Công chức không nhất thiết đúng giờ đến cơ quan, hết giờ xách cặp về

Theo ĐBQH, sau sáp nhập có thể để cán bộ làm việc từ xa, , quản lý trên sản phẩm công việc cụ thể, chứ không nhất thiết 'đúng giờ đến cơ quan, hết giờ xách cặp về'.

 Công chức tỉnh Bắc Giang hướng dẫn người dân tra cứu tiến độ giải quyết thủ tục hành chính trên dịch vụ công.

Công chức tỉnh Bắc Giang hướng dẫn người dân tra cứu tiến độ giải quyết thủ tục hành chính trên dịch vụ công.

Tạo điều kiện cho công chức làm việc từ xa

Bà Nguyễn Thị Yến Nhi, đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre nêu thực tế, trong bối cảnh sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, tại một số địa phương, cán bộ, công chức có thể phải đi hàng trăm cây số để về trung tâm làm việc.

Do đó, trong quá trình sửa đổi Luật Cán bộ, công chức, bà Yến Nhi cho rằng, nên có quy định về chế độ làm việc để tạo điều kiện cho cán bộ, công chức có thể làm việc từ xa, đặc biệt là trong điều kiện phát triển công nghệ thông tin như hiện nay.

"Ngoại trừ những vị trí công việc trực tiếp phải tiếp công dân, những vị trí khác có thể làm việc từ xa, làm việc online, quản lý trên các sản phẩm công việc cụ thể, trên hiệu quả công việc chứ không nhất thiết cứ đúng giờ thì vào cơ quan, hết giờ thì xách cặp về", nữ đại biểu Quốc hội nhấn mạnh.

dbqh nguyen thi yen nhi.jpg
Ngoại trừ những vị trí công việc trực tiếp phải tiếp công dân, những vị trí khác có thể làm việc từ xa, làm việc online - ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi

Đồng thời, bà Yến Nhi kiến nghị có tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc qua các sản phẩm cụ thể.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cũng đề nghị tăng số ngày nghỉ trong năm đối với cán bộ, công chức ngoài các ngày nghỉ lễ, tết như hiện nay; được cộng dồn những ngày nghỉ phép trong năm hoặc cộng dồn trong suốt thời gian làm cán bộ, công chức để khi cần thì có thể sử dụng.

"Đây là những quyền lợi chính đáng của cán bộ, công chức, tôi đề nghị việc sửa đổi Luật lần này cần cập nhật, bổ sung vào để tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, công chức yên tâm thực hiện nhiệm vụ", Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre nói thêm.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nhìn nhận, để giúp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động yên tâm làm việc sau khi sáp nhập, có thể áp dụng chế độ làm việc từ xa cho một số vị trí công việc đặc thù, công chức có con nhỏ hoặc những hoàn cảnh gia đình đặc biệt.

Việc này, theo ông Dĩnh, không chỉ phù hợp trong bối cảnh phát triển công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số, công dân số mà còn là đổi mới về phương thức quản trị nhân lực trong cơ quan Nhà nước - quản lý theo kết quả đầu ra thay bằng quản lý theo quá trình đối với đội ngũ cán bộ, công chức như hiện nay.

"Đánh giá cán bộ, công chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo vị trí việc làm là phải theo kết quả, theo sản phẩm cụ thể, sản phẩm cuối cùng đạt được so với nhiệm vụ và thẩm quyền mà họ được giao, cộng với tinh thần, thái độ trong công việc thể hiện bằng sự hài lòng của Nhân dân. Chứ không phải nặng về đánh giá, quản lý theo thời gian, quá trình hay quản lý cán bộ, công chức ở cơ quan hay không", nguyên Thứ trưởng phân tích.

Hỗ trợ cán bộ được thuê, mua nhà công vụ 

Trong khi đó, bà Đặng Thị Bích Ngọc, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV tỉnh Hòa Bình, bày tỏ quan tâm đến quy định cán bộ, công chức được bố trí, thuê nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật và của cấp có thẩm quyền được nêu trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Nhấn mạnh đây là chính sách nhân văn và được dư luận quan tâm, bà Ngọc đề nghị trong quá trình thực hiện cần xem xét các đối tượng ưu tiên, điều kiện được bố trí thuê, mua các nhà công vụ cần được đánh giá kỹ lưỡng. Bởi thực tế việc bố trí nhà ở công vụ và tạo điều kiện cho thuê còn rất khó khăn.

