Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhận định: "Nơi nào lạm thu, Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm, đừng núp bóng phụ huynh, cũng đừng núp bóng ai cả".
Vấn đề lạm thu trong trường học đã diễn ra nhiều năm nay và cho tới giờ chưa có bất kỳ một biện pháp thực sự nào hiệu quả để chặn đứng tình trạng này.
Ở vài nơi, phụ huynh đã phản ứng đến mức yêu cầu đình chỉ chức vụ của Hiệu trưởng, do quá bức xúc với nhiều khoản tiền phải nộp vào đầu năm học.
Với nhiều người quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì mỗi khoản thu “vài chục nghìn đồng” cho tới “vài trăm nghìn đồng” khi cộng dồn lại bỗng trở thành gánh nặng quá sức đối với họ.
Nhiều khoản thu vô lý khi bị phanh phui thường có chung một “kịch bản” là được gắn mác “tự nguyện” nhờ hội phụ huynh đứng ra thu hộ, khiến cho ban phụ huynh chịu tiếng xấu và mỗi giáo viên ít nhiều cũng bị ảnh hưởng tới uy tín vì chuyện này.
Vào ngày 10/10 vừa qua, Cơ quan công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Quyên, cựu Hiệu trưởng trường Lệ Xá (huyện Tiên Lữ) về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và mua, bán trái phép hóa đơn, đồng thời áp dụng biện pháp ngăn chặn, bắt bị can để tạm giam trong thời hạn 4 tháng để phục vụ điều tra.
Trong giai đoạn từ năm 2012 – 2017, ở cương vị là Hiệu trưởng Trường tiểu học Lệ Xá, bà Quyên đã xây dựng kế hoạch tiền của học sinh, chỉ đạo triển khai cho các giáo viên chủ nhiệm trực tiếp thu tiền của các học sinh và nộp về thủ quỹ nhà trường quản lý với số tiền hơn 4,13 tỷ đồng, trong đó thu trái quy định hơn 3,28 tỷ đồng.
Để hợp thức hóa số tiền trái quy định, bà Quyên chỉ đạo cán bộ chuyên môn lập chứng từ chuyển vào quỹ công đoàn nhà trường và chuyển vào quỹ hội phụ huynh học sinh.
Tuy nhiên trên thực tế thủ quỹ nhà trường vẫn quản lý và thực hiện chi cho các hoạt động của nhà trường theo chỉ đạo của bà Quyên.
Cựu Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lệ Xá (Hưng Yên) bị khởi tố là thông tin chấn động ngành giáo dục. ảnh: Chí Nhân.
Đây là một sự việc hy hữu chưa từng xảy ra trong ngành giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng: “Từ sự việc như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải có chỉ thị chấn chỉnh toàn ngành; phối hợp với địa phương, với các cơ quan bảo vệ pháp luật để có hướng xử lý tốt nhất, tránh nơi này thì nặng nơi khác lại nhẹ, và điều quan trọng hơn là để các hiệu trưởng phải nhận thức rõ vấn đề thu chi có thể gây ra tai họa cho chính họ.
Trong vấn đề này đừng đổ lỗi cho Bộ Giáo dục, bởi vì cái này thuộc trách nhiệm của từng địa phương. Tôi biết là hiện nay ở một số địa phương đã giao nhiệm vụ và quy trách nhiệm cụ thể cho Hiệu trưởng”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, xã hội hóa trong giáo dục là điều cần thiết, bởi vì không thể cứ trông chờ vào ngân sách nhà nước. Các phụ huynh cũng hiểu rõ điều này và đều mong muốn con em mình được học tập trong ngôi trường có điều kiện cơ sở vật chất tốt.
Tuy nhiên, cần phải tách bạch rõ ràng các khoản thu và mức thu, đó là những khoản đóng góp tối thiểu để chi phí cho những việc thường ngày phục vụ học sinh như: Tiền nước, tiền vệ sinh, tiền bán trú… chi phí ấy phải được tính toán trên cơ sở thực tế để phụ huynh hoàn toàn vui vẻ tự nguyện đóng góp cho con em mình.
Bên cạnh đó, những phụ huynh có điều kiện kinh tế tốt ủng hộ thêm cho học sinh, cho nhà trường bao nhiêu nữa thì đó là tùy vào khả năng của họ.
Nếu sân trường hỏng, phòng học dột… mà cứ chờ ngân sách thì không biết bao giờ mới sửa được. Vì thế cần có sự đóng góp của các phụ huynh. Nhưng các khoản đóng góp ấy phải minh bạch, phải được giám sát chặt chẽ thì mới kêu gọi được lòng hảo tâm của phụ huynh.
Thậm chí nếu phải sửa chữa nhà trường mà khoản ấy nằm trong ngân sách mà tiền chưa chuyển về thì nhà trường hoàn toàn có thể vay tạm khoản tiền từ quỹ đóng góp của cha mẹ học sinh.
Tiến sĩ Lâm cảnh báo: “Điều quan trọng là các khoản đóng góp ấy phải được thực hiện hết sức minh bạch. Nhưng minh bạch thôi thì chưa đủ, mà minh bạch phải dựa trên sức dân, phải phù hợp với hoàn cảnh ở từng khu vực, chứ nếu làm quá lên thì phụ huynh sẽ phản ứng.
