Chương trình các môn học mới có nhiều thay đổi

Học âm nhạc từ cấp ba, môn Ngữ văn chỉ còn 6 tác phẩm bắt buộc, Tin học trở thành môn quan trọng là những thay đổi trong chương trình mới.

Mới đây, Ban phát triển các chương trình môn học đã hoàn thiện dự thảo chương trình 19 môn học và hoạt động giáo dục ở các cấp (trừ môn Ngoại ngữ 1 đang được hoàn thiện theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020). Chương trình bộ môn này đang được lấy ý kiến đông đảo từ phía dư luận.

Âm nhạc sẽ có ở cấp THPT

Về âm nhạc, chương trình phổ thông mới sẽ mở rộng phạm vi đối tượng giáo dục khi lần đầu tiên được dạy ở cấp THPT.

Ở bậc THPT, Âm nhạc là môn lựa chọn, không bắt buộc tất cả học sinh học. Do đó, không nhất thiết tất cả trường phải có ngay và có đủ giáo viên Âm nhạc.

chuong trinh cac mon hoc moi co nhieu thay doi
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có nhiều sự thay đổi ở các cấp. Ảnh minh họa: Anh Tuấn.

Các trường cũng có thể mời giảng viên trường nghệ thuật, mời nghệ nhân hoặc giáo viên Âm nhạc ở THCS giảng dạy một số nội dung phù hợp.

Các sở GD&ĐT nên chọn một số trường THPT để thí điểm việc triển khai giảng dạy Âm nhạc trước khi nhân rộng.

Theo Ban phát triển chương trình môn học, các thầy cô cần tiếp tục phát huy những ưu điểm về phương pháp dạy học đang vận dụng, đồng thời nên nhìn nhận tích cực trước sự thay đổi của chương trình môn Âm nhạc mới.

Chương trình mới xây dựng những bối cảnh học tập đa dạng, với sự phong phú về nội dung và các hoạt động học tập, nhằm đáp ứng nhu cầu, sở thích của học sinh; tạo được cảm xúc, niềm vui và hứng thú trong học tập.

Ngữ văn chỉ còn 6 tác phẩm bắt buộc

Ngữ văn được dạy từ lớp 1 đến lớp 12. Ở tiểu học, môn này có tên Tiếng Việt; ở THCS và THPT là Ngữ văn.

Về nội dung, điểm khác biệt nhất của chương trình môn Ngữ văn so với trước đây là được xây dựng xuất phát từ các phẩm chất và năng lực cần có của người học để lựa chọn nội dung dạy.

Các kỹ năng giao tiếp (đọc, viết, nói và nghe) được chọn làm trục chính xuyên suốt cả ba cấp học. Đọc bao gồm đọc đúng và đọc hiểu. Trong đó, việc đọc hiểu gồm các yêu cầu hiểu văn bản (cả đọc thẩm mỹ, cảm thụ, thưởng thức, đánh giá) và hiểu chính mình (người đọc).

Kỹ năng viết không chỉ yêu cầu học sinh biết viết chữ, viết câu, viết đoạn mà còn tạo ra được các kiểu loại văn bản, từ thông dụng đến phức tạp. Căn cứ nội dung của đọc và viết, học sinh sẽ được luyện tập cách trình bày, nói và nghe tự tin, có hiệu quả; từ nói đúng đến nói hay.

Chương trình môn Ngữ văn mới được xây dựng theo hướng mở, không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể. Cả chương trình chỉ còn 6 tác phẩm văn học bắt buộc gồm: Nam quốc sơn hà tương truyền của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh.

Phương pháp giáo dục và đánh giá học sinh cũng được thay đổi. Thay vì thiên về đọc - chép như trước đây, giáo viên tổ chức lớp học, các hoạt động giáo dục theo hướng khuyến khích học sinh trao đổi và tranh luận, đặt câu hỏi cho mình và cho người khác khi đọc, viết, nói và nghe.

Tin học trở thành môn quan trọng

Theo Ban soạn thảo chương trình, Tin học giữ vai trò chủ đạo trong việc chuẩn bị cho học sinh khả năng tiếp nhận, mở rộng tri thức và sáng tạo trong thời đại thông tin, kết nối và toàn cầu hóa.

