Chuyến cứu nạn cuối cùng của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man

Vừa kịp ngồi xuống mâm cơm, thiếu tướng Nguyễn Văn Man đã nhận nhiệm vụ "phải vào Huế gấp".

Ông là Phó tư lệnh Quân khu 4, một trong 13 cán bộ gặp nạn tại Trạm kiểm lâm 67, khi đoàn công tác đang trên đường vào cứu hộ nhóm công nhân thuỷ điện Rào Trăng 3 (Phong Điền, Thừa Thiên Huế).

Hôm đó là sáng 11/10 tại TP Vinh, Nghệ An. Buổi gặp mặt trước lễ kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Lực lượng vũ trang Quân khu 4. Những người đồng đội vừa kịp bắt tay, hỏi thăm nhau dăm ba câu, cấp trên đã gọi tướng Man đến, nói ông cần vào Huế ngay, vùng này đang lụt nặng. Cách đó hơn 300 km, hồ thuỷ điện Bình Điền xả lũ, nước sông Hương dâng, đại nội ngập sâu, hàng chục nghìn nhà dân chìm trong nước lũ.

"Cái bắt tay, động viên cố gắng hôm đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp được nhau", thiếu tướng Nguyễn Đức Tới, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân khu 4 kể lại. Ông nhìn theo bóng lưng thẳng tắp của tướng Man, nhớ đến một người "chịu xông pha, không ngại khổ" từ thời còn là cán bộ trẻ.

16h chiều cùng ngày, đoàn công tác do thiếu tướng Nguyễn Văn Man dẫn đầu đã có mặt ở Ban chỉ huy Quân sự huyện Phong Điền. Nắm qua tình hình, cả đoàn di chuyển ngay vào xã Phong Mỹ nằm ở thượng nguồn sông Ô Lâu. Từ quốc lộ 1A vào đường Vĩnh Nguyên khoảng 2 km, phương tiện phải dừng lại khi dòng nước lũ từ thượng nguồn đổ về gây ngập sâu. Ông xuống xe, lội trong nước lũ để tiếp tế nhu yếu phẩm. "Mấy ngày qua, bà con ăn gì?", ông hỏi, tặng hơn chục hộ dân ở đường Vĩnh Nguyên mỗi nhà một thùng mỳ tôm.

0359 21
Thiếu tướng Nguyễn Văn Man (hàng đầu, thứ hai từ phải qua), thị sát tình hình mưa lũ và chỉ đạo công tác cứu hộ, giúp đỡ người dân tại huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế, ngày 11/10. Ảnh: QK4

Nghe tin Quảng Điền ở hạ lưu sông Bồ ngập sâu, ông yêu cầu Bộ chỉ huy Quân sự Thừa Thiên Huế đưa đi thị sát. Nhìn dòng lũ bạc trắng mênh mông, tướng Man yêu cầu phải dốc toàn lực lượng ứng cứu người dân vùng lũ. Cần người, trang thiết bị, Bộ tư lệnh Quân khu 4 sẽ đáp ứng. Bộ chỉ huy tiền phương chống lũ được lập ngay tại huyện Phong Điền, ông trực tiếp chỉ huy.

Sáng 12/10, đoàn công tác đi sâu vào vùng ngập nặng của huyện Quảng Điền và Phong Điền tiếp tục tiếp tế nhu yếu phẩm. Chiều cùng ngày, nhận được tin nhiều công nhân ở thủy điện Rào Trăng 3, nằm trong khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền mất tích, ông quyết định dẫn đầu đoàn công tác 21 người vào hiện trường cứu hộ. Lúc đó, trời mưa to, tỉnh lộ 71 dẫn vào thuỷ điện Rào Trăng 3 có hàng chục điểm sạt lở, bốn con suối nước chảy xiết, rất khó tiếp cận hiện trường. Đoàn không thoái lui mà đi bộ để đến nơi công nhân gặp nạn nhanh nhất, nắm tình hình thực địa để triển khai công tác cứu nạn.

23h cùng ngày, đoàn báo về còn cách hiện trường khoảng 13 km. Không thể đi tiếp do đêm tối, mưa to, đoàn vào trạm kiểm lâm Sông Bồ, thuộc tiểu khu 67 nghỉ chân. Dãy nhà cấp bốn, mái tôn, dựa lưng vào núi. Nửa đêm hôm ấy, sau tiếng nổ lớn, đất đá từ trên núi cao ầm ầm đổ xuống, vùi lấp trạm kiểm lâm 67, 13 người trong đoàn công tác mất tích. Hình ảnh cuối cùng về vị Phó tư lệnh Quân khu 4, là một người đàn ông đứng trong mưa bão, mũ cối ướt mèm, quần xắn ống thấp ống cao với đôi dép rọ lội nước lũ, gió bão thổi tung áo bạt quân nhu

19h20, tối 15/10, thi thể cuối cùng trong đoàn công tác được tìm thấy. Xe cứu thương đưa thi thể thiếu tướng Nguyễn Văn Man cùng 12 người khác là sĩ quan, cán bộ chính quyền về bệnh viện quân y 268 ở thành phố Huế. Đồng đội làm nhiệm vụ hai bên đường, xếp hàng, nghiêm trang chào điều lệnh khi xe cứu thương đi qua.

0402 22
Đồng đội chào điều lệnh khi đoàn xe chở thi thể nạn nhân đi qua, chiều 15/10. Ảnh: Nguyễn Đông

Đồng đội và bạn bè nhớ về Thiếu tướng Nguyễn Văn Man là một người miền Trung thẳng thắn, nghĩa tình, dù ở cương vị khác nhau. Là bạn học phổ thông với ông Man, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó ban tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình nói: "Đường đột quá, rất đau lòng". Cuộc trò chuyện qua điện thoại thi thoảng bị ngắt quãng giữa chừng, giọng ông nghèn nghẹn.

