Con hổ Leng (Kỳ 61)

Nếu tôi nhớ không nhầm thì đồng chí Cục trưởng là người nghi ngờ ông Tài đã bán con hổ nhất. Đồng chí còn bắt tôi ghi vào sổ tay, rồi con thề rằng nếu ông Tài mà không bán con hổ đó, thì đồng chí chỉ là con chó… Không bằng con chó.

con ho leng ky 61 Con hổ Leng (Kỳ 60)
con ho leng ky 61 Con hổ Leng (Kỳ 59)
con ho leng ky 61 Con hổ Leng (Kỳ 58)

Cũng sáng hôm đó, tại cuộc họp giao ban của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, sau những đánh giá nhận xét của Chi Cục trưởng Hoàng Văn Đạt, Vũ Thành, Trưởng ban Bảo vệ phát biểu:

- Báo cáo các đồng chí. Hạt kiểm lâm Mường Báng sáng nay điện cho tôi và thông báo rằng, con hổ Leng mà ông Tài ở bản Mun, xã Mường Mun thả vào rừng đã trở về. Nhưng nó bị thương rất nặng. Hiện, bác sĩ của bệnh viện huyện và của đồn biên phòng đang chữa cho nó.

Nghe đến thế, Hoàng Văn Đạt há hốc mồm, rồi hỏi ấp úng:

- Có chắc không? Ai khẳng định đó là con hổ Leng ngày xưa?

Thành cười nhạt:

- Báo cáo anh, chỉ có con Leng mới dám về nhà người đã nuôi nấng nó từ bé. Tôi đề nghị Cục cử người có kinh nghiệm vào giúp đỡ ông Tài chăm sóc con hổ.

Đạt nói ngay:

- Chúng ta đã nuôi hổ bao giờ đâu mà có kinh nghiệm. Việc con hổ này còn sống đến ngày hôm nay, chứng tỏ công tác bảo vệ thú quý hiếm của chúng ta đã có kết quả. Tôi yêu cầu Phòng Nghiệp vụ thông báo cho các hạt kiểm lâm ven tuyến biên giới Việt - Lào báo cáo về số lượng hổ đang còn, đặc biệt là hạt kiểm lâm Mường Báng. Ngày xưa, Mường Báng có khu rừng quốc gia. Nhưng rồi chả ai chăm lo, chả ai quan tâm, cuối cùng, rừng cũng chả còn cấm đoán được ai nữa.

Trưởng phòng Vũ Thành hỏi:

- Báo cáo thủ trưởng, theo tôi, chúng ta cũng nên có cái gì đó động viên ông Tài một chút.

Đạt chưa kịp nói gì thì Tuân, Trưởng ban Pháp chế nói luôn:

- Tôi nghĩ cán bộ kiểm lâm chúng ta nên xấu hổ với ông Tài. Khi ông ấy nuôi con hổ từ tấm bé thì chúng ta cũng chẳng giúp được gì. Ông ấy nuôi nó lớn, thả nó về rừng, thì không hiếm người trong chúng ta ở đây, có cả cán bộ lãnh đạo nghi ngờ, cho rằng ông ấy đã bán cho bọn nấu cao. Bây giờ thì sự thật đã rõ, tôi đề nghị lãnh đạo Cục nên xắn tay áo vào giúp đỡ ông Tài lần này. Kẻo bà con người ta cười cho.

con ho leng ky 61
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Câu nói của Tuân rõ ràng nhằm ám chỉ Chi Cục trưởng Hoàng Văn Đạt, vì chính ông ta đã thề sống, thề chết, khẳng định ông Tài đã bán con hổ. Đạt tức tím mặt, định nói lại điều gì đó nhưng chưa nghĩ ra thì Tuân lại thủng thẳng:

- Nếu tôi nhớ không nhầm thì đồng chí Cục trưởng là người nghi ngờ ông Tài đã bán con hổ nhất. Đồng chí còn bắt tôi ghi vào sổ tay, rồi còn thề rằng, nếu ông Tài mà không bán con hổ đó, thì đồng chí chỉ là con chó… Không bằng con chó.

Cách nói giễu cợt, mỉa mai của Tuân làm Đạt ức muốn nổ mắt, nhưng cũng không thể bắt bẻ gì được, hơn nữa Đạt nhớ rất rõ rằng mình đã từng nhiều lần thề “không bằng con chó”, nếu như ông Tài không bán con hổ. Nhưng kiểu nói của Tuân quả là khó chịu và tỏ ý chẳng coi Cục trưởng ra gì. Dù ức lắm, nhưng Đạt cũng đủ thông minh để kiềm chế, bởi anh trai của Tuân là Phó giám đốc Công an tỉnh và là người nổi tiếng cứng rắn. “Một điều nhịn, chín điều lành” - Nghĩ vậy, Đạt nở nụ cười rất tươi và nói nhẹ nhàng:

- Đúng là chuyện quá bất ngờ và không thể tin nổi. Tôi đề nghị Ban Chính sách đề xuất chế độ thưởng cho ông Tài và trợ giúp ông ấy chăm sóc con hổ. Người như ông Tài đúng là hiếm thật. Thôi, anh Thành và anh Tuân, phối hợp với nhau, cử một tổ công tác vào Mường Mun sớm, càng sớm càng tốt.

