Nghe cha bảo không được hút thuốc dưới mái nhà của ông, Alice Roosevelt ra ngồi cạnh lò sưởi, nhả khói thuốc vào ống khói.
"Không dưới mái nhà của cha nhé", Alice Roosevelt nói với cha là Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt. Không còn cách nào khác, Theodore chịu thua con gái.
Đó chỉ một trong vô số trò nghịch ngợm của Alice Roosevelt. Được mệnh danh Đệ nhất Tiểu thư ngổ ngáo nhất lịch sử Mỹ, Alice chẳng bao giờ ngần ngại thể hiện cá tính mạnh mẽ, độc lập của mình. Bà đã thổi luồng gió mới vào tư tưởng phụ nữ và trở thành biểu tượng của phái đẹp Mỹ đầu thế kỷ 20.
Chân dung Alice Roosevelt. Ảnh: Wikipedia. |
Alice Roosevelt sinh ngày 12/2/1884, là người con duy nhất của Theodore Roosevelt với người vợ đầu Alice Hathaway Lee. Cái tên "Alice" do Theodore đặt cho con như một cách thể hiện tình cảm tới vợ.
Đúng Lễ Tình nhân năm 1884, hai ngày sau khi sinh con gái, Alice Hathaway Lee đột ngột qua đời. Vài tiếng trôi qua, mẹ ruột của Theodore Roosevelt cũng ra đi.
Theodore, lúc ấy mới 25 tuổi, suy sụp. Không muốn nhắc đến tên Alice, ông gọi con gái là "bé Lee" và yêu cầu mọi người xung quanh làm tương tự. Để quên đi bi kịch, Theodore đến Bắc Dakota, vùi đầu vào công việc và gửi cô bé Alice cho chị gái Anna ở New York.
Năm 1886, Theodore về New York. Ông tái hôn với người bạn cũ là Edith Carow. Đôi vợ chồng mới cưới chuyển đến Long Island và có chung 5 người con. Alice Roosevelt được cha đón về sống chung nhưng nhanh chóng nảy sinh mâu thuẫn với mẹ kế.
Ghen tỵ với mối quan hệ trước đây của Theodore, Edith trút giận lên đầu Alice. Có lần, Edith nói với Alice rằng nếu mẹ cô còn sống, bà hẳn làm Theodore "phát ngán". Cùng lúc, Theodore ngày càng xa cách con gái. Alice bực bội vì cha không gọi tên mình, tin rằng ông thích những đứa con với Edith hơn.
Gia đình Roosevelt. Alice đứng giữa hình. Ảnh: Allthatsinteresting. |
Được Anna – một người phụ nữ cứng rắn nuôi dạy, "bé Lee" vô cùng thông minh nhưng cũng rất bướng bỉnh. Cô ham đọc sách, tự học và luôn luôn thể hiện cảm xúc thật về mọi thứ.
Không thể kiểm soát đứa con riêng của chồng, Edith thuyết phục Theodore gửi Alice đến trường nội trú. Biết chuyện, cô bé nổi loạn viết thư đáp trả: "Nếu cha gửi con đi, con sẽ khiến cha bẽ mặt. Con sẽ làm gì đó để cha xấu hổ. Con nói là làm". Theodore đành gửi Alice về với Anna.
Năm 1901, Theodore đắc cử Tổng thống Mỹ. Ở tuổi 17, Alice trở thành Đệ nhất Tiểu thư và được báo chí đặt biệt danh "Công chúa Alice".
Nhất cử nhất động của Alice đều khiến công chúng quan tâm. Với bề ngoài xinh đẹp và gu ăn mặc thời thượng, Đệ nhất Tiểu thư được coi là biểu tượng thời trang của giới trẻ. Bộ váy màu xanh nhạt pha xám cô mặc hôm ra mắt giới thượng lưu Mỹ năm 1902 tạo nên "cơn sốt". Màu xanh đó về sau được gọi là "màu xanh Alice".