Vì vậy, đại biểu đoàn Hòa Bình cho rằng, nếu quy định việc sắp xếp, bố trí đối tượng ưu tiên và các điều kiện khác vào trong dự thảo Luật thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai.

"Tới đây, chúng ta sẽ thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính, sáp nhập tỉnh thì đội ngũ cán bộ công chức khi về các địa phương mới sẽ rất khó khăn trong việc bố trí về nhà ở. Mặc dù trong dự thảo Luật đã quy định rất rõ cán bộ công chức được quyền có nhà ở công vụ và được quyền thuê, tuy nhiên các điều kiện để thực hiện nội dung này còn khó khăn, trong khi cơ sở vật chất của nhiều địa phương vẫn không bảo đảm", bà Ngọc nói.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị có cơ chế, chính sách hỗ trợ các cán bộ, công chức theo hình thức được thuê, mua ưu tiên từ trên xuống và bảo đảm tính công bằng.

Cùng bàn luận, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nêu rõ, bên cạnh việc cho phép cán bộ, công chức làm việc từ xa thì việc bố trí nhà ở công vụ, phương tiện phục vụ công tác, đi lại cũng là một giải pháp cần được tính đến để giúp họ bảo đảm sức khỏe, yên tâm công tác tại trụ sở mới sau khi sáp nhập.

Song, ông Dĩnh lưu ý, không nên áp dụng một cách cứng nhắc mà tùy vào điều kiện của từng địa phương để thực hiện các chế độ, chính sách khác nhau.

Với những tỉnh sau sáp nhập có trung tâm hành chính - chính trị không quá xa thì có thể tổ chức các tuyến xe đưa đón. Nếu khoảng cách xa hơn thì có thể hỗ trợ cho cán bộ, công chức thuê nhà ở hoặc hỗ trợ tiền đi lại, thậm chí có thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức chuyển cả gia đình đến địa điểm mới.

"Có nhiều chính sách có thể tổ chức được, tùy theo điều kiện của mỗi khu vực, mỗi tỉnh sau khi sáp nhập. Các địa phương phải xác định nhu cầu của từng cán bộ, công chức, viên chức để đưa ra chính sách hỗ trợ sao cho phù hợp để tránh lãng phí", TS Dĩnh nói.

ong nguyen tien dinh.jpg
Có thể tận dụng những trụ sở dôi dư để cải tạo, chuyển đổi công năng thành nhà công vụ -TS Nguyễn Tiến Dĩnh

Để chính sách đạt được hiệu quả cũng như bảo đảm công bằng, tiết kiệm, tránh tiêu cực, lãng phí, nguyên Thứ trưởng Nội vụ cho rằng trong quá trình thực hiện cần nắm được nhu cầu thực sự của cán bộ, công chức, viên chức về số lượng, điều kiện, nhu cầu nhà ở công vụ để bố trí cho phù hợp.

Song song với đó là quản lý chặt chẽ nhà công vụ, đảm bảo hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng và đúng chính sách, tránh sự biến tướng. Khi còn đang làm việc, cán bộ, công chức được sử dụng nhà công vụ theo quy định, nhưng khi không còn làm việc thì phải trả lại theo quy định.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nếu nhu cầu đăng ký nhà ở công vụ lớn thì về lâu dài cần phải có tính toán phù hợp.

"Còn để phục vụ trước mắt và số lượng cán bộ, công chức, viên chức đăng ký không nhiều thì có thể tận dụng những trụ sở dôi dư để cải tạo, chuyển đổi công năng thành nhà công vụ", nguyên Thứ trưởng Nội vụ gợi ý.

https://vtcnews.vn/cong-chuc-khong-nhat-thiet-dung-gio-den-co-quan-het-gio-xach-cap-ve-ar942231.html

Anh Văn / VTC News