Đằng sau vụ án gián điệp lớn nhất thời đại năm 1969 gắn với "Ông cố vấn" Vũ Ngọc Nhạ, ẩn chứa chuyện chưa kể về nghệ thuật tình báo độc đáo và sự hy sinh ít ai biết.
Chương trình Mật danh của VOV1 khắc hoạ chân dung Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ, hay còn được biết đến với mật danh huyền thoại "Ông cố vấn", là một trong những điệp viên chiến lược xuất sắc nhất của ngành tình báo Việt Nam.
Hơn 20 năm hoạt động bí mật trong lòng địch, ông tạo nên "vỏ bọc" hoàn hảo, len lỏi vào tận trung tâm quyền lực của chính quyền Sài Gòn, gây dựng nên mạng lưới tình báo A22 từng làm rúng động giới tình báo thế giới.
'Chưa từng thấy mạng lưới điệp báo nào tinh vi như A22'
Cuối năm 1969, phiên tòa đặc biệt làm rung động giới tình báo và cả Sài Gòn lúc bấy giờ: Phiên tòa xét xử mạng lưới tình báo A22. Các bị cáo đều là những nhân vật trọng yếu trong chính phủ ngụy quyền, từ cố vấn đặc biệt của tổng thống đến cấp bộ trưởng.
Chính quyền Sài Gòn mở phiên tòa vào ngày 28/11/1969. Hơn 100 phóng viên trong và ngoài nước có mặt, Nhà Quân pháp ở Bạch Đằng chật ních người đến theo dõi. Báo chí đưa tin bằng những dòng tít lớn: "Vụ án gián điệp lớn nhất thời đại", "Vụ án chính trị của thế kỷ".

Cụm tình báo A22 bị đưa ra xét xử vào năm 1969.
Bản cáo trạng dài 23 trang được đọc ròng rã một tiếng rưỡi đồng hồ. Theo tường thuật của báo chí, vụ án này cực kỳ căng thẳng và quan trọng bởi qua hồ sơ, hầu như không một đảng phái chính trị hay nhân vật chính trị nào của chính quyền Sài Gòn lại không ít nhiều liên quan. Bộ hồ sơ vụ án nặng gấp 200 lần bản cáo trạng đã đọc.
Trong bộ hồ sơ của Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia ngụy quyền Sài Gòn thu được sau này, có đoạn viết: “Từ trước đến nay, ngoại trừ những giai thoại giả tưởng trong tiểu thuyết trinh thám, chưa bao giờ có những tổ điệp báo thành công đến như thế. Cụm A 22, hoạt động do ông Vũ Ngọc Nhạ cầm đầu phát triển đều đặn và thi thố nhiều thủ đoạn mà chúng ta phải nhìn nhận là huyền diệu và xuất sắc.
Cụm phát triển hệ thống điệp vụ rất quan trọng và len lỏi vào được nhiều cơ quan đầu não của Việt Nam Cộng Hòa. Những tin tức chiến lược mà cảnh sát quốc gia biết họ cung cấp đều có giá trị giúp cho Hà Nội có được những dữ kiện chắc chắn khi ấn định chính sách của họ đối với cuộc chiến tranh".

Sơ đồ Cụm tình báo chiến lược A22, báo Cấp tiến số 199 ngày 01/12/1969. (Nguồn: Trung tâm lưu trữ Quốc gia II)
Vũ Ngọc Nhạ, người bị tố cáo cầm đầu mạng lưới này, xuất hiện tại tòa với phong thái ung dung lạ thường. Ông bận bộ áo trắng, quần đen, cà vạt nâu, tay cầm xấp giấy, luôn nở nụ cười. Ông từ chối luật sư và tự bào chữa, chỉ tuyên bố: "Việc làm của mình chỉ có lịch sử phán xét".
Bằng sự bản lĩnh và thông minh, ông biến vụ án phản gián thành vụ án chính trị, đẩy cao mâu thuẫn giữa chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và CIA, gây phẫn nộ giới công giáo. Nhờ không đủ bằng chứng, toàn bộ cụm A22 không ai bị tử hình – một kết cục gần như không tưởng. Sau vụ án, các thành viên bị đi đày hoặc giam giữ, Vũ Ngọc Nhạ bị đưa ra Côn Đảo đầu năm 1970, trước khi được trao trả năm 1973 theo Hiệp định Paris.
