho biết cử tri cho rằng vụ gian lận thi cử năm 2018 tỉnh Hòa Bình và Sơn La đã xử lý nghiêm khắc, đủ sức răn đe cán bộ vi phạm.
Theo trưởng ban Dân nguyện, người dân cũng băn khoăn những kỳ thi trước có xảy ra sai sót nào hay không vì việc chấm thi THPT quốc gia bằng phần mềm bắt đầu từ năm 2016. "Cử tri mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát, xử lý những vi phạm tại kỳ thi 2018 nếu có, để đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật", bà Hải nói.
Ngày 1/10, Ủy ban Kiểm tra tỉnh Hà Giang công bố 46 đảng viên bị kỷ luật vì nâng điểm, hoặc nhờ nâng điểm cho con cháu trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Trong đó, 42 đảng viên bị khiển trách, một người bị cảnh cáo, ba người bị khai trừ Đảng. Trong số này có bà Triệu Thị Giang (Phó phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch Đầu tư), em gái ông Triệu Tài Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang.
29 cán bộ, đảng viên khác phải "kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc" vì liên quan đến gian lận. Trong đó có bà Phạm Thị Hà (Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vợ ông Triệu Tài Vinh. Bà Hà phải kiểm điểm Chi bộ và Đảng ủy Sở vì để em chồng tác động nâng điểm cho con.
Tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, Hà Giang có 114 thí sinh với hơn 330 bài thi được nâng điểm. Do bị phát hiện sớm, thí sinh được trả về điểm thực trước mùa xét tuyển đại học 2018.
Tháng 7/2018, Cơ quan An ninh Điều tra, Công an tỉnh Hà Giang khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 356, Bộ Luật Hình sự 2015. Ngày 18/9, tại phiên sơ thẩm xét xử hai cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (bà Triệu Thị Chính và ông Phạm Văn Khuông) cùng ba đồng phạm, TAND tỉnh Hà Giang thông báo hoãn đến ngày 14/10. |
Hà Giang mở lại phiên xét xử vụ tiêu cực điểm thi
TAND tỉnh Hà Giang mở lại phiên xét xử sơ thẩm vụ tiêu cực điểm thi THPT quốc gia 2018. Phiên tòa trước đó bị ... |
Ông Triệu Tài Vinh và một giấc mơ
Vợ ông Triệu Tài Vinh bị kiểm điểm vì em chồng gian lận điểm thi. Một giấc mơ của riêng tôi, về những cái khó ... |
Dân không mù, dư luận không lòa thưa ông Triệu Tài Vinh
Ông Triệu Tài Vinh có thể nói rằng ông không biết gì về chuyện này, người ta đã "gắp điểm bỏ tay con ông", nhưng ... |