Như Lao Động đã đưa tin, một điểm bán hàng tại Bãi Cháy, TP.Hạ Long (Quảng Ninh) bị phát hiện chuyển trên 200.000 NDT (khoảng 700 triệu đồng) tiền bán hàng cho khách Trung Quốc về Trung Quốc qua hệ thống máy POS.
3 chiếc máy POS trái phép bị thu giữ tại ki-ốt A114, Trung tâm du lịch Bãi Cháy. Ảnh: NGUYỄN HÙNG
Chỉ với một máy POS được đem bí mật từ Trung Quốc sang, có gắn sim 3G Việt Nam, việc thanh toán bằng thẻ tín dụng có thể thực hiện ở bất cứ nơi đâu và tiền chuyển thẳng về Trung Quốc, không cần thông qua hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Còn bao nhiêu máy POS lậu?
Vụ hai du khách Trung Quốc suýt bị “chém đẹp” trên 70 triệu đồng/1,9kg tam thất xay tại kiốt A114 ở trung tâm du lịch Bãi Cháy vào tối 25.4.2018 đến nay vẫn chưa xử lý xong một phần bởi các đối tượng người Trung Quốc tham gia bán hàng đã cao chạy, xa bay.
Tuy nhiên, sự xuất hiện quá nhanh và bất ngờ của các lực lượng chức năng vừa “giải cứu” được hai du khách, vừa khiến những kẻ điều hành kiốt bỏ chạy, không kịp tẩu tán 3 máy POS. Qua kiểm tra, 3 máy này đều đem từ Trung Quốc sang, không đăng ký thanh toán qua hệ thống ngân hàng Việt Nam và khoảng 700 triệu VND quy đổi đã được chuyển về Trung Quốc.
Ông Nguyễn Văn Đoan - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Quảng Ninh cho biết, theo quy định, việc nhập khẩu máy POS phải có giấy phép và phải đăng ký sử dụng thông qua hệ thống ngân hàng trong nước.
“Ngân hàng Nhà nước chỉ quản lý được những máy POS đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Trường hợp như vụ ở kiốt A114 là rất khó, bởi chỉ cần có mạng 3G thì có thể thanh toán ở bất cứ nơi đâu” - ông Đoan cho hay.
Cũng theo ông Đoan, năm ngoái, đoàn liên ngành đã phát hiện một loạt vụ thanh toán và chuyển tiền trái phép về Trung Quốc qua máy POS có đăng ký tại Việt Nam. Vì thế, sau đó, các đối tượng buôn gian, bán lận có xu hướng chuyển sang dùng POS không đăng ký tại Việt Nam và vụ ở kiốt A114 là vụ đầu tiên bị bắt quả tang.
Thực chất vụ ở kiốt A114 là việc các đối tượng mượn địa bàn Quảng Ninh để mua bán, giao dịch giữa người Trung Quốc với nhau. Tuy nhiên, du khách Trung Quốc không được lợi gì, thậm chí bị lừa về chất lượng, giá cả hàng hóa; còn địa phương về cơ bản cũng không thu được thuế từ các hoạt động mua bán trên.
Nếu không có vụ “giải cứu” hai du khách Trung Quốc bị ép trả trên 70 triệu đồng/1,9kg tam thất thì không dễ gì phát hiện cửa hàng này đang sử dụng máy POS trái phép, bởi việc kiểm tra không thể tùy tiện và nếu kiểm tra không có tính bất ngờ thì chẳng hy vọng kết quả cao.
Câu hỏi đặt ra: Kiốt A114 có phải là nơi duy nhất tại Quảng Ninh sử dụng trái phép máy POS để chuyển tiền về Trung Quốc nhằm trốn thuế?.
Trốn thuế quá dễ
Trong khi Quảng Ninh đang đau đầu trong việc quản lý các điểm bán hàng “chỉ phục vụ khách Trung Quốc” - thường đặt ở xa trung tâm, thì giờ lại xuất hiện việc sử dụng POS trái phép ở kiốt ngay giữa trung tâm du lịch Bãi Cháy.
Thời gian gần đây, những kiốt dày đặc chữ Trung Quốc mọc lên nhan nhản ở đường Hạ Long, Hậu Cần… để đón dòng khách Trung Quốc ồ ạt vào Quảng Ninh.
Trước đó, nhằm quản lý các điểm bán hàng “chỉ phục vụ khách Trung Quốc”, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng yêu cầu chủ các cửa hàng phải lắp hệ thống thanh toán điện tử qua ngân hàng trong nước; lắp đặt camera để tiện giám sát, theo dõi…
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia ngân hàng, nếu các đối tượng dùng POS trái phép thì các hệ thống trên có cũng như không.
“Người bán hàng và du khách thỏa thuận với nhau về giá, mặt hàng rồi ra chỗ khác quẹt thẻ tín dụng của khách vào máy POS. Thậm chí họ đưa nhau lên ôtô, hay lên tàu du lịch rồi quẹt thẻ thanh toán. Vậy, ai quản lý được những giao dịch này?” - một chuyên gia ngân hàng chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia này, một mình ngành ngân hàng sẽ không thể quản lý được máy POS trái phép, bởi máy POS chỉ cần gắn sim 3G là hoạt động được xuyên biên giới, trong khi đó, người nước ngoài chỉ cần trình hộ chiếu là có thể mua được sim 3G.
Vì thế, phải có sự vào cuộc cùng một lúc của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan để quản lý các điểm bán hàng, các kiốt, từ vấn đề nguồn gốc hàng hóa, lao động nước ngoài đến dòng tiền ra-vào.
Chưa thể khẳng định tất cả các điểm bán hàng “chỉ phục vụ khách Trung Quốc” và các kiốt mới xuất hiện dùng POS trái phép để chuyển tiền ra nước ngoài hay không, nhưng cũng không loại trừ khả năng này, bởi không nhiều cửa hàng có người Trung Quốc đứng đằng sau.
Ông Hồ Quang Huy - Phó Chủ tịch UBND TP.Hạ Long - cho biết, UBND tỉnh Quảng Ninh giao các sở, ngành liên quan phối hợp với TP.Hạ Long tiếp tục xử lý vụ ở kiốt A114, đồng thời rà soát lại tất cả các kiốt tại trung tâm du lịch Bãi Cháy.
Đây là bài toán không dễ giải, nhưng không lẽ cứ để các đối tượng trong và ngoài nước liên kết với nhau để lừa gạt du khách và trốn thuế?
Lộ bằng chứng Qatar chuyển hàng trăm triệu USD chuộc con tin
Tờ Washington Post (Mỹ) ngày 29-4 đưa tin giới chức Qatar dường như đã trả hàng trăm triệu USD để giải cứu những nạn nhân ... |
Mạo danh số điện thoại tòa án để đe dọa lừa đảo, tống tiền
Các đối tượng lừa đảo dùng các số điện thoại mạo danh các cơ quan nhà nước gọi điện đến các số máy điện thoại ... |
Tranh cãi gay gắt việc Phạm Công Danh chi lãi ngoài
Bị cáo Mai Hữu Khương khai Phạm Công Danh đã phải chuyển tiền trả cho nhóm Trần Quý Thanh hơn 20 lần. Trong khi đó, ... |