Trẻ hơn rất nhiều so với tuổi, cách nói chuyện chân thành, dí dỏm, bà đưa người đối diện đi hết bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. Càng ngạc nhiên hơn nếu biết rằng bà là người ăn chay hàng chục năm nay và đang kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm chay. Bà là Nguyễn Thị Ái Trinh - Tổng Giám đốc Cty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Thực phẩm chay Âu Lạc.
Cơ duyên từ nước Mỹ
Sinh ra tại Đà Nẵng trong một gia đình nghèo và theo đạo Phật, từ nhỏ Ái Trinh đã quen với các bữa cơm không thịt, cá. Chẳng biết từ khi nào, ăn chay đã trở thành sở thích của bà. Năm 1987, lấy chồng và ra ở riêng, bà còn “lôi kéo” được cả chồng là ông Võ Quốc Ngữ cùng ăn chay.
Cơ duyên đến sau một chuyến du lịch sang Mỹ vào năm 1994. Ở đây, bà phát hiện có rất nhiều loại thực phẩm dành cho người ăn chay. Bà mua mang về Việt Nam cho gia đình dùng và dành một số tặng cho bạn bè, và nhiều người khen loại thực phẩm này ngon. Từ đó, Nguyễn Thị Ái Trinh bắt đầu chú ý đến những người ăn chay, nhận thấy đa số người Việt đều quan niệm, có theo đạo mới ăn chay chứ không phải ăn chay vì sức khỏe; hơn nữa, thức ăn chủ yếu là rau luộc, đậu phụ chứ không phong phú như ở nước ngoài. “Thấy nhiều người ăn chay gầy gò, xanh xao, tôi rất thương! Tôi nghĩ tại sao mình không cung cấp thực phẩm chay giàu dinh dưỡng cho họ?”- bà tâm sự.
Từ ý tưởng ban đầu đó, cửa hàng thực phẩm chay đầu tiên ra đời ngay trong ngôi nhà của vợ chồng bà trên đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh vào năm 1995. Nhập hàng từ nước ngoài, đặc biệt là từ Đài Loan, cửa hàng thực phẩm chay của bà bắt đầu hoạt động. Nhưng với một bà chủ có tâm hướng Phật, cửa hàng cứ “lỗ lên lỗ xuống”, không phải do không bán được hàng, mà cứ thấy người nào nghèo bà lại cho, biếu, thậm chí “thấy một khách hàng đạp xe hơn 10 km đến cửa hàng chỉ để mua một chai nước tương, tôi không nỡ lấy tiền”, bà cười kể lại.
Bốn năm lỗ vốn, bà phải nhờ sự hỗ trợ của chồng để duy trì cửa hàng, đến năm 1999 mới thực sự vượt qua khó khăn. Một phần là do đã có khách hàng quen, mặt khác nhận thức của mọi người về ăn chay đã thay đổi, đã nghĩ ăn chay rất tốt cho sức khỏe nên đối tượng khách hàng của Âu Lạc ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, chưa kịp lạc quan thì Ái Trinh đã phải đối đầu với thách thức mới. Đó là nhiều người cùng “nhảy” vào kinh doanh thực phẩm chay, một số cửa hàng cung cấp các thực phẩm nhái, hoặc kém chất lượng. Nhiều đêm suy nghĩ, bà quyết định tự sản xuất thực phẩm chay sạch, dù chưa học qua một lớp đào tạo nào về chuyên ngành.
Bữa ăn chay kỷ lục
Năm 2001, Công ty TNHH Sản xuất & Kinh doanh Thực phẩm chay Âu Lạc thành lập, bà cho xây dựng nhà xưởng tại quận 12, TP Hồ Chí Minh. Với phương châm “đồ mặn có cái gì, đồ chay có cái đó”, bà dựa trên mùi vị của thực phẩm mặn mà chế biến, chỉ khác ở chỗ nguyên liệu toàn là rau, củ, quả.
Để đảm bảo lợi ích của khách hàng, bà quy định tất cả nhân viên khi ở công ty đều phải ăn chay. Bà giải thích: “Quy định như vậy nhằm đảm bảo sự tinh khiết của thực phẩm chay khi được sản xuất tại nhà máy”. Đặt vấn đề an toàn thực phẩm lên hàng đầu, Âu Lạc dần chinh phục người tiêu dùng. Giờ đây thương hiệu thực phẩm chay Âu Lạc đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới như Đài Loan, Mỹ, Singapore… Năm 2005, chi nhánh Công ty được thành lập tại Mỹ với thương hiệu “rất Việt” của riêng mình.
Vào giữa tháng 5/2008, tại Đại lễ Phật đản, thương hiệu Âu Lạc lại một lần nữa được khẳng định. Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc Vesak diễn ra trong 3 ngày tại Hà Nội với 6.000 đại biểu từ hơn 100 quốc gia cùng hơn 10.000 Phật tử trong nước về dự, Cty Âu Lạc được giao nhiệm vụ đảm bảo bữa ăn cho đại lễ này. Mừng vì được giao trọng trách của quốc gia, song Nguyễn Thị Ái Trinh cũng chịu nhiều áp lực. Làm sao đảm bảo được bữa ăn cho 16.000 người trong 3 ngày?
