Vài năm gần đây, trong các lễ rước, mừng thọ, đám tang ở TP.Hải Phòng và nhiều vùng lân cận thường có sự hiện diện của dàn kèn đồng toàn nữ rất nghiêm trang, chỉnh tề và thiện nghệ đến từ H.Vĩnh Bảo.
Đội kèn đồng toàn nữ đầu tiên ở H.Vĩnh Bảo, và cũng là đầu tiên ở Hải Phòng là đội kim nhạc làng văn hóa Hội Am, xã Cao Minh. Về H.Vĩnh Bảo, tôi được ông Nguyễn Mộng Điệp, Giám đốc Trung tâm văn hóa huyện, khuyên nên gặp người khai sinh đội kèn đồng nữ đầu tiên là ông Vũ Bá Riệp (67 tuổi, Trưởng thôn Hội Am).
Cầm tấm danh thiếp trưởng đoàn kim nhạc của ông Riệp, tôi gọi đến 5 lần mà máy đều báo bận. Thấy tôi sốt ruột, ông Điệp khuyên: “Chú về thẳng Hội Am tìm xem, chắc ông ấy đang nhận đám. Đội ấy không ngày nào nghỉ cả”.
May quá, khi tôi tìm đến thì ông Riệp có nhà. Ông là cựu chiến binh với 3 bằng dũng sĩ. Tự hào đúng chất lính, ông nói: “Năm 2008, tôi quyết định họp làng, đưa ý định thành lập đội kèn toàn nữ ra bàn luận và được cả làng ủng hộ”.
Làng Hội Am có 28 dòng họ, mỗi dòng họ cử ra 2 người có sắc vóc, nhiệt tình vào đội kèn. “Dân làng quyết tâm lắm, mỗi người tham gia đóng 2 triệu đồng, bằng 5 tạ thóc hồi ấy chứ ít gì.
Rồi chúng tôi xã hội hóa, viết thư gửi xin tiền khắp nơi để thuê thầy Khổng Minh Hạ (một người chơi nhạc có tiếng ở Vĩnh Bảo) đến dạy, lại cử người đi Hà Nội mua kèn hết tổng cộng 350 triệu đồng”, ông Riệp nhớ lại.
Có kèn, 56 phụ nữ Hội Am nhiệt tình tập. “Vận động mọi người tham gia, đóng góp đã vất vả, giữ được chị em kiên trì tập luyện từ con số không còn khó hơn. Sau 1 - 2 ngày phồng mồm, trợn mắt với cây kèn, cũng có người nản chí, kêu đau răng, sưng mồm, xin rút. Nhưng vẫn có 29 người trụ lại đến bây giờ”, nói rồi ông Riệp đưa ra tấm ảnh chụp đội kèn nữ chị nào cũng đẹp như hoa để khoe.
Sau khoảng 1 năm tập luyện và biểu diễn nội bộ trong làng, đầu năm 2009, đội kim nhạc làng Hội Am đi biểu diễn lần đầu tiên trong một buổi lễ của Trung đoàn 42 ở TT.Vĩnh Bảo với thù lao 3 triệu đồng và theo ông Riệp thì “đó là thời khắc mà tôi cùng các cô ấy đều sung sướng tột độ”! Bây giờ, đội kèn đã trở nên chuyên nghiệp và làm không hết việc.
Hồi đầu thì nam giới họ mải làm ăn, chị em thì nghĩ là tập cho vui, ai ngờ làm chơi ăn thật. Nay thì người ta thích kèn nữ hơn vì trông họ đẹp hơn nam giới” Ông bầu Bùi Văn Tuyến |
Chị Vũ Thị Kim Dung (40 tuổi, nhạc trưởng Đội kim nhạc làng Hội Am), cho biết ngày nào đội cũng có việc, trong huyện thì cát sê 3 triệu đồng/đám, đi xa thì cao hơn. Tính ra 1 năm, mỗi người có thu nhập khoảng 80 triệu đồng.
Mỗi đám trở về, đội đóng góp cho làng 200.000 đồng làm quỹ phúc lợi, mỗi khi làng, xã hay gia đình thành viên đội có việc, đội sẽ phục vụ miễn phí. Thành công của Đội kim nhạc làng Hội Am khiến nhiều người bất ngờ và nhiều đội kèn nữ của H.Vĩnh Bảo tiếp tục phát triển.
Nghề phụ thu nhập chính
Chia tay đội kim nhạc làng Hội Am, tôi tìm đến xã Cộng Hiền (H.Vĩnh Bảo), nơi có những đội kèn nữ được coi là hùng mạnh nhất huyện.
Gặp tôi ở UBND xã, ông Trần Văn Giang, Phó chủ tịch xã Cộng Hiền, vỗ đùi đánh đét: “Chú về đây là chuẩn rồi! Đội kèn đồng Anh Minh xã tôi vừa đoạt giải A liên hoan kèn toàn quốc đấy, không tin cứ Google mà tra”.
Khoe xong, ông Giang gọi ngay một cán bộ xã tên Nguyễn Văn Tề đưa tôi xuống “trụ sở” đội kèn Anh Minh.
