TS. Nguyễn Đình Cung nhận định, câu chuyện cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam là bài học đắt giá về việc thiếu định hướng trước khi CPH.
Đốt đuốc tìm cổ đông chiến lược
Từ thực tế vụ lùm xùm cổ phần hóa hãng Phim truyện Việt Nam và một số doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) diễn ra thời gian qua đã cho thấy nhiều bất cập liên quan đến các cổ đông chiến lược trong quá trình cổ phần hóa (CPH).
Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW (CIEM) vừa công bố báo cáo “Nghiên cứu về cổ đông chiến lược trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước”.
Hội thảo công bố báo cáo “Nghiên cứu về cổ đông chiến lược trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước”.
Đây là nghiên cứu độc lập của CIEM về thực trạng, nguyên nhân, những bất cập trong việc thu hút cổ đông chiến lược trong quá trình CPH. Từ đó đề xuất những giải pháp về mặt chính sách, nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn trong các DNNN.
Theo báo cáo này thì từ 1992 đến nay Việt Nam đã thực hiện CPH trên 4.500 DN nhưng chất lượng chưa cao, một số mục tiêu chưa bán được, trong đó có mục tiêu bán cổ phần cho các nhà đầu tư. Cụ thể là các nhà đầu tư chiến lược tham gia cổ phần hóa DNNN với mức độ thấp hơn kỳ vọng.
Theo số liệu từ Ban chỉ đạo đổi mới DNNN và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, giai đoạn 2011 – 2015, Nhà nước kỳ vọng chỉ còn nắm 65% vốn trong các DNNN, tuy nhiên vì tỉ lệ bán cổ phần trên thực tế thấp hơn kỳ vọng nên con số vốn Nhà nước nắm giữ vẫn chiếm tới 81%.
Ngược lại, tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư bên ngoài chỉ là 9,5% (so với kế hoạch là 16,7%), nhà đầu tư chiến lược là 7,3% (kế hoạch là 15,8%).
Giai đoạn 2011-2016 cũng không khả quan hơn. Trong số 46 tổng công ty được phê duyệt phương án CPH, có 14 doanh nghiệp không bán cho nhà đầu tư chiến lược, 2 doanh nghiệp bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược với tỷ lệ cao hơn phương án được phê duyệt, 17 doanh nghiệp bán hết số cổ phần cho cổ đông chiến lược theo tỷ lệ được phê duyệt, 9 doanh nghiệp không bán được cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược và 4 doanh nghiệp còn lại không bán hết số cổ phần được phê duyệt cho nhà đầu tư chiến lược.
Thực tế, trong số 28.369 tỷ đồng được phê duyệt bán cho nhà đầu tư chiến lược của 46 DN này, chỉ có 12.762 tỷ đồng đã bán được, đạt chưa đến 1/2 con số được phê duyệt.
Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (thuộc CIEM) đã chỉ ra rằng cổ phần hóa DNNN chưa thực sự thu hút nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt các nhà đầu tư quốc tế.
Nguyên nhân là do DNNN thiếu hấp dẫn, thiếu công khai minh bạch thông tin, việc xác định giá DN và giá cổ phiếu bất hợp lý, quy trình CPH phức tạp, cách bán cổ phiếu bất cập. Thêm vào đó, việc duy trì quy định hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài trong một số ngành nghề, lĩnh vực cũng là nguyên nhân khiến nhà đầu tư chiến lược e ngại.
Cùng theo ông Trung, hiện tại, mới có gần 12.000 tỷ đồng được thu về trong 9 tháng, trong khi con số mục tiêu cho cả năm là 60.000 tỷ đồng
Nhà đầu tư chê DNNN kém hấp dẫn
Báo cáo của CIEM cũng chỉ ra rằng DNNN kém hấp dẫn vì ít cơ hội sinh lời, nhiều rủi ro tài chính và gánh nặng nợ nần, hệ thống quản trị doanh nghiệp nhiều bất cập, năng lực, động lực của đội ngũ nhân sự còn nhiều hạn chế.
Đồng tình với kết quả nghiên cứu này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, DNNN kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư vì bộc lộ nhiều nhược điểm nội tại như đầu tư dàn trải, quản lý kém, nợ đọng cao, thiếu năng lực chuyên môn, cộng thêm thủ tục cổ phần hóa phức tạp, kéo dài thời gian và nhiều yếu tố yêu cầu khó khả thi.
