COVID-19 hoành hành vài ngày, doanh nghiệp lữ hành thất thu nặng nề

Khách hoãn, hủy tour ngày càng ồ ạt trước thông tin dịch bệnh COVID-19 bùng phát dữ dội khiến các công ty du lịch thiệt hại nặng nề.

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tại Hà Nội đúng dịp 30/4 - 1/5, thời điểm thị trường du lịch hoạt động sôi động nhất, như gáo nước lạnh dội xuống các công ty lữ hành. Khách hoãn, hủy tour khiến nhiều công ty thiệt hại nặng nề, túi tiền "bốc hơi" nhanh chóng.

Mất 100 triệu đồng/ngày vì khách hủy tour

Mới chỉ vài ngày trước, thị trường du lịch nội địa đang náo nhiệt, sôi động vì khách ồ ạt đặt mua tour cho dịp nghỉ lễ kéo dài 30/4 - 1/5, nhiều công ty lữ hành phải khóa sổ sớm, dừng nhận khách.

Thế nhưng, "niềm vui ngắn chẳng tày gang".

Đại diện Công ty du lịch BestPrice (Hà Nội) chia sẻ: Tính tới ngày 28/4, lượng khách đặt tour vào dịp nghỉ lễ của doanh nghiệp ước khoảng hơn 3.000 khách, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2020 (là thời điểm vừa hết cách ly lần 1), thậm chí còn nhỉnh hơn một chút so với năm 2019 là thời điểm du lịch hoạt động bình thường. Tuy nhiên, mọi việc thay đổi chỉ sau đó 2 ngày.

Một số lượng lớn du khách của BestPrice đã hủy chuyến vào sáng 30/4 khi đang tham gia tour du lịch, chuẩn bị di chuyển tới khách sạn, do thông tin ca COVID-19 xuất hiện được đưa ra ngay sáng hôm đó. Ngoài ra, một lượng khách khác sắp xuống tiền đặt tour cũng nhanh chóng hủy giao dịch. Liên tiếp những ngày sau đó đến thời điểm này, luôn có khách hoãn, hủy tour. Thiệt hại ban đầu ước tính lên tới hơn 100 triệu đồng/ngày, còn con số đầy đủ thì vẫn chưa thống kê hết", ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing BestPrice nói.

COVID-19 hoành hành vài ngày, doanh nghiệp lữ hành thất thu nặng nề - 1
Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing Công ty Du Lịch BestPrice.

May mắn hơn BestPrice, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) không gặp phải tình trạng khách ồ ạt hủy chuyến ngay trước mỗi tour. Tuy nhiên, đại diện công ty này thừa nhận, lượng khách đặt lịch cho dịp nghỉ hè đã sụt giảm rõ rệt. "Phần lớn khách hoãn, hủy những chuyến đi sau dịp nghỉ lễ 30/4 do lo ngại tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn khách đặt tour cho dịp hè. Chúng tôi phải tiếp tục theo dõi tình hình để làm việc với đối tác tại các địa phương và chuẩn bị mọi phương án điều chỉnh theo thực tế”, đại diện Saigontourist cho biết.

Anh Lê Văn Thành, hướng dẫn viên của một doanh nghiệp du lịch ở Hạ Long tâm sự: Ngay khi COVID-19 xuất hiện, công ty của anh đã thông báo giãn giờ làm việc của nhân viên do lượng khách sụt giảm nhanh chóng. Theo anh Thành, tuy chưa đến mức phải nghỉ việc ở nhà chờ hết dịch như những lần trước nhưng hiện anh và đồng nghiệp chỉ được phân việc luân phiên 10 ngày và tạm nghỉ 20 ngày.

"Nếu tình hình dịch bệnh không lắng xuống, chúng tôi lại có nguy cơ thất nghiệp. Mới chỉ đi làm thường xuyên trở lại khoảng 1 tháng nay, chưa kịp vui mừng vì doanh thu khá hơn, nay đã phải lo lắng vì mất việc", anh Thành buồn bã nói.

