'Con dao hai lưỡi' của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại với Mỹ

Trung Quốc thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc để thu hút dư luận trong nước ủng hộ, nhưng họ đang tự đẩy mình vào thế khó thỏa hiệp với Mỹ.  

con dao hai luoi cua trung quoc trong chien tranh thuong mai voi my
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mỹ tháng 9/2015. Ảnh: Reuters.

Khi các cuộc đàm phán thương mại kéo dài nhiều tháng giữa Trung Quốc và Mỹ đổ bể gần 4 tuần trước, không nhiều người dự đoán Bắc Kinh sẽ phát động một chiến dịch tuyên truyền chống Washington, gọi Mỹ là "kẻ bắt nạt" nền kinh tế nước này.

Các lãnh đạo ở Bắc Kinh vốn khó chịu trước lập trường cứng rắn với Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump kể từ khi ông lên nắm quyền hai năm trước. Tuy nhiên, trong hơn một năm qua, họ không thể hiện quan điểm quá gay gắt nhằm giữ cho cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước diễn ra suôn sẻ. Họ lo sợ rằng căng thẳng thương mại sẽ khiến họ phải đối đầu với đất nước hùng mạnh nhất thế giới vào thời điểm Trung Quốc chưa đủ sức.

Tuy nhiên, tình hình thay đổi kể từ ngày 10/5, khi vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung lần thứ 11 kết thúc ở Washington mà không đạt được thỏa thuận. Các quan chức và truyền thông nhà nước Trung Quốc dồn dập đổ lỗi cho Mỹ về bế tắc trong đàm phán, chỉ trích chính quyền Trump liên tục đưa ra đòi hỏi mới.

Kể từ ngày 11/5, People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng hơn 20 bài bình luận lên án Nhà Trắng bắt nạt kinh tế và thay đổi lập trường trong cuộc đàm phán thương mại. Bên cạnh việc chiếu những bộ phim chống Mỹ và phim tài liệu từ nhiều thập kỷ trước, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng thôi thúc tinh thần dân tộc chủ nghĩa trong các bản tin giờ vàng.

CCTV kêu gọi người dân đoàn kết chống lại áp lực từ nước ngoài, đặc biệt là chiến dịch "gây áp lực cực độ" của Washington. Họ tuyên bố sẽ đánh bại nỗ lực kiềm chế nước này của Mỹ với tinh thần Vạn lý Trường chinh (cuộc rút lui chiến thuật hơn 12.000 km năm 1934-1936 của hồng quân Trung Quốc, 15 năm sau đó họ giành thắng lợi trước Quốc Dân đảng), vài ngày sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thị sát Giang Tây, nơi khởi đầu của cuộc hành quân.

"Rõ ràng là giọng điệu của Trung Quốc đã thay đổi", George Magnus, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Oxford, nói. "Trước đây, họ có vẻ khó chịu nhưng vẫn kiên nhẫn với chính quyền Mỹ. Sự gay gắt hiện giờ lẽ ra không xuất hiện nếu lòng tin giữa hai bên không xói mòn nghiêm trọng".

Các nhà phân tích nhận xét cách tiếp cận theo chủ nghĩa dân tộc này cho thấy thách thức ngày càng đè nặng lên giới lãnh đạo Trung Quốc khi mối quan hệ chính trị và kinh tế xấu đi với Mỹ đang làm công chúng trong và ngoài nước cảm thấy lo lắng về tương lai.

Chen Daoyin, nhà phân tích tại Thượng Hải, nói rằng sự thay đổi giọng điệu của Bắc Kinh cho thấy áp lực lớn của giới lãnh đạo Trung Quốc là phải làm rõ cho công chúng về lý do nhiều tháng đàm phán thương mại không mang lại thành công.

"Giới chức Trung Quốc thấy rằng họ nợ công chúng trong nước và quốc tế lời giải thích về việc ai cần bị đổ lỗi cho thất bại đàm phán", ông nói."Chiến dịch tuyên truyền chống Mỹ cho thấy Bắc Kinh muốn thể hiện họ có quan điểm đúng đắn hơn Mỹ và họ sử dụng việc đó để gây sức ép lên Washington".

Nhiều chuyên gia bối rối trước làn sóng tuyên truyền chống Mỹ của Trung Quốc. "Mặc dù quan hệ Mỹ - Trung đã trải qua nhiều thăng trầm, chiến dịch tuyên truyền chống Mỹ hiện tại có quy mô và cường độ chưa từng thấy kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao 4 thập kỷ trước", Gu Su, nhà khoa học chính trị tại Đại học Nam Kinh, nói.

Global Times, phụ bản của báo đảng People's Daily, tháng trước gọi căng thẳng thương mại leo thang với Mỹ là "cuộc chiến của nhân dân". Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Hán Huy công kích Washington là "khủng bố kinh tế" và "sát nhân kinh tế" trong một cuộc họp báo hai tuần trước.