Sáng 13/10, khi nghe tin đoàn cán bộ Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên – Huế mất tích, biết bạn là chỉ huy chính nên ông Lâm lập tức bốc máy gọi song không được. Liên lạc với nhiều người quen hỏi thăm, ai cũng chỉ trả lời "có gì sẽ thông tin sau". Lần gần nhất, hai người gặp nhau tại sân bay Nội Bài, trong một chuyến công tác. Sau vài phút trò chuyện về công việc, gia đình, họ chia tay về Quảng Bình và Nghệ An. Cả hai hẹn nhau sắp tới rảnh rang sẽ làm chén trà hàn huyên. Nhưng giờ không thể.

"Anh Man là người của dân vận, làm việc gì cũng nghĩ tới người dân và tác phong rất gần gũi. Với bạn bè, dù là cán bộ nhà nước hay lao động tự do, anhh luôn thân tình mày tao như thủa còn ngồi trên ghế nhà trường, không hề phân biệt địa vị. Mỗi lần gặp nhau đều có những cái ôm đầy tình cảm của người lính", ông Lâm chia sẻ.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Man là đại biểu Quốc hội khóa XIV, ứng cử tại huyện Minh Hóa. Theo ông Cao Thanh Hải, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Minh Hóa, mỗi dịp tiếp xúc cử tri, ông Man luôn quan tâm đến các gia đình chính sách, hộ nghèo, người già neo đơn, đề xuất nhiều cơ chế cho bà con vùng dân tộc thiểu số.

"Khi nghe cử tri phản ánh một sự việc nào đó, ông ấy xuống tìm hiểu, hỏi tận cùng, xin tài liệu về nghiên cứu và trả lời từng người", ông Hải nhớ lại.

0406 23
Lực lượng công binh tìm kiếm thi thể các nạn nhân tại trạm kiểm lâm 67. Ảnh: QĐND

Minh Hóa là vùng thường xuyên xảy ra lũ lụt. Xã Tân Hóa, với địa hình lòng chảo, xung quanh bao phủ bởi những núi đá vôi, được coi là "rốn lũ" của tỉnh Quảng Bình. Đợt lũ hôm 7 đến 10/10, nơi đây có hàng trăm ngôi nhà ngập sâu 0,5 đến 4 m. Biết đặc thù của địa bàn, hồi còn làm ở địa phương, thấy trời mưa lớn trong nhiều giờ là tướng Man lập tức cùng thuộc cấp lên đây kiểm tra, chỉ đạo di dời dân lên nhà tránh lũ để đề phòng nguy hiểm.

"Khi lũ gây cô lập ở xã Tân Hóa, ông Man cùng nhiều người khác đi cano thị sát. Đến chỗ có nhiều nhà ngập nóc, ông quay sang dặn lính cho cano chạy chậm lại. Đi nhanh sẽ tạo sóng lớn, làm bể ngói của bà con", ông Hải kể về một lần đi chống lụt với tướng Man.

Bảy năm quen biết, Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình nhớ đồng đội của mình là "người thẳng thắn, thực tế và quyết đoán", đúng tính cách người miền Trung. Khi còn công tác ở Quảng Bình, hai người gặp gỡ chủ yếu trong công tác quân sự, quốc phòng. Đại tá Bình kể, mỗi lần có đợt diễn tập, phòng chống thiên tai tướng Man đều dặn dò phải lên phương án chi tiết, tránh xảy ra sơ suất ảnh hưởng đến an toàn của cán bộ, chiến sĩ. Nếu có gì không vừa lòng là ông nói thẳng.

"Anh ấy đang trăn trở về những vấn đề chi tiết của dự án Luật biên phòng sửa đổi sắp được bàn trong kỳ họp Quốc hội những ngày tới, về đồng bào biên giới, hỏi cậu có ý kiến gì không?", đại tá Bình kể về cuộc điện thoại cuối cùng giữa hai người một tuần trước.

0409 24
Ông Nguyễn Văn Man phát biểu tại kỳ họp Quốc hội tháng 11/2017. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Chiều 13/10, khi đang chỉ huy cứu trợ lũ lụt, đại tá Bình hay tin đoàn công tác của Quân khu 4 gặp nạn trên đường vào thủy điện Rào Trăng 3. "Anh em sốc khi biết tin anh Man trong đoàn, điện thoại cho các nơi để hỏi thông tin", giọng ông chùng xuống. Ba ngày qua, Chỉ huy trưởng biên phòng Quảng Bình vừa chỉ đạo cứu trợ lũ lụt, ngóng tin về cuộc tìm kiếm những người đồng đội ở cách gần 200 km. Nhưng cuối cùng, không có phép màu nào xảy ra. Đại tá Bình dự định đi thắp hương cho người đồng đội ngay khi bão lũ trên địa bàn tạm yên.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Man có vợ và ba người con (hai gái, một trai). Con gái đầu đã tốt nghiệp đại học, con gái thứ hai đang học lớp 12, cậu con trai út học lớp 8. Trưởng thành từ cơ sở, ông Man lần lượt giữ chức Phó chỉ huy trưởng, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình, Phó tư lệnh Quân khu 4, được phong hàm thiếu tướng vào tháng 5/2019.

Hình ảnh cuối cùng của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man và 12 thành viên đoàn cứu nạn Hình ảnh cuối cùng của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man và 12 thành viên đoàn cứu nạn

Những hình ảnh cuối cùng được ghi lại và tổng hợp về Thiếu tướng Nguyễn Văn Man và 12 cán bộ, chiến sỹ mất tích ...

/ vnexpress.net