- ChatGPT ảnh hưởng thế nào đến thị trường bất động sản?
- Có nên cấm ChatGPT trong trường học?
- Vì sao Trung Quốc chặn ChatGPT?
Dù chỉ mới ra mắt nhưng ứng dụng trí tuệ nhân tạo ChatGPT đã tạo nên một “cơn sốt” công nghệ trên toàn cầu. Thế nhưng, mặt trái của ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) này cũng nhanh chóng xuất hiện.
ChatGPT không thể nhận thức đúng - sai cũng như có phù hợp quy chuẩn đạo đức con người trong những nội dung mà nó đưa ra |
Quốc gia đầu tiên tạm thời cấm ChatGPT
Hôm 31-3, Cơ quan bảo vệ dữ liệu Italia thông báo đã chặn các hoạt động của chatbot ChatGPT tại nước này, với lý do ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) do Công ty OpenAI (Mỹ) phát triển đã không tôn trọng dữ liệu người dùng và không thể xác minh tuổi của người dùng. Theo cơ quan giám sát trên, quyết định chặn ChatGPT sẽ “có hiệu lực ngay lập tức”, theo đó sẽ dẫn đến “tạm thời hạn chế việc
OpenAI sử dụng dữ liệu cá nhân người dùng” tại Italia. Cơ quan này cũng đồng thời thông báo đã mở một cuộc điều tra đối với ChatGPT về những cáo buộc trên. Như vậy, Italia được coi là quốc gia đầu tiên tạm thời cấm ChatGPT trước những lo ngại về dữ liệu và quyền riêng tư.
Trước đó, ngày 20-3, nhà phát triển OpenAI thông báo dịch vụ hỏi đáp tương tác chatbot được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT của công ty đã gặp sự cố ngừng hoạt động và bị rò rỉ thông tin người dùng. Theo một thông báo trên trang web chính thức của công ty vào ngày 24-3, OpenAI giải thích sự cố này dẫn tới việc một số người sử dụng nhìn thấy thông tin cá nhân của những người dùng khác. Thông tin vô tình hiển thị bao gồm tên người dùng đang hoạt động, địa chỉ email, địa chỉ thanh toán, 4 chữ số cuối của số thẻ tín dụng và ngày hết hạn của thẻ tín dụng.
OpenAI cho biết, sự cố hiển thị thông tin thanh toán chỉ ảnh hưởng đến 1,2% số người đăng ký ChatGPT Plus đang hoạt động và sự cố rò rỉ chỉ kéo dài 9 tiếng. Thông báo của công ty cũng trấn an với khách hàng rằng toàn bộ thông tin thẻ tín dụng không bị lộ. Tuy nhiên, với việc dịch vụ ChatGPT đã đạt 100 triệu người dùng vào tháng 2 vừa qua, lập kỷ lục về phần mềm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về người dùng, số lượng tài khoản đăng ký trả tiền bị rò rỉ thông tin không phải là nhỏ.
Theo Cơ quan bảo vệ dữ liệu Italia, không có cơ sở pháp lý nào để biện minh cho “việc thu thập và lưu trữ hàng loạt dữ liệu cá nhân với mục đích huấn luyện các thuật toán nhằm xây dựng cơ sở để nền tảng này hoạt động”. Cơ quan này cũng nhấn mạnh rằng do ChatGPT chưa có biện pháp nào để xác minh độ tuổi của người dùng, nên những người dùng là trẻ vị thành niên có thể sẽ “nhận được những câu trả lời hoàn toàn không phù hợp với mức độ phát triển thể chất và nhận thức” của các em. Ứng dụng này trước đó được cho là dành riêng cho những người từ 13 tuổi trở lên.
Đáp lại quyết định chặn chatbot ChatGPT của Cơ quan bảo vệ dữ liệu Italia, OpenAI cho biết, họ đã tạm thời “vô hiệu hóa ChatGPT với người dùng ở Italia”. Phát ngôn viên của OpenAI cho biết:“Chúng tôi cam kết bảo vệ quyền riêng tư của tất cả mọi người và chúng tôi tin rằng mình tuân thủ pháp luật về quyền riêng tư. Chúng tôi tích cực hạn chế việc thu thập dữ liệu cá nhân trong quá trình đào tạo các hệ thống AI của mình như ChatGPT vì chúng tôi muốn AI của mình tìm hiểu về thế giới chứ không phải về các cá nhân riêng tư”. Phát ngôn viên này còn khẳng định: “Chúng tôi cũng tin rằng quy định về AI là cần thiết, vì vậy chúng tôi mong muốn được hợp tác chặt chẽ với chính quyền Italia và trao đổi để họ hiểu hơn về cách hệ thống của chúng tôi được xây dựng và sử dụng”.
Open AI sẽ có 20 ngày để đưa ra các biện pháp giải quyết những mối lo ngại của cơ quan giám sát trên, đồng thời chịu mức phạt tài chính 20 triệu euro (21,7 triệu USD) hoặc lên tới 4% doanh thu hàng năm. OpenAI đã cam kết thực hiện một loạt các giải pháp để cải thiện tính an toàn của hệ thống nhằm ngăn chặn bất kỳ sự cố nào tiếp theo.
