Catalonia ở Tây Ban Nha trong những ngày này thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Trước nguy cơ chính quyền tự trị ở Catalonia bị chính phủ Tây Ban Nha phế truất và xứ này bị trị vì trực tiếp bởi chính quyền trung ương, nghị viện Catalonia đã thông qua nghị quyết về thành lập nhà nước độc lập ở Catalonia, tách khỏi thực thể nhà nước Tây Ban Nha.
Lãnh đạo Catalonia, ông Carles Puigdemont (trái) bị Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy (phải) phế truất. Ảnh: Sky News |
Catalonia ở Tây Ban Nha trong những ngày này thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Trước nguy cơ chính quyền tự trị ở Catalonia bị chính phủ Tây Ban Nha phế truất và xứ này bị trị vì trực tiếp bởi chính quyền trung ương, nghị viện Catalonia đã thông qua nghị quyết về thành lập nhà nước độc lập ở Catalonia, tách khỏi thực thể nhà nước Tây Ban Nha.
Ngay sau đó, Thượng viện Tây Ban Nha đã phê chuẩn đề nghị của chính phủ nước này được kích hoạt điều 155 trong hiến pháp hiện hành về tước bỏ các quyền tự trị đã trao cho 17 vùng tự trị ở Tây Ban Nha và trực tiếp cai quản vùng tự trị.
Kịch tính
Ngày 28.10, sự phê chuẩn liên quan nói trên của Thượng viện Tây Ban Nha đã được công bố công khai trên Công báo và có hiệu lực. Ngay lập tức, chính phủ Tây Ban Nha của Thủ tướng Mariano Rajoy đã chính thức phế truất chính quyền tự trị và giải tán nghị viện ở Catalonia, giao cho phó thủ tướng trực tiếp quản lý Catalonia và ấn định tiến hành bầu cử nghị viện mới vào ngày 21.12 tới.
Diễn biến tiếp theo ở Catalonia như thế nào hiện là những câu hỏi chưa thể trả lời được hết, chẳng hạn như phe ly khai có chịu tuân thủ quyết định của chính quyền trung ương hay không, sẽ chống đối hoà bình hay bạo lực, có tham gia hay sẽ tẩy chay cuộc bầu cử nghị viện mới và Catalonia rồi đây sẽ như thế nào trong thực thể nhà nước Tây Ban Nha. Chỉ biết rằng mức độ gay cấn và quyết liệt trong đấu tranh quyền lực giữa phe ly khai ở Catalonia và chính quyền trung ương đã lên tới đỉnh điểm. Hai bên quyết tâm đối đầu chứ không dung hoà. Lần đầu tiên ở đất nước này điều 155 trong hiến pháp được kích hoạt và vận dụng kể từ khi hiến pháp ấy được thông qua năm 1978. Cũng lần đầu tiên xứ Catalonia đi xa đến mức tuyên bố thành lập nhà nước độc lập hoàn toàn với Tây Ban Nha.
Chuyện ly khai của Catalonia đã có từ lâu và trước lần này, Catalonia đã 4 lần nổi dậy đối địch quyền lực với chính quyền trung ương, nhưng đều chỉ với mục tiêu là thành lập “Nhà nước Catalonia” hay “Nước Cộng hoà Catalonia” ở trong nhà nước liên bang Tây Ban Nha, tức là vẫn thuộc về Tây Ban Nha chứ không ly khai dứt khoát với Tây Ban Nha.
Lần đầu tiên hồi giữa thế kỷ 17. Lần thứ 2 vào năm 1873 ở thời nền cộng hoà thứ nhất của Tây Ban Nha. Lần thứ 3 vào năm 1931 và lần thứ 4 vào năm 1934, đều gần như ngay trước cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha. Ở cả 4 lần ấy, dù mục đích chỉ là đòi quyền tự trị sâu rộng hơn, phong trào ly khai bị thất bại và những người cầm đầu phong trào đều bị phía chính quyền trung ương thẳng tay trừng trị.
