Ở trong phiên tòa này, vấn đề được bàn luận, tranh cãi gay gắt nhất đó là việc khép tội tham ô cho Nguyễn Xuân Sơn là đã thỏa đáng hay chưa?
Xét xử Hà Văn Thắm: Tập đoàn Dầu khí bác bỏ chủ trương nhận lãi ngoài
Chiều 21-9, phiên xử Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng (Oceanbank) tiếp diễn phần tranh luận của người liên quan quan ... |
Đại án Oceanbank: Nước mắt lã chã của những người đàn ông
Suốt nhiều ngày xét xử đại án Oceanbank, không ít nam bị cáo đã bật khóc nức nở trước vành móng ngựa. |
Phiên tòa xét xử vụ án Oceanbank đang bước vào giai đoạn cuối. Mức án mà Viện Kiểm sát đề xuất cho những người chịu trách nhiệm chính trong vụ này là rất cao.
Qua những buổi tranh tụng tại phiên tòa, qua những lời bào chữa của luật sư và những lời tự bào chữa của những người như Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn… có thể thấy rằng phiên tòa đã diễn ra khá suôn sẻ và dân chủ.
Tuy vậy, ở trong phiên tòa này, vấn đề được bàn luận, tranh cãi gay gắt nhất đó là việc khép tội tham ô cho Nguyễn Xuân Sơn là đã thỏa đáng hay chưa?
Ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia; cựu Tổng Giám đốc OCeanbank. (Ảnh: Lao Động). |
Các luật sư đã bào chữa, các bị cáo đã trình bày trước tòa đều cho rằng cáo buộc Nguyễn Xuân Sơn tham ô là có phần áp đặt.
Tại phiên tòa này, có vẻ như cáo trạng của Viện Kiểm sát đã khép Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn vào các tội, nhưng không chỉ ra họ đã phạm tội trong hoàn cảnh nào.
Hà Văn Thắm đã khẳng định rằng: “Nguyễn Xuân Sơn có muốn tham ô cũng không tham ô được”. Bởi lẽ, “Oceanbank đã có những quy trình kiểm soát tài chính khá chặt chẽ”.
Còn việc Nguyễn Xuân Sơn lấy tiền mang đi “chăm sóc khách hàng”, đó là chuyện các ngân hàng lúc bấy giờ đều làm.
Vào bối cảnh những năm 2009-2010, hệ thống ngân hàng của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ lạm phát, nợ xấu, bởi các chính sách về tài chính tiền tệ của chúng ta ngày đấy bộc lộ quá nhiều thiếu sót.
Một nền kinh tế bị “vàng hóa”, “đôla hóa” đến cao độ. Thị trường tài chính tiền tệ trở nên hỗn loạn và các ngân hàng kể cả ngân hàng cổ phần thương mại lẫn ngân hàng nhà nước đều đua nhau tăng lãi suất và kèm vào đó là đua nhau “chăm sóc khách hàng”.
Việc “chăm sóc khách hàng” vào giai đoạn đó được cho là đương nhiên, bởi muốn tồn tại thì phải chăm sóc khách hàng một cách “chu đáo”. Cho nên, việc Nguyễn Xuân Sơn phải mang tiền đi “chăm sóc khách hàng” cũng là như vậy.
Và nếu không làm thì ngân hàng sẽ không tồn tại, bởi khách hàng sẽ mang đi gửi ở ngân hàng có sự “chăm sóc” tốt hơn.
Nguyễn Xuân Sơn đã bị khép vào tội tham ô, bởi cho rằng Nguyễn Xuân Sơn đã lấy tiền nhà nước mà cụ thể là trong số tiền 800 tỷ đồng mà PVN góp vốn.
Về việc này, xin trích dẫn một đoạn trong bản bào chữa của luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho bị cáo Hà Văn Thắm, đây cũng là lời bào chữa chung cho các bị cáo trong vụ án, trong đó có Nguyễn Xuân Sơn.
“Trước hết, theo quy định tại Điều 278 và Điều 280 Bộ luật hình sự, hành vi của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn có cấu thành hay không? Đề nghị Hội đồng xét xử thận trọng xem xét, đánh giá các nội dung, căn cứ mà Luật sư đã nêu trong quan điểm bào chữa cho bị cáo Sơn theo góc độ pháp lý, căn cứ vào quy định của pháp luật.
Tôi xin nhấn mạnh rằng, bị cáo Sơn không chiếm đoạt, thậm chí không thể chiếm đoạt được số tiền này, nhất là 49 tỷ đồng xác định của PVN như quy kết, bởi lẽ về số tiền 49 tỷ xác định của PVN:
Căn cứ để đưa ra số liệu này là kết quả của phép tính về số học thuần túy, dưới góc độ số học thì đây là con số đúng, bất kỳ ai đã học toán đều có thể thực hiện phép tính để tính ra số liệu này.
