Hơn 25 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Thanh (61 tuổi, trú xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) được bao thế hệ học trò gọi bằng cái tên trìu mến “cô Thanh khuyết tật” đã tình nguyện “chèo đò” đưa hàng trăm học sinh nghèo, khuyết tật đến với con chữ mà không lấy một đồng.
Lớp học miễn phí của cô Thanh đã giúp nhiều thế hệ học trò vững bước vào đời. Ảnh: LAM PHƯƠNG
Chưa biết viết thì cô bày cho viết
“Trước đây, các em học sinh không gọi cô là cô Thanh đâu mà các em toàn gọi là cô Thanh khuyết tật” - cô giáo Thanh hơn 25 năm dạy học miễn phí ở vùng đất Tiên Thọ mở đầu câu chuyện bằng nụ cười hiền hậu.
Cô kể, năm 1978 tốt nghiệp ra trường, cô xin về công tác tại các trường tiểu học Trà Nam, Trà Tập trên địa bàn huyện miền núi Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam). Đến năm 1984, cô Thanh chuyển công tác về gần nhà, dạy tại Trường Tiểu học Trần Ngọc Sương (bây giờ là Trường Tiểu học Tiên Thọ).
Thời gian này, chứng kiến cảnh các em học sinh khuyết tật không được đi học, không biết con chữ, cô Thanh ấp ủ mở một lớp dạy học cho các em khuyết tật. Nghĩ là làm, năm 1993, cô Thanh hỏi xin được vài ba bộ bàn ghế cũ, tận dụng khoảng sân trong vườn, phòng khách, thậm chí là phòng ăn để đặt bàn ghế, mời các em đến học. Ban đầu là vài em, sau thấy cô dạy có hiệu quả, nhiều cha mẹ dắt con đến gửi. Dần dần, học trò của cô đông lên, nhiều khi bàn ghế không đủ ngồi.
“Một lần, có một đoàn từ thiện đi ngang qua nhà, thấy cô dạy học cho các em khuyết tật trong điều kiện khó khăn liền ngỏ ý giúp đỡ. Họ xây 2 phòng học ở trung tâm xã, động viên các em khuyết tật đến lớp và mời cô giảng dạy. Học sinh đến trường mỗi ngày một đông, tiếng tăm “cô Thanh khuyết tật” truyền xa. Các cha mẹ ở tận Tiên Châu, Tiên Lộc cách gần chục cây số đều dắt con đến gửi” - cô Thanh kể.
Đến năm 2000, xã xóa bỏ 2 lớp học khuyết tật vì có chủ trương cho các em khuyết tật học hòa nhập. “Nhưng các em khuyết tật làm sao học hòa nhập được với học sinh bình thường. Đã là khuyết tật thì không thể nào học được hòa nhập” - cô Thanh băn khoăn. Thế là, cô lại mở lớp dạy ở nhà. Khoảng sân trước nhà tận dụng làm lớp học, tấm bảng đen cũ nát được đóng bạ thêm 3 tấm nhựa xanh, mấy chiếc bàn lắc lư, vài chiếc ghế nhựa, vậy là thành lớp học. Căn nhà xập xệ của cô lại vang lên tiếng đọc bài mỗi ngày, học sinh lại đến với cô ngày một đông.
“Đa số các em đến lớp học của cô đều là học sinh khiếm khuyết. Ban đầu, các em đến lớp chưa biết đọc thì cô bày cho đọc, chưa biết viết thì cô bày cho viết, nếu viết xấu thì bày cho viết đẹp” - cô Thanh tâm sự.
“Học trò là đứa con tinh thần của cô”
38 năm trong đời làm nghề giáo không phải nhiều nhưng cũng đủ đọng lại trong cô Thanh nhiều kỷ niệm khó quên. Thời gian “chèo đò”, “gieo” con chữ từ miền ngược về miền xuôi với cô là khoảng thời gian đẹp nhất. Giờ về hưu, nỗi nhớ trường, nhớ lớp khiến cô khắc khoải. Nên những lớp học miễn phí thế này giúp cô khây khỏa nỗi nhớ thời gian cầm phấn. Cô quan niệm, về hưu xa trường nhưng không thể xa học trò được. Hằng ngày, thấy các em ríu rít, trong lòng cô dù có buồn bực, đau ốm thế nào cũng thấy vui. Cô kể với chất giọng đầy phấn khởi, nhiều học sinh khuyết tật của cô bây giờ ra trường thành đạt, có người đi làm kế toán, người làm xây dựng, người làm môi trường, đủ cả.
“Lâu lâu các em về thăm cô, gọi điện hay viết thư cho cô, khoe xin được vào chỗ nọ, chỗ kia, lương tháng được 2 triệu, 3 triệu, cô mừng lắm. Tuy cô nghỉ hưu rồi nhưng 20.11 năm nào cô cũng có bông hồng. Những em ở xa về tặng cho cô dù chỉ là 1 bông hồng nhưng cô rất vui. Cô cảm động lắm vì thấy các em dù đã đi xa, đã trưởng thành nhưng vẫn nhớ đến cô” - cô Thanh kể.
Có thời gian cô bị tai nạn, phải nằm viện gần nửa tháng, xa học trò, cô nằm viện mường tượng từng khuôn mặt các em. Với cô, các em tuy chưa học giỏi, chưa được nhanh nhẹn nhưng lại rất chăm chỉ. Điều ấy khiến cô thương các em nhiều hơn! Cô thương các em gia cảnh khó khăn, cơ thể khiếm khuyết không được bình thường bằng bè bạn.
