“Đội áp tải F miễn phí”, “Đội lái xe 0 đồng chở F” là cụm từ được nhắc đến với tần suất cao trong những ngày này ở quận Hà Đông, để chỉ đội lái xe cấp cứu của Trung tâm cấp cứu 911 Anh Vũ tại phường Mỗ Lao...
“Con không đi đâu mẹ ơi, mẹ cho con ở nhà đi...”, tiếng gào khóc của cậu bé khoảng 6-7 tuổi tại một khu dân cư thuộc quận Hà Đông, Hà Nội xé tan bầu không khí tĩnh lặng, ngột ngạt giữa buổi trưa một ngày giãn cách. Cậu bé là ca F1, bắt đầu có triệu chứng mệt và sốt, chuẩn bị được đưa đi cách ly theo dõi. Trong bộ bảo hộ rộng thùng thình, cậu bé ấy phản ứng dữ dội, chân khuỵu xuống, tay ôm chặt mẹ. Người mẹ, đang là một ca F0, cũng mặc đồ bảo hộ kín mít, vai đeo ba lô và túi xách, mếu máo dỗ dành: “Con ngoan, đi mấy hôm là được về...”.
Chị bế thốc con lên và tiến đến chiếc xe cứu thương đang mở cửa sau chờ sẵn. Rồi đến cả người mẹ cũng òa khóc nức nở. Chị đẩy con vào xe rồi lao nhanh về phía chiếc xe cứu thương khác đỗ gần đó đang chờ chị. Trong cabin của một trong hai xe cứu thương trưa hôm đó, lái xe Bạch Duy Tùng đã trào nước mắt khi nhìn cảnh đó. Anh bảo, đó chỉ là một trong số rất nhiều “cuộc chia li đặc biệt” mà anh cùng “đội lái xe 0 đồng” chứng kiến những ngày qua.
Những cuộc chia ly màu... COVID-19
“Đội áp tải F miễn phí”, “Đội lái xe 0 đồng chở F” là cụm từ được nhắc đến với tần suất cao trong những ngày này ở quận Hà Đông, để chỉ đội lái xe cấp cứu của Trung tâm cấp cứu 911 Anh Vũ tại phường Mỗ Lao. Những ngày Hà Nội chịu đợt nóng cao điểm thì quận Hà Đông còn ngột ngạt và căng thẳng hơn bao giờ hết khi xuất hiện nhiều ca F0 và những người tiếp xúc có nguy cơ lây nhiễm không ngừng tăng lên. Các tài xế của đội xe cứu thương vốn thường ngày đã vội vã, nay lại càng vội vã. Bởi họ đang tham gia một nhiệm vụ nặng nề và đầy hiểm nguy: chở miễn phí các trường hợp F0 và F1 đi điều trị, cách li kịp thời.
“Sự quá tải của lực lượng y tế và những khó khăn của địa phương, của người dân đã thôi thúc chúng tôi muốn đóng góp công sức vào công cuộc phòng, chống dịch”, anh Bạch Thanh Tùng - đội phó đội xe của Trung tâm cấp cứu 911 chia sẻ với tôi. Tại văn phòng Trung tâm, những bộ quần áo bảo hộ được treo sẵn trên mắc, một giàn ủng chờ sẵn, găng tay y tế, khẩu sang, kính chắn giọt bắn, dung dịch sát khuẩn đều được bày ra bàn để thời gian chuẩn bị nhanh nhất, sẵn sàng cho một cuộc lên đường bất kể ngày đêm. Thời điểm hiện tại, cả 6 lái xe và 6 xe cấp cứu của Trung tâm được huy động tối đa cùng phối hợp với UBND các phường, trạm y tế phường trên địa bàn quận Hà Đông tới các địa điểm phát sinh ổ dịch để đưa đón các F1, F0 đi cách li, điều trị.
