Theo chuyên gia, trẻ nghiện game muốn trở về cuộc sống bình thường nên dành nhiều thời gian chơi thể dục, thể thao và tránh xa điện thoại.
"Bài thuốc" khắc phục nghiện game online
Ông Đặng Lê Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Vovinam và Thể thao (IVS), nhà tâm lý chuyên gia giáo dục trị liệu nghiện game cho biết, ngoài những học sinh yếu kém, có cả những học sinh có thành tích học tập khá giỏi, thậm chí sinh viên có học bổng du học nước ngoài cũng nghiện game.
Với kinh nghiệm trong lĩnh vực cai nghiện game, ông Đặng Lê Anh chỉ ra ba phương pháp trong một quy trình cai game, đây là "bài thuốc quý" ông đã áp dụng với nhiều học sinh và thành công.
Học sinh cai nghiện game online tại Trường THCS-THPT Phùng Hưng (quận 12, TPHCM). Ảnh: Anh Nhàn |
Đầu tiên, phải tách trẻ ra khỏi môi trường nghiện với những giải pháp thay thế như chơi thể thao, tập võ thuật, tham gia các hoạt động tập thể, văn hoá văn nghệ, tập luyện yoga,...
Tiếp theo, khi trẻ đã tách được khỏi game, đến lúc các em được trò chuyện, hỏi han, quan tâm. Người đồng hành phải đưa ra mục tiêu phấn đấu để các em vượt qua chính mình, không bị cơn nghiện hành hạ nữa.
Điểm mấu chốt cũng là điều quan trọng nhất trong quy trình cai nghiện game, là phải dạy cho trẻ những kỹ năng để trẻ nhận biết tác hại của việc nghiện game. Khi ý thức được tác hại của game, các em sẽ tự động học tập, phấn đấu và hoàn thiện bản thân hơn và biết kiềm chế để không tái nghiện.
Thực hành cai nghiện game thế nào?
Lý thuyết cai nghiện game là như thế, nhưng quá trình "cảm hoá" mỗi trẻ là khác nhau.
Tại Trường THCS-THPT Phùng Hưng (quận 12, TPHCM - chi nhánh Trường phổ thông nội trú IVS, trường dành cho học sinh cai nghiện game), ông Đặng Lê Anh cho biết các học sinh ở đây phải mất từ 6 tháng đến gần 1 năm để không còn bị ám ảnh bởi game online.
Các em học sinh lúc mới vào trường có thể bị "sốc tinh thần" vì không cho các em sử dụng tới điện thoại, máy tính. Tiếp đó, môi trường giáo dục nghiêm khắc đã giúp các em sống có kỷ luật hơn và dần quên đi game online.
"Lịch trình ở đây diễn ra đều đặn từ 5h30 sáng tới 22h. Ngoài học văn hoá trên lớp, các em được hướng dẫn tự giặt quần áo, dọn dẹp vệ sinh, gấp chăn màn. Tôi xem đây là cách hiệu quả để các em có được sự tự lập.
Thời gian sau buổi học, mỗi em được chơi thể thao, học võ thuật, bơi lội, đọc sách, tập yoga. Những môn thể thao ngoài đời thực giúp các em thoải mái tinh thần và dần quên đi thế giới ảo" - ông Đặng Lê Anh nói.
Quan trọng nhất là làm sao không "tái nghiện game"?
Ông Đặng Lê Anh cho hay, trẻ nghiện game có thể cắt cơn nghiện sau 6 tháng nhưng để dứt hẳn, không "tái nghiện game" thì không dễ dàng. Tức là, giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình cai nghiện game chính là giai đoạn "hồi phục", chứ không phải "cắt cơn".
Để trẻ không còn tìm đến game, người lớn phải tạo ra môi trường sống để học sinh cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc.
Môi trường ấy không có áp lực học tập, không có sự kỳ vọng quá cao của cha mẹ. Thay vào đó, trẻ được rèn luyện để học tập với tinh thần cầu tiến, không lười nhác, ỷ lại, trốn tránh trách nhiệm.
Đã có những vụ giết người xuất phát từ nghiện game |
Mệt mỏi vì chồng tính quá trẻ con, đêm ngày nghiện game |
Chàng trai Hà Nội bị tâm thần vì nghiện game |