Cuộc họp tan, Đạt trở về phòng làm việc thì đã thấy một người đang chờ mình, đó là Bùi Hùng Sơn, hay còn gọi là Sơn “xồm” bởi anh ta có bộ râu quai nón rất rậm. Sơn “xồm” là giám đốc một công ty vận tải tư nhân có hơn ba chục đầu xe, chở gỗ từ Lào về Việt Nam. Ngoài chở gỗ, Sơn còn là tay buôn lậu có tiếng, chuyên đánh hàng từ Thái Lan về qua đường Lào và nghe nói, hắn còn buôn cả ma túy. Công an tỉnh cũng từng bắt mấy vụ lái xe của Sơn chở ma túy, nhưng Sơn thì đều vô can. Sơn có một thú vui đặc biệt, ấy là nấu cao hổ. Không thể biết được là hắn đã nấu bao nhiêu nồi cao hổ và trong đó bao nhiêu là thật, bao nhiêu là giả. Chỉ biết rằng, các quan chức ở tỉnh, trong đó có Hoàng Văn Đạt, rất mê cao của Sơn. Và chính hắn cũng là nguồn cung cấp cao hổ cho Đạt để uống và đi biếu. Mà không chỉ có cao, Sơn còn là nguồn cung cấp tiền và cả gái cho Đạt. Chính vì vậy mà đối với Sơn, Đạt gần như trở thành kẻ phụ thuộc, hay nói một cách trần trụi hơn thì Đạt đã bị Sơn khống chế và trở thành con tin của hắn.

Thấy Sơn, Đạt hỏi:

- Vào nhà đi, ông chờ tôi lâu chưa? Mà hôm qua đã bảo tới muộn, vì sáng nay phải họp giao ban.

Sơn nói ngất ngưởng:

- Cũng mới chờ được mười lăm phút. Các ông họp gì mà lâu thế? Hì hì… Tôi nghe nói quan chức các ông bây giờ thu nhập chính là từ đi họp và từ quà cáp, biếu xén… Có đúng không Cục trưởng?

Kiểu nói ngất ngưởng, bỗ bã và đầy giọng bề trên ấy, nếu là vào người khác, chắc Đạt chẳng để yên, nhưng với Sơn, Đạt lại có thái độ khác hẳn:

- Thì ông thấy đấy, từ ngày đất nước mở cửa, có mấy ai sống được bằng lương đâu. Người liêm khiết bây giờ là người không có chức quyền, không có khả năng kiếm tiền ngoài luồng.

Sơn vẫn nói với Đạt bằng cái giọng bề trên:

- Công nhận làm quan chức chính quyền sướng thật. Vừa được ăn, vừa được nói và chả ai dám động đến. Bọn tôi, doanh nghiệp tư nhân, ai cũng hành hạ được, ai cũng có quyền răn đe, dạy bảo và coi chúng tôi như bọn gian thương, bọn ăn cắp, bắt chưa được thì tha làm phúc.

Vào trong phòng, Sơn mở chiếc cặp nhôm có khóa số của Liên Xô, lấy ra hai phong cao to như nửa bao thuốc, ném lên bàn:

- Mới xong được nồi cao tử tế, ông cầm lấy hai lạng mà uống. Đây là cao rất tốt, nên giữ lấy mà uống. Kiếm loại này bây giờ khó lắm.

Đạt rót nước mời Sơn rồi hỏi:

- Hổ ở Lào về à?

Sơn lắc đầu:

- Tháng trước, dân Mường Tùng gặp đôi hổ đang phủ nhau. Họ bắn được một con hổ đực, con hổ cái tát chết hai người rồi chạy mất. Tôi phải dùng đủ mọi kế mới mua được con hổ này. Mất hai cây vàng đấy. Nhưng nồi cao này là cực hiếm. Tối nay ông cứ uống thử mà xem.

Đạt nói luôn:

- Con hổ cái tát chết hai người ấy đang ở bản Mun đấy.

Sơn ngạc nhiên:

- Sao ông biết?

- Con hổ cái ấy là của ông Tài, nguyên làm nhân viên kiểm lâm Mường Mun. Ông ta nuôi nó từ bé, rồi thả nó vào rừng… Con hổ ấy tên là Leng, ông có biết không?

Sơn vỗ đùi:

- Nhớ rồi, biết rồi. Con hổ ấy lại quay về với ông ta à?

