Con hổ Leng (Kỳ 39)

Tiếng chó sủa lại cả tiếng hổ gầm khiến mụ lợn xề và gã lợn đực hoang mang, không hiểu chuyện gì xảy ra. Tại sao lại có cả hổ và chó cùng tấn công một lúc thế này.

Con hổ Leng (Kỳ 38)
Con hổ Leng (Kỳ 37)
Con hổ Leng (Kỳ 36)

Cách nương ngô của ông Tài chừng hai cây số, có một nương sắn bỏ hoang. Nương sắn ấy vốn là của đội công tác cơ sở Ðồn Biên phòng Mường Mun. Năm trước, do tình hình lương thực cung cấp cho đồn khó khăn quá, nên anh em cùng chi đoàn thanh niên xã Mường Mun đi khai hoang được hơn một héc-ta và trồng sắn. Nhưng do không có người trông nom nên khi sắn có củ là bị lợn kéo về phá. Hơn nữa, đường từ tỉnh về huyện đã thông, nên lương thực cung cấp cho đồn cũng đủ và những thửa ruộng lúa nước ở gần đồn cũng được mùa, cho nên anh em cũng quên luôn nương sắn. Ðã có lần đồn trưởng bảo bà con cứ ra nương dỡ sắn về… được ít nào hay ít đó. Nhưng dân bản Mun nhà nào cũng dư thừa sắn, ngô, cho nên chả ai nghĩ đến nương sắn ấy, thế là nương trở thành nương hoang.

Con Lếch chả lạ gì nương sắn này, bởi nó đã mấy lần được đi theo ông Tài ra đây bẫy lợn cỏ và con dúi. Vì thế, nó chạy phăm phăm trên con đường mòn đã bị cỏ gianh che lấp. Nhưng đến gần nương, nó đi chậm lại và hai tai vểnh lên đón những âm thanh lạ theo gió bay đến. Trong tiếng gió xì xào là có tiếng lũ lợn đang dùng mõm ủi gốc sắn và có tiếng lũ lợn con chí chóe tranh ăn. Và cũng ngay tức khắc, khứu giác của nó đã phát hiện ra mùi hôi hôi của lũ lợn. Nó biết rằng ở nương sắn đang có một gia đình nhà lợn hoành hành. Hừm, bọn lợn này hẳn đang khoái chí lắm đây, chúng được thoải mái phá phách mà không sợ bị xua đuổi, bị những tay nỏ, tay súng rình dập.

Gần đến nương sắn, con Lếch nằm ẹp xuống và bò ngược chiều gió. Con Leng thấy mẹ nuôi như vậy thì nó cũng bắt chước. Nhưng nó không bò mà chỉ cúi rạp xuống.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Chúng bò tới sát nương và nhìn thấy có một con lợn xề nặng có đến gần trăm cân, hai chiếc răng nanh từ hàm dưới cong vòng lên hệt như hai chiếc ngà voi thu nhỏ. Con lợn đực thì nhỏ hơn đang hùng hục ủi sắn còn con lợn xề dáng chừng đã ăn no nên nằm uể oải nhìn lũ con mới được khoảng hai tháng tuổi đang chơi đùa.

Con Leng nhấp nhổm định xông vào con lợn đực, nhưng con Lếch ra hiệu cho nó nằm im. Bản năng săn mồi của nó mách bảo đừng tham tấn công vào mụ lợn xề và gã lợn đực kia. Nó thì chắc chắn không thể là đối thủ của vợ chồng nhà lợn kia. Còn con Leng, tuy là hổ, nhưng chưa đủ sức mạnh, uy lực để thắng áp đảo chúng, cho nên phải biết lượng sức mình. Nhìn ánh mắt sốt ruột của con Leng, con Lếch cũng muốn để hai con lợn kia dạy cho nó một bài học. Nó biết nếu con Leng xông vào, hai con lợn kia hợp lực lại thì chắc chắn thất bại là thuộc về con Leng. Và chưa biết chừng, chiếc răng nanh, cùng với cú đớp có sức mạnh chẳng kém gì loài hổ sẽ gây cho con Leng thương tích. Mà nếu để con Leng làm sao, chắc chắn ông Tài sẽ không để nó yên.

Con Leng háo hức muốn xông vào con lợn đực. Nó thấy sức nó tấn công con lợn đực là vừa phải, vì con này chỉ nặng ngang nó, nghĩa là khoảng hơn năm chục cân. Nhưng khi nhìn thấy răng nanh mụ lợn xề thì nó thấy ngài ngại… Nó nhớ tới một lần đã bị một mụ lợn xề ở bản đớp cho một miếng chí tử… Nghĩ tới đó, tự nhiên nó thấy cần phải thận trọng và tính toán kỹ lưỡng. Nghĩ đi nghĩ lại, nó thấy nên tấn công lũ lợn con kia là hơn. Bọn lợn con này, đang độ ngon thịt và dĩ nhiên là chúng không thể biết chống trả. Nhưng làm thế nào để tránh được bố mẹ chúng thì đó lại là chuyện không đơn giản. Con Leng đưa mắt nhìn mẹ nuôi như dò hỏi. Thấy ánh mắt đó, con Lếch rất hài lòng và yên tâm hơn vì biết con Leng đã có suy nghĩ thận trọng. Nó đã nghĩ ra cách tấn công lũ lợn và quyết định phải xua hai con bố mẹ, tập trung vào đàn con. Nó sẽ làm làm nhiệm vụ xua đuổi mụ lợn xề và gã lợn đực, còn con Leng sẽ vồ lũ lợn con. Như thế vừa đảm bảo an toàn, vừa có khả năng thắng. Lũ lợn con chạy khá nhanh và một khi chúng chạy được vào rừng thì coi như thoát, bởi rừng cây rậm rạp, chúng chui luồn tốt hơn con Lếch và con Leng. Muốn vậy, phải chặn đường thoát của chúng vào rừng. Con Lếch quan sãn kỹ và nhận ra lối bọn chúng từ rừng kéo vào nương sắn… Chúng vào đường nào thì sẽ chạy ra đường đó, quy luật của lũ lợn là vậy. Và khi có động, lũ lợn con bao giờ cũng chạy trước, còn con bố và mẹ chạy sau bảo vệ…

Những suy nghĩ, tính toán của con Lếch làm con Leng cảm nhận được. Nó bò giật lùi và ra phục kích gần chỗ vệt đường lũ lợn từ rừng vào nương.

