Công khai tài sản của quan chức tại nơi cư trú là để đảm bảo nguyên tắc giám sát của nhân dân nơi cư trú đối với đương sự.
LTS: Tham gia góp ý cho Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đang được Ủy ban Tư pháp Quốc hội lấy ý kiến, TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục KTVB, Bộ Tư pháp cho rằng, cơ chế kê khai tài sản là cần thiết để phòng, chống tham nhũng, tuy nhiên, vấn đề kê khai, quản lý tài sản của cán bộ, công chức cần đi vào thực chất hơn. Để rộng đường dư luận, báo Đất Việt xin đăng tải bài viết của ông.
Kê khai và quản lý tài sản cần đi vào thực chất hơn. Ảnh minh họa |
Theo Dự thảo phòng chống tham nhũng đang được lấy ý kiến có đề cập tới hai phương án quy định về đối tượng và mức độ công khai, kê khai tài sản thu nhập của cán bộ, lãnh đạo. Tôi thấy đối tượng kê khai theo như dự thảo là còn hẹp, chỉ mới những đương sự trực tiếp liên quan tới việc được bầu cử, được bổ nhiệm phải kê khai, theo tôi là còn thiếu. Vấn đề là phải mở rộng đối tượng phải kê khai đó là những người thân thích, ruột thịt như bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con cái. Việc mở rộng đối tượng cũng phải có phân loại tiếp một bước nữa.
Trước hết đó là những đối tượng mà những người thân thích cũng buộc phải kê khai tài sản là những người có vị trí, chức vụ cao, giữ chức vụ cấp trưởng và những người có liên quan trực tiếp tới tài chính, ngân sách, tới tổ chức nhân sự trong quá trình thi hành công vụ của bản thân.
Nếu theo hướng này thì những đối tượng mà người thân thích cũng buộc phải kê khai tài sản sẽ hẹp hơn rất nhiều đối với những đối tượng buộc phải kê khai tài sản riêng của cá nhân. Tiếp theo đó là, phương thức công khai và quản lý hồ sơ tài liệu liên quan đến việc kê khai tài sản.
Nếu là những người thân thích buộc phải kê khai thì phạm vi công khai sẽ nên hẹp lại và cũng chỉ được sử dụng trong những trường hợp thật sự cần thiết để giúp cho việc xem xét trách nhiệm do hành vi tham nhũng, tiêu cực của đương sự. Lý lẽ của việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản như đã nêu ở trên là ở chỗ bản thân đương sự là cán bộ công chức có chức, có quyền chứ không còn là những cán bộ, công chức bình thường hay là một công dân bình thường trong xã hội.
Một khi họ đồng ý đảm nhiệm chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước, trong hệ thống chính trị thì họ buộc phải có nghĩa vụ tương ứng và gắn với đó những người thân thích đã nêu ở trên cũng buộc phải có trách nhiệm kê khai tài sản nhằm giúp cho việc quản lý cán bộ công chức có chức, có quyền một cách hiệu quả, giúp cho việc chống tham nhũng, tiêu cực một cách hiệu quả.
Có nhiều người nhầm lẫn giữa quyền của một công dân bình thường trong xã hội đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của họ với những người tuy cũng là công dân trong xã hội nhưng lại có mối quan hệ thân thiết, ruột thịt với những đối tượng có nguy cơ cao trong việc tham nhũng, tiêu cực.
Thực tiễn đã chỉ rõ rất nhiều trường hợp bản thân cán bộ, công chức tiêu cực, tham nhũng lại chuyển tài sản do họ tham nhũng được cho bố mẹ, vợ chồng, con cái, thậm chí cả anh em ruột thịt. Đấy là điều tôi muốn nhấn mạnh để bảo vệ cho quan điểm mở rộng đối tượng kê khai tài sản cho một số quan chức có chức, có quyền dễ tham nhũng, tiêu cực.