Ngay từ ngày 24-7, khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, đội xe của anh Tùng đã sẵn sàng. Anh em đều ý thức được nguy cơ lây nhiễm rất cao nhưng chấp nhận đối mặt. Phần vì họ đều là những người có kinh nghiệm chuyên chở bệnh nhân và được trang bị kỹ năng phòng dịch. Nhưng, điều quan trọng hơn, chính là suy nghĩ “trong hoàn cảnh này, nếu mình không làm thì ai làm” luôn thôi thúc họ. Tính đến nay, đã có hơn 100 chuyến xe 0 đồng ngược xuôi.
Đón những người F0, F1 đi cách ly không phải là một cuộc đón đưa bình thường mà thực sự là một công việc căng não. Không chỉ đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, họ phải đối mặt với sự hoảng sợ của bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi, phải chứng kiến những cuộc chia ly bất thình lình, không báo trước. Tiếng gào khóc của cậu bé khi bị tách ra khỏi mẹ để một mình đi cách li vẫn làm anh Tùng ám ảnh. Anh vẫn nhớ gương mặt thất thần, hoảng hốt của nhiều nhân viên đang làm việc tại một số siêu thị Vinmart/VinMart+ đã lập tức phải đi cách li vì có liên quan tới ca mắc COVID-19 thuộc Công ty Cung ứng thực phẩm Thanh Nga. Có những ông bà tuổi cao khi biết mình nhiễm bệnh đã khuỵu ngã, chân tay run lập cập.
“Anh ơi anh đưa tôi đi đâu thế? Bao giờ tôi được về?”, bất kì ai khi lên xe cứu thương với balô, túi xách lỉnh kỉnh cũng hỏi lái xe một câu như thế. Tất cả họ đều thấy bất an và mông lung khi bắt đầu một cuộc hành trình không hề ngắn để đi cách li, theo dõi và chiến đấu với bệnh tật. Và với ai, anh em đội xe cũng an ủi họ cố gắng đi cách li và điều trị bệnh, vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cả cộng đồng.
Cùng nhau vượt bão dịch
Có lẽ chưa khi nào mà phản xạ của đội xe lại thần tốc như những ngày này. Phải thần tốc để đón các ca F0 kịp thời đi chữa trị, vì có những ca trở nặng rất nhanh. Phải thần tốc để đảm bảo các ca F1 phải được đưa đi càng sớm càng tốt để cách li với cộng đồng. Công tác khử khuẩn được đặt lên hàng đầu, luôn được thực hiện thận trọng và kĩ lưỡng trước, trong và sau mỗi cuộc vận chuyển các ca F. Việc vận chuyển tùy từng trường hợp được chia làm nhiều chặng, có thể từ nhà đến khu cách li hoặc từ khu cách li đi điều trị. Trước khi tiếp nhận việc vận chuyển, thông tin về các F0, F1 đều được các lái xe nắm rõ ràng.
Sau một ngày nắng nóng, ngột ngạt trong bộ đồ bảo hộ kín mít, cả đội trở về văn phòng để khử khuẩn xe, tiêu hủy quần áo bảo hộ bằng cách đốt trong một chiếc thùng sắt trước cổng. Tất cả chỉ mong đêm nay tiếng chuông điện thoại không vang lên hối thúc, để không có thêm người dân nào phải rời gia đình đi cách li. Khi ấy, anh em đội xe cũng sẽ được ngủ một đêm tròn giấc.
Từ khi tham gia vận chuyện các ca F, anh em ăn ở tập trung tại văn phòng - nơi mà họ gọi vui là trụ sở dã chiến chống dịch. Cứ 3 ngày họ lại được xét nghiệm PCR một lần. Để đảm bảo an toàn cho người thân, họ không về nhà đã nhiều tuần nay. Dù rất nhớ hai con nhỏ, dù nhà cách văn phòng không xa nhưng anh Tùng cũng chỉ dám gọi điện về gặp con.
