Chuẩn bị chia phần

Vòng đàm phán lần thứ 6 giữa Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ và hai phe chống đối nhau ở Syria chỉ là quan sát viên ở Astana về tương lai của Syria.

chuan bi chia phan
Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn bị không kích rạng sáng 16.9. Ảnh: Reuters

Vòng đàm phán lần thứ 6 giữa Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ và hai phe chống đối nhau ở Syria chỉ là quan sát viên ở thủ đô Astana của Kazakhstan về tương lai của Syria kết thúc với thoả thuận về phân định vùng đệm giảm căng thẳng ở Idlib, vùng thứ 4 ở Syria sau Homs, miền nam Syria (giữa Nga và Mỹ) và ở Ghouta gần thủ đô Damascus.

Thay đổi cục diện

Thoả thuận này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì Idlib là thủ phủ của lực lượng được Mỹ hậu thuẫn chống chính phủ ở Syria, trong khi ở những nơi kia vốn do lực lượng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) kiểm soát. Qua đó có thể thấy không chỉ có IS mà cả lực lượng chống chính phủ ở Syria - cho dù được Mỹ, Israel và nhiều nước khác nữa hậu thuẫn cả về chính trị lẫn quân sự và tài chính - đều bị liên quân giữa quân đội Chính phủ Syria và quân đội Nga đẩy lùi.

Tương quan lực lượng và cục diện tình hình ở nơi đây đã biến chuyển thuận lợi cho ai và bất lợi cho ai, đều có thể thấy được qua tuyên bố của Nga là Chính phủ Syria hiện đã kiểm soát được 85% lãnh thổ. Cho tới cách đây chỉ có 2 năm thôi, điều này bị coi là không tưởng ở Syria, bởi gần như không ai tin rằng phe Chính phủ Syria có thể xoay chuyển được tình hình ngoạn mục đến như thế. Cho nên lần đàm phán này ở Astana, các bên liên quan tham dự bắt đầu tính đến chuyện chia phần sau cuộc chiến.

Đối với IS ở cả Syria lẫn Iraq, những ngày tàn đã bắt đầu. Chuyện tiếp tục kiên định quyết tâm và nỗ lực để xoá sổ IS được quyết định mà gần như không cần phải được bàn thảo gì. Phe chống đối chính phủ ở Syria cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt để hoan nghênh và chấp nhận thoả thuận giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran về thiết lập vùng đệm giảm căng thẳng ở chính nơi thánh địa của mình, bởi họ đã ý thức được rằng không còn có thể lật đổ được nữa chính thể của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria bằng quân sự, nên phải nhanh chóng thức thời để vớt vát vai trò chính trị trong tương lai của đất nước này. Cụ thể là phải tìm cách có chân, có phần, có vai trò và có ảnh hưởng trong giải pháp chính trị cho vấn đề Syria.

Phe này không thể không thấy cay đắng khi bị mọi đồng minh buông rơi trên thực tế. Mỹ cung cấp vũ khí cho họ thật đấy, nhưng đâu có bõ bèn gì trước ưu thế về quân sự của phe bên kia. Thổ Nhĩ Kỳ vốn ủng hộ họ lúc ban đầu thật đấy, nhưng giờ đã hy sinh họ để đổi lấy cải thiện quan hệ với cả Nga lẫn Iran vì nhiều lợi ích chiến lược khác nữa, chứ không phải chỉ có riêng về chia chác nhau chiến lợi phẩm ở Syria sau chiến tranh và nội chiến. Saudi Arabia và những đồng minh khác đã nhanh chóng bỏ họ để chạy cứu chính mình như thể chạy tránh mưa từ lúc mưa chưa đổ. Israel và Mỹ thỉnh thoảng tiến hành vài cuộc không kích nhằm vào quân đội Chính phủ Syria thật đấy, nhưng tất cả những hoạt động quân sự này đều không có ý nghĩa và giá trị lớn về chiến lược cũng như chiến thuật. Trong khi đó chính lực lượng này đã bắt đầu trở thành mục tiêu tấn công quân sự của Nga - cho dù điều này vẫn bị Nga bác bỏ.

Láng giềng bất ổn

Syria thì sẽ như thế, nhưng mấy nước láng giềng thì triển vọng chưa thể đã chắc chắn. IS bị đẩy lùi và cuối cùng rồi cũng sẽ bị xoá sổ ở Iraq, nhưng Iraq chưa thể vì thế mà sẽ được an bình. Người Kurd đã quyết định tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập riêng vào ngày 25.9 tới, và mọi dấu hiệu đều cho thấy kết quả sẽ thuận cho ý định của người Kurd ly khai Iraq. Ở Libya, cuộc nội chiến, tranh giành quyền lực nội bộ và cả cuộc chiến tranh với IS sẽ vẫn còn tiếp diễn. Ở Trung Đông, mối bất hoà giữa Israel với Hamas ở Palestine và Hezbollah ở Lebanon sẽ còn trầm trọng thêm.

Trong môi trường chính trị an ninh như thế, diễn biến tình hình chính trị an ninh, chiến tranh và hoà bình ở Syria xem ra tích cực và sáng sủa hơn nhiều. Bộ ba Nga, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ từ Syria mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra toàn khu vực, cũng như tăng cường vai trò và ảnh hưởng của họ trong tất cả mọi chuyện liên quan đến khu vực.

Bị đẩy lùi ảnh hưởng và vai trò như thế ở Syria là thất bại lớn ở tầm chiến lược và địa chính trị đối với Mỹ. Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa nhiều bên với nhau ở khu vực này vì thế sẽ trở nên rất quyết liệt. Ở đâu cũng vậy thôi, giải quyết được vấn đề này thì sẽ lại nảy sinh ra chuyện khác phức tạp và nan giải không kém, nếu như không muốn nói là còn hơn.

/ Lao Động