Theo anh Thành, lượng khách đặt tour đi Hạ Long của công ty anh giảm sút hàng ngày. Ngày 30/4, đoàn khách vẫn còn khoảng hơn 30 người, đến ngày 1/5 thì giảm một nửa và hiện giờ thì rất vắng, chỉ còn vài khách mỗi tour. "Nhiều người ngay khi biết tin dịch bệnh đã lập tức hủy hành trình, chấp nhận mất tiền và bỏ phí mua vé quay về vì sợ lây lan hoặc cách ly. Những người đã đặt nhưng chưa đi tour thì bỏ tiền cọc để hủy chuyến. Mỗi tour đang rất vắng, nguồn thu không bù đủ chi nhưng công ty vẫn phục vụ theo đúng chất lượng đã cam kết", anh Thành nói.

COVID-19 hoành hành vài ngày, doanh nghiệp lữ hành thất thu nặng nề - 2
Tour du lịch Hạ Long ngày càng vắng khách giữa đại dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: Internet)

Từng chấp nhận hòa vốn, giảm giá tour kịch sàn để giành thị phần sau ảnh hưởng COVID-19, đại diện một công ty lữ hành ở Hà Nội buồn phiền khi mọi công sức đều "đổ sông bể". "Chiến lược của hãng trước đó là làm phi lợi nhuận nhằm kích cầu thị trường. Chúng tôi chấp nhận hòa vốn, tạo cơ hội cho khách được đi du lịch giá rẻ. Chúng tôi kỳ vọng có thể đạt lợi nhuận vào tháng 6 tới, nhưng tình hình này chắc khó có thể lạc quan. Thậm chí, chúng tôi chắc chắn chịu thiệt hại lớn do mất khách và những chi phí đầu tư vào làm các chương trình kích cầu du lịch hè", vị này cho biết và tiết lộ thêm ban lãnh đạo công ty đã bàn bạc để tính đến việc sử dụng quỹ dự phòng khi xảy ra dịch bệnh, thiên tai sao cho hợp lý.

Đại diện nhiều công ty bày tỏ sự lo lắng không yên trước những diễn biến ngày càng xấu đi của dịch bệnh. Mặc dù đã quen với cảnh dịch bệnh đến thì tạm dừng bán tour, chờ dịch bệnh đi qua lại tiếp tục đón khách trở lại nhưng các công ty lữ hành vẫn rất lo lắng vì mỗi lần "ngủ đông" là mỗi lần mất khách, thất thu. "Khi dịch bệnh tạm lắng, chúng tôi có hoạt động trở lại cũng phải mất một thời gian để phục hồi, đua giành thị phần một cách khốc liệt", lãnh đạo một công ty than thở.

Hiện trên Facebook, nơi được coi là "chợ" rao bán tour du lịch sôi động, hoạt động hiện khá trầm lắng. Chị Thanh Lan ở Thanh Xuân, Hà Nội - người đại diện cho một đại lý du lịch nhỏ lẻ - cho biết: "Nếu để ý, bạn sẽ thấy chỉ vài ngày trước, la liệt các status mời chào khách mua tour du lịch hè, do đại lý đồng loạt chạy quảng cáo để hút khách. Tuy nhiên bây giờ đã giảm hẳn, vì khách không còn mặn mà như trước nữa". Trên nhiều nhóm, diễn đàn về du lịch, những phản hồi tích cực của khách hiện khá ít ỏi, phần lớn đều bày tỏ ý định hạn chế du lịch thời điểm này để chung tay phòng chống COVID-19.

Tìm cách sống chung với dịch

Tuy lo lắng vì COVID-19 bùng phát song hầu hết công ty lữ hành khi được hỏi đều thể hiện quyết tâm chống dịch. "Dịch bệnh là yếu tố bất khả kháng, chúng ta phải chấp nhận, tìm cách chống đỡ, thích nghi", đại diện BestPrice khẳng định.

Nhiều công ty còn cho biết, lựa chọn phương án phát triển du lịch an toàn thay vì ngưng hẳn hoạt động như những lần trước.