Thời gian đầu, chạy xe đến tối, anh em về cùng nhau nấu ăn, thực phẩm đã nhờ người mua đến. Mệt rã rời, nhiều khi cơm không nuốt nổi nhưng anh em bảo nhau cố gắng, bởi còn rất nhiều người cần họ. Rồi càng ngày việc làm của đội xe càng được biết đến nhiều hơn, hình ảnh “đội lái xe 0 đồng” được lan tỏa rộng rãi. Nhiều người dân viết đơn tình nguyện góp sức lái xe, hậu cần để cùng chống dịch. Những suất cơm mùa dịch của các tình nguyện viên, những bộ quần áo bảo hộ, dụng cụ khử khuẩn của UBND các phường hỗ trợ đã tạo động lực để đội xe chở F hoàn thành nhiệm vụ.
Những cuộc di chuyển ngặt nghèo
Trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, đối với những bệnh nhân nhập viện, xuất viện về nhà, mỗi cuộc di chuyển đều thực sự khó khăn. Trong nhiều hoàn cảnh, có những chuyến xe cứu thương đầy nghĩa tình đã hỗ trợ người bệnh.
Giữa những ngày dịch giã căng thẳng, chị V. ở Yên Mô, Ninh Bình phải bồng bế đứa con gái mới 5 tháng tuổi lên Bệnh viện E (quận Cầu Giấy, Hà Nội) để mổ tim. 2 lần sinh trước, các con chị hoàn toàn bình thường. Nhưng đến lần sinh thứ 3 này, chị sinh đôi 2 bé gái, trong đó có một bé vừa bị tim bẩm sinh, vừa bị khiếm thính. Chồng chị phải ở nhà chăm một bé 5 tháng và 2 đứa nhỏ nữa, thành ra chị phải đưa con đi viện một mình. Cảnh nhà đông con và nghèo khó, lại trúng mùa dịch nên khổ sở vô cùng.
Ca mổ tim đã xong, con chị V. đã có giấy xuất viện, đã có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính nhưng chị chẳng còn đồng nào để đưa con về quê. May sao, chị liên hệ được với đơn vị vận chuyển người bệnh và được hỗ trợ đưa về tận nhà bằng xe cứu thương. Ngồi trên xe, ôm cô con gái bé nhỏ trong lòng, chị V. xúc động chỉ còn biết nói lời cảm ơn anh Nguyễn Trọng Đạo - nhân viên y tế trên xe cứu thương. Bởi nếu không có anh giúp đỡ thì mẹ con chị không biết phải làm sao trong lúc tiền không có, xe khách không có để về quê. Sau nhiều ngày chăm con vất vả thiếu thốn, chị kiệt sức và say xe, nằm mê man. Thành ra anh Đạo vừa giúp đỡ người mẹ lại vừa bế đứa trẻ 5 tháng tuổi suốt chặng đường về nhà.
Trong cuộc trò chuyện với tôi, anh Đạo bảo công việc của anh đã quá quen với những đau thương, tang tóc nhưng chưa bao giờ anh phải trải qua những ngày căng thẳng như mùa dịch này. Dịch bệnh COVID-19 đã lấn lướt tất cả những mối lo sức khỏe khác và đặt ra những quy định ngặt nghèo đối với các hoạt động cấp cứu cho người bệnh. Điều đó, khiến anh căng như dây đàn. Để đủ điều kiện được đi vận chuyển người bệnh, những ngày này anh phải căn ngày, căn giờ để đi xét nghiệm SARS-CoV-2, cứ 3 ngày/lần, sao cho giấy chứng nhận xét nghiệm luôn phải trong tình trạng “còn hạn”.
Anh Đạo bảo, đối với những ca bệnh nặng cần lên tuyến trên, bệnh nhân buộc phải có giấy chuyển viện hoặc giấy hẹn của bác sĩ và giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 mới được qua chốt kiểm dịch và được nhập viện. Bởi thế có những chuyến xe cứu thương buộc phải quay đầu khi không đủ điều kiện phòng, chống dịch. Rất nhiều người bệnh ở các địa phương lỡ dở phác đồ điều trị, chịu đau đớn vì bệnh tật. Họ mong từng ngày từng giờ dịch bệnh chóng qua, để họ được đi chữa bệnh, những mong sự sống được kéo dài.
Huyền Châm
Những chuyến xe 0 đồng lúc nửa đêm |
Người đàn ông bán nhà, “sắm” xe giúp chở bệnh nhân nghèo |