Nhà máy thủy điện Hủa Na phát điện thương mại vào năm 2013 với công suất 180 MW. Sự có mặt của nhà máy ở huyện Quế Phong (Nghệ An) đã làm thay đổi cả một vùng thuộc loại nghèo nhất tỉnh. Trong hoàn cảnh ấy, những người đảng viên ở nhà máy thủy điện Hủa Na vẫn trụ vững và thực sự họ là những tấm gương về sự chịu đựng gian khổ, vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn...
Thuỷ điện Hủa Na |
Tôi trở lại Nhà máy Thủy điện Hủa Na (Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na – Thuộc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam) vào một ngày cuối tháng 11. Tôi cũng đã có mặt ở đây từ hơn 10 năm trước, khi đang hoàn thiện đường hầm dẫn nước dài gần 4km, đường kính 7 mét và cũng đang lắp đặt tuabin số 1.
Nhà máy thủy điện Hủa Na nằm trên địa bàn 3 xã Thông Thụ, Đồng Văn và Tiền Phong ở cực tây của tỉnh Nghệ An. Từ đây đi đến biên giới Lào chỉ mất nửa giờ ô tô.
Bây giờ quay lại thấy mọi thứ khác xưa nhiều quá.
Bây giờ đi từ Hà Nội đến Hủa Na chỉ hết 5 tiếng, đường rải nhựa dễ đi; mặc dù cách nhà máy khoảng 40km thì cực kỳ quanh co. Trước đây, hồi nhà máy còn đang thi công, muốn đến Hủa Na thì phải đi từ sáng đến tối mịt và phải vượt qua ít nhất 70km đường trải đá cấp phối và qua những con dốc đứng; gặp trời mưa thì xe nhỏ đành chịu.
Tôi được anh Bùi Huy Thành, Giám đốc Công ty CP Thủy điện Hủa Na đưa đi thăm khuôn viên nhà máy và thực sự ngỡ ngàng. Bởi tất cả đường đi lối lại, các vườn cây, các dãy nhà công vụ, nhà làm việc nom cứ như một khu du lịch nghỉ dưỡng nào đó. Toàn bộ khu vực nhà máy thủy điện Hủa Na rộng 36ha, xanh sạch đẹp như một công viên. Và điều đáng ngạc nhiên là ở đây có hệ thống tưới nước tự động theo công nghệ của Israel; và càng ngạc nhiên hơn nữa, hệ thống này không dùng điện mà chỉ dùng áp lực nước từ trên cao dẫn xuống.
Không chỉ có những vườn cây ăn trái, những vườn rau đủ loại, những trang trại ‘mini” nuôi gà, vịt, lợn, dê... mà còn có những ao cá sâu trong lòng núi đến gần 300m. Chỉ cần gõ vài tiếng kẻng là cá lăng, cá trắm, cá chép và đặc biệt nhiều là cá mương tự nhiên lao đến làm khuấy động cả một vùng nước.
Có một người mặc đồ bảo hộ lao động màu đỏ đang dùng máy cắt cỏ để làm sạch khu vườn xoài. Nhìn anh lia những đường cắt điêu luyện, tôi xin phép chụp kiểu ảnh rồi hỏi anh Thành: “Đây là công nhân của công ty cây xanh mình thuê à?”. Anh Thành cười và bảo: “Không phải, đó là anh Đoàn Trung, cán bộ Phòng Hành chính. Anh em ở đây rất thạo trồng cây gây rừng, làm vệ sinh nhà máy, phải chăn nuôi gà vịt, lợn, dê, phải nuôi cá…”. Và như để chứng minh cho lời anh thì tôi thấy ngay những vườn rau, những khu trồng trà xanh đứng tên các “Phòng Kỹ thuật an toàn”, “Đội Hành chính”, “Phòng Vận hành”... Hóa ra, mỗi một phòng ban nghiệp vụ của nhà máy thủy điện Hủa Na đều có những vườn rau, vườn cây ăn trái và khu vực chăn nuôi riêng. Rồi anh Thành lại bảo: “Ở đây, mỗi cán bộ, công nhân viên đều là những thợ làm vườn giỏi. Và ai cũng phải làm, là đảng viên thì còn phải gương mẫu hơn nữa.
