Đã nhiều lần tôi tỏ ý mong muốn có dược một tấm ảnh về một số cán bộ, chiến sĩ của hai Cục Cảnh sát PCTPMT và Cục Cảnh sát Điều tra đã trực tiếp đi bắt những tên đầu sỏ nguy hiểm nhất nhưng không được.
Đó cũng là điều dễ hiểu bởi lẽ bí mật về con người, bí mật về thông tin, bí mật về từng đối tượng đó chính là yếu tố dẫn đến thắng lợi của các chuyên án - và cũng chẳng riêng gì án ma túy, hầu hết các loại án khác cũng vậy.
Trong vụ án này, có ba trường hợp mà anh em cho là đáng nhớ nhất. Đó là bắt tên Nguyễn Văn Tám, Nguyễn Sinh Khương và Phạm Bá Dìn tức Kiểm.
Nếu như việc bắt Nguyễn Văn Tám là thể hiện trình độ nghiệp vụ cao của cán bộ điều tra, đã "dụ được rắn ra khỏi hang và bò đến... Tổng cục Cảnh sát", thì việc bắt tên Nguyễn Sinh Khương lại may mắn đến hiếm có; và bắt tên Dìn cũng là gian khổ chưa từng thấy.
Việc bày mưu tính kế bắt Tám, chúng tôi sẽ đề cập đến trong một dịp khác, trong phần này, chỉ xin kể với bạn đọc về bắt tên Khương và Dìn.
Nguyễn Sinh Khương tức Khương "râu" là đối tượng có thể nói là gian ngoan đặc biệt. Khương vốn là công nhân của Xí nghiệp 27-7 huyện Giao Thủy. Bản thân gã cũng là một thương binh nhưng đã mất chất từ rất lâu rồi. Theo tài liệu của trinh sát thì Khương “râu” buôn bán ma túy cách đây...20 năm và đã có 5 tiền sự về tội gây rối trật tự trị an, hành hung người khác, tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép... Bọn buôn bán ma túy như Ngô Văn Đoàn, Nguyễn Văn Quyết và một số tên ở Quan Hóa (Thanh Hóa) rất ớn hắn. Khương rất kín đáo trong việc buôn bán ma túy, hầu như những người dân xung quanh chỉ ngạc nhiên khi thấy hắn rất giầu chứ không ai biết hắn là kẻ lừa lọc, bần tiện trong buôn bán và không ngần ngại giở thói côn đồ với các bạn hàng. Nhiều tên bán hàng cho Khương đã bị hắn ăn chặn hoặc quỵt tiền nhưng không ai dám phản ứng mạnh vì hắn có đội ngũ đàn em khá trung thành và bạo tay. Khương mua hàng chủ yếu là từ một số đối tượng ở Thanh Hóa và có mạng lưới tiêu thụ riêng. Buôn ma túy lãi nhiều, hắn tậu 2 xe ô tô - một xe Honda Accord và một xe Hyundai 12 chỗ ngồi; mở cây săng, dựng quán karaoke ở Phúc Lâm, vừa là để dắt gái cho hắn vừa là nơi cho bọn mang hàng từ xa về "thư giãn". Sau khi đã thu được đủ chứng cứ về việc hắn mua 1,5kg hêrôin, Cục Cảnh sát Điều tra ra lệnh bắt Nguyễn Sinh Khương.
Ảnh minh họa |
Ngay sau khi có lệnh, các cán bộ điều tra đã phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh Nam Định lùng bắt Khương. Và đúng ngày anh em đưa quân xuống bắt thì hắn đi đâu mất. Hàng chục trinh sát và điều tra viên của Bộ Công an và Công an tỉnh chia nhau phục kích tất cả những nơi nghi hắn có thể xuất hiện. Công an Nam Định tổ chức đi rà soát tất cả các nhà hàng, khách sạn, nhà trọ; các trạm kiểm soát giao thông được lệnh giữ ngay lập tức chiếc xe ôtô Honda mang biển số 29H- 0657... nhưng ngày thứ nhất trôi qua, không có tín hiệu gì. Mọi người đều lo lắng và cho rằng rất có thể hắn đã xa chạy cao bay. Ngày phục kích thứ hai cũng chậm chạp trôi qua và đến chiều ngày 27-5-1999, các trinh sát và điều tra viên của Bộ được lệnh rút về để bàn phương án khác.
