Bộ trưởng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tới thăm châu Âu trong bối cảnh Mỹ cố gắng tập hợp các quốc gia trên lục địa già để chống lại Bắc Kinh.
Chuyến công du của ông Ngụy kéo dài một tuần với điểm dừng chân đầu tiên ở Hungary.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Hungary Janos Ader hôm 24/3, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ trích gay gắt các biện pháp trừng phạt của EU với Bắc Kinh hồi đầu tuần.
Thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, tại cuộc tiếp xúc, ông Ngụy ca ngợi Hungary vì lên tiếng ủng hộ Bắc Kinh về các vấn đề liên quan tới ưu tiên của Trung Quốc.
Tất cả 27 nước thành viên EU, trong đó có cả Hungary nhất trí với những biện pháp trừng phạt của EU với Trung Quốc. Nhưng Ngoại trưởng Hungary Peter Szijarto gọi các biện pháp này là "có hại" và "vô nghĩa".
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và Tổng thống Hungary Janos Ader. (Ảnh: EPA-EFE) |
Chuyến thăm tới Hungary của ông Ngụy diễn ra vài ngày sau khi Budapest thông qua vaccine ngừa COVID-19 thứ 2 do Trung Quốc sản xuất mà không đợi sự phê chuẩn của các nhà điều hành châu Âu.
Sau Hungary, ông Ngụy tiếp tục di chuyển tới Hy Lạp, Bắc Macedonia và Serbia. Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định chuyến đi nhằm “thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác thiết thực với bộ quốc phòng của các nước châu Âu, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ giữa các lực lượng quân sự phát triển ổn định”.
Serbia là nước duy nhất trong bốn nước mà quan chức quốc phòng cấp cao Trung Quốc tới thăm không phải là thành viên của liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu. Chuyến đi của ông Ngụy diễn ra trong bối cảnh Washington cố gắng làm mới mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và nhấn mạnh mối đe dọa chung từ Bắc Kinh.
Phát biểu trước ngoại trưởng các nước thành viên NATO tại Brussels hồi đầu tuần, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi các đồng minh châu Âu cùng nhau hợp tác và chống lại mối đe dọa từ một Trung Quốc đang ngày càng hung hăng.
“NATO nên tập trung vào một số thách thức mà Trung Quốc đặt ra cho trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, ông Antony Blinken nói nhấn mạnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đưa ra tuyên bố tương tự vào tháng trước. Ông khẳng định trước người đồng cấp các nước NATO rằng Trung Quốc là một thách thức đối với an ninh xuyên Đại Tây Dương và các đồng minh nên giải quyết vấn đề này cùng nhau.
Các nước thành viên NATO gần đây liên tục có các động thái thách thức hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông khi lần lượt tuyên bố gửi tàu chiến tới tuần tra vùng biển này.
Căng thẳng giữa giữa Bắc Kinh và Brussels gia tăng hồi đầu tuần khi EU trừng phạt các quan chức và doanh nghiệp Trung Quốc với cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các nước châu Âu.
Nhà bình luận quân sự Song Zhongping cho rằng chuyến đi của Ngụy nhằm gửi đi một thông điệp rằng sự phát triển quân sự và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên toàn cầu không phải là mối đe dọa đối với NATO.
“Có nhiều tiếng nói khác nhau và quan điểm đa dạng trong NATO và không nhất thiết phải có sự đồng thuận về việc kiềm chế và đối đầu với Trung Quốc. Vì vậy, thông qua việc tăng cường ngoại giao quân sự, NATO sẽ khó khăn hơn trong việc xây dựng lực lượng chung chống Trung Quốc", ông Song phân tích.
Trong bối cảnh Mỹ nỗ lực xây dựng lại liên minh với châu Âu, Trung Quốc cũng đang tìm cách kiếm thêm đối tác.
Hôm 23/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp mặt người đồng cấp Nga Sergey Lavrov tại thành phố Quế Lâm để thảo luận về "liên minh NATO mới hồi sinh".
Wu Xinbo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của Đại học Phúc Đán nhận định chuyến thăm của Ngoại trưởng Lavrov là kết quả của việc Mỹ gia tăng áp lực.
Ông Wu cho rằng Matxcơva và Bắc Kinh cho thấy họ đang xích lại gần nhau hơn trước sức ép từ Washington.
Trung Quốc đáp trả Anh
Trung Quốc trừng phạt các tổ chức và cá nhân tại Anh vì "dối trá và đưa tin sai lệch" về Tân Cương, được cho ... |
EU trừng phạt Trung Quốc lần đầu tiên sau hơn 30 năm
Liên minh châu Âu hôm 22/3 thông qua lệnh trừng phạt đối với bốn quan chức Trung Quốc liên quan đến vấn đề nhân quyền ... |