Dù số ấn phẩm khoa học Việt Nam có tăng đáng kể, nhưng Việt Nam vẫn còn kém hơn các nước trong vùng như Malaysia, Singapore.
Đó là những chia sẻ của GS Nguyễn Văn Tuấn - Viện Garvan, Úc trước thông tin số lượng tổng bài công bố ISI ở Việt Nam đang tăng theo từng năm.
Chưa tiệm cận chuẩn mực của các nước tiên tiến
PV:- Trong thời gian qua, nhiều đại học Việt Nam đã có chính sách thúc đẩy và khuyến khích công bố ISI. Trang web khoa học thế giới (Web of Science) của Clarivate, Mỹ cũng đã thống kê top 10 đơn vị hàng đầu về công bố ISI ở Việt Nam từ năm 2015-2018. Số lượng tổng bài ISI tăng lên theo từng năm. Ông có bất ngờ trước những chuyển biến nói trên hay không?
GS Nguyễn Văn Tuấn: - Tình hình nghiên cứu và công bố khoa học đã bắt đầu có biến chuyển tích cực từ khoảng 10 năm trước, khi nhiều đại học và viện nghiên cứu nhận thức được tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học. Do đó, tôi không bất ngờ trước sự tăng trưởng, nhưng bất ngờ về sự "thay ngôi" giữa các đại học trong nước.
Những đại học được xem là hàng đầu và được đầu tư nhiều lại có năng suất khoa học có vẻ kém hơn các đại học mới như Tôn Đức Thắng, Duy Tân, Lê Quý Đôn...Sự thay đổi ngôi thứ này rất đáng để suy ngẫm và nhìn lại cách đầu tư cho nghiên cứu khoa học.
Trong một phân tích của tôi công bố trên tập san Scientometrics năm ngoái, tính trung bình số lượng bài báo khoa học trên các tập san trong danh mục Clarivate hay WoS tăng khoảng 17% mỗi năm.
Năm năm trước, số bài báo khoa học từ Việt Nam (tôi chỉ đề cập trong danh mục WoS) mỗi năm khoảng 2500, nhưng nay thì con số đó đã hơn 4000, và sẽ còn tăng trong tương lai.
Đó là một tin mừng, nhưng một tin không mừng là tỉ trọng nội địa trong công bố quốc tế chưa tăng. Hiện nay, khoảng 80% các bài báo khoa học từ Việt Nam, đặc biệt là trong các chuyên ngành thực nghiệm, là do hợp tác với hay do đồng nghiệp nước ngoài chủ trì.
GS Nguyễn Văn Tuấn - Viện Garvan, Úc
Tỉ trọng này đã không thay đổi hơn 25 năm qua. Số bài báo tăng là nhờ một phần lớn vào hợp tác quốc tế, chứ không phải thực lực nội địa. Đó là một tình trạng được xem là lệ thuộc. Nói cách khác, tuy số bài báo có tăng nhưng năng lực nội địa thì không tăng.
Nhưng chúng ta phải nhìn quanh để thấy rằng chúng ta tăng thì các nước khác trong vùng cũng tăng, thậm chí tăng nhanh hơn chúng ta. Chẳng hạn như Malaysia ngày nay có số ấn phẩm khoa học vượt qua Thái Lan và sắp bằng hay cao hơn Singapore. Do đó, dù số ấn phẩm khoa học Việt Nam có tăng đáng kể, nhưng Việt Nam vẫn còn kém hơn các nước trong vùng.
PV:- Thưa ông, đây có phải là tín hiệu chứng tỏ các nhà khoa học nói riêng và nền khoa học Việt Nam đang tiệm cận với các chuẩn mực thế giới hay không? Và sự thay đổi như trên, liệu có hơi chậm?
GS Nguyễn Văn Tuấn: - Nhìn chung thì tôi nghĩ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam vẫn chưa tiệm cận chuẩn mực của các nước tiên tiến. Những công trình có phẩm chất cao hoặc có khả năng gây tác động lớn trong chuyên ngành vẫn còn thấp so với các nước trong vùng.
Vẫn còn nhiều hiểu lầm thế nào là nghiên cứu khoa học và vấn đề này dẫn đến nhiều phung phí trong việc cung cấp ngân sách. Những qui trình và tiêu chuẩn đánh giá đề cương nghiên cứu, tiêu chuẩn đánh giá phẩm chất nghiên cứu khoa học cũng còn khác biệt nhiều so với các nước tiên tiến.
Nghiên cứu khoa học bắt đầu từ đào tạo tiến sĩ, nhưng ngay từ cấp nghiên cứu cấp tiến sĩ đã có quá nhiều qui trình đặt ra chỉ để hành nghiên cứu sinh là chính, chứ không hẳn nhắm đến mục tiêu nâng cao phẩm chất khoa học.
Tôi nghĩ nếu có thể tháo dỡ những rào cản và giải quyết tận gốc những bất cập hiện nay thì nghiên cứu và công bố khoa học Việt Nam mới có cơ hội cất cánh.
Thay đổi cơ chế là một quá trình
PV:- Xét về nguyên nhân, nhìn vào những kết quả nói trên, nhiều người tự tin rằng, môi trường nghiên cứu khoa học ở Việt Nam đang có chuyển biến tích cực, tạo điều kiện tương đối tốt cho các nhà khoa học tiên hành nghiên cứu và đạt được thành tựu. Nhận định này liệu có hơi lạc quan không, thưa ông?
Theo ông, nỗ lực cá nhân và quyết tâm của một số tập thể khoa học đóng vai trò như thế nào trong sự tiến bộ nói trên?
GS Nguyễn Văn Tuấn:- Không nên quá tự tin! Cũng đừng quá lạc quan. Những biến chuyển ban đầu có thể là tích cực, nhưng về lâu dài chưa biết sẽ ra sao. Dù muốn hay không thì cũng phải ghi nhận rằng khoa học Việt Nam đang ở mức và giai đoạn xây dựng, chứ chưa ở mức cũng cố và quốc tế hoá như Singapore. Do đó, đừng nên lấy vài trường hợp cá biệt mà khái quát hoá cho tình hình chung.
Những nỗ lực cá nhân dù có cao cỡ nào thì vẫn chỉ nằm trong cái môi trường và cơ chế, chứ đâu thể vượt ra khỏi được cái môi trường đó. Ở vài nơi, đặc biệt là những đại học "trẻ", thì môi trường nghiên cứu khoa học quả thật có vài chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Nhưng tôi e rằng đa số các đại học khác thì vẫn chưa có những đổi mới tạo điều kiện thuận lợi cho giới làm khoa học chân chính.
Vẫn còn những lề lối cũ trong suy nghĩ về nghiên cứu khoa học, cách chọn đề tài, cách nghiệm thu đề tài, thậm chí trong các đánh giá nghiên cứu khoa học. Khó có thể thay đổi cái cơ chế này một sớm một chiều được.
10 cơ sở nghiên cứu dẫn đầu về công bố quốc tế ở Việt Nam
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ và Đại học Tôn Đức Thắng là hai cơ sở dẫn đầu bảng theo thống kê của ... |
Vì sao khoa học xã hội và nhân văn ít có công bố quốc tế?
Theo PGS Mai Quỳnh Nam, lý do quan trọng nhất là người làm khoa học đã không chịu đọc, nghiên cứu kỹ lưỡng các tạp ... |
Nhà khoa học bị từ chối đăng ký sáng chế do công bố quốc tế
Sung sướng vì nghiên cứu vật liệu nano mới được công bố, nhưng ngay sau đó chị Hương tiếc nuối vì không thể đăng ký ... |