Cô Thanh coi học trò như con, như cháu. Không chỉ dạy các em học, cô còn cho các em ăn, chăm sóc các em như con đẻ của mình. “Bây giờ các em đói, nói thật với cô là “cô ơi, con đói” thì cô nấu cho các em ăn như con cháu trong nhà thôi. Đây là những đứa con tinh thần của cô mà, nên cô xem như con cô thôi. Bởi vì cuộc sống của cô không như những người khác. Người ta có gia đình, có chồng có con. còn cô không chồng, không con nên đối với cô học sinh là con, mình có thể nuôi nó như nuôi con mình thôi, không có gì băn khoăn cả” - cô Thanh cười nhân hậu.
“Học trò của cô lạ lắm! Từ nhà đi đến trường học đi qua biết bao nhiêu nhà, nhưng không vào nhà ai xin nước uống cả. Các em ráng đi đến tận nhà cô xin nước uống. Uống xong còn xin vào chai để đi đường uống tiếp. Nhiều khi cô hỏi vui: Sao nhiều nhà không vào mà vào nhà cô uống hết nước rứa hè? Các em đáp: “Con không quen ai cả, con chỉ quen một mình cô thôi!”, chỉ nghe bấy nhiêu đó là cô thấy thương rồi” - cô Thanh xúc động kể.
“Cảm ơn các em vì đã cho cô niềm vui”
Sau khi nghỉ hưu, bạn bè cô Thanh hay gọi điện hỏi thăm nhau. Khi biết cô Thanh mở lớp dạy tại nhà, ai cũng ngạc nhiên hỏi lương bao nhiêu một tháng. Cô chỉ cười đáp: “Lương nhiều lắm, không đếm hết”.
Cô Thanh thương hoàn cảnh của những học trò nghèo không đủ điều kiện để đi học ở những nơi dạy thêm. Người ta dạy thêm thì người ta lấy tiền, còn cô không có gì để cho các em nên cô cho kiến thức. Dù cho các em học được hay không thì cô cũng sẽ tận tình chỉ dạy. Không chỉ con chữ, cô còn dạy cho các em nhân cách để sống, để vào đời.
Trước kia cũng như bây giờ, trong cô không có khái niệm về tiền. Cô nghĩ rằng, đời nhà giáo của cô như một người chèo đò đưa khách sang sông, có người đi nhanh, có người đi chậm. Cô ví học sinh cũng vậy, có em học nhanh, có em tiếp thu chậm. Với những em tiếp thu chậm, cô chỉ dạy thêm, kèm cặp thêm để các em được chắc chắn, được vững vàng. Cô không giàu có, lương hưu chỉ đủ trang trải cuộc sống, nuôi mẹ già. Cô không có tiền để giúp các em về vật chất thì cô giúp về tinh thần, dạy các em biết con chữ như những bè bạn bình thường khác.
“Nhiều phụ huynh dắt con đến học, học xong gửi tiền, nhưng cô nhất quyết không nhận. Cô nói, cô được dạy là vui lắm rồi, cần gì tiền công nữa. Nếu không có các em đến học, nhiều khi cô buồn biết đâu lại sinh bệnh cũng nên. Cô nên cảm ơn các em vì đã cho cô niềm vui, cho cô được đứng trên bục giảng mới đúng!” - cô Thanh cười. Cô tâm sự, cuộc đời cho cô một nghề nghiệp là nghề giáo, là một nghề cao quý, nên cô rất trân trọng nghề nghiệp của mình. Cô không giúp được gì nhiều cho xã hội thì cô cũng góp một chút sức giúp cho các em biết chữ, sau này lớn lên, bước vào đời vững vàng. “Khi nào cô còn sống, cô còn có thể dạy thì cô vẫn tiếp tục dạy. Cô chưa có ý định nghỉ” - cô Thanh khẳng định.
Chúng tôi chia tay cô Thanh ra về, ngoái đầu nhìn lại, thấy cô đang lúi húi cột lại tấm nylon rách bươm cho học trò khỏi nắng. Cái nắng ban trưa oi ả len lỏi qua tấm bạt rách chói lên mái tóc hoa râm của cô. Vài hạt mồ hôi lấm tấm trên trán, đôi tay cô bạc phếch vì phấn trắng…
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh được tỉnh Quảng Nam tặng bằng khen Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và Huy hiệu Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Nam. Ông Nguyễn Văn Quý - Chủ tịch UBND xã Tiên Thọ - chia sẻ: “Những người như cô Thanh rất hiếm. Sắp tới, nếu cô Thanh tiếp tục duy trì lớp học thì địa phương sẽ bàn bạc với cô để có sự giúp đỡ về cơ sở vật chất giúp cô dạy học thuận lợi hơn. Nếu cô cần gì thì địa phương sẽ giúp. Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để cô Thanh có thể cống hiến, giúp đỡ xã hội”. |
Thầy cô hái măng, bắt cá cải thiện bữa ăn Giáo viên cắm bản thường xuyên đối diện với việc thiếu thực phẩm. Để cải thiện, thầy cô lên rừng hái măng, lá sắn, hay ... |
Người thầy phía sau song sắt Tại trại giam Quyết Tiến (Tuyên Quang) các năm qua luôn có những lớp học dành cho các phạm nhân đang cải tạo. |