Ở lần ly khai gần đây nhất năm 1934 của Catalonia, thủ hiến xứ này Lluis Companys tuyên bố thành lập Nhà nước Catalonia vào tháng 10 năm ấy. Ông Companys bị bắt giam và bị hành quyết vài năm 1940. Người Catalonia truyền tụng lại đến ngày nay và các nhà chép sử đã ghi lại rằng trước khi bị hành quyết, ông Companys đã hô to “Vì Catalonia”.
Kết quả dồn tụ
Pháp luật hiện hành của Tây Ban Nha quy định khung hình phạt cho việc đòi tự trị là phạt tù cho tới 30 năm với tội danh “nổi loạn”. Thủ hiến hiện tại - và đã bị phế truất - của Catalonia, ông Carles Puigdemont, và nhiều cộng sự, đồng chí hướng nữa phải trực diện với khả năng bị chính quyền trung ương trừng phạt.
Chuyện ly khai hiện tại ở Catalonia là kết quả dồn tụ từ xa xưa đến nay. Trong việc này, quá khứ lịch sử không bị ngắt quãng và gián đoạn mà vẫn liên tục. So với trước, Catalonia đã có được những quyền tự trị sâu rộng cho dù không được chính danh là một nhà nước độc lập. Nhưng chỉ riêng việc khát vọng ly khai ở nơi đây vẫn cháy bỏng và lần này còn dẫn dắt quá trình ly khai đi xa hơn hẳn 4 lần trước đó, cho dù vẫn chưa tới được đích cuối cùng trên thực tế, cho thấy mối quan hệ giữa Catalonia và chính quyền trung ương ở Tây Ban Nha không được suôn sẻ, và xứ Catalonia vẫn không hội nhập và hoà nhập được hoàn toàn vào thể chế nhà nước ở Tây Ban Nha về mọi phương diện.
Thực chất hiện tại có 4 bên với vai trò và tác động quyết định tới việc giải quyết vấn đề ly khai của Catalonia là phe ly khai ở Catalonia, chính phủ Tây Ban Nha, Vua Tây Ban Nha Felippe và EU. Sự thiên lệch của Vua Felippe và EU về phía chính phủ Tây Ban Nha đã góp phần làm cho quan điểm của phía chính phủ Tây Ban Nha và phe ly khai ở Catalonia thêm cứng rắn và không nhượng bộ, để rồi chỉ tập trung vào cái trước mắt mà bất chấp hệ luỵ lâu dài. Chuyện xưa này vì thế sẽ còn là chuyện tương lai của cả Catalonia lẫn Tây Ban Nha.
Luật pháp hiện hành ở Tây Ban Nha không cho phép những vùng tự trị như Catalonia ly khai, nhưng nếu chỉ cấm như vậy mà không thúc đẩy và không vận hành được thành công quá trình hội nhập và hoà nhập các vùng tự trị thì rõ ràng không thể giải quyết được tận gốc rễ, ổn thoả và lâu bền vấn đề ly khai ở Tây Ban Nha nói chung, chứ không chỉ có liên quan tới Catalonia.
1 triệu người xuống đường kêu gọi Tây Ban Nha thống nhất
Đám đông với hàng nghìn lá cờ Tây Ban Nha vừa đi vừa hát "Viva España" ("Tây Ban Nha muôn năm") và thể hiện sự ... |
Tây Ban Nha sa thải cảnh sát trưởng Catalonia
Chính phủ Tây Ban Nha đã thực hiện bước đầu tiên trong việc kiểm soát trực tiếp Catalonia bằng việc sa thải cảnh sát trưởng ... |
Tây Ban Nha: Chân dung người phụ nữ quyền lực được trao quyền kiểm soát Catalonia
Phó Thủ tướng Tây Ban Nha, bà Soraya Saenz de Santamaria đã được trao quyền kiểm soát Catalonia. |
Tương lai bất định của Catalonia sau khi tự tuyên bố độc lập
Liệu Catalonia có tách khỏi Tây Ban Nha thành công hay không còn chưa rõ nhưng nguy cơ xung đột bùng phát là hiện hữu. |
https://laodong.vn/the-gioi/chuyen-xua-don-tu-toi-nay-572932.ldo