Phân biệt đối xử với phụ nữ có con, gánh nặng việc công và việc nhà, khiến tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc giảm thấp xuống mức kỷ lục.
Một nhân viên xã hội cho trẻ uống sữa tại Nhà thờ Cộng đồng Jusarang ở phía nam Seoul hôm 24/5/2017. Ảnh: AFP. |
Khi Ashley Park bắt đầu làm việc ở một công ty dược Seoul, hồ sơ của cô cực kỳ hoàn hảo: tiếng Anh lưu loát, bảng điểm cao, thân thiện với đồng nghiệp. Không ai cảm thấy có vấn đề tới khi Park có thai, theo AFP.
"9 tháng sau, họ nói rằng trong công ty không có chỗ cho phụ nữ có con, vì vậy tôi phải nghỉ việc", Park nói. Khi đó, cô mới nhận ra mọi phụ nữ làm việc trong công ty đều độc thân hoặc không có con, chủ yếu dưới 40 tuổi.
Trường hợp của Park bộc lộ nguyên nhân nhiều phụ nữ Hàn Quốc không muốn kết hôn và sinh con và hệ quả là tỷ lệ sinh của đất nước, vốn thuộc nhóm thấp nhất thế giới, càng thấp hơn.
Đầu tháng này, Seoul công bố kế hoạch mới thúc đẩy tỷ lệ sinh, nhưng các nhà phê bình cho rằng những biện pháp này sẽ chẳng có tác dụng khi phải đối mặt với những nguyên nhân sâu xa.
Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc không muốn tuyển dụng phụ nữ có con vì sợ họ không thể toàn tâm toàn ý làm việc, sợ họ sẽ không chịu làm việc quá giờ tại một đất nước có văn hóa kéo dài giờ làm việc, cũng như muốn tránh phải trả tiền lương nghỉ thai sản theo luật.
Khi Park từ chối nghỉ việc, ông chủ không ngừng bắt nạt cô dưới mọi hình thức: từ cấm tham dự họp, phớt lờ tại văn phòng như thể cô là "con ma vô hình", hay đe dọa sẽ sa thải chồng cô, người làm việc cùng công ty với vợ.
Sau 6 tháng đấu tranh, cuối cùng Park cũng nản lòng và xin nghỉ việc. Một tháng sau cô sinh con gái. Ngoài thời gian ngắn làm việc tại một công ty khởi nghiệp về công nghệ thông tin - nơi không giữ lời hứa bố trí giờ giấc làm việc linh hoạt cho cô, Park trở thành một phụ nữ nội trợ từ đó.
"Tôi đã học và làm việc chăm chỉ nhiều năm để tìm được một công việc trong lúc tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên rất cao, tôi cũng rất thích công việc của mình, vậy mà hãy xem chuyện đã xảy ra với tôi này", Park buồn bã tâm sự.
Một đôi vợ chồng Hàn Quốc chụp ảnh cưới tại cung điện Gyeongbokgung hôm 22/9/2018. Ảnh: AFP. |
27 tuổi, cô bị nhiều nơi từ chối khi phỏng vấn xin việc vì biết Park đã có con. Cô từ bỏ ý định xin việc, cố gắng mở một công việc tự kinh doanh.
"Chính phủ cứ nói với phụ nữ rằng hãy sinh thêm con, nhưng làm thế nào ở một đất nước như thế này?" Park nói.
Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc giảm xuống 0,95 trong quý III năm 2018, nghĩa là một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sinh chưa tới một con. Đây là lần đầu con số này giảm xuống dưới 1 trong khi ngưỡng cần thiết để duy trì dân số ổn định là 2,1. Kết quả là, dân số của nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới với 51 triệu người hiện nay, dự kiến sẽ giảm từ năm 2028.
Nhiều lý do khiến tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc giảm như chi phí nuôi trẻ đắt đỏ, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao, thời gian làm việc dài, thiếu nơi trông trẻ. Ngay cả khi phụ nữ có con vẫn quyết định tiếp tục làm việc, họ còn phải chịu gánh nặng gấp đôi từ việc nhà.
Theo một khảo sát của chính phủ, tư tưởng gia trưởng vẫn ăn sâu trong văn hóa gia đình Hàn Quốc. Gần 85% đàn ông nước này ủng hộ phụ nữ đi làm, nhưng khi được hỏi có ủng hộ vợ đi làm không, con số này chỉ còn 47%.
Tỷ lệ phụ nữ và đàn ông vẫn làm việc sau khi lập gia đình cũng khác biệt rất lớn, với 82% đàn ông và 53% phụ nữ. Gần 75% phụ nữ Hàn Quốc trong độ tuổi 20-40 coi hôn nhân là điều không cần thiết, theo khảo sát của một tạp chí tài chính và một trang web tuyển dụng.
Một người đàn ông bế trẻ ở ga tàu Seoul hôm 22/9/2018. Ảnh: AFP. |
Trong bối cảnh này, từ năm 2005, chính phủ Hàn Quốc đã chi hơn 120 triệu USD thúc đẩy tỷ lệ sinh thông qua các chiến dịch khuyến khích thanh niên kết hôn và sinh nở, nhưng không thành công.
Đầu tháng này, chính phủ tiếp tục tung ra biện pháp khác, bao gồm trợ cấp chi phí nuôi con 266 USD một tháng, cho phép bố mẹ có con nhỏ hơn 8 tuổi làm việc ít hơn một giờ mỗi ngày để chăm sóc con, xây thêm nhiều trung tâm giữ trẻ ban ngày và mẫu giáo, tăng số ngày nghỉ phép sinh con của đàn ông từ ba lên 10 ngày, dù không bắt buộc. Tuy nhiên, các chính sách mới không ràng buộc về mặt pháp lý và không có hình phạt với doanh nghiệp không cho nhân viên hưởng các chế độ này.
"Chính sách của chính phủ dựa trên một giả định đơn giản rằng \'nếu cho người ta nhiều tiền hơn, người ta sẽ sinh nhiều con hơn\'", trích tuyên bố của Hiệp hội Lao động Phụ nữ Hàn Quốc.
Theo hiệp hội này, đầu tiên, Seoul nên giải quyết "nạn phân biệt đối xử giới tính trong công việc, gánh nặng việc công và việc nhà đang đè lên vai phụ nữ".
Tờ Thời báo Hàn Quốc (Korea Times) cũng đặt câu hỏi về những chính sách "mờ nhạt" này của chính phủ.
"Trừ phi những nguyên nhân khắc nghiệt mà phụ nữ phải đối mặt được thay đổi, chẳng có khoản trợ cấp nào của chính phủ thuyết phục được phụ nữ rằng có con là điều hạnh phúc", trích bài viết trên Korea Times.
\'Thánh nữ công sở\' trổ tài làm gà bằng máy sấy cho Yang Soo Bin ăn
Màn "đọ sức" ăn uống của hai "thánh ăn" nổi tiếng cũng khiến nhiều dân mạng thích thú. |
8 kiểu người chốn công sở \'chuyển chỗ làm nào cũng gặp\'
Cuộc sống nơi công sở không khác gì xã hội thu nhỏ, đủ kiểu người từ "tám văn phòng" cho đến hội đồng nghiệp gây ... |