Đương nhiên, trong xã hội chúng ta không thể buộc một công dân bình thường phải kê khai tài sản và chứng minh tài sản của họ là hợp pháp hay không hợp pháp. Nhưng ở đây nó là mối quan hệ thân thiết, ruột thịt, là con đường để những người tiêu cực, tham nhũng phân tán tài sản có được từ tiêu cực, tham nhũng.
Tiếp theo đó là vấn đề chế tài đối với việc thực hiện quy định về kê khai tài sản. Thứ nhất, khi đương sự kê khai tài sản thì cơ quan có thẩm quyền cũng buộc phải chứng minh tính hợp pháp của tài sản mà họ có đã được kê khai.
Tiếp theo, đối với những tài sản phát hiện được mà đương sự không kê khai thì phải có biện pháp kiên quyết tịch thu, phải thu hồi chứ không thể để tình trạng đương sự cố tình để sót, lọt rồi lại cho rằng đó là những thiếu sót nhỏ, không xử lý gì cả. Có chế tài nghiêm đối với những tài sản cố tình không kê khai thì mới buộc công chức kê khai nghiêm túc, đầy đủ.
Cách làm như lâu nay thì việc kê khai tài sản của quan chức, lãnh đạo như là một cuộc chơi quá nhẹ nhàng, đơn giản. Kê khai thế nào cũng được, kê khai rồi không có sự kiểm tra về tính hợp pháp ngay tại thời điểm kê khai, thậm chí cá biệt có trường hợp cố tình không kê khai, kê khai thiếu, kê khai không đầy đủ mà lại không có một chế tài nghiêm khắc nào cả. Điển hình như trường hợp của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, gần đây là bà Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, hay như biệt phủ gây nhiều tranh cãi của gia đình ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Yên Bái... Như vậy sẽ nhờn.
Việc kê khai tài sản như một trò chơi quá nhẹ nhàng, đơn giản và đương nhiên là nó không có hiệu lực, không có tác dụng thực tế giúp cho việc đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Về các phương án công khai bản kê khai tài sản, thu nhập, tôi ủng hộ phương án tối đa tức là bản kê khai tài sản, thu nhập của đương sự phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.
Đối với những người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành quy trình bổ nhiệm.
Đối với những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải được công khai tại hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú của người đó và điểm bầu cử. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Đối với những người dự kiến được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trước khi bầu, phê chuẩn.
Đối với những người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành bổ nhiệm hoặc tại cuộc họp của Hội đồng thành viên khi tiến hành bầu các chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Riêng đối với ý kiến của Quảng Ngãi cho rằng cần phải công khai bản kê khai lên phương tiện thông tin đại chúng, tôi cho rằng nếu thực sự cần thiết thì cũng chỉ nên lựa chọn quy định đối với một số đối tượng công chức lãnh đạo đứng đầu cấp cao ở địa phương và trong phạm vi toàn quốc. Không nên mở rộng cách thức công khai này. Việc công khai tại nơi cư trú của đương sự cũng là cần thiết để bảo đảm nguyên tắc dân chủ, nguyên tắc giám sát của nhân dân nơi cư trú đối với đương sự.
(http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/cong-khai-tai-san-quan-chuc-noi-cu-tru-dan-giam-sat-3342811/)
Lò nóng lên rồi, không đưa củi vào, lò sẽ tắt…
Những sự vụ tham nhũng được phát hiện gần đây không phải từ Thanh tra Chính phủ hay các cơ quan tố tụng phát hiện ... |
Minh bạch tài sản: Chặn từ “ngọn” các nguy cơ tham nhũng
Thiếu cơ chế giám sát, tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh vi phạm về nhận, tặng quà; thiếu biện pháp xử lý cụ ... |
Không công khai dân khó giám sát
Phát biểu trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp nhằm cho ý kiến vào Báo cáo phòng chống tham nhũng của Chính ... |
Chắc tất cả đều như nhau
Không phát hiện trường hợp nào nhận quà Tết trái quy định. Tự phát hiện tham nhũng, chỉ có 1 trường hợp cán bộ xã. ... |