17h30, nghĩa là sau khi quân của Bộ rời Nam Định được nửa giờ thì tại Phòng Cảnh sát Điều tra của Công an tỉnh, đồng chí Trưởng phòng tưởng mình hoa mắt khi Khương "râu" xuất hiện với vẻ mặt hết sức vui vẻ. Hóa ra là mấy ngày qua, hắn đi tìm thú vui ở Hà Nội. Nghe đồn rằng Công an vừa bắt nhiều tên buôn bán ma túy ở Xuân Trường, hắn "tạt" vào phòng Cảnh sát Điều tra để hỏi xem... có đúng không! Khi thấy mọi người đem còng số 8 ra, hắn tưởng anh em ... đùa nên bảo: "Các anh đừng dọa em, trông ghê quá!". Vào trại giam, hắn cứ đập đầu vào tường bình bịch và tự xỉ vả: “Sao mày ngu quá Khương ơi!”. Nhắc lại chuyện này, nhiều anh làm điều tra lõi đời cũng phải công nhận khó xảy ra may mắn như thế lần nữa.
Trong số các “đại lý” ma túy bị bắt lần này, ngoài Tám, Quyết còn phải kể đến một nhân vật "cộm cán" nữa là Phạm Bá Dìn. Dìn là người dân tộc Thái ở bản Sơn Thành, xã Thành Sơn, huyện Quan Hóa. Hắn là người cung cấp hê-rô-in nhiều nhất cho bọn ở Xuân Trường. Hắn có đội quân cửu vạn riêng và cũng có những cách theo dõi, quản lý cửu vạn rất khôn khéo. Cứ mỗi chuyến mang hàng về Xuân Trường, hắn thường cho từ 3 đến 5 cửu vạn đi thành tốp và trong số này có một tên giám sát nhưng không đứa nào biết đứa nào là người giữ vai trò đó cho nên chúng cảnh giác lẫn nhau. Do buôn bán ma túy nên Dìn là người giầu nhất vùng.
Từ năm 1996, hắn đã mua máy phát điện riêng và lắp một ăngten parabôn thu 60 kênh. Để có được những tài liệu về Phạm Bá Dìn, Cục Cảnh sát PCTPMT và Cục Cảnh sát Điều tra đã cử nhiều tốp trinh sát về Thành Sơn. Để thâm nhập địa bàn nơi thâm sơn cùng cốc này, các trinh sát đã phải đóng đủ các vai từ người đi buôn trâu, buôn gỗ đến người làm công tác phòng chống sốt rét, phòng chống bệnh... lở mồm long móng cho trâu bò. Vì trước đó, ta đã bắt một số tên buôn bán ma túy ở các bản lân cận và cũng đúng vào thời điểm Công an Thanh Hóa đang mở chiến dịch truy lùng một số tên khác cho nên Phạm Bá Dìn rất cảnh giác. Hầu như hắn không đi khỏi nhà và nếu đi đâu, hắn thường mang theo dao, súng. Mất hơn một tháng, anh em mới có được tấm ảnh "chân dung" của Dìn và nắm được quy luật sinh hoạt của hắn, cũng như đường đi lối lại trong xã.
Ngày 18-9-1999 anh em CSĐT và trinh sát Cục Cảnh sát PCTPMT lên đường đi bắt tên Dìn.
Khởi hành từ Hà Nội lúc giữa trưa. Đến 6 giờ tối thì anh em tới ngã ba rẽ vào Thành Sơn. Đường bắt đầu xấu khủng khiếp, ôtô không thể đi được nữa, anh em phải thuê xe ôm đi tiếp hai chục cây số mới đến xã. Từ xã, mọi người phải cuốc bộ gần 15km mới tới bản Sơn Thành. Trời đang vào mùa mưa, đường đi thì liên tục lên dốc xuống đèo, qua suối, nhiều đoạn chỉ thấy vực sâu đen ngòm...
