Con đường suy tàn của băng mafia khét tiếng

Cuộc sống của người dân Sicily hoàn toàn thay đổi sau ngày 23/5/1992, khi một thẩm phán chống mafia thiệt mạng trong vụ đánh bom đẫm máu. 

Phóng viên Lorenzo Tondo nhớ lại những giọt nước mắt của mẹ mình khi bà nhìn thấy trên màn hình TV cảnh tượng những chiếc xe bị chôn vùi trong đống đổ nát và đường phố tan hoang trong vụ đánh bom vào ngày định mệnh đó. Trong tâm trí của Tondo, khi đó 10 tuổi, đây chỉ có thể là một thảm họa tự nhiên.

Trên thực tế, đây là hậu quả của một vụ giết người tàn bạo. Chiếc xe Fiat Croma màu trắng dưới đống đổ nát chở theo thẩm phán chống mafia Giovanni Falcone, kẻ thù số một của băng đảng khét tiếng Cosa Nostra. Các tên trùm mafia đã đặt 300 kg chất nổ bên dưới đường cao tốc nối giữa sân bay và thành phố Palermo. Quả bom được kích hoạt khi đoàn xe hộ tống Falcone tới gần, cướp đi mạng sống của vợ chồng Falcone và ba cảnh sát bảo vệ.

con duong suy tan cua bang mafia khet tieng
Hiện trường vụ đánh bom ám sát thẩm phán Giovanni Falcone trên đường cao tốc gần Palermo, vùng Sicily, Italy hồi năm 1992. Ảnh: AP.

Chưa đầy hai tháng sau, Paolo Borsellino, đồng nghiệp của Falcone, cũng thiệt mạng trong một vụ đánh bom xe. Các ông trùm mafia đã mở tiệc ăn mừng cái chết của hai thẩm phán, trong khi chính quyền Italy phải điều 5.000 lính nhằm ngăn chặn cuộc chiến toàn diện tại vùng Sicily.

4 năm tiếp theo, Tondo thường xuyên đá bóng trên đường phố với các binh sĩ mang súng máy ở xung quanh. Anh cảm thấy như đây là khởi đầu của một thảm họa và Sicity đang đứng bên bờ vực sụp đổ. Tuy nhiên, mùa hè đẫm máu năm 1992 lại mở ra chặng đường suy tàn của một trong những tổ chức tội phạm quyền lực nhất thế giới.

Palermo sau đó dần tái sinh từ đống tro tàn của những vụ đánh bom và ám sát. Hàng chục cửa hiệu và nhà hàng ở Via Maqueda, con phố sôi động chạy qua trung tâm thành phố, dán lên cửa sổ dòng chữ "Addiopizzo", có nghĩa là "Tạm biệt sự cưỡng đoạt", tượng trưng cho tuyên bố của các chủ doanh nghiệp từ chối trả tiền bảo kê cho mafia. Đây là một trong nhiều dấu hiệu cho thấy giờ đây Cosa Nostra mới là "kẻ đứng bên bờ vực".

"Mafia ở Sicily hiện nay ít nguy hiểm hơn trước. Chúng ta có thể nói rằng thế lực từng có khả năng ám sát các thẩm phán và tấn công chính quyền đã bị đánh bại", Giuseppe Pignatone, cựu công tố viên trưởng của Rome, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình La7 tuần trước.

Pignatone không phải người duy nhất đưa ra nhận định này. Theo nhiều chuyên gia, băng Cosa Nostra đang lâm vào tình cảnh suy yếu chưa từng thấy. Với những vụ truy quét không khoan nhượng của cảnh sát, gánh nặng khủng hoảng kinh tế, thiếu tiền mặt và thuộc hạ, Cosa Nostra giờ đây bị coi là "hổ giấy".

Cosa Nostra chưa diệt vong và vẫn hiện hữu trong xã hội Sicily. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng băng đảng này suy yếu tới mức tầm ảnh hưởng chỉ còn trong phạm vi khu dân cư. "Đây rất có thể là thời điểm yếu nhất trong lịch sử của Cosa Nostra. Chính quyền Italy đã đạt được những kết quả chưa từng có. Áp lực pháp lý và hậu quả của khủng hoảng trong những năm gần đây là điều các ông trùm chưa từng trải qua trong lịch sử của tổ chức", Salvatore Lupo, giáo sư về lịch sử đương đại của Đại học Palermo, nhận định.

Kể từ sau cái chết của Falcone và Borsellino, cảnh sát Italy đã bắt hơn 4.000 tên mafia. Salvatore "Toto" Riina, ông trùm có biệt danh "Quái vật" của Cosa Nostra và được coi là trùm mafia Italy khét tiếng nhất thế kỷ 20, cũng sa lưới. Riina là kẻ ra lệnh ám sát hai thẩm phán hồi năm 1992, cũng như chỉ thị đàn em thực hiện 150 vụ giết người khác. Sự tàn bạo của Riina khiến y bị tay sai phản bội và bị bắt hồi năm 1993 với án chung thân, sau đó chết hồi tháng 11/2017 khi đang điều trị ung thư.

