Cổ phần hóa Tập đoàn cao su: Nhiều đất đai vô giá

Khi CPH Tập đoàn cao su cần phân chia tài sản một cách rõ ràng, đặc biệt là tài sản đất đai để định giá theo thị trường.

Tách riêng phần đất đai để định giá

Bàn về phương án cổ phần hóa (CPH) Tập đoàn Công nghiệp cao su (VRG), GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng bày tỏ nhiều băn khoăn, trăn trở.

Theo ông Lung, đối với việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, chúng ta đặt ra mục tiêu làm mạnh, làm nhanh để hoàn thành yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên thực tế bao giờ cũng chỉ đạt được khoảng 30%.

Lý giải điều này, vị giáo sư này cho rằng, Việt Nam tương đối khác so với các nước phát triển trong vấn đề quản lý tài sản, nhất là vấn đề định giá giá trị tài sản.

Để cổ phần hóa, yếu tố quan trọng nhất theo ông Lung là các cơ quan nhà nước phải đánh giá được đúng giá trị tài sản của doanh nghiệp là bao nhiêu.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung bày tỏ nhiều băn khoăn, trăn trở khi bàn về việc cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp cao su. Ảnh minh họa

Ông Lung dẫn chứng: “Vấn đề đất đai hết sức phức tạp do chúng ta có luật đất đai riêng. Đất đai của Việt Nam theo hiến pháp là tài sản của toàn dân. Tài sản của toàn dân đánh giá như thế nào?.

Đất cao su cũng giống như đất nông nghiệp. Cùng 1 ha đất ở vùng rừng núi hoang vắng thì chả ai mua, thậm chí cho không cũng không ai lấy. Tuy nhiên ở gần các khu thành phố, dù 1 m2 cũng trị giá hàng chục triệu đồng.

Thực tế, đất của chúng ta không phải thuộc đa sở hữu nên tính đúng theo giá thị trường rất khó. Các cơ quan, đơn vị muốn đánh cao thì đánh, đánh thấp thì thấp”.

Đối với vấn đề cổ phần hóa tập đoàn VRG, GS Nguyễn Ngọc Lung cho rằng cần phân chia tài sản một cách rõ ràng để định giá cho đúng, tránh tình trạng tài sản thất thoát tài sản hay làm lợi cho một cá nhân, một nhóm nào đó.

“Đối với tài sản bề nổi như nhà máy, ô tô, diện tích rừng trồng được thì rất dễ đánh giá. Chẳng hạn như những cái chúng ta trồng được như cây cối, anh trồng bao nhiêu ha cao su, hết bao nhiêu tiền, hiện nay giá trị thị trường bán đấu giá được bao nhiêu tiền?

Riêng với đất đai thuộc hệ thống chính trị quản lý, có nghĩa là thuộc về hiến pháp và luật đất đai quản lý. Vì vậy cái đánh giá này chưa chắc đã khách quan?”, ông Lung nhấn mạnh.

Để giải quyết vấn đề này, ông Lung cho rằng cần phải để cho các tổ chức độc lập, thậm chí đến từ nước ngoài để đánh giá. Họ không ăn tiền của ai và không phe phái gì nên có thể đưa ra những tiêu chí đánh giá sai thì phải đền bù.

“Bây giờ thông thường nếu tiến hành định giá, chúng ta phải ra quyết định thành lập đơn vị thẩm định, đánh giá tài sản. Cụ thể, Giám đốc Sở TN-MT sẽ làm trưởng ban, đại diện Sở NN-PTNT, Sở Tài chính cùng tham gia hội đồng. Tuy nhiên tất cả những Sở đó đều do tỉnh hay cơ quan cấp trên quyết định thành lập cả. Do đó tính khách quan thường bị nghi ngờ.

Ở đây chúng ta cần thuê tổ chức độc lập hoặc tư vấn nước ngoài tham gia. Khi đó họ sẽ đưa ra những phân tích, đánh giá cụ thể. Từ cơ sở đó chúng ta so sánh với số liệu trong nước để thấy được vấn đề đang gặp phải và tự tháo gỡ”, ông Lung nhấn mạnh.

Huy động nhiều doanh nghiệp cùng góp vốn

Một vấn đề khác được GS Nguyễn Ngọc Lung nhắc tới, đó là Tập đoàn Công nghiệp cao su sở hữu một tài sản vô giá là diện tích đất đai rộng lớn, nằm ở vị trí đắc địa ở cả trong và ngoài nước với chất lượng nông nghiệp rất cao.

Ông Lung cảnh báo, tình hình sẽ trở nên phức tạp và khó quản lý hơn nếu có sự tham gia của các công ty có vốn nước ngoài trong vấn đề cổ phần hóa VRG. Do đó, các cơ quan quản lý cần phải hết sức thận trọng khi các nhà đầu tư nước ngoài tỏ ý quan tâm đến việc cổ phần hóa VRG.

“Nhiều đơn vị thuộc Tập đoàn cao su vừa làm kinh tế, vừa làm quốc phòng, thậm chí làm nhiệm vụ chính trị. Nếu như cơ quan quản lý nhà nước vẫn quản lý thì rất dễ. Nhưng khi cổ phần hóa có người nước ngoài tham gia thì đơn vị chủ quan và các bộ ngành Việt Nam phải xem xét một cách cụ thể.

Chúng ta phân ra các loại tài sản khác nhau và chỉ đồng ý cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia cổ phần hóa với những dự án liên quan đến phát triển kinh tế đơn thuần. Những dự án có yếu tố về quốc phòng, an ninh thì phải do nhà nước quản lý”, ông Lung nhấn mạnh thêm.

Ông Lung thừa nhận, hiện nay để tìm được một vài nhà đầu tư đủ tiềm lực để rót thêm 5.000 - 10.000 tỷ đồng mua lại phần vốn của Nhà nước tại VRG hiện nay không hề đơn giản.

Tuy nhiên Việt Nam có thể khắc phục khó khăn này bằng cách huy động nhiều doanh nghiệp cùng tham gia góp vốn để việc cổ phần hóa diễn ra nhanh chóng và thuận tiện hơn.

“Trường hợp Việt Nam có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn mà không đủ vốn lớn thì chắc chắn nước ngoài sẽ vào. Họ hoàn toàn có vốn để mua nhiều Tập đoàn cao su.

Ở Việt Nam, theo tôi nếu chúng ta không có đủ kinh phí thì có thể huy động 2-3 tập đoàn cùng tham gia. Việc này không có vấn đề gì cả. Quan trọng là chúng ta có muốn làm và quyết tâm hay không?”, ông Lung nêu quan điểm.

(http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/co-phan-hoa-tap-doan-cao-su-nhieu-dat-dai-vo-gia-3343305/)

Khi cổ phần hoá hãng phim lại không vì phát triển điện ảnh

Khi quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được đẩy mạnh, một công ty “sản xuất nghệ thuật” như Hãng Phim truyện ...

Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam: Chỉ chờ ăn đất?

Cổ đông chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy Vivaso không hề có ý định làm điện ảnh, mà chỉ quan tâm tới ...

Nghịch lý: Doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa “trên giấy”

PGS.TS. Trần Đình Thiên - Viện Kinh tế Việt Nam - chỉ ra nghịch lý trong bức tranh cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp ...

Doanh nghiệp tỉ đô đặt mục tiêu hoàn thành cổ phần hóa trong quý IV/2017

Theo thông tin từ Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), đơn vị này đặt mục tiêu hoàn thành CPH trong ...

/ Theo Hoàng Nam/Báo Đất việt