Với tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực - trên dưới 30% mỗi năm, Việt Nam đang được cho là đứng trước “cơ hội vàng” để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế internet, đặc biệt là các nền tảng chuyển đổi số trong kinh tế số.
Ấn tượng tốc độ tăng kinh tế số của Việt Nam
Báo cáo “E-Conomy SEA 2021” (Nền kinh tế Số Đông Nam Á 2021) do các tập đoàn Google, Bain (Mỹ) và Temasek (Singapore) phối hợp công bố cho thấy, nền kinh tế internet của Việt Nam năm 2021 đạt tổng giá trị 21 tỷ USD, tức tương đương hơn 5% GDP của cả nước. Cũng theo báo cáo này, nền kinh tế
internet đang tăng trưởng với tốc độ rất nhanh - khoảng trên dưới 30% mỗi năm, đưa tổng giá trị năm 2021 cao gấp 7 lần năm 2015 và dự kiến đạt tới 57 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ hai trong khu vực Ðông Nam Á sau quốc gia đông dân nhất khu vực là Indonesia.
Điều đáng nói là, đại dịch Covid-19 tác động nặng nề tới nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội, song đó lại là cơ hội để kinh tế internet tăng trưởng mạnh mẽ ở nước ta. The đó, từ khi bắt đầu đại dịch đầu năm 2020 đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới với 55% trong số họ đến từ các khu vực không thuộc cấp thành thị.
Người tiêu dùng kỹ thuật số trước dịch Covid-19 trung bình đã sử dụng thêm 4 dịch vụ kỹ thuật số kể từ khi đại dịch bắt đầu. Mức độ duy trì cao khi tiêu dùng kỹ thuật số đã trở thành một lối sống. Theo khảo sát, có tới 99% người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam có ý định tiếp tục sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong tương lai; cho thấy mức độ gắn bó rất cao với các dịch vụ, sản phẩm kỹ thuật số của người dùng Việt Nam.
Một báo cáo về các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đông Nam Á có cho rằng, 1/3 thương gia kỹ thuật số của Việt Nam tin rằng họ sẽ không thể sống sót sau đại dịch vừa qua nếu không có các nền tảng kỹ thuật số. Tại Việt Nam, các dịch vụ tài chính kỹ thuật số cũng đang trở thành yếu tố thúc đẩy quan trọng với 95% doanh nghiệp kỹ thuật số hiện chấp nhận thanh toán kỹ thuật số và 67% chấp nhận cho vay kỹ thuật số. Hơn nữa, 7 trong 10 doanh nghiệp kỹ thuật số dự kiến sẽ tăng cường sử dụng các công cụ tiếp thị kỹ thuật số của họ trong 5 năm tới.
Một trong những nhân tố giúp kinh tế số có nền tảng phát triển nhanh và bền vững ở Việt Nam là hiện có tới 72% dân số Việt Nam đang sử dụng điện thoại thông minh, trong đó có khoảng 70% thuê bao di động đang sử dụng 3G hoặc 4G, 68% người Việt xem video và nghe nhạc mỗi ngày trên thiết bị di động. Tỷ lệ sở hữu điện thoại trung bình là 1,7 máy/người, số người truy cập các trang thương mại điện tử thông qua điện thoại di động chiếm 72%, tỷ lệ mua hàng online qua điện thoại chiếm 53%. Có thể nói, thương mại điện tử tại Việt Nam đang có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình những năm qua là từ 25-30%/năm.
Triển vọng tươi sáng của nền kinh tế internet là một trong những yếu tố quan trọng thu hút đầu tư. Trong nửa đầu năm 2021, vốn đầu tư vào các doanh nghiệp kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Báo cáo “E-Conomy SEA 2021” đánh giá, Việt Nam tiếp tục là trung tâm sáng tạo hấp dẫn với số lượng vườn ươm doanh nghiệp, chương trình phát triển và phòng nghiên cứu nhiều hơn so với đa số các nước trong khu vực.
Dù thị trường thế giới có tính biến động bởi chịu tác động của nhiều nhân tố phức tạp, song nguồn vốn toàn cầu vẫn chảy vào Việt Nam nhờ các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng vững chắc và hệ sinh thái kỹ thuật số đang phát triển. Vốn đầu tư tăng trưởng mạnh trong thời gian dịch Covid-19, nhất là vào thương mại điện tử, công nghệ tài chính, công nghệ y tế và công nghệ giáo dục… Trong đó điển hình là thương vụ AIA cùng với các nhà đầu tư như Mirae Asset - Naver Asia Growth Fund, Taiwan Mobile, Yuanta Fund, STIC Investments rót vốn 258 triệu USD vào Tiki.
Kinh tế số mở ra không gian phát triển mới cho đất nước
Với tầm nhìn triển vọng 10 năm tới, báo cáo “E-Conomy SEA năm 2021” cho rằng, Đông Nam Á đang trên con đường trở thành nền kinh tế kỹ thuật số có trị giá tới 1.000 tỷ USD vào năm 2030, trong đó Việt Nam có thể đạt mức 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa. Theo báo cáo, tổng mức giá trị nghìn tỷ USD này đạt được nhờ thúc đẩy bởi nền tảng người tiêu dùng và doanh nghiệp kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng, sự tăng tốc trong thương mại điện tử, giao đồ ăn và dịch vụ tài chính kỹ thuật số...
Báo cáo lạc quan cho rằng, Đông Nam Á bao gồm cả Việt Nam đang bước vào “Thập kỷ kỹ thuật số” khi internet ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng. Khu vực này hiện có hơn 440 triệu người dùng internet và quan trọng là 350 triệu trong số đó là người tiêu dùng kỹ thuật số, tức là người dùng internet đã sử dụng ít nhất một dịch vụ trực tuyến.
Với tốc độ tăng trưởng nhanh vào khoảng 30% mỗi năm, Việt Nam luôn nằm trong top đầu của ASEAN về tốc độ phát triển kinh tế số. Đạt được những thành tựu ấn tượng cũng như đặt ra những mục tiêu lớn về nền kinh tế số, Việt Nam thời gian qua đã quyết tâm theo đuổi phát triển nền kinh tế số, Đảng và Nhà nước đã có nhiều đường lối, chủ trương, chính sách và văn bản để chủ động tham gia thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra yêu cầu “Hoàn thiện thể chế để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Đẩy nhanh xây dựng khung chính sách, pháp luật đối với việc xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số”.
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đề ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ lệ 20% GDP. Tỷ lệ này tiếp tục được khẳng định trong Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đồng thời yêu cầu tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã xác định đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ ngày 31-3-2022 đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đề ra các điểm đột phá và xác định thể chế, hạ tầng, nhân lực, người dân, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số.
Hiện các bộ, ngành và địa phương đang nỗ lực chuyển đổi số hướng đến mục tiêu tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đến năm 2025 đạt tối thiểu 20%. Kinh nghiệm từ các nước sớm ban hành chiến lược, chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số cho thấy, để phát triển kinh tế số nhanh, cần hợp lực của cả hệ thống, các bộ, ngành, địa phương và nhất là cộng đồng doanh nghiệp. Do vậy, công tác chuyển đổi số phải lấy sự đoàn kết, chia sẻ, kết nối làm trọng tâm. Người dân, doanh nghiệp cần có sự hợp lực, đoàn kết để chung tay thực hiện mục tiêu đưa tỷ trọng kinh tế số phát triển.
Có thể thấy, chuyển đổi số đã và đang tạo ra tài nguyên mới là dữ liệu, trở thành nguồn lực cho kinh tế internet phát triển, mở ra không gian phát triển mới cho đất nước.