Dư luận ở TP Đông Hà (Quảng Trị) hiện đang xôn xao về thông tin một học sinh lớp 2 nhưng không biết đọc. Qua xác minh, học sinh này học tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, phường 5, TP Đông Hà; không có biểu hiện gì bất thường, nhưng chỉ đọc được những từ đơn giản.
Chiều 11/2, qua trao đổi, cô giáo Bùi Minh Hiền, Hiệu Trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, phường 5, TP Đông Hà, nói rằng, sau khi biết được thông tin trên, đã yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm của nhà trường kiểm tra, rà soát tất cả trường hợp học sinh có học lực chưa được tốt trong những năm qua.
Tuy nhiên, kết quả không có trường hợp nào như phản ảnh trên mạng xã hội “là trẻ bình thường, người Việt, dân tộc Kinh, năm nay học lớp 2 nhưng không đọc được tiếng Việt. Gia đình từng xin cô Hiệu trưởng cho cháu ở lại lớp 1 nhưng bị ép phải lên lớp 2”. Khi chúng tôi phản ánh trường hợp cháu H., ở phường 5, Đông Hà, hiện đang là học sinh lớp 2 của trường, cô Hiền thanh minh: “Chị và cô giáo chủ nhiệm đã tìm hiểu sự việc này nhưng mẹ cháu H. khẳng định không phản ánh điều gì liên quan tới con và nhà trường với nhà báo".
Cô Hiền cho biết thêm: “Kết thúc lớp 1 năm học 2019-2020, cháu H. không đủ điểm tiếng Việt nên thi lại. Sau 2 lần thi lại, cháu đạt điểm nên lên lớp 2 theo quy định. Tuy nhiên, ngày đầu vào lớp 2, bà ngoại của cháu có đề cập việc xin cho cháu ở lại lớp 1 do không đọc được mặt chữ. Lúc này, lãnh đạo nhà trường và cô Nguyễn Thị Hồng Vân, Chủ nhiệm lớp cũ của cháu có giải thích rằng, cháu H. yếu môn tiếng Việt nhưng thi lại lần 2 cháu đạt điểm lên lớp. Điều này là phù hợp với quy định của Bộ GD&ĐT về những trường hợp học sinh không đạt điểm lên lớp nhưng qua thời gian nghỉ hè, với việc tự học tập và rèn luyện, sau đó được tạo điều kiện thi lại 3 lần, trường hợp đạt điểm sẽ được lên lớp, nhằm khuyến khích học sinh có học lực chưa được tốt có cơ hội cố gắng phấn đấu để đạt được kết quả học tập tốt hơn trong năm tới.
Ngoài ra, khi bà ngoại cháu H. đề cập việc trên, nhà trường đã gửi danh sách học sinh trước đó cho Phòng GD&ĐT TP Đông Hà và đơn vị này đã hoàn tất việc kiểm tra, phê duyệt theo quy định nên không có cơ sở để thay đổi. Đến hết năm lớp 2, do cháu H. qua 3 lần thi lại môn tiếng Việt nhưng vẫn không đạt nên ở lại lớp.
Theo cô giáo Hoàng Thị Tường Vy, giáo viên chủ nhiệm lớp 2 cũ và lớp 2 hiện tại của cháu H. thì cháu H. có khả năng làm toán nhanh. Tuy nhiên, đối với toán có lời giải, cháu không làm được vì yếu môn tiếng Việt. Học kỳ 1 vừa qua với việc học tập hầu như trực tuyến, thấy mẹ của cháu H. rất siêng năng ngồi bên, kềm cặp cháu. Dẫu vậy, hiện tại học sinh này vẫn đang rất yếu môn tiếng Việt, chưa thể đọc thông, viết thạo được.
Trong khi đó, chị Ánh, mẹ của cháu H. bức xúc, phản ánh: “Trước đây, chị của H. cũng bị rơi vào tình cảnh tương tự do cô Vân làm chủ nhiệm. Cô này không quan tâm học sinh. Em đã nhiều lần đến nhờ nhưng cô vẫn không quan tâm. Hết một năm lớp 1 mà con em chỉ đọc được những từ đơn giản. Em và bà ngoại cháu trực tiếp lên xin cô chủ nhiệm là cô Vân và cô hiệu trưởng cho cháu ở lại học lớp 1 nhưng không nhận được sự đồng ý. Đến khi bác ruột của cháu bức xúc, đưa sự việc này lên facebook thì mấy hôm nay cô Vy, chủ nhiệm lớp cháu hiện tại mới có sự quan tâm nhưng mọi thứ vẫn cho rằng việc cháu học kém là do gia đình nên em rất bức xúc”.
Chúng tôi kiểm tra các bài thi lại của học sinh H., thấy chữ viết sạch sẽ nhưng có nhiều từ sai chính tả và chỉ viết vài dòng. Đối với môn Toán, học sinh này chỉ làm được các phép tính đơn giản, toán có lời giải cháu hoàn toàn bỏ trống phần làm bài.
Trở lại học trực tiếp, học sinh TP.HCM đóng học phí thế nào?
Ngày 11/2, Sở GD&ĐT TP.HCM ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện thu học phí và các khoản thu khác năm học 2021 - ... |
Xét nghiệm COVID-19 học sinh khi trở lại trường: Nơi bắt buộc, nơi khuyến khích
Học sinh trở lại trường, Hà Nội, TP.HCM không bắt buộc test SARS-CoV-2, còn Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu xét nghiệm ... |