Hiện nay lợi nhuận của các DNNN chủ yếu rơi vào nhóm các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nắm giữ 100% vốn, trong đó riêng lợi nhuận từ Viettel chiếm 27,7%, PVN là 44,5%. Lợi nhuận từ VNPT chỉ chiếm 4,2%, từ Mobifone là 4,9%...
Trong khi đó, chỉ có 38,8% DN công bố thông tin bắt buộc theo quy định. Quý II/2017 có tới 730 doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng không niêm yết.
Giải pháp nào?
Chia sẻ với PV báo Người đưa tin, TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, cần có quy định rõ ràng về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Nhà nước nên cân nhắc mở rộng các lĩnh vực, ngành nghề nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được nắm giữ cổ phần chi phối.
Việc định giá DN cần tiến hành độc lập dựa trên các cơ sở pháp luật hiện hành. Giá bán cổ phần phải dựa trên giá trị thực của DN. Các thông tin DN cần công khai, minh bạch để các nhà đầu tư có đủ thời gian thẩm định thông tin và đánh giá giá trị của DN trước khi tham gia đấu thầu.
TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM trả lời phỏng vấn.
TS Nguyễn Đình Cung khuyến nghị các DNNN cần áp dụng linh hoạt tư duy thị trường vào CPH và tìm cổ đông chiến lược, thay vì nặng về tư duy quản lý như hiện nay.
Chuyên gia kinh tế - TS. Võ Trí Thành cho rằng giải pháp để thu hút cổ đông chiến lược vẫn là một bài toán khó giải. Bởi vì, nhà đầu tư trong nước có tiềm lực lớn có ý định muốn mua lại doanh nghiệp nhà nước không nhiều, trong khi đó, cổ đông nước ngoài muốn mua thì một số lĩnh vực còn nhiều rào cản.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành.
Theo quan điểm của ông Thành, việc quy định giới hạn tỷ lệ cổ phần với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cần đảm bảo sự công bằng giữa nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và trong nước. Đó là cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tỷ lệ cổ phần giống như các cổ đông trong nước, cho phép họ sở hữu chi phối ở các ngành lĩnh vực không thiết yếu.
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, không nên đặt ra các tiêu chí quá cụ thể khi chọn ra các nhà cổ đông chiến lược.
“Phải coi mỗi cuộc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là một vụ đầu tư, là may một cái áo cho DN và không cái áo của doanh nghiệp nào giống doanh nghiệp nào. Nhà nước chỉ nên xây dựng các trình tự, thủ tục, thay vì đặt ra các quy định quá cụ thể”, ông Minh nói.
Trước câu hỏi của PV về bài học CPH hãng Phim truyện Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Cung nhận định rằng câu chuyện này là một bài học đắt giá về việc thiếu định hướng trước khi tiến hành CPH.
“Không nhất thiết phải chọn cổ đông chiến lược là người hoạt động trong cùng ngành nghề, song ít nhất phải có một định hướng rõ ràng ngay từ đầu. Lẽ ra phải xác định mình cần gì ở cổ đông chiến lược rồi mới tiến hành lựa chọn nhà đầu tư chiến lược” – ông Cung nói.
Bộ Văn hóa yêu cầu dừng bán đấu giá tài sản Hãng Phim truyện Việt Nam
Trước phản ứng của các nghệ sĩ, cơ quan quản lý cho dừng hoạt động đấu giá tài sản của hãng trong quá trình thanh ... |
Làm gì hậu cổ phần hóa điện ảnh?
Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) đã được tiến hành cổ phần hóa. Nghệ sĩ điện ảnh cũng khát khao cổ phần hóa với mong ... |
Doanh nghiệp Việt đầu tư tràn lan vì muốn ăn xổi?
Nền kinh tế Việt Nam nhỏ lẻ, không theo quy tắc nào, nhất là DNNN thường dựa dẫm vào lợi ích nhóm, bề nổi để ăn ngay. |
http://www.nguoiduatin.vn/co-phan-hoa-hang-phim-that-bai-vi-thieu-dinh-huong-a344583.html