Cú “sốc” kép và hành trình “phá kén” của nam sinh trường Quốc học Huế

Trong số 145 sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên của Đại học VinUni có 32% được các Tập đoàn toàn cầu mời làm việc ngay khi chưa tốt nghiệp với mức lương và đãi ngộ hấp dẫn, lên tới 7.500 USD/tháng. Trong số đó, Cao Gia Bảo, tân cử nhân Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, sẽ trở thành kỹ sư nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nanyang Singapore (NTU), top 15 thế giới theo xếp hạng QS 2024.

Các tân cử nhân cùng Hiệu trưởng David Bangsberg lưu giữ khoảnh khắc vui vẻ trong ngày tốt nghiệp.
Cao Gia Bảo – Tân cử nhân Viện Kĩ thuật và Khoa học máy tính, nhận bằng đại học với thành tích xuất sắc tại Lễ tốt nghiệp niên khóa đầu tiên của VinUni.

“Phá kén” để bay cao

Học Trường THPT chuyên Quốc học Huế - ngôi trường trứ danh miền Trung, nhưng khi đầu quân cho Đại học VinUni, Cao Gia Bảo nói: “Em bị sốc!”

Đầu tiên là sốc văn hóa khi em vốn đã quen với nhịp sống rất chậm, rất trầm ở Huế, trong khi ở VinUni, mọi thứ đều hối hả, sôi động. Bảo càng bị áp lực hơn trước bạn bè trang lứa. Nhất là khi nhìn xung quanh thấy các bạn đều quá giỏi giang và năng động. Song, Bảo cũng sớm nhận ra “cày” lấy điểm số không phải là điều mình thực sự mong muốn và cũng không phải là điều mà VinUni đòi hỏi ở các sinh viên.

Bảo đã chọn giải tỏa bằng cách viết một bài dài trên trang facebook cá nhân. Bài viết bất ngờ nhận được rất nhiều phản hồi động viên, chia sẻ từ bạn bè. Chàng sinh viên nhanh chóng lấy lại tinh thần, và tìm ra điều mình thực sự say mê và muốn thử sức. Đó chính là phát triển web.

Bảo quyết định thử thách bản thân bằng việc đóng cửa trong phòng, dành gần như 24h/ngày để học. Khoá học 3 tháng với hơn 100 bài học đã được Bảo hoàn thành chỉ trong hai tuần. Khoá học “siêu tốc” cũng giúp Bảo nhận thức rõ năng lực và thế mạnh của bản thân và giúp em tự tin hơn.

“Quan trọng hơn nữa là em nhận ra điều mình thực sự mong muốn là phải tạo ra tác động xã hội, có giá trị cho những người xung quanh”, Bảo chia sẻ.

Học ở ngôi trường đẳng cấp quốc tế, chương trình chuẩn hoá, Bảo cho hay những kiến thức chuyên môn được trang bị cho sinh viên rất bài bản. Nhưng không chỉ dừng ở đó, VinUni còn là môi trường rèn giũa, giúp sinh viên có kỹ năng vượt trội, có khả năng lãnh đạo và nội lực mạnh mẽ.

Cao Gia Bảo cho biết VinUni giúp bản thân trưởng thành hơn, có quyết tâm mạnh mẽ để mang lại cuộc sống tốt hơn cho mọi người.

“Định hướng đào tạo của trường là đào tạo thực chiến, tạo cơ hội cho sinh viên, làm nhiều, thất bại nhiều, thất bại nhanh nhưng lớn lên cũng rất nhanh. Em đã học bài học đó ngay từ năm thứ nhất trong hành trình vượt qua rào cản từ chính mình và càng đến năm cuối lại càng thấm nhuần hơn,” Bảo nói.

Tham gia một dự án khởi nghiệp cùng người bạn từ năm thứ hai đại học cũng là lúc Bảo nhận ra những “lỗ hổng” kỹ năng của bản thân như: kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình… Điểm yếu kỹ năng càng bộc lộ rõ ràng hơn khi Bảo đi thực tập ở một công ty phần mềm vào năm thứ ba. Những lỗi phần mềm với cách em trình bày, khiến các nhân viên khác khó hiểu.