Nhưng tại sao mỗi cán bộ công nhân viên ở đây lại là những “nông dân đích thực”, tôi đã nêu câu hỏi đó khi làm việc với Ban giám đốc nhà máy và mới vỡ lẽ ra nhiều điều.
Ở Việt Nam không nhiều những doanh nghiệp đứng chân trên một vùng đất xa xôi gian khổ như nhà máy Thủy điện Hủa Na.
Huyện Quế Phong là huyện nghèo bậc nhất của Nghệ Anh và cũng rất heo hút.
Từ nhà máy thủy điện Hủa Na, muốn đi mua 1 kg thịt bò, 1 lít xăng thì phải đi hơn 60km mới tới chợ; phải đi hơn 30km mới tới được một hiệu tạp hóa và cũng phải đi hơn 30km mới tới một điểm ở Sốp Chạo để có trường mẫu giáo, trường mầm non.
Cho đến bây giờ, tại Hủa Na, vẫn chưa có sóng điện thoại 3G hay 4G, sóng TV cũng không với đến nơi. Lãnh đạo nhà máy thủy điện Hủa Na phải thuê Viettel dựng một cột phát sóng riêng thì mới có sóng wifi để phục vụ cho việc vận hành nhà máy. Ở nhà máy thủy điện Hủa Na, tất cả các thông số về vận hành, về thủy văn, về mức độ tiêu thụ từng m3 nước đều được báo về Bộ Công Thương, Trung tâm điều độ điện quốc gia, EVN, về Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), về Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh, về phòng Tài nguyên Môi trường huyện... Và tất cả những báo cáo này đều diễn ra trong từng giây.
Vì vậy, cán bộ công nhân viên ở đây ngoài giờ làm việc chính là đảm bảo vận hành an toàn tuyệt đối cho 2 tổ máy thì phải tăng gia sản xuất và lo đi trồng rừng. Ở nhà máy thủy điện Hủa Na, tất cả CBCNV đều phải lao động ngoài giờ, kể cả việc thực hiện vệ sinh công nghiệp, quét dọn lau chùi nhà cửa. Ở nhà máy chỉ có một bộ phận nhỏ phụ trách nấu cơm, còn lại không có đội phục vụ riêng. Tóm lại là anh em sống hoàn toàn “tự cung tự cấp”.
Nhưng tất cả những điều đó không ngạc nhiên bằng khi tôi nghe con số: Nhà máy thủy điện Hủa Na có 50 đảng viên trên tổng số 117 CBCNV. Đây là tỷ lệ đảng viên cao nhất tại một công ty sản xuất mà tôi từng biết. Tôi có gọi điện về hỏi anh Trần Quang Dũng, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy, Trưởng ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về tỷ lệ đảng viên là cao thứ mấy trong Tập đoàn thì anh cho biết, nếu tính chung thì chưa phải cao nhất; nhưng với một công ty làm nhiệm vụ trực tiếp sản xuất thì chắc chắn đây là tỷ lệ cao nhất.
Ở Trung tâm vận hành nhà máy, khi tôi tới thì có 4 kỹ sư đang trực và trong số này có 3 đảng viên.
Trao đổi với lãnh đạo Nhà máy thủy điện Hủa Na, tôi có hỏi về công tác xây dựng Đảng ở nhà máy và vai trò của đảng viên thì anh Bùi Huy Thành, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty CP Thủy điện Hủa Na tâm sự rằng: “Nhà máy chúng tôi đặt ở nơi xa xôi, khó khăn quá. Chính vì thế mà mỗi đảng viên ở đây phải nêu cao tinh thần gương mẫu; mà một trong những việc gương mẫu đầu tiên là tăng gia sản xuất và gương mẫu trong lối sống. Vì từ đây ra đến chợ xa đến 60km, buộc phải tự tăng gia sản xuất để có nguồn thực phẩm. Đảng viên ở đây cũng phải là những người đi đầu trong việc chấp hành kỷ luật, đặc biệt là không được chơi bài bạc, cá độ...; càng không được nhậu nhẹt say xỉn...”.