Trong thời đại phụ nữ phải tuân thủ hàng loạt nguyên tắc, Alice liên tục phá luật. Cô hút thuốc, leo lên nóc Nhà Trắng, nuôi một con rắn, nhai kẹo cao su, chơi poker, mặc quần, tiệc tùng thâu đêm và ngủ tới chiều. Alice còn cá độ đua ngựa và lái xe ôtô tốc độ cao. Theo thống kê của New York Herald, trong 15 tháng, Đệ nhất Tiểu thư dự 407 bữa tối, 350 vũ hội, 300 bữa tiệc và 1.706 cuộc hẹn.
Suốt nhiệm kỳ của cha, Alice luôn luôn ở trung tâm của sự chú ý. Bản thân cô cũng thừa nhận muốn được người khác đặc biệt quan tâm, giống như "cô dâu ở mọi đám cưới, thi thể ở mọi đám tang và em bé ở mọi lễ rửa tội". Về già, Alice nhận xét về tuổi trẻ của mình: "Tôi là một người theo chủ nghĩa khoái lạc, tôi cần được giải trí".
Vẻ đẹp cùng gu ăn mặc thời thượng khiến "Công chúa Alice" trở thành thần tượng của giới trẻ Mỹ thế kỷ 20. Ảnh: Vintage Everyday. |
Tuy ngỗ nghịch, Alice lại rất hứng thú với chính trị. Khi Anna yếu đi, Alice trở thành cố vấn không chính thức cho cha mình. Cô thường xuyên cắt ngang các cuộc họp ở Phòng Bầu dục để nêu ý kiến cá nhân, đến nỗi Theodore dọa ném con "ra ngoài cửa sổ".
"Ông không kiểm soát được con gái của mình ư", bạn của Theodore là tác giả Owen Wister hỏi vì thấy Alice quấy rầy quá nhiều. Tổng thống Mỹ đáp: "Hoặc tôi điều hành đất nước, hoặc tôi kiểm soát Alice. Tôi không thể làm cả hai được".
Năm 1905, Alice được cha giao nhiệm vụ sang Trung Quốc, Philippines, Triều Tiên và Nhật với tư cách đại sứ thiện chí cùng nhiều nhà ngoại giao khác. Mục đích của Theodore là dùng con gái đánh lạc hướng báo chí khỏi cuộc đàm phán Mỹ - Nhật và Alice đã hoàn thành xuất sắc lời cha dặn. Để thu hút truyền thông, cô chụp ảnh với Hoàng hậu Trung Quốc, Hoàng đế Nhật Bản và mặc nguyên quần áo nhảy xuống bể bơi.
Năm 1906, ở tuổi 22, Alice kết hôn với nghị sĩ Nicolas Longworth 36 tuổi, thành viên Đảng Cộng hòa. Đám cưới tại Nhà Trắng với hơn 1.000 khách mời của họ trở thành một trong những sự kiện xã hội nổi bất nhất thời bấy giờ. Cô dâu cắt bánh kem bằng kiếm mượn từ một quân nhân.
Dù đã kết hôn, Alice vẫn tiếp tục quậy phá. Tháng 11/1908, tại Phòng Trưng bày Tòa nhà Quốc hội, cô lén đặt đinh lên ghế của một quý ông trung niên, khiến nạn nhân nhảy lên vì đau đớn. Lúc Theodore không còn làm Tổng thống, Alice bị cấm vào Nhà Trắng hai lần, lần đầu do chôn búp bê của vợ Tổng thống Howard Taft, lần thứ hai do nói xấu Tổng thống Woodrow Wilson.