Thỉnh thoảng lại thấy tốp đồng bào dân tộc đi săn đêm, đèn pha lắp trên mũ, người mang súng kíp, người khoác súng CKC. Buộc giầy dép treo lên cổ, mọi người bấm ngón chân đến tóe máu trên những đoạn dốc trơn như đổ mỡ. Với lính trinh sát, việc mò mẫm đi đêm, chịu đựng gian khổ là chuyện thường tình, còn với anh em điều tra, ít khi phải đi thế này nên chịu đựng được quả không dễ dàng. Có đồng chí lãnh đạo phòng điều tra án ma túy đã từng vào Sơn Thành nhưng là đi ban ngày, nay đi đêm cũng thấy ớn. Vào đến bản là gần 1 giờ sáng ngày 19. Lúc này, nhà tên Dìn vẫn khá đông người. Hóa ra hắn có đứa con bị ốm, họ hàng đến thăm và cũng nhân thể xem phim. Thấy không thể chờ lâu được, Ban chỉ huy quyết định cứ cho bắt, khám xét. Theo đúng kế hoạch đã vạch ra từ nhà và phân công nhiệm vụ cho từng người, đúng 1giờ 30 phút, anh em ập vào nhà tên Dìn... Không để cho hắn kịp định thần, anh em lập tức khóa tay Dìn sau đó mới đọc lệnh bắt, khám xét. Đây là việc làm bất đắc dĩ, nhưng trong hoàn cảnh này, không thể nào khác được. Chỉ một chút chậm chạp, một giây phút do dự là rất có thể hắn sổng mất và nếu để hắn thoát, có nghĩa là tiến trình điều tra vụ án phải chậm lại, thậm chí phải dừng tại đó.
Thấy Dìn bị bắt, cả bản Sơn Thành náo loạn hẳn lên, mọi người ùn ùn đổ tới. Nhưng rất may, bà con chỉ tới xem và cũng tỏ thái độ ủng hộ anh em công an thực hiện lệnh bắt, khám xét tên Phạm Bá Dìn. Đến gần ba giờ sáng, mọi việc mới hoàn tất. Khi dẫn Dìn đi, bất ngờ vợ hắn lao vào, ôm riết lấy chồng và trước sự ngỡ ngàng của mọi người, chị ta đã hôn chồng, một cái hôn dài đến nghẹt thở.
Trên đường trở ra, mặc dù hắn đã bị khóa tay nhưng anh em vẫn lo hắn chạy trốn. Tuy không nói ra nhưng anh em đều hiểu, nếu hắn chạy, chắc khó mà đuổi được. Vì vậy anh em phải lấy hai sợi dây súng ngắn buộc hai cánh tay hắn và đi hai bên cầm dây dong hắn. Đến những đoạn vực sâu nguy hiểm, anh em phải đi phía bên ngoài, ép hắn đi sát vào vách ta luy, đề phòng hắn lao xuống vực. Mất năm tiếng đồng hồ cuốc bộ thì mới ra đến ngoài đường và khi tống được hắn lên xe đặc chủng, những anh em tham gia bắt hắn nằm vật ra, tưởng như họ không còn chút sức lực nào nữa.
Trở về trại giam, Phạm Bá Dìn mau mắn khai hết quá trình phạm tội của mình cũng như những đồng bọn đã tham gia cùng hắn. Điều duy nhất hắn tỏ vẻ ân hận là... không có cách nào tự sát hay chạy trốn khi bị dẫn từ bản ra.
Chuyên án 998-C (Kỳ 3): Cuộc tình ma quỷ và những cạm bẫy
Sau hai tháng tích cực truy lùng với tất cả mọi quyết tâm, cuối cùng cán bộ chiến sĩ phòng Cảnh sát PCTPMT của Công ... |
Chuyên án 998-C (Kỳ 2): Đi tìm kho báu của Nguyễn Văn Tám
Người ta kiếm tiềm để làm gì nhỉ? Cho đến bây giờ, khi vào trại giam, xác định được mức án của mình là dựa ... |
Chuyên án 998-C (Kỳ 1)
Trước tình hình tội phạm về ma túy ngày một gia tăng, đầu năm 1998, lãnh đạo Bộ Công an đã quyết định thành lập ... |