Hành trình "chui sâu, leo cao" và vỏ bọc cố đạo
Cuộc đời tình báo hơn 20 năm của Vũ Ngọc Nhạ bắt đầu từ năm 1954. Ông là một trong số điệp viên chiến lược được tung vào miền Nam chuẩn bị cho thời kỳ hậu Hiệp định Genève. Ông xây dựng vỏ bọc tinh vi: giáo dân công giáo ngoan đạo "bỏ Việt Minh" vì bị kỳ thị, về sống ở Phát Diệm (Ninh Bình), tham gia Tổng bộ Tự vệ Phát Diệm do các giáo sĩ chống cộng khét tiếng lãnh đạo.
Năm 1955, ông cùng vợ con di cư vào Nam, với lý lịch Vũ Đình Long, duy nhất một chi tiết giả là bất mãn chính sách công giáo của chính quyền miền Bắc. Từ vỏ bọc "cố đạo", ông khéo léo gây dựng quan hệ với các giáo sĩ uy tín như Lê Hữu Từ, Hoàng Quỳnh, tạo uy tín trong công giáo và trở thành cầu nối với gia đình họ Ngô. Ông được Ngô Đình Diệm tin tưởng xem như "người một nhà", với vai trò phụ tá của Đức cha Lê Hữu Từ, tiếp cận quan chức cấp cao và cả Tòa thánh Vatican, từ đó nắm nhiều tin tức chiến lược.

Vũ Ngọc Nhạ là một trong số điệp viên chiến lược được tung vào miền Nam chuẩn bị cho thời kỳ hậu Hiệp định Genève. Từ vỏ bọc "cố đạo", ông khéo léo gây dựng quan hệ, tiếp cận quan chức cấp cao của địch, từ đó nắm nhiều tin tức chiến lược.
Sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, với ảnh hưởng trong công giáo, Vũ Ngọc Nhạ tiếp tục được Nguyễn Văn Thiệu tin dùng sau khi Thiệu đắc cử, bất chấp sự ngờ vực dai dẳng từ CIA Mỹ. Ông biến nghi ngờ thành đức tin của đối phương để bảo vệ vỏ bọc và thoát hiểm.
Theo nhà văn Hữu Mai, khác với thủ đoạn thông thường, ông Nhạ cảm hóa đối phương bằng nhân cách và đức độ, sống như một linh mục nhân từ, dùng đạo lý thuyết phục người khác. Đây là biện pháp độc đáo ít tình báo viên làm được. Trung tướng Dương Xuân Vinh, nguyên Chính ủy Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng lý giải, vẻ ngoài và am hiểu "thần học" tạo cho ông vẻ "tôn nghiêm, thần bí", khiến mọi người tin cậy, đặc biệt trong môi trường chính quyền Công giáo của Diệm, giúp ông tiếp cận lãnh đạo cấp cao.
Khả năng diễn xuất "nhập vai" của ông đạt kỳ diệu. Đại tướng Mai Chí Thọ nhận xét: "Từ dáng đi, giọng nói, đôi mắt đến tính cách y như là một cố đạo phản động... một điều kỳ diệu đối với nghệ thuật tình báo mà chính tôi cũng không thể tưởng tượng."
Với vai trò là phụ tá của Đức cha Lê Hữu Từ, ông có điều kiện tiếp cận với các quan chức cao cấp trong chính phủ ngụy quyền và thậm chí cả Tòa thánh Vatican, từ đó nắm được nhiều tin tức chiến lược quan trọng của Mỹ và Ngụy để cung cấp cho tổ chức.
“Làn đạn thứ hai” - nỗi đau từ phía sau chiến tuyến
Ít ai biết rằng, để tạo dựng và giữ vững được vỏ bọc hoàn hảo hoạt động "chui sâu, leo cao" trong lòng địch suốt hơn 20 năm, bản thân Vũ Ngọc Nhạ và gia đình ông ở quê nhà phải trải qua một "làn đạn thứ hai" còn đau đớn, dai dẳng hơn cả "làn đạn" trực tiếp từ kẻ thù.
