Chuyện tình đẹp như tiểu thuyết của vợ chồng người lính bám đảo tiền tiêu

Tại nơi hải đảo xa xôi của Tổ quốc, câu chuyện tình của chồng quân nhân, vợ giáo viên vẫn được mọi người kể cho nhau nghe với sự ngưỡng mộ.

Ấn tượng lần đầu bước chân đến đảo tiền tiêu

Bạch Long Vỹ là một huyện đảo thuộc TP.Hải Phòng. Đảo cách đất liền 110km, có diện tích chỉ hơn 3km2 . Tuy nhiên, đây là đảo tiền tiêu vịnh Bắc Bộ, có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng của nước ta. Bạch Long Vỹ là một ngư trường lớn, được xây dựng để trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của khu vực.

Bản thân tôi từng mong một lần được ra thăm đảo, để được tận mắt chứng kiến, ghi nhận cuộc sống của quân và dân trên hòn đảo nhỏ bé giữa muôn trùng khơi. Cuối cùng, cơ hội cũng đã đến, tôi cùng một số anh chị em được sắp xếp ra đảo trên con tàu Bạch Long của tổng đội Thanh niên xung phòng Hải Phòng. Khi bước chân lên tàu, anh Nguyễn Công Diễn – Tổng đội trưởng tổng đội Thanh niên xung phong hóm hỉnh hỏi: “Nhà báo có say sóng không? Nếu say thì tốt nhất nên ở nhà, ra ngoài biển không chịu được sóng là mệt đấy vì hành trình tương đối dài và mất nhiều thời gian”. Vốn đã quen với sóng gió, tôi chỉ cười.

 

 

Gia đình Thượn úy Phạm Đình Thi trên căn nhà mượn tạm của đơn vị.

Quả thật, nếu là người chưa đi biển bao giờ, và không phải dân miền biển, chắc chắn người đó sẽ không thể cưỡng nổi cơn say sóng. Khi mọi người đã ổn định chỗ ngồi, tàu Bạch Long lao đi vun vút, từng cơn sóng nhấp nhô đánh vào 2 bên mạn tàu. Thỉnh thoảng có con sóng to, tàu chồm lên rồi lại chồm xuống. Trên tàu, một vài vị khách bắt đầu say, khuôn mặt đang tươi tỉnh chuyển sang nhăn nhó lạ thường. Có vị khách không thể ngồi được, người kế bên phải nhường ghế để người này nằm, thiếp đi trong cơn say. Cuối cùng, sau hành trình 7 giờ đồng hồ lênh đênh trên biển, đảo Bạch Long Vỹ đã hiện ra trước mắt.

Tàu cập bến, mọi người lần lượt bước lên. Với người dân trên đảo, sự xuất hiện của đoàn khách từ đất liền khiến ai cũng hồ hởi, như lâu ngày gặp lại người thân, không có cảm giác xa lạ dù những chuyến tàu như thế này không thường xuyên. Tổng đội trưởng nói rằng, tàu của tổng đội tháng mới ra đảo được một lần, cũng có khi cả vài tháng mới có một chuyến đi vì còn phụ thuộc vào con nước và thời tiết. Vịnh Bắc Bộ không êm đềm như những vùng biển khác, thường xuyên có sóng dữ, sóng dữ thì tàu chỉ có ở lại đảo hoặc đất liền, không di chuyển được...

Anh lính thật thà, chất phác đeo đuổi nữ sinh sư phạm

Sau khi mượn được 1 chiếc xe máy của người dân tham quan một vòng đảo Bạch Long Vỹ, tôi ghé thăm ban chỉ huy quân sự của huyện. Tôi được chỉ huy mời nước, trò chuyện về cuộc sống của người lính trên đảo. Trong những câu chuyện tôi được nghe kể, vị chỉ huy có nhắc đến một cặp vợ chồng người lính mà chuyện tình của họ được cả quân và dân trên đảo nhắc đến. Tò mò, tôi có đề nghị được đến gia đình người lính này để trò chuyện. Một chiến sĩ thuộc ban chỉ huy quân sự huyện đã đưa tôi đi, lúc này trời đã sẩm tối.

Trên đường đi, tôi có hỏi gia đình người lính tôi sắp gặp là ai thì được anh chiến sĩ trả lời là Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Đình Thi. Chỉ một lát, chúng tôi đã đến trước cửa nhà Thượng úy Thi, đây là căn nhà nhỏ, nằm yên tĩnh sau những rặng phi lao. Anh chiến sĩ cất tiếng gọi, anh Thi từ trong nhà bước ra và mời mọi người vào trong.

Lúc này, trời đã tối hẳn và không có điện, chúng tôi hàn huyên câu chuyện khi khuôn mặt chẳng còn nhìn rõ được nhau. Như để giải thích, Thượng úy Thi cất tiếng: “Anh thông cảm, trên đảo khó khăn, điện không có thường xuyên, mọi người đều quen với việc bị cắt điện thường xuyên rồi. Nguồn điện duy nhất trên đảo được chạy từ máy phát sử dụng dầu diesel, thỉnh thoảng máy cũng phải được bảo trì”.

Thượng úy Thi là con cả trong một gia đình nông dân nghèo có 3 anh em ở xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Anh nhập ngũ tháng 2/1998, đến năm 2003 thì được chuyển công tác ra đảo Bạch Long Vỹ. Cả một thời thanh niên của anh là những tháng ngày trong quân ngũ, ăn ngủ tại thao trường. Vì vậy, cho đến thời điểm kể trên, chàng thanh niên Thi vẫn chưa biết yêu là gì và cũng chưa có mảnh tình nào vắt vai.

