Thu nhập thấp, trong khi giá tiêu dùng tăng cao khiến đời sống của không ít công nhân lao động rơi vào cảnh “giật gấu, vá vai”. Đặc biệt, với công nhân lao động tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 vừa qua, đời sống càng khốn khó thêm.
Cố gắng cắt giảm chi tiêu
20h, khu nhà trọ số 34, ngõ 210 phường Phú Xá, TP Thái Nguyên, dù có đến hơn 20 phòng trọ nhưng vắng vẻ lạ thường. Trong căn phòng trọ khoảng 10m2 đơn giản với vài vật dụng cần thiết phục vụ sinh hoạt, anh Nguyễn Văn Phương đang hý hoáy rửa qua vài cái bát bữa cơm vội của hai vợ chồng vừa xong. Anh Phương chia sẻ, anh đi làm về muộn, trong khi vợ lại làm ca tối nên ngày nào hai vợ chồng cũng chỉ có khoảng nửa giờ để ăn chung bữa cơm tối.
“Vợ em đang bầu ba tháng mà vẫn phải làm ca tối, vất vả lắm anh ạ. Vợ em làm ở Công ty TNHH Glonics Việt Nam đã gần 10 năm nay nên thuê trọ ở đây cho vợ tiện đi làm. Thu nhập của hai vợ chồng khoảng 12 triệu đồng/tháng mà giá cả ngày càng tăng nên gần như chỉ đủ sinh hoạt, thuê nhà trọ”, anh Phương chia sẻ.
Theo anh Phương, trước đây cùng thu nhập này, hằng tháng vợ chồng vẫn để ra được một chút tiền tiết kiệm, lo cho sau này. Tuy nhiên, gần đây giá cả mọi thứ đều tăng khiến, thu nhập thấp nên đến bữa ăn cũng phải “co kéo”. “Từ sau bão số 3 đến nay, mớ rau cũng 10.000 - 15.000 đồng nên mua mớ rau cũng phải tính toán. Vợ em sắp sinh nên phải cố gắng tiết kiệm để ít nữa còn có thêm đồng ra đồng vào”, anh Phương nói.
Ở khu nhà trọ cách đó không xa, cô công nhân Lý Thị Chuyên, dù còn trẻ nhưng đi làm về cũng chỉ quanh quẩn trong căn phòng trọ chừng 10m2. Quê ở huyện Chợ Mới, Bắc Kạn, dù mới 22 tuổi nhưng Lý Thị Chuyên cũng đã có gần 4 năm làm việc tại Công ty TNHH Glonics Việt Nam. “Đi làm cả ngày ở nhà máy, tối về cũng muốn đi giao lưu, gặp gỡ bạn bè một chút nhưng không có tiền anh ạ. Lương cơ bản mới tăng lên được khoảng 4,6 triệu đồng, cả tăng ca thì một tháng thu nhập khoảng 6 triệu. Tiền thuê nhà, điện nước mỗi tháng đã hết khoảng 1,5 triệu rồi nên mọi thứ đều phải tính toán”, Lý Thị Chuyên cho hay.
Bố mất sớm, ở quê khó kiếm việc làm nên mẹ xuống Hà Nội làm thuê, Chuyên xuống Thái Nguyên làm công nhân để có thêm tiền phụ giúp mẹ nuôi em gái đang học hớp 12. “Giá cả ngày càng đắt đỏ, để có thể phụ mẹ lo cho em nên em phải cắt giảm nhiều thứ. Cơm nước cũng nấu một bữa ăn cả ngày. Sáng em dậy sớm nấu cơm ăn đi làm, phần còn lại để tối về ăn. Cơm bụi giờ 30.000 đồng/suất nếu ăn ở ngoài thì lại không còn tiền phụ mẹ”, Chuyên nói.
Khó khăn cả về vật chất, lẫn tinh thần
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên, hiện trên địa bàn tỉnh đang có toàn tỉnh có trên 230.000 công nhân, viên chức, lao động. Tuy nhiên, ở một số đơn vị, doanh nghiệp vẫn còn phải một số khó khăn do biến động giá cả nguyên vật liệu; tình hình thiên tai mưa lũ do cơn bão số 3 gây ra ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người lao động. Trong đợt ảnh hưởng của mưa lũ do bão số 3 vừa qua gây ra, có 13.386 đoàn viên, người lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên bị ảnh hưởng, trong đó có 13.306 người bị thiệt hại về nhà cửa, tài sản.
“Để bảo vệ quyền lợi và chăm lo đời sống cho công nhân lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên đã làm việc với nhiều doanh nghiệp về tăng lương cơ bản cho người lao động, về tăng ca, làm thêm giờ, thời giờ làm việc. Đồng thời, chúng tôi cũng làm việc với các đối tác để ký kết thêm nhiều thỏa thuận hợp tác nâng cao phúc lợi cho người lao động. Triển khai kế hoạch thương lượng, ký kết và thực hiện các Thỏa ước lao động tập thể để giúp người lao động có môi trường làm việc và đời sống tốt hơn. Cùng với đó Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên còn tổ chức nhiều chương trình chăm lo, hỗ trợ người lao động bằng tiền và hiện vật với số tiền hàng tỷ đồng”, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên Hoàng Thu Hằng cho biết.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu thừa nhận, việc làm, thu nhập, đời sống của một bộ phận người lao động hiện nay đang rất khó khăn. Theo ông Hiểu, phần lớn người lao động hiện nay đang làm việc cho các doanh nghiệp lĩnh vực thâm dụng lao động như: Dệt may, giày da, điện tử… việc làm bấp bênh, nguy cơ mất việc làm cao. Thu nhập thấp, phải làm thêm nhiều, thời gian làm việc kéo dài.
“Với mức lương trung bình khoảng 6 triệu đồng/tháng thì công nhân lao động chỉ đủ trang trải cho bản thân. Trong khi đó, các khoản chi phí như tiền thuê trọ, giá thực phẩm, điện nước… thời gian qua đều tăng cao. Chính vì thế cuộc sống của họ chỉ quanh quẩn ban ngày ở nhà máy, tối về ở phòng trọ. Đời sống khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhiều người không có điều kiện chăm sóc gia đình, rơi vào tình trạng độc thân, mẹ đơn thân. Nguy cơ nghèo hoá, không có lương hưu khi về già”, ông Hiểu chia sẻ.
Để hỗ trợ người lao động, ông Hiểu cho biết, bên cạnh các chương trình hỗ trợ, chăm lo cho người lao động, thời gian tới Tổng Liên đoàn Lao động sẽ triển khai thêm nhiều chương trình nữa. Nguồn kinh phí công đoàn, ngoài để chăm lo trực tiếp cho người lao động tại cơ sở, chi cho 3 cấp công đoàn, trong bối cảnh cảnh mới, kinh phí công đoàn còn được dùng để xây nhà ở cho công nhân. Luật Nhà ở (sửa đổi) đã cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê.
“Nhiều công nhân đang phải thuê tại những nơi không đảm bảo chất lượng. Nhu cầu nhà ở của công nhân lao động là rất lớn. Họ rất cần ổn định về nhà ở để yên tâm lao động sản xuất. Việc chăm lo nhà ở cho người lao động trong bối cảnh mới là rất quan trọng đối với người lao động”, ông Hiểu cho hay.