Ở Nhà máy thủy điện Hủa Na, việc đảm bảo vận hành an toàn là yêu cầu cao nhất. Quán triệt sâu sắc phương châm của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là “Quản trị rủi ro”, cho nên ban lãnh đạo Nhà máy đặc biệt chú ý đến việc bảo dưỡng và đặt ra những tình huống có thể xảy ra hỏng hóc cho các tổ máy; từ đó có những phương án sửa chữa kịp thời nếu xảy ra sự cố.
Lãnh đạo Nhà máy còn mời những cán bộ đã từng tham gia vận hành các nhà máy thủy điện lớn ở Việt Nam nay đã nghỉ hưu đến nhà máy để “các cụ” bằng kinh nghiệm của mình sẽ giúp cho nhà máy phát hiện được những yếu tố về kỹ thuật có thể xảy ra khi nhà máy đã vận hành được hơn 10 năm. Đây là điều cực kỳ quan trọng để giúp cho nhà máy luôn luôn sẵn sàng ứng phó khi có tình huống đột xuất xảy ra.
Với một nhà máy thủy điện công suất không phải là lớn nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng mỗi khi nguồn điện ở miền Bắc bị sụt giảm. Điều đáng sợ nhất của những người làm thủy điện là ông trời không mưa. Một khi nhà máy thủy điện cạn nước thì không có cách gì vượt qua được. Như năm nay, mực nước ở hồ thủy điện Hủa Na rất cao và hoàn toàn đủ sức vận hành 24/24 cho đến mùa khô sang năm. Nhưng vào mùa đông, miền Bắc tiêu thụ điện giảm nhiều, bên cạnh đó là sản xuất công nghiệp bị giảm sút nên mức tiêu thụ điện cũng giảm; nên nhà máy chỉ được điều động phát điện mỗi ngày vài ba tiếng. Chính vì thế, doanh thu năm nay cũng thấp hơn so với kế hoạch một chút.
Lại nói về đảng viên ở nhà máy, đúng là ở đây công tác Đảng cũng có phần dễ. Đó là công tác phòng chống tham nhũng ở đây cực kỳ đơn giản bởi có gì đâu mà tham nhũng được. Thu chi một đồng, sản xuất được một kWh điện thì ngoài Tổng công ty và ở Bộ Công Thương đều biết, chẳng có những nguồn thu trong ngoài nào để có thể “xà xẻo”. Nhưng cái đòi hỏi cán bộ đảng viên ở đây cao nhất chính là sức chịu đựng vượt gian khổ, khó khăn, ý thức “mình vì mọi người” và biết chia sẻ với nhau những buồn, vui của mình.
Số đảng viên mắc sai phạm ở Đảng bộ cực kỳ ít. 3 năm nay chỉ có 1 trường hợp bị khiển trách, mà là lỗi “sinh con thứ 3”.
Ở đây có 4 cặp vợ chồng là người cùng trong Nhà máy. Khi họ lập gia đình thì được nhà máy cấp cho một căn nhà công vụ rộng khoảng 60m2 với đầy đủ tiện nghi cần thiết và cũng được “chia đất” để trồng rau, chăn nuôi. Nhưng khó khăn nhất là khi sinh con, chẳng có nơi nào gửi trẻ nên phải đưa ông bà nội, ngoại lên trông cháu và đến tuổi đi học thì phải gửi về quê. Có những trường hợp khi đưa con về quê, bố mẹ nhớ con đến mức muốn bỏ luôn công việc để về. Trong những lúc ấy, lãnh đạo Nhà máy cùng công đoàn tổ chức an ủi, chia sẻ, động viên.
