Đánh giá ngắn gọn sau 2 năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, đây là “hiệp định nổi tiếng”, bởi lẽ CPTPP không chỉ là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có sự tham gia của hầu hết các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam như Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản… mà ở trong nước, tỷ lệ doanh nghiệp biết tới hiệp định này cao hơn hẳn các FTA khác. Dù vậy, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn chẳng mặn mà với các cơ hội từ đây.
Tận dụng tốt cơ hội từ CPTPP để gia tăng xuất khẩu |
Bỏ ngỏ nhiều cơ hội
Là một doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh vực vận tải quốc tế, ông Phan Thông - Giám đốc Công ty TransAZ cho biết: “Phần lớn khách hàng của chúng tôi đều chưa hiểu kỹ về CPTPP, vì thế đơn hàng mà họ có được từ thị trường khối này gần như không có”. CPTPP được đánh giá là một FTA lớn và tiến bộ hàng đầu của Việt Nam, song việc thiếu vắng những đơn hàng xuất khẩu sang các nước tham gia CPTPP là điều không bình thường. Bởi lẽ FTA thường mang lại những ưu đãi thuế quan vượt trội đối với hàng hóa xuất khẩu của các nước tham gia. Đây thường là ưu đãi mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng mong muốn.
Là ngành sản xuất, xuất khẩu được đánh giá là có nhiều lợi thế khi CPTPP có hiệu lực, các doanh nghiệp da giày Việt Nam đã có sự chuẩn bị sẵn sàng để gia nhập thị trường rộng lớn này với các ưu đãi vượt trội. Trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu da giày Việt Nam tăng đáng kể, nhờ có đóng góp của CPTPP. Theo thống kê của Hiệp hội Da giày (Lefaso), tỷ trọng xuất khẩu da giày sang các nước khối CPTPP tăng 13% so với trước đây. “Canada và Mexico là 2 thị trường mới tiếp cận được sau khi CPTPP có hiệu lực. Thay vì phải xuất khẩu gián tiếp qua nước thứ ba, giờ đây các sản phẩm da giày Việt đã xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Canada, Mexico nhờ những ưu đãi thuế quan từ CPTPP đem lại” - bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Lefaso cho hay. Tuy vậy, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, vẫn còn nhiều cơ hội từ CPTPP mà doanh nghiệp chưa tận dụng hết để tăng khả năng xuất khẩu.
Cùng với da giày, thủy sản cũng là mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu tăng đáng kể sau 2 năm CPTPP có hiệu lực. Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 1-2021 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt hơn 606 triệu USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thủy sản xuất sang các nước trong khối hiệp định CPTPP tăng 34%. Tuy nhiên, so sánh tương quan với các FTA khác, lợi ích từ CPTPP mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam vẫn thấp vì cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Bà Nguyễn Thị Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đi các thị trường CPTPP (7,2%) thấp hơn so với mức 8,4% tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đi toàn thế giới trong cùng thời kỳ. Đáng chú ý, không phải doanh nghiệp Việt Nam nào cũng tận dụng được các ưu đãi thuế quan trong CPTPP. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tính chung các thị trường trong khối CPTPP chỉ là 1,67%.
Doanh nghiệp “lơ mơ “ về hiệp định
CPTPP có hiệu lực với Việt Nam từ 14-1-2019, tính tới nay đã hơn 2 năm. Tuy vậy, do năm 2020 kinh tế Việt Nam và thế giới bị xáo trộn nghiêm trọng theo cách chưa từng có do dịch Covid-19, nên các kết quả thực thi đến nay hầu như chỉ có thể được phản ánh tương đối thông qua các dữ liệu thống kê của năm 2019.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI), CPTPP mang lại lợi ích tích cực cho Việt Nam, song kết quả chưa đạt như kỳ vọng. Nó không chỉ bởi các biến cố khách quan như tình hình căng thẳng thương mại toàn cầu hay đại dịch Covid-19, mà còn ở các vấn đề chủ quan của chính nhà nước và các doanh nghiệp. Mới đây, Chương trình Aus4Reform - Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và VCCI đã tiến hành khảo sát và công bố báo cáo sau 2 năm thực thi CPTPP, góc nhìn từ doanh nghiệp. Theo đó, kết quả phản hồi của hàng nghìn doanh nghiệp cho thấy, với câu hỏi “Doanh nghiệp biết gì về CPTPP?”, tỷ lệ trả lời cho thấy “CPTPP được nghe nói nhiều, nhưng không biết sâu”. Có 69,16% doanh nghiệp phản hồi có “nghe nói hoặc biết qua”, chỉ có 19,81% doanh nghiệp được hỏi “biết khá rõ” và 4,81% doanh nghiệp “biết rõ”. Tỷ lệ doanh nghiệp hoàn toàn không biết gì về hiệp định này là 5,84%. Về các tác động trực tiếp, cứ 4 doanh nghiệp thì mới có 1 doanh nghiệp đã từng được trải nghiệm “trái ngọt” từ CPTPP. Lý do là doanh nghiệp không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào liên quan tới thị trường hay đối tác ở khu vực CPTPP trong 2 năm vừa qua.
