Ông Vũ Vinh Phú cảnh báo, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang bị nước ngoài xâm chiếm giống như thương mại bán lẻ trực tiếp.
Một trong những tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, JD.com, đã trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của website thương mại điện tử Tiki.
JD cho biết sẽ hợp tác với Tiki trong nhiều lĩnh vực bao gồm buôn bán, thương mại xuyên biên giới, hậu cần, công nghệ và các hoạt động vận hành, đồng thời hứa sẽ hợp tác với Tiki để đưa các thương hiệu quốc tế vào Việt Nam và ngược lại, mang sản phẩm Việt Nam ra trường quốc tế.
Trước JD, "gã khổng lồ" thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc cũng đã mua lại Lazada, hãng thương mại điện tử lớn ở khu vực Đông Nam Á mà Việt Nam là một trong các thị trường trọng điểm, trong một hợp đồng cho phép Alibaba nắm giữ cổ phần chi phối của sàn thương mại điện tử này.
Trao đổi với Đất Việt, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội bày tỏ nỗi lo thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đang bị thâu tóm cũng như nguy cơ hàng Việt bị "giết chết".
Ông khẳng định, JD, Alibaba hay nhà đầu tư nào vào Việt Nam cũng đều được hoan nghênh và nhờ những thương vụ này, doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam sẽ được cọ xát, phải chuyên nghiệp hơn để cạnh tranh. Tuy nhiên, nỗi lo về sự xâm chiếm là rất lớn bởi các nhà đầu tư ngoại như JD, Alibaba rất mạnh về tiền, về lực, kinh nghiệm, công nghệ và hậu cần.
Website của tiki.vn. Ảnh minh họa
"Rồi đây sẽ còn nhiều nhà đầu tư khác vào và kịch bản với thương mại điện tử Việt Nam sẽ không khác so với thương mại bán lẻ trực tiếp.
Bây giờ mở cửa, việc mua bán các doanh nghiệp, nhất là công ty tư nhân, hoàn toàn không có vấn đề gì, đó là quyền của họ. Nhưng cần lưu ý rằng, cái gì Việt Nam giữ được thì giữ cho chắc, còn bán thì phải có tính toán.
Như trong thị trường bán lẻ trực tiếp, Fivimart, Citimart của Việt Nam sau khi nhận nhiều ưu đãi của Nhà nước đã "bán mình" cho ông lớn bán lẻ Nhật Bản - Aeon, cuối cùng Nhà nước được gì? Phải chăng chúng ta đang hỗ trợ cho chính doanh nghiệp nước ngoài?
Nếu mai này các doanh nghiệp bán lẻ bán hết, cuối cùng Việt Nam sẽ chẳng còn lại gì và người Việt sẽ phải đi làm thuê", ông Vũ Vinh Phú nói.
Đặc biệt, vị chuyên gia bán lẻ cảnh báo, sự phát triển của thương mại điện tử với sự xâm lấn của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đe dọa chính thị trường bán lẻ trực tiếp. Năm 2017, hàng nghìn cửa hàng bán lẻ của Mỹ đã phải đóng cửa do sự trỗi dậy của Amazon và hoạt động thương mại điện tử. Bán lẻ trực tiếp của Việt Nam cũng phải lo ngại về các thương vụ mua bán trên thị trường thương mại điện tử.
"Thương mại điện tử sẽ lấn át thương mại bán lẻ trực tiếp, khi ấy bán lẻ Việt Nam không có đường mà lùi. Bây giờ điều chúng ta lo không phải chỉ ở thị trường mà còn lo vấn đề cạnh tranh giữa hàng Việt với hàng nước ngoài, giữa hệ thống phân phối bán trực tiếp với thương mại điện tử", ông Phú nhận định.
Nỗi lo hàng Việt bị "bóp chết", theo ông Phú là có cơ sở bởi khi các tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc xâm nhập sẽ kéo theo sự xâm nhập của nguồn hàng Trung Quốc giá rẻ.
"Ở bán lẻ trực tiếp, trước đây nhiều ý kiến lạc quan cho rằng khi người Thái mua Big C, Metro thì họ vẫn bán 90% hàng Việt. Thế nhưng thực tế lại khác, hàng Thái không chỉ nhan nhản ở Big C, Metro mà còn len lỏi vào chợ đầu mối và những nơi khác mà người Thái chưa mua. Riêng mặt hàng điện máy hiện nay tại các siêu thị, cửa hàng điện máy, chủ yếu là hàng Thái Lan, hàng Việt còn lại gì ngoài một số mặt hàng nông sản?
Tương tự, hàng may mặc Trung Quốc hiện nay chiếm 50-60% trên thị trường Việt Nam, mặt hàng đồ chơi trẻ em xuất xứ Trung Quốc cũng chiếm ưu thế...
Cũng phải nói rằng, không phải tất cả hàng Trung Quốc đều kém chất lượng. Hàng Thượng Hải, Cáp Nhĩ Tân... của Trung Quốc rất đẹp và đắt tiền, hàng chính ngạch, biết địa chỉ rõ ràng của Trung Quốc có chất lượng cao. Vấn đề là Trung Quốc đưa sang thị trường dễ tính, quản lý không tốt như Việt Nam những hàng kém chất lượng.
Tiền nào thì của ấy, quản lý nào thì hàng đó, nếu chúng ta lơi lỏng thì họ lấn, mà mạnh thì họ lùi. Thị trường thương mại điện tử cũng vậy", vị chuyên gia phân tích.
Tuy nhiên, điều khiến ông Vũ Vinh Phú lo ngại hơn cả là doanh nghiệp Việt tự ép nhau chết trước khi bị nước ngoài xâm lấn.
"Có một thống kê chỉ ra rằng, 10 nhà sản xuất Việt mới có 1 người vào được siêu thị. Chiết khấu, phí gầm bàn... đang giết hàng Việt, khiến hàng Việt không vào được siêu thị. Doanh nghiệp Việt đang yếu, lại tự hại nhau, chẳng khác gì tạo cơ hội cho thương mại điện tử và thương mại trực tiếp của nước ngoài. Tự hại nhau trong nội bộ còn nguy hiểm hơn là bị nước ngoài xâm chiếm", nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cảnh báo.
Nhấn mạnh rằng, các ông lớn thương mại điện tử của Trung Quốc vào Việt Nam vừa là cơ hội vừa là thách thức, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, điều quan trọng là doanh nghiệp Việt học được gì. Theo quan sát của ông thì những doanh nghiệp Việt bán cho nước ngoài học được thì ít mà để họ lấn chiếm thì nhiều.
"Doanh nghiệp Việt đừng chủ quan, cái gì giữ thì giữ cho chặt, còn không thì đi làm thuê. Thương mại điện tử hay thương mại trực tiếp cũng vậy", ông nói.
Người Thái đã mua những gì ở Việt Nam?
Hầu hết thương vụ đầu tư của người Thái đều nhắm tới thị trường hàng tiêu dùng và bán lẻ của Việt Nam, với giá ... |
Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng gấp 2,5 lần Nhật
Việt Nam được đánh giá có tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, với 35% mỗi năm, gấp 2,5 lần Nhật Bản. |