COP27: Thông qua thỏa thuận khí hậu tổng quát cuối cùng

Sáng 20/11, các quốc gia tham gia Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP27) đã nhất trí về một thỏa thuận khí hậu toàn diện trong phiên bế mạc toàn thể diễn ra cùng ngày tại thành phố Sharm El-Sheikh, Ai Cập.

Sau các cuộc đàm phán căng thẳng và kéo dài vượt quá thời gian dự kiến, sáng sớm 20/11 (giờ địa phương), Hội nghị COP27, do Ai Cập đăng cai tổ chức tại thành phố Sharm El-Sheikh, đã thông qua thỏa thuận khí hậu tổng quát cuối cùng của COP27. Ngoại trưởng nước chủ nhà Sameh Shoukry, đồng thời là Chủ tịch COP27, đã gõ búa để biểu thị văn kiện thỏa thuận chính trị của COP27 đã được thông qua bằng sự đồng thuận.

cop27-201122-2.jpg -0
Các đại biểu hoan nghênh khi Chủ tịch COP27 Sameh Shoukry phát biểu trong phiên họp bế mạc hội nghị. Ảnh: Reuters

Trước đó ít phút, đại diện của các quốc gia đã thông qua điều khoản của thỏa thuận liên quan việc thành lập một quỹ đặc biệt để bù đắp những tổn thất và thiệt hại mà các quốc gia dễ bị tổn thương phải gánh chịu do tác động của sự nóng lên toàn cầu, sau khi Thụy Sĩ yêu cầu cần thêm 30 phút để xem xét kỹ lưỡng bản dự thảo thỏa thuận tổng thể cuối cùng.

Phiên họp toàn thể đã thông qua điều khoản về việc thành lập quỹ "tổn thất và thiệt hại" để giúp các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra.

Các phái đoàn tham dự COP27 đã bày tỏ sự ủng hộ sau khi quỹ bồi thường "tổn thất và thiệt hại" được nhất trí thông qua sau 2 tuần đàm phán căng thẳng, liên quan tới yêu cầu của các nước đang phát triển. Theo đó các nước giàu có lượng phát thải lớn phải bồi thường cho những tổn thất và thiệt hại mà các đang phát triển phải gánh chịu do các hình thái thời tiết cực đoan.

Nội dung này không nằm trong chương trình nghị sự chính thức ban đầu, tuy nhiên nỗ lực của các nước đang phát triển đã biến đây thành chủ đề được quan tâm nhất tại hội nghị, và việc Hội nghị thông qua thỏa thuận thành lập quỹ bồi thường được các nhà chuyên môn đánh giá là bước tiến lịch sử. Bước đột phá này mang lại hy vọng cho các cuộc đàm phán tại COP27 nhằm đạt được thỏa thuận cuối cùng của hội nghị.

Quỹ bồi thường sẽ bao gồm các khoản chi trả cho những tổn thất và thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu, từ nhà cửa và cầu bị cuốn trôi do lũ quét tới nguy cơ biến mất các nền văn hóa và các hòn đảo do mực nước biển dâng cao. Các nước phát triển được yêu cầu đóng góp vào quỹ đền bù, cùng với các nguồn kinh phí tư nhân và quỹ công khác như các thể chế tài chính quốc tế. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính chỉ riêng lũ lụt ở Pakistan đã gây thiệt hại về kinh tế lên tới 30 tỷ USD. Theo một nghiên cứu vào năm 2018, tùy thuộc vào mức độ mà thế giới cắt giảm lượng khí thải carbon, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu có thể khiến các nước đang phát triển tổn thất từ 290 -580 tỷ USD/năm vào năm 2030, và từ 1.000-1.800 tỷ USD vào năm 2050.