Việc nhiều doanh nghiệp còn “lơ mơ” về FTA tiến bộ này dẫn đến tỷ lệ không nhỏ doanh nghiệp (75,27%) không biết có lợi ích gì từ CPTPP để tận dụng. Nhiều doanh nghiệp khác gặp cản trở khi muốn tận dụng cơ hội vì không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, chất lượng… Đáng chú ý, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) biết về CPTPP nhiều hơn doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, đa số doanh nghiệp phản hồi cho rằng CPTPP có tác động tích cực đến thị trường, đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp nhưng “không quá tốt”. Lý do lớn nhất khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được các ưu đãi từ CPTPP là không biết về những ưu đãi thuế quan hoặc đã hưởng ưu đãi thuế theo FTA có lợi hơn, hay các vấn đề về giấy tờ vận chuyển, thủ tục thông quan...
Cần thông tin chuyên sâu, hỗ trợ tích cực
Nói về CPTPP, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, đây là một “hiệp định nổi tiếng”, bởi lẽ CPTPP không chỉ kết nối Việt Nam với các thị trường xuất khẩu lớn, các cam kết trong hiệp định khá phức tạp, mà còn bởi ở trong nước tỷ lệ doanh nghiệp biết đến hiệp định cao hơn hẳn các FTA khác. Song phân tích về kết quả khảo sát doanh nghiệp Việt Nam sau 2 năm CPTPP có hiệu lực, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, kết quả này cho thấy các nỗ lực tuyên truyền phổ biến chung về CPTPP đã có hiệu quả ban đầu tích cực nhưng mới trên bề mặt là chủ yếu. “Với một FTA khó và phức tạp như CPTPP, cần thiết phải có những biện pháp thông tin chuyên sâu, chi tiết và hữu ích hơn cho doanh nghiệp trong thời gian tới” - Chủ tịch VCCI gợi ý.
Ở khía cạnh doanh nghiệp, bà Phan Thị Thanh Xuân cho hay, muốn doanh nghiệp Việt thoát khỏi “ao làng”, vươn ra thế giới thì ngoài cần thông tin đầy đủ thì thể chế cần thống nhất, đặc biệt là chính sách hỗ trợ về vốn, thị trường, nhân lực... để doanh nghiệp tận dụng tốt và nâng cao nội lực.
Thẳng thắn nhìn vào điểm yếu của nội tại của doanh nghiệp, ông Phan Thông khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cần xây dựng năng lực tốt và quan tâm thấu đáo hơn tới việc đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra trong hiệp định. Phía cơ quan quản lý ngoài tiếp tục tháo gỡ rào cản, cải thiện môi trường kinh doanh, cũng cần sự chuẩn bị tốt về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
CPTPP là một FTA thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Các nước CPTPP chiếm 13,5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại hơn 10.000 tỷ USD. Hiệp định này được ký ngày 8-3-2018 tại Chile, chính thức có hiệu lực từ 30-12-2018 với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm: Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Với Việt Nam, hiệp định có hiệu lực từ 14-1-2019. |
Gia nhập CPTPP mang lại lợi ích gì cho Việt Nam
Gia nhập CPTPP mang lại lợi ích gì cho Việt Nam |
Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ 14/1
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP và các văn kiện có liên quan vào ngày 12/11/2018, theo ... |