Ngày 25-5, Tổ công tác của Bộ Tư pháp về nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã thảo luận về Đề cương Dự thảo Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cho biết, mặc dù còn thời hạn tổng hợp số liệu nhưng Bộ Tư pháp vừa có văn bản đốc thúc các bộ, ngành, địa phương sớm hoàn thiện Báo cáo tổng hợp việc lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gửi về Bộ Tư pháp.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Hạnh, qua công tác trao đổi, nắm tình hình, có thể nhận định, chưa bao giờ công tác tuyên truyền, phổ biến, truyền thông chính sách được tổ chức quy mô, bài bản, rộng khắp, có kế hoạch chi tiết, cụ thể, thực hiện thành cao điểm với sự tham gia của tất cả các chủ thể như đợt tuyên truyền, phổ biến về công tác sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 lần này.
Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức theo nhiều phương thức khác nhau, như mời các chuyên gia tham dự hội nghị phổ biến và hướng dẫn việc lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp. Cổng thông tin của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí chủ lực mở các chuyên mục, đăng tải liên tục các tin, bài về tiến trình thảo luận, nội dung dự thảo, ý kiến đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhân sĩ trí thức. Đặc biệt, nhiều cơ quan báo chí mở các tuyến bài, chuyên mục về nội dung Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.
Ở cấp cơ sở, lực lượng công an xã, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức họp thôn, phát thanh cơ sở, phát tờ rơi, gõ cửa từng hộ gia đình hướng dẫn góp ý qua ứng dụng VNeID…
Đáng chú ý là việc kết hợp linh hoạt giữa truyền thông hiện đại (báo điện tử, mạng xã hội, các ứng dụng) và truyền thông truyền thống (loa phát thanh, họp dân, tọa đàm trực tiếp) đã giúp tăng độ phủ và chiều sâu tiếp cận, bảo đảm mọi tầng lớp nhân dân, từ công nhân đô thị, trí thức, cán bộ công chức đến đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, đều có cơ hội tiếp cận và tham gia đóng góp ý kiến.
Số liệu thống kê của Cục Báo chí, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, trong thời gian từ ngày 6-5 tới ngày 23-5, đã có 3.808 tin, bài đăng trên các ấn phẩm của cơ quan truyền thông về nội dung này.
Ngay sau khi Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 ban hành Kế hoạch số 05/KH-UBDTSĐBSHP ngày 5-5-2025 về tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 3883/VPCP-PL về việc triển khai tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Tại văn bản này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến bằng các hình thức phù hợp trong quá trình lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến; quản lý thông tin báo chí trong quá trình lấy ý kiến.
Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam mở chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền, phổ biến, đưa tin về hoạt động lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tuyên truyền, phổ biến, vận động các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ hoặc gửi ý kiến bằng văn bản đến các cơ quan có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của nhân dân.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố tài liệu lấy ý kiến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ban hành kế hoạch hoặc văn bản chỉ đạo, phổ biến, quán triệt việc tổ chức lấy ý kiến tại địa phương. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến, vận động các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý và các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ hoặc gửi ý kiến bằng văn bản đến các cơ quan có trách nhiệm.
Trên cơ sở các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan liên quan, các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương, địa phương đều đẩy mạnh truyền thông kịp thời, rộng rãi tới các tầng lớp nhân dân về việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013; phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của các cơ quan thông tin, báo chí, phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng, hiểu đầy đủ về mục đích, ý nghĩa và những nội dung sửa đổi Hiến pháp, từ đó chủ động, tự giác tuân thủ, thực hiện sau khi Hiến pháp được thông qua. Việc tuyên truyền được thực hiện cả trước và trong khi quá trình triển khai lấy ý kiến diễn ra.