Thấy con Leng đã vào vị trí, con Lếch sủa váng lên và xông thẳng vào chỗ mụ lợn xề.

Nghe tiếng chó sủa, con lợn xề lập tức dẫn đàn con chạy vào rừng, con gã lợn đực thì lao về phía con Lếch để cản đường. Bọn lợn này khá tinh ranh. Chúng biết rõ tiếng chó sủa này là chó nhà. Mà đã là chó nhà thì thế nào cũng có thợ săn đi cùng, cho nên, cách tốt nhất là chạy cho thật nhanh. Con Lếch tránh đòn tấn công của con lợn đực, mà lao vào con lợn xề. Quả nhiên, mụ ta quay ngoắt lại, cúi đầu, hùng hục lao vào con Lếch. Bọn lợn con theo lối cũ chạy vào rừng, thì con Leng gầm lên một tiếng dữ dội và tung một cú nhảy vồ dũng mãnh vào con lợn chạy đầu tiên. Cú vồ của nó khiến con lợn bật ngửa và chỉ trong tích tắc, hàm răng của nó đã cắm ngập vào chiếc gáy nần nẫn thịt của con lợn. Sẵn đà, nó hất đầu, khiến con lợn văng lên trên không và khi nó còn đang chưa rơi xuống mặt đất thì con Leng nhảy tới và bàn chân trái của nó tát trúng bụng con lợn. Cú tát mạnh đến nỗi xé toang bụng con lợn, khiến nó thét lên đau đớn.

Tiếng chó sủa lại cả tiếng hổ gầm khiến mụ lợn xề và gã lợn đực hoang mang, không hiểu chuyện gì xảy ra. Tại sao lại có cả hổ và chó cùng tấn công một lúc thế này. Lũ chó kia vốn sợ hổ một phép, hôm nay sao lại cũng có mặt ở đây. Tiếng thét thê thảm của lợn con làm còn lợn mẹ càng thêm sợ hãi. Nó không con bụng dạ nào chiến đấu với con Lếch nữa, nên quắp đuôi phóng thẳng vào rừng. Còn gã lợn đực thì cũng lao đi một hướng khác.

Trận đánh xảy ra nhanh đến mức cả con Lếch và con Leng đều không ngờ. Con Leng cắn cổ con lợn tha đến chỗ mẹ nuôi và đặt xuống rồi nhìn bằng ánh mắt đắc thắng. Con Lếch nhận thấy sự tự hào của con Leng, nhưng nó vẫn giữ thái độ bình thản. Với nó, việc bắt được con lợn chưa có răng nanh chỉ chiến công nhỏ bé. Nó đã từng được đi săn nai, từng được đi đuổi lũ bò rừng, cho nên việc bắt được con lợn này là quá đỗi bình thường. Nhưng với con Leng, như thế này cũng có thể coi là một chiến thắng lớn, bởi vì nó đã có linh cảm của việc đi săn, đã biết lựa chọn con mồi và biết chọn thời điểm tấn công.

Con Leng xé toang bụng con lợn và thứ nó ăn đầu tiên là bộ phổi. Nó rứt quả tim lợn ra rồi mang lại con Lếch như ra ý mời. Con Lếch cũng chẳng khách sáo, nó đón nhận quả tim lợn mà đứa con nuôi mang lại như một món quà và thong thả ăn từng miếng chậm rãi. Con Leng nhìn mẹ nuôi ăn quả tim lợn với vẻ hài lòng, rồi nó quay về ăn tiếp bộ lòng con lợn. Con Lếch vừa ăn quả tim, vừa chăm chú theo con Leng… Nó vẫn nhớ lời ông Tài dặn là phải kiếm cái ăn, vì thế nó phải theo dõi xem con Leng thế nào. Nó chỉ cho phép con Leng ăn bộ lòng, còn thịt thì phải mang về. Khi con Leng ăn gần hết bộ phổi, cỗ gan và một phần ruột non của con lợn thì con Lếch cắn vào cổ con lợn tha đi vài mét rồi lại đặt xuống..

Con Leng hiểu ý mẹ nuôi. Nó đến càm con lợn bê bết máu chạy theo con Lếch về nương ông Tài.

Minh tưởng như đang ngủ mê khi nhìn thấy con Leng tha con lợn không còn bộ lòng về. Ông Tài bảo Minh:

- Con thấy chưa, nó rất biết ý bố.

Minh không còn biết nói gì nữa, bởi bây giờ anh đã hoàn toàn tin rằng, giữa bố anh và con hổ Leng, con chó Lếch kia có một sợi dây liên lạc rất chặt chẽ. Ðó là sợi dây của cảm giác, của tâm linh và ngày càng bền chặt bởi tình thương yêu giữa người với con vật và sự tôn thờ giữa con vật với người.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

/ Năng Lượng Mới