Có thể cho thôi việc ngay với công chức không hoàn thành nhiệm vụ

Công chức xếp loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan quản lý công chức xem xét, bố trí vào vị trí việc làm có thứ bậc thấp hơn hoặc cho thôi việc.

Nội dung trên trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

Chính phủ cho biết, một trong những điểm đáng chú ý của việc sửa đổi Luật lần này là nâng cao hiệu quả đánh giá, sử dụng và sàng lọc cán bộ, công chức.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật vào sáng 7/5. (Ảnh: quochoi.vn)

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật vào sáng 7/5. (Ảnh: quochoi.vn)

Dự thảo Luật quy định, việc đánh giá phải căn cứ vào kết quả, sản phẩm theo yêu cầu của vị trí việc làm, mức độ đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm; đạo đức công vụ của công chức; bảo đảm công khai, công tâm, dân chủ, khách quan, xuyên suốt, liên tục, đa chiều.

Kết quả đánh giá là căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với công chức. Bảo đảm sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí việc làm đối với những người không đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ công vụ.

Theo đó, công chức sẽ được xếp loại theo 4 mức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả xếp loại đánh giá công chức được lưu vào hồ sơ công chức, thông báo đến công chức được đánh giá và được thông báo công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức công tác.

"Trường hợp công chức xếp loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan quản lý công chức xem xét, bố trí vào vị trí việc làm có thứ bậc thấp hơn hoặc cho thôi việc do không đáp ứng yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị", dự thảo Luật nêu rõ.

Khi điều chuyển sang vị trí có yêu cầu thấp hơn mà công chức có 2 năm liên tiếp xếp loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan quản lý công chức cho thôi việc.

 

Chính phủ nhận định các quy định mới được đề xuất nhằm xóa bỏ tư duy "biên chế suốt đời" và nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, hiện đại hóa công tác quản lý công chức theo hướng năng động, minh bạch, hiệu quả. Đảm bảo nguyên tắc sử dụng đúng người, đúng việc, phát huy tối đa năng lực của cán bộ, công chức, đồng thời sàng lọc những trường hợp không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

"Góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, có trách nhiệm, đạo đức công vụ, phục vụ tốt cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp", Chính phủ nhấn mạnh.

So với bản dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) hồi tháng 4, đề xuất mới bỏ quy trình theo dõi 6 tháng đối với công chức không hoàn thành nhiệm vụ và cho phép xem xét xử lý ngay.

Nội dung tại dự thảo Luật cũng thay đổi đáng kể so với quy định hiện hành. Hiện nay, công chức không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tiếp mới bị cho thôi việc, công chức lãnh đạo không hoàn thành 2 năm trong nhiệm kỳ sẽ bị bố trí lại công việc khác có yêu cầu thấp hơn hoặc không bổ nhiệm lại.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cho rằng việc đánh giá công chức dựa trên kết quả và sản phẩm cụ thể là thực chất hơn, thể chế hóa yêu cầu của Trung ương về đổi mới công tác cán bộ và sàng lọc người yếu kém.

Đồng thời, góp phần khắc phục một trong những hạn chế phổ biến trong công tác đánh giá cán bộ, công chức thời gian qua là tình trạng đánh giá còn hình thức, cảm tính, chưa thực chất.

Có ý kiến cho rằng mục đích đánh giá công chức "để sàng lọc, bố trí vào vị trí việc làm phù hợp, cho thôi việc đối với những công chức không đạt yêu cầu của vị trí việc làm đảm nhận" là nội dung mới. Do đó, Chính phủ cần xây dựng tiêu chí rõ ràng, minh bạch, định lượng được, bảo đảm việc gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ, đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, theo cơ quan thẩm tra, cần nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tiêu chí đánh giá tự động để theo dõi, lưu trữ, phân tích kết quả công tác của công chức một cách khách quan, hạn chế cảm tính, bảo đảm công bằng, minh bạch trong quá trình sàng lọc.

https://vtcnews.vn/co-the-cho-thoi-viec-ngay-voi-cong-chuc-khong-hoan-thanh-nhiem-vu-ar941860.html

Anh Văn / VTC News