Nhà nghiên cứu ngôn ngữ lạ lẫm với từ "thu giá", trong khi giảng viên luật cho rằng đây là thuật ngữ kỳ quặc, được sử dụng máy móc.
Biết thông tin hàng loạt biển "trạm thu phí" của BOT đang được đổi tên thành "trạm thu giá", GS Nguyễn Đức Dân (nguyên Phó chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam) rất bất ngờ và nói: "Từ này là do cán bộ quản lý nghĩ ra chứ từ trước đến nay không ai dùng như vậy cả".
Theo GS Dân, giá là sự biểu hiện của giá trị một loại hàng hóa dưới hình thức là tiền, có thể thay đổi theo những điều kiện, thời điểm thị trường khác nhau. Trong khi đó, phí là khoản tiền người dân phải bỏ ra cho một công việc gì đó, như phí đào tạo, phí điều trị, phí phục vụ, phí tín dụng, phí chế tạo. Phí mang tính chất ổn định tương đối lâu dài chứ không thay đổi nhanh chóng.
Trạm BOT đường tỉnh 830 ở Long An. Ảnh: Hoàng Nam. |
Theo giáo sư Dân, từ "phí" và "giá" trong đời sống được sử dụng với nghĩa khác nhau, phân biệt rành rọt. "Người ta chỉ có thể nói đấu giá, định giá, hóa giá, phá giá, chứ không ai thay từ phí vào đó được. Như vậy, tiền trả cho việc đi qua cầu đường phải là phí chứ không thể là giá, dùng từ thu giá là sai hoàn toàn", ông Dân khẳng định.
Cũng theo giáo sư ngôn ngữ học này, việc sử dụng từ ngữ trong quản lý hành chính một cách tùy tiện sẽ rất nguy hại, bởi nhiều người dân lầm tưởng, sử dụng theo thói quen và lâu ngày từ dùng sai trở thành đúng. Một ví dụ, theo ông Dân, việc sử dụng từ "xe phân khối lớn" được các văn bản hành chính sử dụng là sai, bởi phân khối là đơn vị đo lường thì không có sự lớn hay bé.
Cùng quan điểm với giáo sư Dân, một giảng viên ngành Ngôn ngữ học cho rằng, chỉ có thể dùng từ "thu phí" mà không thể nói "thu giá" với khoản tiền được trả cho việc sử dụng đường bộ, các công trình giao thông công cộng. Dẫn Từ điển Tiếng Việt do giáo sư Hoàng Phê chủ biên, trong đó định nghĩa "phí" là khoản tiền phải trả cho một công việc, dịch vụ công cộng nào đó như phí giường bệnh, nộp phí qua cầu đường, phí vận chuyển hàng hóa.
Trong khi đó, "giá" được giải thích là biểu hiện giá trị bằng tiền (như giá một cái áo, giá vé xem phim, hàng được hạ giá) hay tổng thể là những gì phải bỏ ra, tiêu phí, mất đi cho một việc làm nào đó (như phải trả giá cho hành động nào đó, hoàn thành nhiệm vụ với bất cứ giá nào).
"Xét theo cả hai ngữ nghĩa này thì việc thu tiền người đi qua cầu đường không thể là thu giá được. Nếu BOT là sản phẩm của doanh nghiệp, sở hữu tư nhân đi chăng nữa thì khoản tiền người dân phải trả để sử dụng cũng được gọi là phí", ông khẳng định.
\'Thu giá\' là thuật ngữ kỳ quặc, máy móc
Dưới góc độ luật, thạc sĩ Lưu Minh Sang (giảng viên luật Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM) phân tích, từ khi Luật phí và lệ phí 2015 có hiệu lực, khoản thu đối với dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh không được xem là phí và không được điều chỉnh theo Luật phí và lệ phí nữa.
Thay vào đó, khoản thu này sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật giá năm 2012 với tư cách giá dịch vụ do nhà nước định giá. Thuật ngữ "thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ" cũng được nhắc đến tại Quyết định 07 năm 2017 của Thủ tướng.
Song, ông Sang cho rằng "thu giá" là một thuật ngữ lạ lẫm trong ngôn ngữ tiếng Việt, đồng thời cũng không có nội hàm dưới góc độ khoa học pháp lý dù có được đề cập tại một vài văn bản pháp luật. Do đó, "trạm thu giá" là một thuật ngữ tương đối kỳ quặc và có phần máy móc trong việc áp dụng pháp luật.
