Ông Nguyễn Hùng Vỹ, chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng, nếu không còn rùa, Hồ Gươm sẽ bớt đi tính tâm linh, thiêng liêng. Đó là một mất mát không gì bù đắp nổi.
Rùa hồ Gươm trong một lần xuất hiện.
Thông tin không còn rùa hồ Gươm được công bố trong mấy ngày gần đây đã khiến nhiều người dân Hà Nội hoài nghi lẫn nuối tiếc. Tuy nhiên, khẳng định của nhà rùa học, PGS.TS Hà Đình Đức đã thêm một lần cho thấy đây là sự thật.
Hàng trăm năm nay, hình ảnh cụ rùa gắn liền với Hồ Gươm như một biểu tượng đẹp mang giá trị lịch sử và tâm linh. Bởi vậy, trước thông tin này, nhiều câu hỏi đặt ra Hà Nội sẽ như thế nào nếu thiếu rùa Hồ Gươm.
Chuyên gia nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng đó là một mất mát không gì bù đắp được.
Ông Vỹ cũng cho rằng, căn cứ vào các ghi chép, nghiên cứu của nhà rùa học Hà Đình Đức và nhiều nhà nghiên cứu khác, có thể khẳng định hiện nay Hồ Gươm không còn cụ rùa nào.
“Ở Việt Nam, từ những năm 1970 đến nay, cũng chưa ghi nhận có rùa lớn xuất hiện ở đâu. Rùa Hồ Gươm là loại rùa quý hiếm. Những năm 1964, ở sông Lam, sông Mã, thi thoảng người dân còn bắt gặp loại rùa này xuất hiện. Nhưng sau đó không lâu chúng đã biến mất. Hiện nay, ở vùng Chăm Mát, Hòa Bình, dấu tích của loài rùa lớn ngày xưa, vẫn còn lưu giữ những bộ xương rùa quý hiếm.
Chuyên gia nghiên cứu văn hóa cho hay, cái chết của loại rùa này là theo quy luật sinh tồn bình thường. Nếu không còn rùa, du khách đến với Hồ Gươm không tìm thấy được điều họ chờ đợi, mong muốn. Đó là được một lần nhìn thấy linh vật đã đi vào tâm thức, khơi gợi truyền thuyết, lịch sử.
Tuy nhiên, bàn về vấn đề này, GS Lâm Biền, lại khẳng định vấn đề rùa còn hay không còn cần phải xem xét lại. Theo ông, dù sinh vật này được nhiều người dân quý mến, tò mò nhưng ở góc độ khoa học, cần có sự thẳng thắn.
GS Lâm Biền nêu quan điểm rùa Hồ Gươm không phải là thần linh mà thực tế là biểu tượng của thủy quái. "Rùa là con vật phá đê, chỉ có giá trị trong tâm linh khi đứng trong bộ tứ linh Long Ly Quy Phượng. Câu chuyện trả gươm cho rùa của vua Lê Lợi là được nhân dân hư cấu và trở thành truyền thuyết sau này.
Hình tượng vua Lê Lợi cầm kiếm chém xuống hồ Gươm là hành động chống lũ lụt. Vì xưa kia khu vực Hồ Gươm là chỗ đất trũng, nhiều ao hồ. Tại khu vực đền Ngọc Sơn còn có trấn Ba Đình để trấn sóng độc của văn hóa cũng như sóng nước, lũ lụt từ sông Hồng", ông nói.
Chuyên gia nghiên cứu lịch sử cho biết thêm, người dân Hà Nội đã thả rùa xuống Hồ Gươm hàng trăm năm nay. Nên hiện tại không thể thống kê được có bao nhiêu rùa ở đây.
Bạn đọc tiếc nuối khi Hồ Gươm vắng bóng "cụ rùa" Việc Hồ Gươm không còn "cụ rùa" khiến nhiều người không khỏi "sốc", bởi bấy lâu nay, hình ảnh "cụ rùa" được coi là biểu ... |
Gần 30 tỷ nạo vét Hồ Gươm được chi như thế nào? Hơn 100 phương tiện, thiết bị và 200 công nhân tham gia nạo vét Hồ Gươm 8 tiếng mỗi ngày. |
Có nên thả rùa Đồng Mô xuống Hồ Gươm? GS.TS Nguyễn Lân Dũng (Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam) cho rằng, Hồ Gươm có tháp rùa, nay không còn rùa thì ... |