"Riina vẫn là kẻ đứng đầu băng đảng mafia ở Sicily cho đến lúc chết. Tuy nhiên, những năm gần đây, ông ta gặp khó khăn rõ ràng trong việc quản lý lợi ích kinh doanh của tổ chức bởi sức khỏe kém và bị cô lập trong tù", Sergio Lari, cựu công tố viên từng đứng đầu ủy ban chống mafia ở Palermo hơn 10 năm, cho biết.

con duong suy tan cua bang mafia khet tieng
Cảnh sát áp giải Salvatore "Toto" Riina ra trước tòa án thành phố Palermo, Italy hồi tháng 12/1993. Ảnh: Reuters.

Trên thực tế, không ai được coi là đủ quyền lực để thay thế vị trí của Riina. Những ông trùm được tôn sùng nhất hiện đều ngồi tù hoặc chết tại đây. Thay thế họ là những tên mafia trẻ hơn, dường như không có đủ uy thế như thế hệ trước.

Rosalba Di Gregorio, luật sư từng bào chữa cho Bernardo Provenzano, "cánh tay phải" của Riina, cho biết băng đảng bị xáo trộn bởi "những ông trùm mới không hẳn là ông trùm". "Những người mãn hạn tù và trở lại đường phố có thái độ kênh kiệu. Họ nghĩ mình là ông trùm. Trên thực tế, đây không còn là Cosa Nostra nữa", nữ luật sư nói.

"Đối lập với những ông trùm hồi trước, kẻ dám gây chiến với chính quyền, thế hệ mới chỉ là những tên trộm vặt", Maria Falcone, em gái thẩm phán Falcone, cho biết.

Một số người tin rằng "bố già đích thực" duy nhất có khả năng dẫn dắt mafia ở Sicily là Matteo Messina Denaro, một trong những kẻ bị truy nã gắt gao nhất thế giới sau khi y lẩn trốn hồi năm 1993. Tuy nhiên, giới chuyên gia và nhiều thành viên mafia không đồng tình với quan điểm này.

"Việc cho rằng Denaro có thể trở thành 'siêu ông trùm' mới chỉ là luận điệu của giới truyền thông. Họ muốn thuyết phục mọi người rằng việc bắt được Denaro tương đương với thất bại cuối cùng của Cosa Nostra, nhưng hắn thậm chí không được công nhận trong số nhiều ông trùm Sicily", giáo sư Lupo cho biết.

"Denaro có thể là ông trùm của toàn bộ tỉnh Trapani, nhưng ông ta chắc chắn không phải người đứng đầu trong số các ông trùm của Cosa Nostra. Ông ta có lẽ không bao giờ đạt được vị trí đó vì không phải là người gốc Palermo. Vị trí này thường do những tên mafia từ Palermo đảm nhiệm", công tố viên Lari giải thích.

Những tiến bộ công nghệ cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống mafia, trước hết là việc sử dụng máy nghe lén và camera quay trộm. Những con bọ nghe lén được cài trong nhà các ông trùm và camera bí mật đặt trong sào huyệt của mafia giúp phanh phui các hoạt động tội phạm của chúng, khiến các ông trùm phải nhận mức án dài và bị giam trong những nhà tù an ninh chặt chẽ.

Sau cái chết của Falcone và Borsellino, hệ thống nhà tù nổi tiếng nghiêm ngặt của Italy được tăng cường hơn nữa nhằm cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ giữa các tù nhân mafia với cộng sự cũ. Để thoát khỏi cuộc sống biệt lập, nhiều tên mafia quyết định trở thành nhân chứng.

Những người này được gọi là "pentini", có nghĩa là "ăn năn". Họ làm chứng trước tòa chống lại các cộng sự cũ của mình để đổi lấy sự khoan hồng, dẫn tới thêm nhiều vụ bắt giữ và làm Cosa Nostra suy yếu hơn nữa. Hơn 300 cựu thành viên mafia đã hợp tác với chính quyền Sicily.

Cuộc khủng hoảng kinh tế khiến Italy chịu nhiều tổn thất cũng tác động mạnh tới Cosa Nostra. Một trong những lĩnh vực mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho chúng là xây dựng, khi các công ty móc nối với mafia để khai khống tiền trong hợp đồng xây cầu đường và các tòa nhà. Trong thời kỳ hoàng kim của mafia vào những năm 1970, chỉ riêng hoạt động xây dựng do mafia kiểm soát ở Palermo đã có giá trị khoảng 1,2 tỷ USD.

Tuy nhiên, ngành xây dựng tại Sicily đang gặp khó khăn nghiêm trọng, với hơn 73.000 lao động dư thừa trong giai đoạn 2008-2017 và hơn 5.000 doanh nghiệp đóng cửa, theo Tổng Liên đoàn Lao động Italy. Nhiều gia tộc mafia buộc phải giảm chi phí bảo kê theo yêu cầu của các chủ doanh nghiệp, những người đã bớt sợ mafia và tin tưởng hơn vào pháp luật.

