Theo cơ quan điều tra, đối với bị can Lương, là người được đào tạo kỹ thuật lọc máu, được trưởng khoa giao trách nhiệm phụ trách chuyên môn và các hoạt động tại đơn nguyên thận nhân tạo.
Hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân bị tai biến chạy thận ở BV Đa khoa Hòa Bình. Ảnh: P.V
Ngày 20.4.2017, bị can Lương thừa lệnh trưởng khoa ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 và biết rõ việc sửa chữa, khử trùng hệ thống nước RO số 2 vào ngày 28.5. Cơ quan tố tụng cho rằng, với trình độ, nhận thức và vai trò, trách nhiệm được giao, bị can Hoàng Công Lương buộc phải biết rõ quy định nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng theo quy định và thuộc trách nhiệm của trưởng khoa.
Tuy nhiên, sáng 29.5.2017, khi mới chỉ nghe điều dưỡng viên nói về việc Trần Văn Sơn gọi điện thông báo hệ thống nước RO đã sửa xong và có thể hoạt động bình thường thì bị can Lương đã chủ quan, không kiểm tra lại và cũng không báo cáo với trưởng khoa theo chức trách, nhiệm vụ được giao mà vẫn ra y lệnh điều trị cho các bệnh nhân và để cho hoạt động lọc máu diễn ra bình thường.
Đến thời điểm này, Bộ Y tế chưa lên tiếng về việc BS Hoàng Công Lương bị truy tố. Tuy nhiên, một lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng: Thời điểm xảy ra vụ việc, cơ quan chức năng đã ban bố quyết định tạm giam BS Hoàng Công Lương để phục vụ công tác điều tra. Sau đó, các cơ quan chuyên môn, gia đình các nạn nhân đã viết đơn kiến nghị cho BS Lương được tại ngoại. BS Lương được thay đổi biện pháp ngăn chặn, được tại ngoại không có nghĩa là không bị truy tố. Việc phân xử có tội hay không sẽ do toà án phán xử, chúng tôi không can thiệp sâu vào nội bộ xử lý.
Tuy nhiên, BS Lương là người có nhiệt huyết, năng lực chuyên môn tốt nếu đưa ra xét xử có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Cơ quan xét xử cần xem xét cả tình tiết cụ thể phản ánh trung thực vụ án, xác định đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, con gái một trong 8 nạn nhân tử vong trong vụ tai biến chạy thận cho biết: Các gia đình nạn nhân đã nhận được thông báo của VKS đã chuyển vụ việc sang toà án chờ xét xử. Các gia đình đã từng làm đơn tại ngoại cho BS Hoàng Công Lương sau khi vụ việc xảy ra. Hiện chúng tôi mong toà án xử đúng người, đúng tội. Sau khi sự cố đau lòng xảy ra, gia đình BS Hoàng Công Lương có đến thăm hỏi, chia buồn với gia đình các nạn nhân.
TS Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng khoa Thận, BV Bạch Mai (Hà Nội) - cho biết: Ông cũng biết thông tin BS Hoàng Công Lương bị khởi tố qua báo chí. Theo quan điểm cá nhân của mình, TS Dũng cho rằng: Lọc máu là một quy trình gồm nhiều công đoạn. Mỗi cơ sở y tế có một năng lực riêng và vận hành theo khả năng. Do đó, mỗi cơ sở y tế sẽ có quy trình quản lý, vận hành phù hợp với điều kiện của mình. Do đó, dịch, máy móc, nguồn nước… nhập về phải từ công ty có đủ năng lực, bệnh viện chịu trách nhiệm giao cho từng bộ phận trong bệnh viện rồi phân cho các cấp. BS Lương chỉ chịu trách nhiệm nhỏ trong việc này chứ không phải toàn bộ trách nhiệm. Cần xem xét cụ thể để có phán quyết đúng đắn.
Việc bàn giao thiết bị máy móc trước và sau khi sửa chữa bảo dưỡng trên giấy tờ chỉ là bàn giao về số lượng, chủng loại thiết bị… Nguồn nước khi được bàn giao cho nhân viên y tế để sử dụng, thực hiện kỹ thuật lọc máu cho người bệnh đương nhiên là đã đảm bảo chất lượng. Vì vậy, BS Lương không biết chất lượng có đảm bảo hay không mà vẫn đưa vào sử dụng gây tử vong cho bệnh nhân là không thuyết phục.
BS Lương cho chỉ định lọc máu theo chương trình, sau khi được bàn giao qua điện thoại của người có trách nhiệm (nhân viên phòng vật tư của bệnh viện) là hợp lý, nếu chờ đợi bàn giao bằng văn bản sẽ mất thời gian và lỡ kế hoạch đã đề ra. Sai sót của BS Lương là thiếu sót về thủ tục hành chính.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam - người nhận trách nhiệm bào chữa miễn phí cho BS Hoàng Công Lương cho rằng cần xem xét kỹ lưỡng hành vi khách quan và cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” truy tố đối với bác sĩ Lương. Đặc biệt là các tài liệu chứng cứ chứng minh một bác sĩ điều trị bình thường trong khoa như Lương có chức vụ, quyền hạn và phải chịu trách nhiệm về việc bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị y tế, về chất lượng nước RO chạy thận sau khi sửa chữa hay không?
Đồng thời cũng cần đánh giá các tài liệu, chứng cứ về vai trò, trách nhiệm của các chủ thể khác liên quan đến giao kết, triển khai thực hiện hợp đồng, trách nhiệm về quản lý, sửa chữa vật tư kỹ thuật trong bệnh viện, báo cáo của bộ phận vật tư sau sửa chữa, kết quả xét nghiệm bắt buộc đối với tồn dư hóa chất sau sửa chữa, cũng như các vấn đề về chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu, vấn đề giao thầu cho đối tác khác không có trong hợp đồng... Bác sĩ chỉ có trách nhiệm khám bệnh, chịu trách nhiệm về chuyên môn điều trị của mình. Tuy nhiên, trong vụ án này, nguyên nhân dẫn đến tử vong của 8 nạn nhân là do tồn dư hóa chất trong nước RO sau sửa chữa nên không có mối quan hệ nhân quả với trách nhiệm của bác sĩ điều trị.
Một số giáo sư, chuyên gia y tế cho rằng: Nguồn nước khi được bàn giao cho nhân viên y tế để sử dụng, thực hiện kỹ thuật lọc máu cho người bệnh đương nhiên là đã đảm bảo chất lượng. Vì vậy, cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đưa ra kết luận BS Lương không biết chất lượng có đảm bảo hay không mà vẫn đưa vào sử dụng gây tử vong cho bệnh nhân là không thuyết phục.
Cơ quan điều tra cho rằng, trong quá trình điều tra, xác định không đủ căn cứ để xử lý về trách nhiệm hình sự một số cá nhân...
Vụ 8 người chạy thận tử vong ở Hòa Bình: Truy tố 3 bị can
Liên quan vụ 8 người chạy thận tử vong ở Hòa Bình, bác sĩ Hoàng Công Lương và 2 người khác bị Viện KSND tỉnh ... |
Hậu vụ 8 bệnh nhân chết ở BV: Vô cảm tới mức nhẫn tâm
Có thể, yêu cầu đền bù của gia đình các nạn nhân là cao so với suy nghĩ của lãnh đạo BV Đa khoa Hòa ... |
Gia đình 8 người chạy thận tử vong ở Hòa Bình đòi 2 tỷ bồi thường
Gia đình 8 nạn nhân tử vong trong tai biến chạy thận đòi bồi thường 250 triệu đồng/trường hợp. BV đa khoa Hoà Bình yêu ... |