Đó là một ngôi nhà 3 tầng lớn nhất nhì xã Cộng Hiền nhưng vắng hoe. “Hỏng rồi, họ đi đám hết, không biết bao giờ mới về”, ông Tề báo tin. Nhưng nán lại chừng 30 phút thì 2 ô tô loại 24 chỗ đỗ ngay trước cửa, trên xe bước xuống khoảng 30 chị trung niên trang điểm cẩn thận, miệng cười như hoa, mỗi người xách một hộp lớn đựng kèn.
Họ mở cổng, cất kèn và lấy xe đạp ra về, nhưng một người đứng lại tủm tỉm cười mời chúng tôi vào nhà uống nước. Đó là chị Phạm Thị Chung (người thổi kèn saxophone trong đội).
|
“Mọi người tranh thủ về nấu cơm cho chồng con, mấy hôm nay nhiều việc quá. Hôm qua, đi từ 1 giờ sáng, hôm nay thì từ 3 giờ”, chị Chung nói và cho biết mình vốn làm nghề may. Năm 2008, anh rể chị Chung là Bùi Văn Tuyến (54 tuổi, ngụ tại thôn An Quý, xã Cộng Hiền) thành lập đội kèn Anh Minh nên chị tham gia. “Trụ sở” của đội cũng là nhà ông Tuyến.
Đội kèn Anh Minh hiện nay có 52 người, đa số là phụ nữ trung niên vốn dĩ làm nông, cắt may. “Khi tham gia tập kèn chỉ nghĩ là cho vui, ai ngờ lại thành nghề có thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. 3 năm nay, chúng tôi không nghỉ một ngày nào, có hôm đi đến 3 đám. Không chỉ trong huyện, thành phố, chúng tôi còn đi Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Nội, Lạng Sơn… Chị em ăn ngủ với nhau nhiều hơn với chồng”, chị Chung tếu táo nói.
|
Tham gia đội kèn Anh Minh, các thành viên không tốn gì. Ông Tuyến bỏ tiền ra sắm kèn, quần áo rồi trừ dần vào thù lao. Thay vì quanh quẩn trong làng với việc đồng ruộng, các chị được đi khắp nơi, được biểu diễn, được mọi người thán phục, cải thiện kinh tế, ai cũng trẻ đẹp hẳn ra dù công việc không nhàn hạ.
“Thổi kèn cũng vất vả lắm. Chị em hay bị viêm họng, đi xa thì say xe, đói hay no mà biểu diễn ngay thì sẽ dễ bị đau dạ dày, nhưng vui mà lại có tiền nên đa số không bỏ nghề”, chị Chung tâm sự.
Thế là từ những phụ nữ nông thôn, nhiều chị, nhiều cô đã hóa thân thành những nhạc công kèn đồng xinh đẹp. Có người còn được cả dòng họ tin tưởng giao cho quản lý đội kèn.
Đó chính là chị Nguyễn Thị The (43 tuổi), “bầu sô” của đội kèn đồng nữ họ Dương, xã Cộng Hiền. Cũng bận tối mắt như đội kèn Anh Minh, chị The vừa cùng đội kèn họ Dương đi diễn về thì tôi vào gặp. Người phụ nữ tuổi hổ đầy mạnh mẽ này cho biết: “Đội kèn dòng họ Dương được thành lập năm 2011 bởi ý tưởng và sự “bảo hộ” của ông Dương Công Minh (62 tuổi).
Năm 2013, tôi được cả họ giao phó nhiệm vụ dẫn đội”. Nhiệm vụ chính của đội kèn họ Dương là phục vụ việc họ, mỗi năm, đội đi một tỉnh để biểu diễn trong ngày giỗ họ. “Năm vừa rồi, cả đội được họ cử đi Bắc Ninh 3 ngày, Đà Nẵng 5 ngày. Ra giêng lại vào Cần Thơ nữa”, chị The liệt kê. Ngoài ra thì đội được tự do làm dịch vụ để kiếm thêm thu nhập.
Cái hay ở các đội kèn nữ ở H.Vĩnh Bảo là tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. “Chúng tôi đến với nghề vì yêu kèn, lại hay phục vụ nghi lễ nên cái tâm phải thật sáng. Việc các đội cho nhau mượn người hay nhường nhau công việc là thường xuyên, âu cũng là tạo phúc”, ông bầu Bùi Văn Tuyến của đội kèn Anh Minh chia sẻ. Giải thích tại sao không có nam, ông Tuyến nói: “Hồi đầu thì nam giới họ mải làm ăn, chị em thì nghĩ là tập cho vui, ai ngờ làm chơi ăn thật. Nay thì người ta thích kèn nữ hơn vì trông họ đẹp hơn nam giới”.
Chuyện những phụ nữ đặc biệt: Đội lân tóc dài U.90 đặc biệt ở miền Tây Sau 36 năm tái lập, các thành viên \'đội lân tóc dài\' hầu hết đã trên 60 tuổi, có người đã 87 tuổi... nhưng tất ... |
Chuyện những phụ nữ đặc biệt - Kỳ 1: Nữ thợ mộc xứ dừa Không phát triển mạnh mẽ như xưa vì sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, nhưng làng mộc Tiên Tây Vàm (xã Tiên Thủy, ... |