- WHO kêu gọi các nước đẩy nhanh ứng phó với biến đổi khí hậu
- Biến đổi khí hậu phức tạp, cần phải “cảnh báo và hành động sớm”!
Sau các cuộc đàm phán kéo dài, 27 thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về việc cải cách thị trường các bon của khối, nhằm cắt giảm khí thải. Thỏa thuận đánh dấu một bước tiến lớn trong việc thúc đẩy tham vọng chống biến đổi khí hậu của EU khi liên minh này muốn thoát khỏi năng lượng gây ô nhiễm và đầu tư vào các giải pháp xanh.
Các nhà đàm phán Liên minh châu Âu đã đạt được thỏa thuận về cải cách lại thị trường các bon của khối nhằm cắt giảm khí thải.
Bộ trưởng Môi trường Cộng hòa Séc Marian Jurecka, quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên của EU, cho biết: “Giờ đây, chúng tôi có thể khẳng định rằng EU đã thực hiện đúng lời hứa của mình và điều này đưa chúng tôi đi đầu trong việc chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu”.
Trong khi đó, Nghị viện châu Âu (EP) nêu rõ thỏa thuận này nhằm đẩy nhanh việc cắt giảm khí thải, loại bỏ dần các khoản trợ cấp cho các ngành công nghiệp và nhằm mục tiêu giảm khí thải nhiên liệu từ các ngành xây dựng và giao thông đường bộ.
Thị trường các bon, còn gọi là thị trường mua bán quyền phát thải, hoạt động dựa trên việc trao đổi hạn ngạch khí thải. Theo đó, các tổ chức, doanh nghiệp có lượng phát thải lớn phải trả tiền để mua quyền phát thải, ngược lại nếu các tổ chức, doanh nghiệp có mức phát thải thấp có thể thu được nguồn lợi tài chính. Nói cách khác, thị trường các bon hoạt động dựa trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, từ đó tạo động lực để các doanh nghiệp thúc đẩy đầu tư vào công nghệ sạch, ít phát thải.
Kể từ năm 2005, các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất (phát điện, thép, xi măng...), chiếm 40% lượng khí thải CO2 của EU, đã được yêu cầu mua "giấy phép gây ô nhiễm" trong chương trình mua bán khí thải (ETS). Ý tưởng này khuyến khích quá trình khử các bon và tạo doanh thu cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Nhưng nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền" này đã không làm cho ngành công nghiệp nặng giảm lượng khí thải các bon. Nó được hưởng lợi từ hàng triệu khoản trợ cấp miễn phí, được tạo ra để tránh phải di dời và giá mỗi tấn CO2 từ lâu vẫn còn quá thấp để có thể khuyến khích doanh nghiệp cắt giảm khí thải.
Theo thỏa thuận vừa đạt được, để tạo áp lực lên thị trường, số lượng quyền của người gây ô nhiễm sẽ giảm dần. Theo đó, bắt đầu từ ngày 16-12, các nhà đàm phán đã nhất trí nâng mục tiêu cắt giảm khí thải ở các ngành trong Hệ thống Thương mại khí thải châu Âu lên tổng cộng 62% vào năm 2030. Họ cũng quyết định điều chỉnh tổng mức trần phát thải trong 2 năm tới lần lượt là 90 và 27 triệu tín chỉ các bon, đồng thời mức trần này giảm 4,3%/năm từ năm 2024 đến 2027 và 4,4% từ năm 2028 đến 2030.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay đã gây ra lạm phát ở châu Âu, các nhà đàm phán đã đồng ý thành lập một quỹ xã hội vì khí hậu để hỗ trợ các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và những người lái xe dễ bị tổn thương nhất đối phó với tác động của thị trường mua bán phát thải của EU. Quỹ gồm hàng chục tỷ euro sẽ được triển khai theo từng giai đoạn từ năm 2026...
Pascal Canfin, Chủ tịch Ủy ban Môi trường của Nghị viện châu Âu cho biết, về lâu dài giá các bon sẽ vào khoảng 100 euro/tấn sau cải cách. Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ từ Mạng lưới Hành động khí hậu châu Âu lưu ý, EU cần giảm đến 70% lượng khí thải để "chia sẻ sự công bằng" trong việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C.
Thỏa thuận tạm thời vẫn cần được Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu chính thức thông qua vào tháng 1 hoặc tháng 2 năm tới. Dù một số điều khoản của cuộc cải cách thị trường các bon đã bị giảm bớt so với đề xuất ban đầu khi EU phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng sau cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng khối này quyết tâm biến cuộc "đại tu xanh" trở thành nền tảng cho chiến lược tăng trưởng, tạo tiền lệ cho các quốc gia và khu vực khác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.