Những rủi ro khi AI cạnh tranh với con người
ChatGPT đã tạo nên một “cơn sốt” công nghệ sau khi được ra mắt tháng 11-2022. Ứng dụng này có thể đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa, viết mã code, sáng tác thơ hoặc viết bài luận. Phần mềm này thậm chí còn vượt qua cả kỳ thi đại học ở Mỹ khi đạt điểm cao, đủ để vào trường luật và trường kinh doanh. Các báo cáo của ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS cho thấy tính đến tháng 1-2023, ChatGPT đã có khoảng 100 triệu người dùng thường xuyên, qua đó trở thành ứng dụng có lượng người dùng tăng nhanh nhất trong lịch sử. Trung bình mỗi ngày, ChatGPT thu hút khoảng 13 triệu lượt sử dụng.
Thành công rực rỡ của ChatGPT đã mang lại cho OpenAI một hợp đồng trị giá hàng tỷ USD với Microsoft, công ty sử dụng công nghệ này trong công cụ tìm kiếm Bing và các chương trình khác. Thành công của ChatGPT cũng gây ra một cơn sốt chạy đua giữa các công ty công nghệ và nhà đầu tư mạo hiểm khác, khi Google vội vã công bố chatbot của riêng mình và các nhà đầu tư đổ tiền vào đủ loại dự án AI. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng ngay lập tức chỉ ra nhiều mặt trái của ứng dụng trí tuệ nhân tạo này. Chỉ vài ngày trước khi Italia phong tỏa hoạt động của chatbot ChatGPT tại nước này, Cơ quan Cảnh sát của châu Âu (Europol) đã cảnh báo rằng, các đối tượng tội phạm có thể sử dụng ứng dụng này để thực hiện hành vi lừa đảo và các hành vi phạm tội khác, như cài các phần mềm độc hại.
Theo các chuyên gia an ninh mạng Australia, tin tặc đang sử dụng ChatGPT để tạo ra các email lừa đảo có mức độ thuyết phục cao đến mức ngay cả những nhân viên được đào tạo bài bản về bảo mật cũng có thể bị “mắc bẫy”. Tội phạm mạng cũng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xác định những lỗ hổng trong các công ty, tổ chức, từ đó tiến hành các cuộc tấn công giả mạo tinh vi nhằm xâm nhập vào các tổ chức này. Các chuyên gia bảo mật cho rằng, đây là một cuộc chiến mới giữa tin tặc và ngành an ninh mạng và cuộc chiến này sẽ còn kéo dài.
Sức hấp dẫn của ChatGPT còn tạo ra làn sóng “ăn theo” của các phần mềm, website giả mạo. Trên các nền tảng di động như Google Play hay App Store, có thể dễ dàng tìm thấy nhiều ứng dụng có logo hoặc tên tương tự của ChatGPT, được tạo ra để kiếm lời qua việc thu phí người sử dụng. Trên nền tảng Android, một số ứng dụng yêu cầu người dùng cấp quyền truy cập, sau đó đánh cắp các thông tin, dữ liệu trên điện thoại của nạn nhân. Các website giả mạo này vẫn sử dụng các phương thức cũ, dùng icon và tên miền gần giống với website chính thức, nhưng trỏ hướng người dùng đến một trang yêu cầu điền thông tin thẻ tín dụng để mua bản cao cấp, từ đó đánh cắp thông tin thẻ. Bên cạnh đó, chúng còn phát tán mã độc bằng cách yêu cầu người dùng tải xuống ứng dụng cho Windows. Hiện, Google Play đã có động thái rà soát gỡ bỏ những ứng dụng giả mạo nhưng vẫn còn rất nhiều.
Chưa ai có thể đánh giá hết mặt trái của ChatGPT. Mới đây, Viện Tương lai cuộc sống (tổ chức phi chính phủ) đã công bố bức thư được hơn 1.000 người ký, trong đó có tỷ phú Elon Musk, Emad Mostaque - CEO của Stability AI, các nhà khoa học trong dự án DeepMind thuộc Tập đoàn Alphabet, cùng với những tên tuổi lớn trong mảng AI như Yoshua Bengio và Stuart Russell, kêu gọi tạm dừng các hệ thống huấn luyện trí tuệ nhân tạo (AI) mạnh hơn cả phiên bản GPT-4 của OpenAI, vì lo ngại những nguy cơ tiềm tàng đối với xã hội và con người. Bức thư nêu ra những rủi ro khi AI cạnh tranh với con người, gây ra những gián đoạn về kinh tế và chính trị, cho rằng các nhà phát triển cần bàn bạc cẩn thận với giới hoạch định chính sách và các cơ quan quản lý.
https://www.anninhthudo.vn/con-sot-cong-nghe-chatgpt-va-nhung-mat-trai-tiem-an-post535707.antd