Đợt bầu cử năm 1912, Alice công khai ủng hộ cha và chống lại chồng, cuộc hôn nhân của cô do vậy dần dần rạn nứt. Alice nhiều lần ngoại tình và có thời gian yêu thượng nghị sĩ William Borah. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng con gái cô, Paulina Longworth, sinh ra từ mối quan hệ với Borah. Alice, nổi tiếng hài hước ác ý, còn định đặt tên con là "Deborah", có nghĩa "của Borah". Dù thế, Alice vẫn duy trì cuộc hôn nhân với chồng cho tới ngày Nicolas qua đời năm 1931.
Thời kỳ đại suy thoái đầu thập niên 1930, như nhiều người Mỹ khác, Alice rơi vào khó khăn, phải xuất hiện trong quảng cáo thuốc lá để kiếm thêm tiền. Ở tuổi 49, bà cho ra mắt tự truyện mang tên Crowded Hours. Cuốn sách đắt hàng và nhận được nhiều đánh giá tích cực. Năm 1938, Alice cùng em trai Ted biên tập cuốn The Desk-Drawer Anthology: Poems for the American People.
Bên cạnh việc viết lách, Alice tiếp tục hoạt động chính trị. Bà kịch liệt phản đối chính sách của Tổng thống Franklin D. Roosevelt trên báo chí và tích cực đấu tranh kêu gọi Mỹ giữ vị thế trung lập trong Chiến tranh thế giới thứ hai, trước trận Trân Châu Cảng. Kết thúc chiến tranh, bà làm bạn với nhà Kennedy, nhà Nixon và nhà Johnson.
Suốt sáu thập kỷ, Alice tổ chức nhiều buổi họp tại nhà riêng và mời các chuyên gia về khoa học, văn học, bảo tồn, ngoại giao, chính trị đến trao đổi. Bà công khai ủng hộ cách mạng tình dục để thay đổi quan niệm, quy tắc của xã hội Mỹ về sex và sẵn sàng lên tiếng bảo vệ người da màu. Một lần, thấy tài xế da đen của mình bị người khác phân biệt chủng tộc, Alice mở cửa sổ xe mắng lại: "Đồ da trắng".
Alice Roosevelt về già. Ảnh: Allthatsinteresting. |
Những năm cuối đời, Alice Roosevelt nóng nảy và khó tính hơn. Bà có một chiếc gối thêu dòng chữ: "Nếu không có gì tốt đẹp để nói về người khác, hãy đến ngồi với tôi".
Trong một cuộc phỏng vấn năm 1974 với The Washington Post, Alice cho rằng bản thân "không hề vô cảm hay độc ác". "Tôi thích trêu đùa người khác. Thật lạ vì nhiều người khó chịu về điều này", bà nói. "Tôi không hề bận tâm trừ khi làm tổn thương ai đó".
Năm 1980, sau nhiều năm chiến đấu với ung thư vú, Alice qua đời ở tuổi 96. Tổng thống Jimmy Carter viết về Đệ nhất Tiểu thư ngổ ngáo nhất nước Mỹ: "Bà ấy có phong cách, sự duyên dáng và khiếu hài hước đến mức nhiều thế hệ làm chính trị ở Washington đều tự hỏi điều gì tệ hơn: bị bà ấy trêu học hay phớt lờ".
Minh Trang (Theo Allthatsinteresting, Aericanheritage)
Có gì trong biệt thự của con trai tổng thống Mỹ đình đám trên các mặt báo
Một loạt các tờ báo nổi tiếng và các tạp chí kiến trúc đưa tin con trai của Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng bạn ... |
Con trai cựu phó tổng thống Mỹ tiết lộ về quá khứ nghiện ngập
Thêm một bi kịch gia đình của cựu phó tổng thống Biden được hé lộ khi con trai thứ của ông từng nhiều lần nghiện ... |
Lời hứa 200 năm bên cạnh phần mộ của Tổng thống Mỹ: Bất ngờ!
Câu chuyện về lời hứa kéo dài 200 năm chưa dừng lại cũng như những mẩu chuyện dưới đây sẽ khiến mỗi chúng ta phải ... |