Trong 1 tuần qua, số ca mắc COVID-19 tăng gần 4 lần so với tuần trước, nhiều bệnh nhân nhập viện phải thở oxy, thở máy, Bộ Y tế ban hành công văn khẩn yêu cầu tăng cường phòng chống dịch bệnh.
Theo Bộ Y tế, dịch bệnh COVID-19 trong nước gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay. Trong 7 ngày qua (từ ngày 5-11/4), đã có 639 ca mắc mới, trung bình có 90 ca mắc mỗi ngày, tăng 3,8 lần so với 7 ngày trước đó. Trong đó, có 193 ca thuộc nhóm từ 50 tuổi trở (chiếm 30,2% số mắc mới).
Số ca nhập viện cũng gia tăng. Số bệnh nhân nặng trong tuần là 10 ca, trung bình 1-2 ca nặng mỗi ngày. Tính riêng ngày 12/4, ghi nhận 261 ca mắc mới COVID-19, con số cao nhất tính từ đầu tháng 4 đến nay.
Tại một số bệnh viện, ca mắc COVID-19 phải nhập viện điều trị cũng tăng đáng kể, chủ yếu là người cao tuổi.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số ca COVID-19 nhập viện cũng tăng lên so với tháng 3. Tại Khoa Hồi sức tích cực đang điều trị cho khoảng hơn 10 bệnh nhân nặng, trong đó có 5 ca thở máy, một số ca phải thở oxy. Các trường hợp còn lại là những người có bệnh lý nền nặng cần chăm sóc đặc biệt nhưng phải can thiệp oxy.
Ngoài ra, một số trường hợp nhập viện để điều trị bệnh lý khác nhưng lại bị nhiễm SARS-CoV-2 tại viện, dẫn tới biến chứng nặng.
Khoa Virus Ký sinh trùng của bệnh viện cũng đang theo dõi 78 ca mắc COVID-19.
Tương tự, Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội nếu trong tháng 3 tại đây chỉ ghi nhận 25 ca COVID-19 nhập viện, thì, từ 1/4 đến nay, cơ sở y tế này tiếp nhận 75 bệnh nhân đến điều trị COVID-19.
Mặc dù không có ca mắc COVID-19 nguy kịch nhưng có nhiều ca phải thở oxy. Bệnh nhân điều trị nội trú đều là người cao tuổi, có bệnh nền.
Trước xu hướng gia tăng của dịch bệnh, Bộ Y tế đã có công văn khẩn chỉ đạo các địa phương tăng cường phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, TP tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.
"Các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.
Đồng thời, thúc đẩy tiêm vaccine phòng COVID-19 đạt mục tiêu đề ra, huy động sự tham gia của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể để triển khai quyết liệt việc rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là với các nhóm có nguy cơ cao" công văn khẩn nhấn mạnh.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương chủ động giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục, giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Y tế để chủ động phát hiện sớm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Bộ Y tế cũng lưu ý các địa phương chỉ đạo tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong và thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị...
Đồng thời, tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Theo Bộ Y tế, tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra. Hiện Tổ chức Y tế thế giới vẫn đánh giá dịch COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế trong bối cảnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch, sự biến đổi, xuất hiện của các chủng virus, các biến thể mới trong tương lai.
https://cand.com.vn/y-te/covid-19-co-xu-huong-gia-tang-cac-dia-phuong-khong-duoc-chu-quan-i689865/