Sẽ còn có những Hiệu trưởng khác có thể dính vào vòng lao lý nếu như không có những biện pháp thực sự hữu hiệu để giúp cho họ hiểu đúng, làm đúng trong công tác quản lý giáo dục phù hợp với đặc điểm của từng trường, từng địa phương”.
Với kinh nghiệm nhiều năm cống hiến trong ngành giáo dục, từng làm Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Đinh Tiên Hoàng, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ rằng, trong công tác quản lý Hiệu trưởng giỏi là phải biết vận dụng linh hoạt những điều kiện nội lực của nhà trường, đồng thời có thể kêu gọi các bậc phụ huynh cùng góp sức vì học sinh thân yêu.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nói thẳng: Nơi nào có lạm thu, Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm. ảnh: Ngọc Quang
Hiệu trưởng đừng núp bóng phụ huynh, giáo viên
“Hiệu trưởng làm thực sự vì học sinh, vì nhà trường, không có tư lợi thì chắn chắn những gì thể hiện ra ngoài cũng sẽ rất đàng hoàng, minh bạch. Mà minh bạch theo kiểu hình thức rồi có cái gì khó là đổ cho ban phụ huynh đại diện đứng ra thu là không được.
Quản lý công hay tư đều có khiếm khuyết nếu thiếu đi sự giám sát của cộng đồng. Vì vậy, tôi cho rằng cần phải có sự giám sát của bên thứ ba, đó là đại diện cho chính quyền địa phương.
Mọi khoản thu hãy công khai trên website của nhà trường để phụ huynh và xã hội đều nhìn thấy, như thế sẽ không lo gì lạm thu”, Tiến sĩ Lâm cho biết.
Trước những ý kiến cho rằng lạm thu xảy ra ở nhiều trường vì vậy cần một cuộc rà soát và xử lý ở tầm vĩ mô, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ sự đồng tình và nêu quan điểm: “Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm toàn diện về những gì diễn ra trong nhà trường chứ không ai khác được.
Anh làm Hiệu trưởng thì có lương, có chế độ phụ cấp của người đứng đầu nhà trường, cho nên anh phải là người chịu trách nhiệm cao nhất. Đừng có núp bóng phụ huynh, giáo viên, đừng núp bóng bất kỳ ai khác.
Nếu anh không chỉ đạo thực hiện các khoản thu gây ra bức xúc thì anh vẫn phải chịu trách nhiệm vì quản lý quan liêu, yếu kém nên mới xảy ra chứ”.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, cần phải phát huy thực sự được vai trò của Ban phụ huynh của trường và của từng lớp.
“Ban phụ huynh phải được hoạt động đúng nghĩa là đại diện cho quyền lợi của học sinh chứ không phải là nơi để cho Hiệu trưởng núp bóng thu tiền rồi sau này lại nói là tự nguyện, phụ huynh tự đóng góp, tự thu.
Ở các trường tư, ban phụ huynh họ hoạt động rất tốt, giám sát lời hứa, kế hoạch của nhà trường.
Nếu trường làm không tốt, người ta yêu cầu phải làm tốt, làm đúng với cam kết để đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Thậm chí là nếu trường đi chệch hướng thì phụ huynh sẵn sàng chuyển con đi trường khác, đúng không?
Thế thì tại sao ở các trường công lập, ban phụ huynh chưa làm được như thế? Đấy chính là vấn đề mà ở tầm quản lý vĩ mô ngành giáo dục cần phải tháo gỡ”, Tiến sĩ Lâm nêu vấn đề. Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội chia sẻ, nếu các trường biết cách thực hiện thì phụ huynh không chỉ ủng hộ bằng tài chính mà còn đóng góp cả trí tuệ. Nhà trường hoàn toàn có thể kêu gọi các phụ huynh giỏi về Hội họa, Hát, Múa… tham gia dạy cho học sinh ở những tiết ngoại khóa; dạy kỹ năng sống.
"Tôi tin rằng nếu các trường thực sự chú tâm, họ sẽ tìm ra nhiều biện pháp rất tốt để kéo các phụ huynh tham gia cùng nhà trường, giáo dục học sinh tốt hơn chứ không phải chỉ loanh quanh với các khoản thu để rồi gây ra bức xúc", Tiến sĩ Lâm nhắn nhủ.
Học sinh phải đóng tiền xây dựng nông thôn mới, huy động hay \'bóp nặn\'?
Với mức thu 400.000 đồng/học sinh này, với trên 2.000 học sinh, xã dự tính sẽ huy động được ngót 1 tỷ đồng nữa... |
Trường tiểu học trả lại 250 triệu đồng \'phí\' trái tuyến
Ngày 10/10, hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) quyết định trả lại 250 triệu đồng thu của ... |
Thái Nguyên: Học sinh đến trường phải tự mua bàn ghế
Con đi học đầu cấp, phụ huynh phải đóng tiền mua bàn ghế mà chưa được thoả thuận – đó là trường hợp xảy ra ... |
http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/con-bao-nhieu-hieu-truong-co-nguy-co-vuong-vong-lao-ly-post180447.gd