Cú sốc thứ hai khi bước ra môi trường thực chiến, giúp Bảo nhận ra mình cần hoàn thiện bản thân hơn nữa. “6 tháng thực tập đã thay đổi em rất nhiều, chỉ cho em thấy vai trò của kỹ năng mềm và em phải làm chủ các kỹ năng đó”, Bảo chia sẻ.

Năm thứ 4 đại học, Bảo lại tiếp tục nhận được bài học lớn khác về kỹ năng quản lý, chịu trách nhiệm trước công việc được giao. Đó là khi em được VinUni trao vào tay Dự án nâng cấp website của trường.

Là sinh viên năm cuối, Bảo phải dành thời gian rất nhiều cho việc học, làm đồ án tốt nghiệp. Trong khi đó, Dự án nâng cấp website liên quan đến nhiều phòng ban, khối lượng công việc lớn, đòi hỏi sự điều phối nhiều bên và tiến độ nhanh. Dù lăn xả ngày đêm, Bảo vẫn không thể hoàn thành tiến độ yêu cầu. Và Bảo đã một lần nữa, chọn cách… thu mình “chui vào kén”.

“Đây cũng là giai đoạn cho em thấy VinUni là môi trường luôn đầy ắp yêu thương khi mọi người luôn sẵn sàng đứng ra hỗ trợ. Em hiểu không phải nơi nào cũng kiên nhẫn cho mình có được những bài học và những cơ hội thứ 2 như thế”, Bảo xúc động nói.

Các tân cử nhân cùng Hiệu trưởng David Bangsberg lưu giữ khoảnh khắc vui vẻ trong ngày tốt nghiệp.

Khát vọng phát triển quê hương

Gia Bảo hôm nay đã hoàn toàn “lột xác” so với cậu học trò trường Quốc học Huế 4 năm trước bỡ ngỡ bước vào VinUni.

Tư tưởng, mục đích sống của em đã thay đổi. Nếu năm thứ nhất, Bảo cho biết, em chỉ mơ sẽ đầu quân cho một công ty lớn, thì bây giờ, mục tiêu là trở thành một cá nhân có tác động đến xã hội. Tiêu chí chọn nơi làm việc là giá trị công ty hướng đến phải phù hợp với mục tiêu đó.

Không còn là chàng trai thấy khó, áp lực thì sợ hãi, Bảo hôm nay đầy nội lực, tự tin sau khi trải qua nhiều lần thất bại. Từ không dám mơ ước bước ra thế giới, Bảo đã sẵn sàng với mục tiêu tạo ra giá trị không chỉ cho riêng mình mà còn tác động tích cực, làm đổi thay xã hội.

Khi nói về những cú “phá kén” ngoạn mục của bản thân, Bảo luôn nhắc đến VinUni với lòng biết ơn sâu sắc. Bảo cho hay, hành trình 4 năm ở trường đại học đã cho em quá nhiều bài học quý.

“Em vô cùng biết ơn thầy cô, bạn bè ở VinUni vì đã luôn yêu thương, khích lệ, động viên, sẵn sàng trao cho em những cơ hội mà em không nghĩ mình có thể có được, và “nhào nặn” em thành con người như hôm nay: Tự tin, đầy nội lực và khát khao cống hiến”, Gia Bảo nói.

Giờ đây, Bảo đang chuẩn bị bước vào hành trình mới ở một chân trời xa hơn. Bảo được nhận vào làm kỹ sư nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nanyang Singapore - NTU từ trước khi tốt nghiệp. Chia sẻ về tương lai, chàng trai Huế bật mí, mình và người bạn thân ấp ủ sẽ thành lập một doanh nghiệp, giúp quê hương phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn.

“Em muốn mở ra một công ty có hệ giá trị tư tưởng, có tác động tích cực đến sinh viên, con người ở Huế, làm sao để vẫn giữ được bản sắc văn hóa của Huế nhưng cũng phải thay đổi lối sống chầm chậm qua ngày vì điều đó rất lãng phí nguồn lực. Muốn mang lại cuộc sống tốt hơn cho mọi người cũng là tinh thần em học được ở VinUni, phải luôn luôn đổi mới, và em muốn mang sự thay đổi cho Huế”, Bảo nói đầy tin tưởng và hứng khởi.

 
 
PV / petrovietnam.petrotimes.vn