Theo ông Khuất Việt Hùng, tình huống mà CSGT đang vướng mắc khi thực thi nhiệm vụ là xử phạt người vi phạm và phải chứng minh tại hiện trường.
Vi phạm mười mươi mà cứ cãi trắng
Tại phiên giải trình do Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội thực hiện ngày 6/3, đề cập đến một số vấn đề liên quan xử phạt vi phạm giao thông được, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn Giao thông quốc gia đề nghị phải tạo điều kiện hành lang pháp lý minh bạch cho lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ.
Theo ông, quy định hiện nay về việc yêu cầu người xử phạt vi phạm giao thông là phải chứng minh vi phạm, điều này đang đi ngược lại với các nước. Bởi thông thường về mặt hành chính thì cứ xử phạt đã, còn nếu thấy việc xử phạt đó không đúng thì người bị xử phạt có thể kiện ra toà.
Trao đổi thêm với Đất Việt về đề xuất "xử phạt người vi phạm không cần chứng minh", ông Khuất Việt Hùng khẳng định, quy định phải chứng minh vi phạm là đúng, vấn đề là chứng minh ở đâu và khi nào?
Ông Khuất Việt Hùng. Ảnh: Infonet
Ông chia sẻ, thực tế, tình huống mà lực lượng CSGT đang vướng mắc khi thực thi nhiệm vụ là xử phạt người vi phạm và phải chứng minh tại hiện trường, điều này rất bất cập.
"Khi CSGT viết và ký vào biên bản xử phạt nghĩa là đã xác định người kia vi phạm và CSGT chịu trách nhiệm về việc này, còn người kia có công nhận hay không thì là quyền của họ.
Đa số người dân hiểu đúng nhưng có một bộ phận cố tình tranh cãi và tranh cãi ngay tại hiện trường, làm khó và ngăn cản lực lượng CSGT thực thi nhiệm vụ tại vị trí đó.
Chẳng hạn, nếu CSGT mải tranh cãi với một người vi phạm thì sẽ bỏ ra rất nhiều ngời vi phạm khác. Và khi tranh luận sẽ dẫn đến tâm lý bực bội, mệt mỏi trong khi có người cứ dí điện thoại vào mặt mình để quay, cuối cùng CSGT sẽ phản ứng, thậm chí còn có người cố tình khiêu khích làm CSGT nổi nóng.
Vì lẽ đó, cần phải xem lại quy định xử phạt vi phạm giao thông phải chứng minh vi phạm, chứng minh ở đâu? Tại tòa, cơ quan hành chính hay chứng minh trước ai? Nếu người vi phạm không đồng ý với nội dung xử phạt này thì có quyền đưa ra tòa.
Có người vừa lái xe vừa nghe điện thoại, CSGT dừng lại và trong trường hợp không có hình ảnh chụp lại hoặc hình ảnh chụp bị mờ, người đó lập tức bảo họ không nghe điện thoại, có thể tranh luận rằng hình ảnh này là photoshop. Khi ấy, việc chứng minh tại hiện trường rất bất cập.
Nếu người vi phạm cho rằng hình ảnh ghi lại kia là không đúng thì có thể ra tòa, đề nghị Viện Khoa học Hình sự vào cuộc kiểm tra xem ảnh này là photoshop hay ảnh ghép. Trong trường hợp không có ảnh thì mời người làm chứng, nếu người làm chứng khẳng định người kia vi phạm thì anh phải chịu phạt. Đó là nguyên tắc xử lý hành chính".
Chia sẻ với bất cập mà ông Khuất Việt Hùng chỉ ra, Trung úy Phan Đức Hùng thuộc Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho biết, nhiều trường hợp người dân vượt đèn đỏ mười mươi mà cứ "cãi trắng", khẳng định mình không vượt và còn đòi xem hình ảnh.
"Nhiều khu vực chúng tôi làm nhiệm vụ không có camera chụp lại. CSGT cũng chỉ học nghiệp vụ, không học quay phim chụp ảnh, ra đường làm việc còn cầm máy quay theo thì rất bất tiện.
Trường hợp có camera thì việc trích xuất cũng gặp nhiều khó khăn bởi nhiều khi CSGT không nắm được camera đó là của lực lượng nào. Ngay cả việc mời người tham gia giao thông trên đường làm chứng cũng rất phức tạp.
Khi xử phạt thì người qua đường chứng kiến vi phạm đã đi qua mất rồi, chẳng ai đỗ lại ở đó mà xem, tìm người khác thì không khách quan", Trung úy Phan Đức Hùng kể.
Hướng xử lý khi ấy là CSGT vẫn làm quyết liệt theo quy định, người vi phạm cuối cùng cũng nhận sai và chịu trách nhiệm nhưng rất mất thời gian trong việc xử lý.
Thay đổi quy định pháp luật còn bất cập
Trung úy Phan Đức Hùng cho biết, bất cập trên đã được các anh phản ánh lên cấp trên, nhưng về nguyên tắc, lực lượng CSGT vẫn phải xử lý khi người dân vi phạm và phải làm một cách khách quan, khiến người vi phạm tâm phục khẩu phục.
Còn ông Khuất Việt Hùng tái khẳng định, quy định xử phạt phải chứng minh là đúng nhưng có nhiều cách để chứng minh, trong đó nếu không chấp nhận kết quả xử lý thì người vi phạm có thể kiện ra tòa và khi tòa ra phán quyết thì buộc phải chấp nhận.
"Phải khắc phục bất cập này bằng cách tăng cường lắp đặt các thiết bị công nghệ, đồng thời tiếp tục sửa đổi các quy định của pháp luật còn bất cập", ông nói.
Ngoài vấn đề trên, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia cũng lưu ý đến quyền cưỡng chế của người thực thi công vụ.
Theo ông Khuất Việt Hùng, các nước khác trang bị nhiều quyền của CSGT để thực thi nhiệm vụ, như: đề nghị dừng xe và để tay lên trên, nếu không thậm chí anh có thể bị trấn áp ngay. Trong khi đó, ở Việt Nam, hễ CSGT cưỡng chế lập tức là bị nói "CSGT đánh dân" và trở thành câu chuyện lớn, dù người kia có thể có hành vi chống đối.
"Chúng ta cần chống tiêu cực nhưng cũng cần phải trang bị cho cảnh sát điều kiện để họ thực thi đúng nhiệm vụ mà pháp luật yêu cầu: ai vi phạm thì xử lý, ai chống đối thì cưỡng chế.
Nếu ai cảm thấy oan sai có thể khởi kiện ra tòa và CSGT ra tòa mà sai cũng bị xử lý theo quy định pháp luật.
Muốn xây dựng nhà nước pháp quyền mà trước hết phải xây dựng văn hóa thực thi pháp luật, văn hóa pháp quyền trong nhân dân", ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.
Đội phó CSGT tử vong lúc làm nhiệm vụ đang nuôi vợ bị ung thư
Chiến sĩ Nguyễn Quang Luận - Đội phó Đội CSGT số 1, Phòng CSGT tỉnh Bắc Giang đang nuôi vợ ung thư và 2 con ... |
CSGT phát hiện 82 tài xế dương tính ma túy trên cao tốc, quốc lộ
20 ngày tuần tra trên quốc lộ 1A, Cục CSGT phát hiện và xử lý 82 lái xe dương tính với ma túy, hàng trăm ... |
CSGT bắt quả tang nhóm người khai thác cát trái phép
Đang dùng tàu hút cát trái phép trên sông Hậu lúc rạng sáng, Tuấn và Bảo bị cảnh sát giao thông bắt quả tang. Chiếc ... |