Lấy sự tự tin làm hành trang, bà huy động toàn bộ 500 nhân viên của công ty, chở 10 container thực phẩm, máy móc ra Hà Nội. Một nhà bếp khổng lồ được dựng lên bên cạnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Với vai trò bếp trưởng, bà tự nghiên cứu, đưa ra thực đơn 100 món; trong đó có cả món Âu lẫn món Á và tất nhiên không thể thiếu những món mang hương vị truyền thống của Việt Nam như chả giò, chả lụa, mắm tép, bún ốc…
Các món ăn được trang trí đẹp mắt, kết hợp giữa tinh thần văn hóa Phật giáo Việt Nam với xu hướng ẩm thực hiện đại của thế giới, Nguyễn Thị Ái Trinh đã làm nhiều đại biểu dự lễ Phật đản bất ngờ. Thậm chí, một đại biểu người Nhật Bản còn phát biểu rằng: “Tôi đã đi khắp nơi trên thế giới, dự rất nhiều bữa tiệc chay khác nhau nhưng chưa ở đâu tôi thấy các món chay lại ngon và đẹp như ở đây”.
Thành công tại đại lễ Vesak không chỉ một lần nữa khẳng định sự lớn mạnh của Âu Lạc, mà còn giúp bà Trinh có thêm tự tin để tiếp tục thực hiện những kế hoạch kinh doanh của mình. Trong gần 10 năm qua, bà đã đầu tư xây dựng được một chuỗi cửa hàng chay tại TP Hồ Chí Minh, hiện đang rất có uy tín và đông khách hàng đủ các tầng lớp trong xã hội.
Giàu lòng nhân ái
Ghi dấu ấn đặc biệt tại đại lễ Vesak năm 2008 với những món ăn độc đáo, nhưng ít ai biết Nguyễn Thị Ái Trinh còn tự bỏ ra hơn 10 tỷ đồng để thực hiện đại tiệc này bởi từ lâu bà đã không đặt nặng vấn đề lợi nhuận, quan trọng nhất với bà trong kinh doanh chính là chữ “tâm”. Bà bộc bạch: “Kinh doanh thực phẩm chay không phải dễ dàng như nhiều người vẫn tưởng. Mỗi sản phẩm bán ra chỉ lời vài trăm đồng, thời gian thu hồi vốn rất chậm. Cho nên, nếu không có tâm với nghề sẽ không thể làm tốt”.
Với nhân viên công ty, bà coi họ như người thân trong gia đình mình, lo cho họ từ chỗ ăn, ở đến cuộc sống tinh thần. Chị Hòa, một kế toán công ty tâm sự: “Chúng tôi coi chị Trinh như người chị cả của mình. Người chị có thể chia sẻ mọi khó khăn, vui buồn. Và Âu Lạc đã trở thành ngôi nhà thứ hai của chúng tôi”.
Giàu lòng thiện tâm, Nguyễn Thị Ái Trinh coi làm việc thiện là một nghĩa vụ đối với xã hội. Cho nên, cứ đến mùng một, ngày rằm hàng tháng; hay vào dịp lễ tết như Trung thu, Tết Nguyên đán, bà lại cùng gia đình đến các trung tâm xã hội để tặng quà cho người nghèo, trẻ mồ côi… Tất cả các công việc ấy đều được thực hiện thầm lặng. Bà đã hiến một mảnh đất lớn để xây trường học tại quận 12, hay tài trợ xây dựng 7 chiếc cầu tại huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng…
Bà còn phối hợp với Giáo hội Phật giáo gây quỹ ủng hộ đồng bào bị bão lụt, hỗ trợ nhà ở cùng các suất ăn miễn phí cho thí sinh thi đại học, cao đẳng. Bà cho biết: “Thấy các cháu học sinh lên thành phố thi đại học sao mà vất vả thế! Nhất là các cháu nghèo lại càng khó khăn hơn. Vì vậy, Âu Lạc đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sinh viên của TP Hồ Chí Minh, phát cơm miễn phí cho các thí sinh tại nhiều điểm thi khác nhau”.
Tháng 1/2010, Công ty Âu Lạc đã tổ chức Lễ hội ẩm thực chay đầu tiên của Việt Nam, diễn ra tại Công viên Lê Văn Tám, TP Hồ Chí Minh, thu hút 72.000 người tham dự, nhằm quyên góp ủng hộ người nghèo, những người bất hạnh. Nguyễn Thị Ái Trinh đã tổ chức phát hơn 10.000 suất ăn miễn phí, tặng quà cho trẻ em mồ côi tại các mái ấm tình thương, trả chi phí 1.000 ca mổ mắt cho các bệnh nhân nghèo. Công ty Âu Lạc còn tổ chức cuộc diễu hành “Mang lại ánh sáng cho người mù ” để gây quỹ. Toàn bộ số tiền 35 triệu đồng và 911 USD do khách tham gia lễ hội đóng góp đã được đưa đến tận tay người nghèo...