Ông Tài cầm tờ báo và thấy ngay trên trang nhất có dòng tít “Vì một con hổ mà bắn chết 2 mạng người, làm bị thương 2 người”.
Con hổ Leng (Kỳ 3) |
Con hổ Leng (Kỳ 2) |
Nhìn thấy chiếc còng, ông Tài chìa tay ra sẵn sàng, nhưng anh quản giáo lại lắc đầu:
- Ðể cháu đưa bác đi.
Từ phòng giam, phải đi qua một dãy nhà, một sân rộng rồi mới ra tới cổng trực ban thứ nhất. Anh quản giáo làm thủ tục với trực ban để trích xuất ông Tài ra ngoài.
Tổ sĩ quan trực ban có ba người, trong đó có một trung úy.
Thấy ông Tài, thái độ của tổ trực ban khác hẳn. Rõ ràng là trong những ánh mắt ấy có cả sự kính trọng và khâm phục, chứ không phải là ánh mắt ghét bỏ như đối với những tên tội phạm khác.
Làm thủ tục xong, ông Tài được đưa đến một dãy nhà bên ngoài. Ðó là khu vực hỏi cung. Tất cả các phòng hỏi cung ở đây đều được gắn camera và có hệ thống ghi âm.
Anh quản giáo:
- Bác ngồi đây nhé. Cháu đi kiếm chén nước.
Anh quản giáo đon đả chạy đi, còn ông Tài ngồi lại một mình lơ đãng. Bên ngoài, những hoa mận, hoa đào chớm nở còn ướt đẫm sương đêm. Nhìn những cây mận, cây đào, ông Tài lại thấy trong lòng dâng lên một nỗi buồn da diết.
Anh quản giáo trẻ quay lại, với một chiếc khay, trên đó có một ấm trà, hai cái ly và cả một bao thuốc lá Thăng Long.
Nhìn bao thuốc, ông Tài nói:
- Tôi không hút thuốc đâu.
Anh quản giáo:
- Cháu cũng biết là bác không hút thuốc, nhưng giám thị nói cứ phải để thuốc cho bác.
Ông Tài cười:
- Nếu anh đã có lòng như thế thì anh kiếm cho tôi cái điếu ục.
Anh quản giáo:
- Ðược rồi. Cháu sẽ đi kiếm điếu cho bác.
Anh lại tong tả chạy đi. Một lát sau, anh quay lại với một cái điếu ục loại trung:
- Cái điếu ục như ở nhà bác thì ở đây không có. Bác hút tạm điếu này.
Anh móc trong túi ra một nhúm thuốc lào:
- Thuốc lào cháu xin của mấy anh người Hải Phòng đấy. Ðây là loại thuốc lào ở Vĩnh Bảo, không hiểu làm thế nào mà đưa lên đây được.
Ông Tài thong thả nạp thuốc vào nõ, rồi rít. Tiếng nước điếu sôi lục bục trong ống điếu. Ông thổi búng tàn thuốc ra ngoài, rồi bịt miệng nõ lại và hít một hơi đến căng lồng ngực.
Thuốc nặng làm ông Tài choáng váng. Ông ngồi thừ ra, hai tay xoắn vào nhau, mồm méo xệch.
Anh quản giáo vội vàng đỡ lấy ông:
- Bác say à?
Ông Tài nói đứt quãng:
- Say… Say quá… Thuốc này nặng, không như thuốc trên này.
Anh quản giáo cười:
- Ở đây có mấy anh em ở dưới xuôi. Họ mang thuốc lên hút v́ thuốc trên này nhạt, cứ như râu ngô ấy, hút chẳng say được.
Có mấy bóng người xuất hiện ở cửa. Ðó là một sĩ quan đeo cấp hàm Thiếu tá và một cán bộ Viện Kiểm sát cùng Trưởng giám thị trại giam.
Ba người bước vào.
Anh Trung tá, Trưởng giám thị hỏi:
- Chào bác! Bác khỏe chứ? Sang phòng giam mới thế nào? Giới thiệu với bác, đây là anh Tuấn, Phó phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh. Còn đây là anh Nguyên, cán bộ Viện Kiểm sát. Hôm nay các anh ấy có chương trình làm việc với bác.
Ông Tài đứng lên, cúi đầu chào:
- Chào các cán bộ.
Thiếu tá Tuấn đứng lên:
- Ấy chết! Bác đừng nói thế! Ở đây bác đừng gọi chúng cháu là cán bộ.
Ông Tài:
- Dạ! Tôi không dám! Tôi là thân phận bị can.
Anh Nguyên, cán bộ Viện Kiểm sát cười:
- Sao lại chỉ có hai cái chén thế này? Lấy thêm mấy cái nữa đi, để chúng tôi được uống trà với bác Tài. Nghe danh bác từ lâu, đọc báo viết về bác cũng từ lâu lắm rồi mà bây giờ mới được diện kiến thế này. Thế là chúng cháu có may mắn đấy.
Ông Tài ngạc nhiên, không hiểu vì sao mọi người lại nói chuyện với mình bằng giọng điệu như đang ở bên ngoài, chứ không phải ở trong trại giam.