Ở đây, tôi đã gặp những đảng viên như anh Bùi Xuân Hoa, Phó phòng Kỹ thuật an toàn, một mình anh phải phụ trách 3ha cây mít với 1.500 gốc chuối. Hoặc đảng viên Dương Anh Minh là người dân phố cổ chính gốc, nhà anh ở trước cổng chợ Đồng Xuân và có cửa hàng cho thuê nhưng anh vẫn lên Hủa Na từ nhiều năm nay và gắn bó với nơi này như quê hương của mình. Lại có một người nữa mới kỳ lạ, đó là anh Bùi Ngọc Thiêm, là người Việt Yên (Bắc Giang). Anh đã tốt nghiệp Đại học khoa Cơ điện và đã từng đi tu nghiệp ở Nhật Bản. Ấy thế rồi không hiểu cái duyên trời định thế nào mà anh lên thủy điện Hủa Na đến nay đã được 14 năm và công việc của anh là đi vận động nhân dân ở vùng lòng hồ di dời đến nơi ở mới. Bùi Ngọc Thiêm bây giờ đã trở thành người con thân thiết của 14 điểm tái định cư mà tất cả đều là đồng bào dân tộc Thái. Anh bây giờ có thể nói tiếng Thái một cách thoải mái khi đi gặp bà con; và anh tự hào rằng, chính nhờ khả năng học “ngoại ngữ” này mà anh có thể làm tốt được việc thuyết phục, vận động bà con chấp hành chủ trương di dân để giải phóng lòng hồ. Đến bây giờ, Thiêm vẫn làm công tác di dân, GPMB nhưng công việc chủ yếu của anh bây giờ là cùng cơ quan chức năng của huyện hoàn thiện việc cấp sổ đỏ cho các gia đình.
Nhân đây cũng phải nói thêm, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, việc di dân vùng lòng hồ Hủa Na được thực hiện tốt nhất trong tất cả dự án thủy điện từ trước đến nay. Tổng vốn đầu tư Nhà máy là hơn 6.000 tỷ, thì riêng tiền cho công tác GPMB, di dân là 1.600 tỷ. Mỗi người dân đến nơi ở mới được cấp 200m2 ruộng lúa nước; 1 hộ gia đình được 350-500m2 đất ở; mỗi nhân khẩu được cấp gạo 30kg/tháng trong 4 năm; mỗi hộ gia đình được cấp 1 con bò, 2 con lợn, 20 con gà, 20 con vịt; mỗi hộ được giao 3,5ha rừng để trông nom, giữ gìn, đồng thời trồng thêm cây rừng và mỗi hộ còn được 1ha để trồng cây ăn trái hoặc cây gì khác thì tùy thích... Công ty CP thủy điện Hủa Na còn phải chi ngoài cho mỗi hộ 25 triệu để giúp dân tháo gỡ nhà cũ, vận chuyển đến nơi ở mới. Lòng hồ thủy điện Hủa Na rộng 21 cây số vuông và hiện nay đã có hơn 800 lồng cá của gần trăm hộ… Nguồn lợi thủy sản ở vùng lòng hồ đã giúp bà con nơi đây xóa đói giảm nghèo rất hiệu quả.
Từ gần chục năm nay, trung bình mỗi năm Thủy điện Hủa Na đóng góp cho ngân sách tỉnh trên dưới 200 tỷ đồng, đây là con số vào hàng cao nhất trong các doanh nghiệp ở Nghệ An. Bên cạnh đó, nhà máy còn đóng góp cho công tác an ninh xã hội ở huyện Quế Phong hơn 6 tỷ đồng.
Tại điểm tái định cư Huổi Sai thuộc xã Thông Thụ, tôi có gặp Bí thư chi bộ thôn là anh Sầm Văn Hiền và anh khẳng định bà con tái định cư ở đây đều thấy rằng, nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ rất nhiều, bà con hoàn toàn yên tâm, tin tưởng vào các chủ trương chính sách của Đảng, của Chính phủ.
Nhà máy thủy điện Hủa Na đã làm thay đổi cả một vùng cực Tây nghèo khó của tỉnh Nghệ An; nhà máy không chỉ mang lại ánh sáng điện cho người dân mà cách sống, cách sinh hoạt, tư duy của những cán bộ đảng viên của Nhà máy thủy điện Hủa Na cũng đã góp phần vào việc thay đổi cách nghĩ, cách làm bà con dân tộc Thái trên mảnh đất này.
Đó là ý nghĩa đích thực của những đảng viên tại đây.
https://petrovietnam.petrotimes.vn/chuyen-cong-tac-dang-o-nha-may-thuy-dien-hua-na-700301.html