Theo Hanoitourist, tuân thủ mục tiêu kép, vừa phòng dịch, vừa phát triển kinh tế, vì vậy đối với những tour du lịch đến các vùng có dịch, công ty sẽ hỗ trợ khách hàng đổi địa điểm đến những nơi không bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh như không có ca mắc mới trong công đồng, không có ổ dịch… Cùng với đó công ty hướng đến phát triển hình thức du lịch nhóm nhỏ, du lịch đi riêng và kích cầu du lịch ở những địa điểm mới để khách không bị dồn quá đông vào những trung tâm lớn như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc…

Việt Nam chúng ta có tới 63 tỉnh thành, nơi nào cũng có các địa điểm du lịch hấp dẫn vì vậy công ty sẽ đưa ra các chương trình mới để thu hút khách dàn trải ra các địa điểm khác nhau vừa phòng dịch lại vừa tạo tâm lý an toàn cho du khách. Bên cạnh đó, công ty tập chung vào hình thức khách đi gia đình và đi xe riêng. Một trong những loại hình du lịch phát triển gần đây là kiểu du lịch caravan (đi xe tự lái) theo gia đình hoặc nhóm bạn nhỏ và du lịch ngắn ngày, địa điểm gần không di chuyển máy bay đang là xu thế thời điểm này. Do đó, nếu biết tận dụng, đổi mới, các công ty du lịch vẫn còn cơ hội phát triển”, ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Hanoitourist tự tin nói.

COVID-19 hoành hành vài ngày, doanh nghiệp lữ hành thất thu nặng nề - 3
Du lịch gia đình được coi là cơ hội mới cho các doanh nghiệp lữ hành. (Ảnh minh họa: Internet)

Tương tự, đại diện Saigontourist cho biết luôn theo dõi diễn biến mới nhất tại các địa phương để kịp thời đưa ra phương án phục vụ khách phù hợp nhất. "Tuy chưa hủy tour nhưng công ty đã trao đổi với các đơn vị cung ứng như máy bay, khách sạn… để giải quyết cho khách chuyển sang tour khác với điểm đến an toàn hơn hoặc hỗ trợ khách hủy tour theo diện chính sách. Khi tình hình dịch bệnh được khống chế và có diễn tiến khả quan hơn, Saigontourist sẽ triển khai nhiều sản phẩm kích cầu với chính sách giá cả ưu đãi, hấp dẫn cũng như áp dụng các hình thức khuyến mãi, hậu mãi, các giá trị cộng thêm, đa dạng hóa chương trình tham quan để thu hút khách hàng", lãnh đạo Saigontourist chia sẻ.

Vị này cam kết, trong hành trình tour, công ty luôn tuân thủ các quy tắc phòng chống dịch bệnh.

Thừa nhận hoạt động giữa đại dịch COVID-19 là vô cùng khó khăn song nhiều công ty lữ hành vẫn xem đây là thời điểm "vàng" để tập trung vào công tác đào tạo, tái đào tạo nguồn nhân lực cũng như rà soát lại quy trình tổ chức tour, chăm sóc khách hàng, xây dựng sản phẩm…nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm.

"Sẽ đến lúc dịch bệnh được kiểm soát, lúc đó đơn vị nào nghiêm túc chỉnh đốn, làm mới mình sẽ có nhiều cơ hội để đứng vững trong cuộc cạnh tranh giành thị phần cam go. Do vậy, chúng tôi coi đây là lúc không chỉ thích ứng mà còn phải đổi mới", đại diện một công ty du lịch khẳng định.

THANH HIỀN

Covid-19 thiêu rụi giấc mộng toàn cầu của Ấn Độ Covid-19 thiêu rụi giấc mộng toàn cầu của Ấn Độ
Ca tử vong Covid-19 Ấn Độ có thể vượt một triệu vào tháng 7 Ca tử vong Covid-19 Ấn Độ có thể vượt một triệu vào tháng 7
Thêm 8 ca Covid-19 ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Thêm 8 ca Covid-19 ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

/ vtc.vn