Đầu năm 1954, khi ông trở về quê hương Thái Bình trong bộ đồ sĩ quan ngụy, đeo loa trung úy, súng ngắn, để đưa vợ con ra Hải Phòng xuống tàu di cư vào Nam, dân làng và người thân ngạc nhiên, sửng sốt. Từ đó, trong tâm khảm của mọi người, ông là kẻ đào ngũ, đi theo giặc, bị người Pháp mua chuộc, là tên phản quốc.
Nỗi oan khuất không chỉ dừng lại ở ông. Trong mắt dân làng Cỏi Khê, vợ ông cũng bị xem là kẻ phản bội, đi theo chồng tức là đi theo giặc. Vợ chồng ông đành "cắn răng cam chịu tiếng xấu" đó để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ông Vũ Ngọc Nhạ (người thứ 2, trái qua) trong lần họp mặt của Tổng cục tình báo.
Nỗi căm giận của dân làng với "tên phản bội tổ quốc" ấy trút hết lên bố mẹ, anh em, họ hàng và những người thân thiết còn ở lại làng Cỏi Khê. Họ bị nhục nhã, khinh bỉ vì mang tiếng xấu "nhà có người đi theo giặc". Gia đình ông, vốn là gia đình cách mạng, bỗng chốc trở thành "gia đình phản quốc", bị chính quyền theo dõi, quyền sống và quyền lợi bị hạn chế, cơ cực vô cùng. Có lúc, bố ông nghĩ đến cái chết vì không chịu nổi sự nhục nhã.
Theo Trung tướng Dương Xuân Vinh, đây chính là "làn đạn thứ hai" mà các nhà tình báo của ta phải gánh chịu. Làn đạn thứ nhất là từ địch, trực tiếp, rõ ràng, sống chết. Còn làn đạn thứ hai này, từ dư luận, bạn bè, người thân ở hậu phương, từ góc độ của chính những người đồng chí, đồng bào hiểu lầm rằng ông phản bội tổ chức, phản bội cách mạng. Đó là làn đạn cực kỳ nguy hiểm, nó "còn đau, còn khổ, còn dai dẳng và nó để lại dư âm còn hơn cả cái chết".
Sau khi được trao trả năm 1973, Vũ Ngọc Nhạ trở lại hoạt động vỏ bọc lực lượng thứ ba, vận động linh mục ủng hộ cách mạng. Cuối tháng 4/1975, nhận chỉ thị, ông gây sức ép buộc Nguyễn Văn Thiệu từ chức, mở đường cho Dương Văn Minh lên tổng thống.
Vào khoảnh khắc lịch sử ngày 30/4/1975, ông có mặt bên cạnh tướng Dương Văn Minh tại Dinh Độc Lập, chứng kiến giờ phút cuối cùng của chế độ Sài Gòn – kết thúc ngoạn mục hành trình điệp vụ.
Khi được hỏi về tâm trạng trong ngày giải phóng Sài Gòn, ông từng nói rất vui nhưng cũng không rõ tính mạng mình sẽ ra sao. Ông nghĩ có thể hứng "cả ba luồng đạn": đạn của nhân dân (hiểu lầm), đạn của quân giải phóng (nhận nhầm vỏ bọc), và đạn của quân đội Việt Nam Cộng hòa (tàn quân). Rất may, không viên đạn nào găm vào người ông.

Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ mất năm 2002 tại TP.HCM.
Sau khi đất nước thống nhất, ông trở lại chính mình với quân hàm Thiếu tướng và sống những ngày tháng an yên bên gia đình, bạn bè. Ông mất năm 2002 tại TP.HCM.
Thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ và những chiến công, sự hy sinh thầm lặng của ông và gia đình đã trở thành huyền thoại trong ngành tình báo Việt Nam, một minh chứng cho trí tuệ, bản lĩnh và lòng yêu nước vô bờ bến.