Nhưng, xem xét, đánh giá dưới góc độ pháp lý thì phép tính và số liệu này đã khách quan, phù hợp tư duy trong lĩnh vực doanh nghiệp, quản lý, kinh doanh, kế toán và đúng thực tế không? Cần được xem xét lại.
Để ra con số này, Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát đã “hồn nhiên” tự đặt phép tính như đại diện PVN đã phát biểu tại phiên tòa trong phần thẩm vấn mà không dựa trên nguồn gốc, căn cứ phát sinh ra số tiền này như thế nào.
Thậm chí, chính PVN được xác định là nguyên đơn dân sự trong hành vi này cũng không tự xác định được mình có bị chiếm đoạt không?
Đặc biệt, không có đơn yêu cầu xác định mình bị gây thiệt hại theo quy định tại Điều 52 Bộ luật tố tụng hình sự mà chỉ đề nghị theo quyết định, phán quyết của Cơ quan tiến hành tố tụng.
Việc xác định PVN bị chiếm đoạt hơn 49 tỷ đồng hoàn toàn do Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát tự tính trên cơ sở đặt phép tính theo tư duy của mình.
Như vậy, tính khách quan và giá trị chứng minh về quy kết này cần được đánh giá lại cho phù hợp.
Thực chất, PVN có bị chiếm đoạt số tiền này không? Hồ sơ thể hiện cũng như diễn biến phiên tòa cho thấy không có căn cứ phù hợp các quy định liên quan.
Thậm chí, PVN là đơn vị được các Cơ quan tiến hành tố tụng xác định bị chiếm đoạt số tiền này cũng không thể xác định đây là tiền gì, là vốn góp? Lợi nhuận? hay cổ tức thuộc sở hữu của mình (PVN).
Trong khi đó, hồ sơ cũng như diễn biến tại phiên tòa qua lời khai của các bị cáo thể hiện:
- Toàn bộ số tiền dùng chi lãi ngoài (theo Cáo trạng xác định hơn 1.576 tỷ, trong đó có hơn 246 tỷ kết luận là Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm đoạt) hoàn toàn không lấy từ vốn điều lệ của Ngân hàng Đại Dương.
Bởi, vốn điều lệ để dùng cho việc trang bị, đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư chứng khoán, mở các công ty trực thuộc và lập các loại quỹ theo quy định, không dùng để luân chuyển trong hoạt động kinh doanh mà số tiền này được lấy từ kết quả kinh doanh (từ phần lãi của hoạt động cho vay). Như vậy, khoản tiền 49 tỷ này không được lấy từ vốn điều lệ (vốn góp).
- Nếu xác định đây là lợi nhuận thì trước khi chia cổ tức, phần lợi nhuận còn phải chịu nhiều khoản phải chi theo quy định như trích lập quỹ dự phòng, thuế,… lãi còn lại mới được chia.
Hơn nữa, để xác định lỗ, lãi, cổ tức được chia,… còn phải qua kiểm toán báo cáo tài chính để xác định rồi mới thực hiện, không phải tự cá nhân, tổ chức nào (kể cả cổ đông chiến lược hay bất kỳ cơ quan nào khác) tự ý xác định lợi nhuận rồi coi đó là sở hữu của mình được.
Tóm lại: Số tiền 49 tỷ này không có căn cứ, cơ sở để xác định là sở hữu của PVN nên Nguyễn Xuân Sơn không thể chiếm đoạt của PVN được, vì đã phải của PVN đâu mà bị chiếm đoạt?...".
Người xưa có câu: “Xưa phải nay trái, nhất thiết không bàn. Nhân trước quả sau, bao giờ vẫn thế”. Việc Nguyễn Xuân Sơn phạm tội, vi phạm pháp luật phải đưa ra xét xử đó là chuyện bình thường.
Nhưng cũng không nên lấy cách suy nghĩ của ngày hôm nay, quan điểm của ngày hôm nay, để phán xét những việc làm của họ từ nhiều năm trước.
Còn nếu như, cứ lấy cách nghĩ cách làm của ngày hôm nay mà áp vào việc làm ngày trước, ngày xưa thì có lẽ không thể nào xử cho hết được.
Ngày ấy, tư duy cách nghĩ là thế, cách làm là thế, cho nên xử đúng người, đúng tội là quan trọng, nhưng còn quan trọng hơn là xử phải có lý và có tình.
Với những gì mà chúng ta đã được chứng kiến tại phiên tòa này, chúng ta có quyền hy vọng rằng Hội đồng xét xử cũng sẽ lắng nghe những ý kiến của các luật sư, xem xét đến hoàn cảnh phạm tội của các bị cáo.
Và rất mong Hội đồng xét xử hãy đặt ra câu hỏi: “Nếu vào thời ấy mà các ngân hàng không tăng lãi suất, không chăm sóc khách hàng thì liệu ngân hàng có tồn tại được không?”.
http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Chut-suy-ngam-ve-vu-an-Oceanbank-post179859.gd