Những đoạn băng nghe lén ghi lại được lời phàn nàn của các ông trùm về khủng hoảng kinh tế, cũng như thừa nhận sự suy yếu của tổ chức. "Chúng ta là mafia kiểu gì vậy?", Alfredo Giordano, cựu mafia từ Palermo, nói trong đoạn băng. Y thậm chí không thể lấy lại những đồ vật mà con gái mình bị đánh cắp. Trong một đoạn băng khác, vợ của trùm mafia Salvatore Spica phàn nàn với chồng rằng bà đã dùng 100 euro để mua đồ tạp hóa cho mẹ, 200 euro đi nha sĩ và chỉ còn "những đồng xu lẻ".

Công tố viên Lari cho rằng một trong những ví dụ điển hình nhất về tình trạng khủng hoảng hiện tại của Cosa Nostra là việc buôn bán ma túy. "Vị thế độc quyền tuyệt đối của Cosa Nostra chuyển thành những thỏa thuận song phương và mang tính lệ thuộc, thường là với nhóm tội phạm 'Ndrangheta ở vùng Calabria", Lari nói.

Vào những năm 1970, mafia Sicily không chỉ buôn bán mà còn sản xuất ma túy. Morphine thường được mua ở Thụy Sỹ rồi chuyển tới Palermo, nơi chúng được xử lý trong hàng trăm nhà máy tinh chế bí mật ở vùng nông thôn. 30% heroin ở Mỹ tại thời điểm đó được sản xuất ở Sicily.

Các cuộc điều tra gần đây cho thấy hàng tấn cocaine trên đường phố Palermo và Catania có nguồn gốc từ nhóm 'Ndrangheta. Nhóm này từng bị các ông trùm Sicily coi thường, sau đó xây dựng mối quan hệ với những kẻ buôn bán ma túy ở Colombia và giờ đây kiểm soát các cảng cũng như bán hàng cho người Sicily.

con duong suy tan cua bang mafia khet tieng
Chân dung cố thẩm phán Paolo Borsellino treo trong một bảo tàng tưởng niệm cuộc chiến chống mafia ở Palermo, Italy. Ảnh: Guardian.

Mafia ở Sicily giết hơn 1.000 người từ năm 1978 tới 1983. Hàng trăm người đã thiệt mạng vào đầu những năm 80. Nhưng từ giữa những năm 1990, số vụ giết người đã giảm đáng kể. Suốt 5 năm qua tại thành phố Palermo chỉ có duy nhất một vụ giết người do Cosa Nostra gây ra.

Vụ án xảy ra vào ngày 22/5/2017, khi ông trùm mafia Giuseppe Dainotti bị bắn gục trong lúc đạp xe giữa trung tâm Palermo. Cư dân khu phố Noce sững sờ trước cảnh tượng thi thể Dainotti nằm giữa vũng máu. Tiếng súng đã trở nên quá xa lạ, tới mức một số người nhầm rằng đó là tiếng pháo hoa.

Hai đài tưởng niệm được dựng bên đường cao tốc nơi chiếc xe của thẩm phán Falcone nổ tung năm 1992. Hàng trăm du khách đã dừng lại tại đây để đặt hoa và cầu nguyện. Bia tưởng niệm thẩm phán Borsellino cũng được dựng trên phố Via D'Amelio. Những tác phẩm nghệ thuật đường phố nhằm tưởng nhớ nạn nhân của mafia tại Palermo cũng thay thế các khẩu hiệu ủng hộ chúng.

"Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Anh trai tôi từng nói mafia là một hiện tượng của nhân loại, nên sẽ có khởi đầu và kết thúc. Bất chấp cơn khủng hoảng của Cosa Nostra, hiện tượng đó vẫn chưa tới hồi kết", bà Maria Falcone nói.

Cuộc chiến chống mafia có thể chưa kết thúc. Nhưng ít nhất những ông trùm mafia từng lái xe sang, sống trong biệt thự xa hoa và thách thức chính quyền như Dainotti đã phải chết trên một chiếc xe đạp.

Ánh Ngọc (Theo Guardian)

con duong suy tan cua bang mafia khet tieng Vì sao tổ chức tội phạm Italia được gọi là mafia?

Mafia có nguồn gốc từ Sicily, một hòn đảo xinh đẹp ở Địa Trung Hải, đồng thời là nhà của hơn 100 "gia đình" mafia ...

con duong suy tan cua bang mafia khet tieng 19 nghi phạm mafia sa lưới trong chiến dịch truy quét xuyên Đại Tây Dương

Nhóm tội phạm có tổ chức bị bắt trong chiến dịch do cảnh sát Italy và Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ phối hợp ...

con duong suy tan cua bang mafia khet tieng Bí mật về Catturandi - nhóm triệt phá các tổ chức mafia khét tiếng

Catturandi là nhóm triệt phá các tổ chức mafia khét tiếng ở Italia, gồm những người đàn ông "giấu mặt và không tên tuổi" thường ...

/ vnexpress.net