Đạt gật đầu:

- Đúng rồi. Nó bị bắn thương nặng, nhưng đã bò về được nhà ông ấy. Sáng nay anh em vừa báo cáo. Tôi đang cử một tổ vào kiểm tra xem thế nào đây. Mà ông biết Lý Pờ Minh, ở đội điều tra trọng án chứ? Con ông này đấy.

Cặp mắt sâu thâm hiểm của Sơn chợt lóe lên những tia sáng, nhưng lại vụt tắt ngay:

- Giờ mà được con hổ ấy nấu cao nhỉ? Bắt được con hổ sống nguây nguẩy, cắt tiết… Tiết hổ pha rượu, là thần dược cho bọn liệt dương; nước đái hổ còn trong bọng đái nó là thần dược cho bọn suy thận, còn cao hổ… thần dược cho bọn… suy mọi nhẽ.

Đạt cười:

- Chuyện ấy thì khó rồi. Ông Tài này yêu hổ như con, đừng có mà mơ tưởng dùng tiền mà mua được ông ấy.

Sơn “xồm” cười khùng khục:

- Thời buổi này, cái gì chưa mua được bằng ít tiền thì sẽ mua được bằng nhiều tiền. Còn nếu không mua được bằng tiền thì mua bằng luật… Trong đó có cả luật Nhà nước và… luật rừng. Mà thôi, quên chuyện con hổ ấy đi. Tôi có việc cần ông ra tay giúp đây.

Đạt hỏi:

- Việc gì mà có vẻ nghiêm trọng vậy?

Sơn nói:

- Chúng tôi kiếm được hơn hai tạ ngà voi từ Campuchia về. Muốn đưa về đường này cho an toàn, ông lo được chứ.

- Lo thế nào?

- Hôm xe qua cửa khẩu, ông có mặt trên đó. Xe chở gỗ và ngà voi nhét trong cây gỗ…

Đạt gật đầu:

- Tôi hiểu rồi. Nhớ báo trước cho tôi khoảng ba ngày, vì còn phải sắp lịch công tác.

Sơn nói ngay:

- Hôm nay thứ Hai, khoảng ba giờ chiều ngày thứ Tư, xe tới cửa khẩu. Ông phải có mặt ở đấy nhé.

Đạt ngần ngừ một lát rồi chạy ra ngoài, gọi cô phục vào, ra lệnh:

- Bảo văn phòng bố trí cho tôi, đầu giờ chiều ngày thứ Tư làm việc với hải quan cửa khẩu Yên Sơn. Nội dung là bàn phối hợp giữa Kiểm lâm và Hải quan, ngăn chặn việc vận chuyển gỗ lậu.

Sơn vỗ tay nhè nhẹ:

- Ông đúng là con người của công việc. Rất quyết đoán và sòng phẳng. Nói thực là tôi rất mê cách xử lý của ông. Dứt khoát, dám làm, dám chịu.

***

Những ngày sau đó, bản Mun bỗng nhiên sôi động hẳn lên bởi liên tiếp có những đoàn công tác của kiểm lâm, công an tỉnh, bộ đội biên phòng, rồi của báo tỉnh, đài truyền hình... đến, mà mục đích chỉ là “kiểm tra” việc nuôi nấng con Leng.

Ông Tài đến khổ bởi các đoàn kiểm tra này. Ngoài việc họ hỏi han, căn vặn ông đủ thứ xung quanh chuyện nuôi con hổ từ lúc còn bé, cho đến lúc thả nó vào rừng, họ còn đòi thăm, khám sức khỏe cho con Leng, mà thực chất là họ muốn nhìn thấy nó. Con Leng vẫn rất yếu, nhưng ông Tài cẩn thận làm một chiếc vòng cổ bằng da trâu bện lại rồi buộc nó vào chân cột nhà. Ông kiên quyết không tiếp khách trong nhà, chỉ cho mọi người dòm con Leng qua khe cửa.

Nhưng dù cố giữ thế nào thì những ồn ào ở ngoài sân, đặc biệt là những tiếng cười nói của mọi người cũng làm con Leng rất khó chịu. Cũng đã có những lúc con Leng quắc mắt nhìn ra ngoài và nhe hàm răng dữ tợn rồi như rít lên trong cổ họng. Thấy thái độ của con Leng, ông Tài hoảng sợ. Ông phải nói với mọi người: “Tôi xin mọi người hãy để cho con Leng được yên. Nó đang yếu, mệt lắm. Nó cũng như người ốm, không thích bị ai quấy rầy”. Nghe ông Tài nói thế, nhiều người không tin và cho rằng ông gây khó dễ. Nhưng rồi có cả lời của Kiểm lâm Phú rồi bác sĩ Công và cả Trưởng bản Pờ Văn Minh, mọi người mới chịu nghe.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

/ Năng Lượng Mới