Trước đó, Ai Cập thông báo các cuộc đàm phán tại COP27 kéo dài thêm một ngày, đến ngày 19/11. Ngoại trưởng Sameh Shoukry nêu rõ chương trình nghị sự của COP27 có sự thay đổi đột ngột do cần thêm thời gian để các bên tiếp tục đàm phán nhằm thống nhất những nội dung quan trọng của một thỏa thuận cuối cùng, trong đó có nội dung về quỹ bồi thường cho những nước nghèo chịu tác động của biến đổi khí hậu.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres tuyên bố ngay tại hội nghị: "Chúng ta cần đạt được các giải pháp giải quyết vấn đề tổn thất và thiệt hại khí hậu, thu hẹp mức độ phát thải, chuyển giao tài chính. Đồng hồ đã điểm trong khi niềm tin đang bị xói mòn. Các bên tham gia COP27 có cơ hội để tạo ra sự khác biệt ngay từ bây giờ. Tôi kêu gọi hành động và hành động một cách nhanh chóng. Tôi kêu gọi các bên hãy vươn mình giải quyết những thách thức chung của nhân loại. Thế giới đang dõi theo COP27 và có một thông điệp gửi đến chúng ta: Hãy đứng lên và thực hiện. Hãy thực hiện hành động khí hậu có ý nghĩa mà mọi người và hành tinh đang rất cần".

Bên ngoài hội nghị, bầu không khí kêu gọi các bên tham gia hội nghị hành động cũng diễn ra vô cùng quyết liệt. Các cuộc tuần hành khí hậu diễn ra gần như hàng ngày bên ngoài khu vực hội nghị với thông điệp kêu gọi bảo vệ người dân tộc thiểu số, từ bỏ nhiên liệu hóa thạch, bảo vệ các nước nhỏ, các nước dễ bị tổn thương bởi khí hậu: "Thông điệp của chúng ta là hãy bảo vệ quyền con người. Quyền con người phải nằm ở gốc rễ của đàm phán. Tuy nhiên, nó lại đang bị xói mòn bởi lợi ích của các cá nhân, lợi ích của thị trường. Chúng ta phải thay đổi, phải hướng đến sự chuyển dịch".

"Chúng ta phải nhận ra rằng sẽ không có tương lai với nhiên liệu hóa thạch. Chúng ta cần dồn mọi thứ có thể, tất cả tiền bạc, năng lượng, ý chí chính trị vào các giải pháp, mở rộng năng lượng tái tạo, chuyển đổi và loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch", người đứng đầu LHQ cho hay.

Tiếng nói khẩn thiết từ các đại sứ nhí tại COP27

Trong dòng người tham dự hội nghị COP27, bên cạnh những người lớn với trang phục công sở lịch sự trang nhã, còn có cả những trẻ em, những đại sứ thiện chí tí hon được các nước cử đến tham dự hội nghị nhằm góp thêm tiếng nói trong việc bảo vệ môi trường. Các em tuy nhỏ nhưng những câu chuyện của các em về tình trạng khí hậu tại quê hương thì không hề nhỏ chút nào.

Mustafa, cậu bé 12 tuổi, đại diện cho thành phố Minya, bờ tây sông Nile cho biết, biến đổi khí hậu đã khiến thành phố nơi em ở thường xuyên có mưa nặng hạt vào mùa Đông và hệ quả là  điện liên tục bị cắt và các em không được đến trường. Trong khi đó, cô bé Mariram, đại sứ thiện chí của thành phố Cairo, Ai Cập thì cho biết, biến đổi khí hậu đã khiến những tháng mùa hè ở Cairo thành "địa ngục trần gian" khi nhiệt độ luôn dao động ở mức 40 độ C. Mong ước nhất của cô bé là tiếng nói của cô và các bạn khác được các nhà lãnh đạo thế giới lắng nghe và hành động.

https://cand.com.vn/the-gioi-24h/cop27-thong-qua-thoa-thuan-khi-hau-tong-quat-cuoi-cung-i674999/

Khổng Hà / cand.com.vn