Môn học cũng hỗ trợ đắc lực học sinh tự học và tập nghiên cứu; tạo cơ sở vững chắc cho việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, phục vụ phát triển nội dung kiến thức mới, triển khai phương thức giáo dục mới và hiện đại cho tất cả môn học.

Vì thế, so với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, vị trí, vai trò của môn Tin học đã thay đổi. Thay vì là môn tự chọn như hiện nay, Tin học trở thành môn bắt buộc có phân hóa, xuyên suốt từ lớp 3 đến lớp 9.

Ở cấp THPT, Tin học là môn được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh, phân hóa theo hai định hướng “Tin học ứng dụng“ và “Khoa học máy tính“ trong chương trình hiện hành không phân hóa.

Ban soạn thảo xác định môn Tin học sẽ kế thừa chương trình hiện hành, khai thác chương trình tin học phổ thông của các nước tiên tiến; đảm bảo tính cơ bản, khoa học và sư phạm.

Chương trình chọn lọc nội dung cơ bản hòa quyện của ba mạch tri thức: Khoa học máy tính (Computer Science), Công nghệ thông tin và truyền thông (Information and Communication Technology) và Học vấn số hóa phổ dụng (Digital Literacy); quan tâm đúng mức đến nội dung về đạo đức, văn hóa, pháp luật và ảnh hưởng của tin học lên xã hội.

Nhằm đạt được ba mạch tri thức trên, nội dung của chương trình được tổ chức thành 7 chủ đề lớn xuyên suốt trong cả ba cấp học là: Máy tính và xã hội tri thức; Mạng máy tính và Internet; Tổ chức lưu trữ, tìm kiếm và trao đổi thông tin; Đạo đức, pháp luật và văn hóa trong môi trường số hóa; Ứng dụng tin học; Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính và Hướng nghiệp với tin học.

Địa lý dành 50% thực hành

Trong Chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục địa lý được thực hiện liên tục ở ba cấp học, thông qua các môn Tự nhiên và Xã hội (lớp 1-3), Lịch sử và Địa lý (lớp 4-9), Địa lý (lớp 10-12).

Điểm đặc biệt trong quan điểm xây dựng chương trình môn Địa lý mới là coi trọng thực hành, xem đây là nội dung quan trọng và là công cụ thiết thực để phát triển năng lực học sinh. Do đó, nội dung này được dành 50% thời gian thực học của chương trình.

Chương trình cũng đề cao việc tích hợp và coi trọng tất cả mức độ và loại hình tích hợp. Ví dụ, chương trình có sự tích hợp kiến thức giữa địa lý tự nhiên, địa lý dân cư, xã hội và địa lý kinh tế trong môn học; lồng ghép/liên hệ nội dung liên quan như giáo dục dân số, môi trường, di sản, an toàn giao thông...

Kiến thức các môn học khác như Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử... cũng được đưa vào để làm sáng rõ kiến thức địa lý. Chương trình có sự xuất hiện của các chủ đề có tính tích hợp cao như: phát triển kinh tế biển đảo, biến đổi khí hậu toàn cầu, đô thị hóa ở trên thế giới, văn minh lúa nước ở Đông Nam Á; di sản và bảo vệ, phát huy giá trị di sản trong thời kỳ công nghiệp hóa...

chuong trinh cac mon hoc moi co nhieu thay doi

Chương trình phổ thông mới: Góp ý tâm huyết của người muốn loại \'Chí Phèo\' khỏi SGK

Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền, nghiên cứu sinh tại ĐH Newcastle (Australia) - người từng đề xuất loại bỏ tác phẩm “Chí Phèo” ra khỏi ...

chuong trinh cac mon hoc moi co nhieu thay doi

GS.TS Phạm Tất Dong: Cần có hệ thống giáo dục mở đích thực

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đề xuất tới đây, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục cần ...

https://news.zing.vn/chuong-trinh-cac-mon-hoc-moi-co-nhieu-thay-doi-post812433.html

/ Zing