Ông Gu đánh giá rằng những ngôn từ gay gắt như vậy hiếm khi được sử dụng, ngay cả trong thời kỳ mâu thuẫn Mỹ - Trung lên cao nhất. Ông nhận xét việc Bắc Kinh tuyên truyền chống Mỹ là đi ngược với "luật bất thành văn" mà cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã đặt ra với truyền thông Trung Quốc là tránh gây căng thẳng với phương Tây.

"Sự tin tưởng giữa Mỹ - Trung đã hạ xuống mức thấp và cuộc chiến ngôn từ sẽ khoét sâu thêm sự chia rẽ", Jude Blanchette, chuyên gia từ công ty tư vấn chiến lược Crumpton Group ở Mỹ, nói.

Blanchette cho rằng dù có giọng điệu quyết liệt nhắm vào Mỹ, Bắc Kinh đã thận trọng, không công kích Trump trực tiếp. "Mặc dù đưa ra những lời lẽ gay gắt hơn, Trung Quốc muốn có một giải pháp cho căng thẳng thương mại", ông nói.

Dali Yang, giáo sư khoa học chính trị của Đại học Chicago, chỉ ra rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đã cố gắng không để tâm lý chống Mỹ biến thành tình huống vượt khỏi tầm kiểm soát như phong trào biểu tình của sinh viên Trung Quốc sau vụ Mỹ ném bom vào đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư năm 1999.

Mục đích của Bắc Kinh khi thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc là khiến người dân ủng hộ đảng và nhà nước, để công chúng chia sẻ sự thất vọng của giới lãnh đạo với Mỹ và từ đó gửi tín hiệu cho Mỹ rằng họ khó có thể nhượng bộ thêm. Giới lãnh đạo cũng muốn cho người dân thấy rằng họ "đã chiến đấu hết mình cho thỏa thuận cuối cùng", Yang nói.

Huang Jing, giáo sư tại Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh, đánh giá Trung Quốc ít khả năng hưởng lợi từ chiến dịch tuyên truyền này vì nó có thể khiến mối quan hệ song phương tồi tệ hơn.

"Chủ nghĩa dân tộc là con dao hai lưỡi có thể dễ dàng phản tác dụng, việc khơi dậy tình cảm của công chúng sẽ chỉ khiến việc ra quyết định khó khăn hơn, đặc biệt là những quyết định liên quan đến việc thỏa hiệp và nhượng bộ nếu họ muốn nối lại đàm phán thương mại", Huang nói.

Việc thúc đẩy tinh thần chủ nghĩa dân tộc cũng có thể tác động tiêu cực đến tham vọng ngoại giao toàn cầu của ông Tập Cận Bình. "Các quốc gia vốn cảnh giác với chính sách đối ngoại của Trung Quốc và sẽ cảm thấy có những mối đe dọa rõ ràng từ lập trường mới của họ", Magnus nói.

Yun Sun, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington, cảnh báo rằng việc khơi dậy tâm lý chống Mỹ sẽ phủ bóng lên cuộc gặp có thể diễn ra giữa ông Trump và ông Tập bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật cuối tháng này.

"Việc khuấy động chủ nghĩa dân tộc sẽ không giúp ích gì cho mặt trận thương mại nhưng biết đâu có thể khiến Mỹ nhượng bộ" bằng cách cho người Mỹ thấy mức độ Bắc Kinh được người dân trong nước ủng hộ, bà nói. Nếu Mỹ không lùi bước, Bắc Kinh ít nhất vẫn giữ được sự ủng hộ trong nước.

Nhưng Trung Quốc đã khiến mình lâm vào thế khó vì sau khi đã đưa ra ngôn từ gay gắt, họ sẽ khó hạ giọng để hai bên thỏa hiệp. "Trừ khi Mỹ giảm bớt yêu cầu của mình, Bắc Kinh sẽ không thể 'hợp lý hóa' việc nhượng bộ để hai bên đạt được thỏa thuận", bà nói.

"Không nhiều người nghĩ rằng điều đó sẽ xảy ra. Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka có thể là hy vọng tốt nhất để đạt được thỏa thuận nhưng khả năng điều đó thành hiện thực không cao".

Phương Vũ (Theo SCMP)

con dao hai luoi cua trung quoc trong chien tranh thuong mai voi my Mỹ trừng phạt Huawei vì "an ninh quốc gia", không liên quan tới thương mại

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm 9/6 cho biết, các biện pháp trừng phạt với Huawei là vì an ninh quốc gia, không ...

con dao hai luoi cua trung quoc trong chien tranh thuong mai voi my Giá đất hiếm Trung Quốc tăng kỷ lục vì chiến tranh thương mại

Do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại, giá đất hiếm ở Trung Quốc đang tăng lên mức cao nhất trong vài năm gần đây.

con dao hai luoi cua trung quoc trong chien tranh thuong mai voi my Những vũ khí tiếp theo của Mỹ - Trung trong cuộc chiến thương mại

Căng thẳng Mỹ - Trung đã vượt quá ranh giới của một cuộc chiến thuế nhập khẩu, khi hai bên tăng sức ép lên nhau ...

/ VnExpress