Đến năm 2004, qua một người bạn, anh Thi được giới thiệu, làm quen với chị Phạm Thị Chiều, quê cùng huyện nhưng khác xã, lúc ấy đang là nữ sinh sư phạm. Người bạn giới thiệu qua điện thoại và để anh chị tự làm quen với nhau. Ngày đó, cả hai chỉ hỏi thăm nhau như những người bạn, chưa nảy sinh tình cảm.

Thế rồi trong năm 2004, anh Thi xin về phép và tìm đến nhà chị Chiều chơi. Ngay từ ánh nhìn đầu tiên, trái tim của chàng trai Thi như đã bị cô gái tên Chiều đánh cắp. Thế nhưng, chị Chiều chẳng hề mảy may rung động đáp lại tình cảm của chàng trai trẻ. Biết được điều này, anh Thi buồn nhưng không vì thế mà thất vọng, bỏ cuộc.

Dùng “chiêu độc” chiếm trái tim người trong mộng

Năm này qua năm khác, qua 5 năm thổ lộ tình cảm, chị Chiều vẫn dửng dưng. Đi sâu vào tìm hiểu, anh Thi mới biết rằng, không chỉ có mình mới có tình cảm với Chiều mà còn có những 2 chàng trai khác cũng đang tán tỉnh Chiều, và chị chưa đồng ý nhận lời yêu ai. Quyết “đánh nhanh, diệt gọn”, anh Thi đã dùng “chiêu độc”, từng bước loại các “đối thủ” khỏi cuộc đua đường trường. “Chuyện là thế này, trong một lần đến nhà Chiều chơi, tranh thủ lúc Chiều không để ý, tôi đã lấy điện thoại của Chiều rồi lần lượt nhắn tin cho 2 người thanh niên kia với nội dung: Em đã có người yêu rồi, anh đừng làm phiền em nữa, hãy đi tìm người con gái khác.

Tôi không ngờ là sau khi đã dùng đủ mọi chiêu đều tưởng như bế tắc thì chiêu cuối này lại phát huy tác dụng. Từ đó, 2 chàng trai kia không làm phiền Chiều nữa. Biết chuyện, lúc đầu Chiều có giận tôi nhưng sau cùng không còn cách nào khác đã nhận lời yêu tôi”, anh Thi hóm hỉnh kể.

Khi được hỏi về những kỷ niệm đáng nhớ của 2 người, chị Chiều ngại ngùng nhớ lại, trong một lần đến nhà chị chơi, anh Thi ngồi lỳ đến 12h đêm mà không về. Bực mình, chị Chiều dắt xe anh Thi ra ngoài cổng rồi khóa cổng lại, anh Thi cũng nhất quyết không chịu về. Ngay trong đêm, ở xóm xảy ra vụ việc thanh niên xô xát với nhau. Sợ thanh niên trong xóm nhìn thấy thanh niên lạ mặt ở làng khác đến tán gái, ngứa mắt lại “táng” cho nên chị Chiều lại mở cổng để cho anh Thi vào nhà. Rồi cả hai người lại trò chuyện, tâm sự đến sáng. Trong một lần khác, vì nhớ người yêu quá mà lâu ngày không được gặp, anh Thi đã nói dối đơn vị là về thăm mẹ ốm. Sau biết chuyện, đơn vị chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, chứ không kỷ luật.

Đến năm 2009, anh quân nhân nhà nghèo và chị giáo viên tiểu học đã tổ chức hôn lễ trong sự vui mừng của cả hai bên gia đình và bè bạn, đơn vị.

Đảo là nhà, biển cả là quê hương

Sau khi đã thành vợ thành chồng, không thể sống thiếu nhau, chị Chiều đang dạy ở một trường tiểu học trong đất liền đã theo chồng ra đảo Bạch Long Vỹ và dạy tại trường tiểu học trên đảo. Đến năm 2010, vợ chồng anh chị sinh được 1 bé trai kháu khỉnh đặt tên là Phạm Đình Quang. Năm 2017, niềm vui tiếp tục đến với gia đình khi chị Chiều sinh 1 bé gái, đặt tên là Phạm Thanh Nhàn. Kể đến đây, giọng vợ chồng anh Thi chùng xuống. Đã là một gia đình, không ai muốn phải xa nhau, nhưng do điều kiện thực tế không phù hợp, vợ chồng anh chị đã phải gửi cháu Quang về cho ông bà nội trông nom, nuôi dạy, còn cháu Nhàn ở ngoài đảo với bố mẹ.

“Vợ chồng tôi còn đang công tác nên vẫn phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không có lý do gì để bỏ cuộc. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, ngay ngôi nhà vợ chồng tôi đang ở cũng là mượn của đơn vị. Dân trên đảo đều là thanh niên xung phong, ra sống và làm việc có thời hạn, khi về già, mọi người đều trở về đất liền. Ở đây, đều trong hoàn cảnh xa gia đình nên mọi người đều đối xử, giúp đỡ nhau như người thân.

Minh Sơn

Những người lính bị bắt vì tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ

Năm 1965, trên đường từ đảo Cồn Cỏ trở về, thuyền của ông Lê Văn Tạo bị gió thổi dạt vào nam, ông bị địch ...

Lòng dũng cảm và trách nhiệm của người lính cứu hỏa

Với những người lính cứu hỏa, công tác ứng trực sẵn sàng chiến đấu luôn trong trạng thái cao nhất. Nhưng vì sao, trong đau ...

Hành trình tìm người lính trong bức ảnh ‘biểu tượng nhất’ cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược

Mất nhiều công sức, chúng tôi tìm được người lính trong bức ảnh ‘mang tính biểu tượng nhất’ của cuộc chiến chống quân xâm lược ...

/ www.doisongphapluat.com