Ông Tài:
- Tôi thấy người ta nói ở đời có hai chỗ không nên gặp nhau. Thứ nhất là bệnh viện, thứ hai là trại giam. Ở trong này, tôi là bị can, còn các anh là cán bộ điều tra. Thân phận khác nhau lắm.
Anh quản giáo trẻ lại ra ngoài lấy thêm chén.
Thiếu tá Tuấn lấy ra một gói kẹo, một bao thuốc lá Vinataba loại hộp sắt từ trong cặp:
- Ðây là quà của Giám đốc Công an tỉnh gửi cho bác. Bác nhớ Nguyễn Huy Trực, Chính trị viên Ðồn Mường Mun ngày xưa chứ?
Ông Tài gật đầu:
- Tôi nhớ. Ngày ấy, tôi là lính trinh sát, làm dân vận dưới cơ sở. Từ đó về tới đồn còn phải đi bộ mất một ngày đường, nên năm thì mười họa mới được về đồn gặp chỉ huy. Chỉ có những dịp tổng kết hoặc họp hành gì đó mới được về. Nghe nói sau này ông Trực vào Nam chiến đấu. Nếu tôi không nhầm thì anh ấy cũng sắp đến lúc nghỉ hưu rồi.
Thiếu tá Tuấn:
- Lẽ ra là thủ trưởng đã nghỉ hưu năm ngoái, nhưng lãnh đạo Bộ yêu cầu ở lại làm thêm hai năm. Chắc tầm này sang năm là anh ấy sẽ nghỉ.
Bốn người cùng uống trà. Bỗng nhiên, một bầu không khí im lặng, pha chút nặng nề bao trùm lên căn phòng.
Thiếu tá Tuấn lại lấy ra một tờ báo từ trong cặp:
- Bác đọc bài báo này đi.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Ông Tài cầm tờ báo và thấy ngay trên trang nhất có dòng tít “Vì một con hổ mà bắn chết 2 mạng người, làm bị thương 2 người”.
Ông chỉ đọc dòng tít, rồi trả lại tờ báo:
- Thế là bị thương 2 đứa à? Ai bị thương vậy?
Thiếu tá Tuấn thở dài, dịu giọng:
- Hoàng Văn Ðạt bị thương ở mông. Còn thằng Phu bị thương ở tay, nhưng sau đó nó đã trốn mất. Thằng Ðạt dính đạn đầu tiên, hắn nhảy xuống suối và lặn sâu nên thoát.
Ngừng một lát, Thiếu tá Tuấn nói tiếp:
- Bác Tài ạ, chúng tôi không lạ gì bác và thực lòng chúng tôi kính trọng bác. Ðồng chí Giám đốc Công an tỉnh cũng vậy. Sau khi nghe báo cáo chuyện này, đồng chí không ngủ được. Ngày xưa, khi còn là học sinh, chúng tôi đã được đọc nhiều sách về chiến công tiễu phỉ, giúp dân của bác và các đồng chí công an vũ trang ở đồn Mường Mun. Sau này, khi bác chuyển ngạch sang làm kiểm lâm, chúng tôi cũng biết bác là người yêu rừng, bảo vệ rừng. Nhất là chuyện bác nuôi dưỡng, chăm sóc con hổ Leng. Bây giờ sự thể như thế này, chúng tôi cũng không muốn hỏi bác như những tội phạm hình sự khác. Bác cứ viết cho chúng tôi một bản tường trình về quá trình nuôi dưỡng con hổ và lý do, nguyên nhân mà bác phải giết ông Ðạt và những cộng sự của ông ta. Chúng tôi tin bác là người có bản lĩnh và chẳng cần che giấu gì, vì sự việc quá rõ ràng rồi, có giấu cũng chẳng được. Sáng nay, có sự chứng kiến của đồng chí cán bộ Viện Kiểm sát ở đây, chúng tôi muốn bác viết cho chúng tôi một bản tường trình cụ thể, tỉ mỉ. Viết lại những điều này không nhanh, có khi phải mất vài ngày. Thế nên hàng ngày, bác cứ lên đây ngồi viết, đến trưa thì anh em sẽ mang cơm cho bác, tối thì lại về phòng giam. Kể từ tối nay, chúng tôi sẽ dọn một buồng ở bên cạnh buồng anh em cảnh sát bảo vệ ở cho bác. Bác sẽ ở đấy, chứ không ở chung với phạm nhân nữa.
Ông Tài giật mình:
- Như thế sao được! Người ta lại cho là vi phạm nguyên tắc.
Trưởng giám thị:
- Nguyên tắc là do chúng ta đặt ra, sửa đổi nguyên tắc cũng là do chúng ta. Bác cứ yên tâm, cháu sẽ là người chịu trách nhiệm việc này. Từ hôm bác vào, phải để bác ở với đám phạm nhân là chúng cháu cũng áy náy lắm. Hôm qua, cháu đã xin ý kiến Giám đốc Công an tỉnh. Thủ trưởng cũng đã nói phải tạo điều kiện sinh hoạt tốt nhất cho bác, trong điều kiện có thể.
Anh Nguyên băn khoăn:
- Việc này cần kín đáo, chứ đám báo chí mà biết ông Tài đã phạm trọng án mà lại được đối đãi đặc biệt, họ réo lên là cũng mệt đấy.
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong