Cơm nắm muối vừng trong ký ức người Việt

Nắm cơm mà thế hệ trước từng theo mẹ ra đồng, cùng bố lên nương, nắm cơm đi theo những cuộc dã ngoại xa và theo cả những buổi lao động kéo dài cả ngày trời, theo những chuyến tàu chợ... - đó là cơm nắm muối vừng.

Nắm cơm thời cuộc

Hôm rồi tự dưng thèm cơm nắm, sẵn nhờ hai đứa cháu tiện trên đường về nhắn nó mua cho hai miếng cơm nắm, cũng bởi lâu rồi chưa ăn. Lát sau, chúng mang về hí hửng đem vào nhà trực bóc ra, nhưng hỡi ôi hai miếng cơm đó chẳng phải là thứ cơm nắm muối vừng mà tôi đang đợi mong. Hai miếng cơm hình tam giác được cuộn trong một lớp lá kim (rong biển), chúng được bán khá nhiều trong các hệ thống siêu thị mini hiện nay, một món ăn nhanh đang khá phổ biến với giới trẻ. Thử hỏi hai đứa GenZ rằng có biết cơm nắm muối vừng không thì hóa ra chúng không biết thật, chúng nói chưa từng ăn và với chúng cơm nắm là những miếng cơm kẹp rong biển, cơm cuộn kiểu sushi Nhật, Hàn. Thì ra món cơm nắm muối vừng giới trẻ nhiều đứa không ăn và cũng không biết là thật.

Phải nói rằng những cuộn cơm nắm kiểu Nhật, Hàn xét về mặt thị giác chúng thật sự hấp dẫn, đa dạng màu sắc và kiểu cách, với đủ các loại nhân có thể “mix” (trộn) với nhau để ăn không bị ngán. Thị trường cơm nắm ở hai quốc gia này cũng kiếm khá tiền bởi nó là một loại thức ăn “fastfood” (đồ ăn nhanh) rất được ưa chuộng, quen thuộc đối với giới nhân viên công sở. Bởi có thể dễ dàng mua chúng ở khắp các hệ thống cửa hàng bán lẻ, siêu thị đồ ăn nhanh…, và hơn hết chúng vừa có giá thành rẻ lại rất thuận tiện cho một bữa ăn nhanh không cần quá cầu kỳ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.

Thậm chí cơm nắm ở hai quốc gia này đang ngày một phát triển vượt ra ngoài biên giới, ở Pháp từng có thời điểm cơm nắm kiểu Nhật có doanh thu vượt cả bánh mì baguette, Việt Nam và một số nước châu Á khác cũng ngày một nhiều cửa hàng bán những loại cơm nắm này. Vậy điều gì khiến chúng trở nên hấp dẫn, ngoài việc giá thành và sự tiện dụng thì sự đa dạng của các thành phần ăn kèm theo nắm cơm đó, có thể là thịt nướng, là cá, thậm chí là rất nhiều những loại topping độc đáo được ăn kèm với những nắm cơm được nén với kỹ thuật ép nhẹ giúp cơm có kết cấu bông xốp, tan chảy trong miệng.

 

Cơm kẹp… “chết yểu”

Quay trở lại với cơm nắm muối vừng của người Việt giờ vẫn bán nhiều, chúng được rao bởi những cô hàng rong, bán kèm bên những thúng xôi ngoài chợ hay trên những sạp, quầy hàng giò chả, tiếc rằng cơm nắm chưa thể vào được siêu thị hay những hệ thống bán lẻ hiện nay. Từng có thời điểm đầu những năm 2010, một số bạn trẻ khi ấy với ý tưởng nâng tầm món cơm nắm Việt, đã phát triển một hệ thống chuỗi cửa hàng cơm nắm theo dạng cửa hàng nhượng quyền với định dạng “fastfood”.

Lấy ý tưởng từ những chiếc bánh Hamburger, những cặp cơm nắm kẹp với nhân thịt gà, thịt bò thậm chí là thịt đà điểu, có thêm cà chua và sa-lát. Nhìn chúng hệt như những chiếc bánh Humberger nhưng là phiên bản thay lớp vỏ bánh bằng hai miếng cơm nắm, được gọi chung với một cái tên mới đó là… cơm kẹp. Vì chúng độc đáo dễ gây tò mò, ở thời điểm mới ra mắt hệ thống cơm kẹp này khá thành công, số lượng cửa hàng tăng lên nhanh chóng, thậm chí kêu gọi cả triệu đô góp vốn đầu tư mở rộng.

Có điều chúng “chết yểu” và biến mất trong một thời gian ngắn, có lẽ bởi xác định sai thị trường mục tiêu và sai cả đối tượng khách hàng, sai cả định dạng món…, người ăn hết tò mò thì món ăn cũng hết sức hút. Sự lai căng trong văn hóa ẩm thực không phát huy hiệu quả, món cơm nắm thiếu bản sắc lại khoác lên mình một chiếc áo “hoa hòe, hoa sói” của một loại bánh, dẫn tới thất bại.

 

Cơm nắm muối vừng vốn ngon, đơn giản và bình dị, có điều chúng đang dần bị một bộ phận giới trẻ ngó lơ, thậm chí một vài trong số đó còn không biết tới cái “nắm cơm” của người Việt là như thế nào! Chỉ cần lên mạng vào những diễn đàn, hội nhóm về ẩm thực, tìm kiếm hai từ “cơm nắm” thì kết quả nó cho ra “ê hề” những nắm cơm, cuộn cơm kiểu Nhật, kiểu Hàn. Cũng bởi một phần giới trẻ giờ dễ tiếp nhận, có quá nhiều những lựa chọn thức thời, trong khi món cơm nắm muối vừng của ta ngon đấy, nhưng chúng khó mà chinh phục được giới trẻ nếu như không có một cuộc “cách mạng” lớn trong sáng tạo mà vẫn giữ được bản sắc cốt lõi.

Cơm nắm của người Việt

Đó là ký ức của những “đứa trẻ” độ tuổi 9X trở về trước, cái thuở mà cơm nắm được mang theo đi khắp nơi. Những nắm cơm trắng tinh, được nắm chắc, dẻo mịn, gói trong những tàu lá chuối, thêm chút muối vừng, sang hơn chút có thêm chút ruốc. Đó là những lựa chọn thực phẩm đem đi ăn khắp nơi rất thuận tiện, đi làm xa nhà, đi tới lớp, đi lên nương lên rừng, hay đi dã ngoại tập thể, chỉ cần miếng cơm nắm chấm chút muối vừng cũng đủ no.

Cách nắm cơm kiểu của người Việt chúng ta khác hoàn toàn với cơm nắm kiểu Nhật, Hàn. Kiểu của họ chủ yếu là nén cơm lại vừa đủ kết dính và có pha trộn thêm chút dấm, dầu mè, nước tương, còn chúng ta nắm và nén thật chặt và chỉ riêng cơm trắng. Cơm trắng được nấu chín, không dùng loại gạo quá dẻo khi nắm dễ bết, và nếu sử dụng loại gạo ít dẻo hoặc không dẻo thì khi nấu cơm cần chú ý để cơm hơi nhão chứ không được quá khô.

Cơm chín nóng hổi là xới ra nắm liền, cơm được nắm bằng miếng vải mỏng đã được nhúng qua nước và được vắt kiệt. Khi nắm cơm dùng lực nén thật mạnh, cứ thế luân phiên đảo nén liên tục, cho tới khi những hạt cơm vỡ ra quện chặt dính vào nhau. Túm những đầu miếng khăn vải lại rồi xoáy tròn gọn hết chỗ cơm lại với nhau thành một khối chặt, rồi ấn dẹt lại là được. Để thật nguội rồi lấy dao hoặc nan tre được vót sắc cắt ra thành từng khoanh, miếng cơm nắm trắng mịn, dẻo dền được chấm cùng với muối vừng từ lạc rang thơm giã nhỏ. Cơm nắm ăn rất mát, nắm cơm rắn nhưng cắn vào lại dẻo tan trong khoang miệng, cộng với chút bùi thơm của lạc cũng đủ hấp dẫn.

Cơm nắm ngoài việc ăn chung với muối vừng, cũng rất hợp ăn chung với ruốc thịt, ăn cùng chả, cùng giò, chả cốm…, ngày trước các bà còn ăn chung với trứng luộc hay cá mắm mặn nữa. Ngày nay, nhiều chị em cũng cố biến tấu bằng cách thêm màu sắc từ một số loại lá để cho nắm cơm hấp dẫn hơn, rồi cũng trộn thêm một vài loại “topping” cho đa dạng. Mua cơm nắm không quá khó, nhưng sẽ dễ dàng mua chúng vào buổi sáng và buổi trưa hơn là vào lúc chiều tối, mua ở hàng bán rong, hay các quầy bán bánh chưng, giò chả… đều có.

Có lẽ món cơm nắm muối vừng của người Việt chúng ta nó không quá phổ biến, những người ăn chúng cũng bởi thèm thuồng nhớ nhung ký ức nhiều hơn là giới trẻ. Là một trong những món hiếm hoi còn sót lại vẫn giữ nguyên hình dáng, kiểu cách đến cả hương vị chưa bị thay đổi bởi thời cuộc. Dù đã có những cố gắng nâng tầm, cố biến hóa đi đôi chút để hợp thời hơn, để chinh phục được nhiều đối tượng người ăn hơn thì so với những vô vàn món ăn khác cơm nắm chưa làm được. Chắc chắn đó là mong mỏi của rất nhiều người, gìn giữ một món ăn truyền thống dân dã đã khó, giờ muốn phát triển nó cần giải một bài toán khá khó. Giữ nguyên hương vị truyền thống, cách ăn truyền thống thì lại khó chinh phục giới trẻ dù nắm cơm của ta ngon chẳng hề thua kém, nhưng trước những vô vàn lựa chọn hấp dẫn khác thì quả là vẫn thua thiệt.

Lăng Việt Cường / ANTĐ