Theo ông Sang, "thu giá" hay "thu phí" cũng có bản chất là thu của người dân một khoản tiền khi họ sử dụng dịch vụ. Điều khác biệt lớn nhất đó là cơ chế xác định và điều chỉnh mức phải trả của người dân khi lưu thông đường bộ. Đây là điều ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người dân.
Nếu đây được xem là "phí" thì việc điều chỉnh giá sẽ thông qua quy trình chặt chẽ hơn, do HĐND cấp tỉnh quyết định. Còn xem đây là loại "giá dịch vụ do nhà nước định giá" thì Bộ có quyền định giá.
"Điều người dân lo ngại là sẽ có lợi ích nhóm trong việc định giá, điều chỉnh giá nếu thẩm quyền định giá thuộc về Bộ mà không qua ý kiến của HĐND, cơ quan giám sát, đại diện quyền lợi của người dân. Bởi lẽ, pháp luật đang thiếu cơ chế minh bạch và giải trình trong các vấn đề liên quan đến BOT", ông Sang cho biết.
Tài xế dùng tiền xu để trả phí qua trạm BOT Cai Lậy cuối năm 2017. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Ông Sang cho rằng, vấn đề mấu chốt cần quan tâm là cơ chế định giá hợp lý đối với dịch vụ sử dụng đường bộ BOT. Người dân cần được biết, mức tiền họ phải trả được ấn định dựa trên cơ sở nào, lợi nhuận của chủ đầu tư có hợp lý hay không.
Pháp luật phải có những quy định cụ thể hơn để minh bạch việc định mức phải thu cũng như nghĩa vụ giải trình của cơ quan có thẩm quyền, đảm bảo quyền lợi của người dân, bao gồm: quyền được lựa chọn, thỏa thuận, góp ý về mức tiền họ phải trả khi sử dụng dịch vụ, hay quyền kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh mức tiền khi các yếu tố hình thành nên nó thay đổi.
"Nếu làm được những điều trên, vấn đề xem khoản nghĩa vụ này là phí hay giá chỉ đơn giản là vấn đề kỹ thuật", ông Sang khẳng định.
Theo quy định Luật phí và lệ phí, từ 1/1/2017 phí đường bộ sẽ được chuyển sang dịch vụ sử dụng đường bộ, khung giá và giá tối đa do Bộ Giao thông Vận tải và UBND các tỉnh quy định. Bộ Giao thông có thẩm quyền ban hành mức giá trần dịch vụ sử dụng đường bộ trên quốc lộ do Bộ Giao thông quản lý, còn UBND cấp tỉnh quy định giá với đường địa phương. Mức giá cụ thể cho dịch vụ sử dụng đường bộ đối với từng dự án được Bộ Giao thông và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thống nhất tại hợp đồng dự án trên nguyên tắc không vượt mức giá tối đa. Nhiều biển trạm thu phí BOT được đổi tên thành "trạm thu giá" trong thời gian qua, khiến dư luận xôn xao. Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, việc chuyển đổi này dựa trên quy định của Chính phủ. BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá; còn phí thì mang tính chất Nhà nước. Ông Thể cho biết, việc thu phí thuộc thẩm quyền của HĐND địa phương và bộ ngành liên quan, do đó trước đây khi muốn điều chỉnh phí BOT thì rất khó khăn và chậm, do phải thông qua các cơ quan đó. Khi chuyển sang "thu giá", về bản chất lợi ích nhà đầu tư thu được vẫn như trước, nhưng việc điều chỉnh sẽ nhanh chóng hơn để đáp ứng điều kiện từng trạm thu tùy theo vị trí, khu vực; thậm chí có thể giảm giá để cân đối phương án tài chính. "Việc đổi tên này không có gì khác mà chỉ là linh động hơn", ông Thể nhấn mạnh. |
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách QH lên tiếng về thu “phí”, thu “giá” BOT
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải chiều 23-5 trao đổi với báo chí về việc đổi tên “trạm ... |
Đại biểu Quốc hội: Cách gọi "thu giá BOT" là tối nghĩa
Ông Lê Thanh Vân cho rằng, Bộ Giao thông nên lắng nghe dư luận, xem xét cách gọi tên "trạm thu giá" đã phù hợp ... |